Hợp tác cùng phát triển

Nhận định thị trường ngày 11.03.2019: Thị trường tạm cân bằng nhưng rủi ro tiềm ẩn

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/03/2019    430

Chia sẻ

Các chỉ số và nhiều cổ phiếu có sự hồi phục nhẹ trở lại ở trạng thái cân bằng trong phiên hôm nay với mức độ phân hóa cao. Các thị trường Châu Á cũng hồi phục tốt trở lại trong phiên hôm nay sau các phiên giảm liên tiếp nên thị trường Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ tâm lý đáng kể. VNIndex có nhiều lần biến động tăng giảm nhẹ trong phiên và chốt phiên ở trạng thái cân bằng. VNIndex đóng cửa ở 984.6 điểm giảm 0.65 điểm và VN30 đóng cửa ở 916.24 điểm tăng 1.5 điểm với thanh khoản toàn thị trường khi loại bỏ giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 3.500 tỷ đồng sụt giảm khá mạnh so với mức 4.800-5.000 tỷ các phiên gần đây

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn biến động trái chiều trong đó ở phía chiều tăng là NVL; VRE; VNM; VIC; BHN; TCB; MWG; VJC….hỗ trợ cho chỉ số trong khi chiều giảm là  VHM; GAS; BID; POW; VCB; MSN; CTG; HPG…gây ra áp lực kéo xuống. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đa số giảm điểm nhẹ như VCB; BID; CTG; MBB; STB; TPB; LPB -2.2% trong khi ACB; TCB; VPB; VIB tăng nhẹ…Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán diễn biến tích cực hơn với duy nhất VCI -2.6% trong khi SSI; HCM; VND; MBS; SHS; FTS đóng cửa ở tham chiếu. Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí đồng loạt giảm điểm dẫn đầu là PVB -3.2%; OIL -1.4%; PVS -1.9%; GAS; BSR; PLX; PVD giảm nhẹ. Nhìn chung, số lượng cổ phiếu tăng và giảm ở tương quan tương đương nhau thể hiện sự phân hóa khá mạnh. Ở góc độ tích cực nhiều cổ phiếu thu hút được dòng tiền và có mức tăng tốt như LHG +6.8%; NVL +4.5%; TCM +4.2%; VRE +2.3%; HSG +4.3%; PHR +3.4%; AAA +3.5%; TNG +5.7%; NDN +5.3%; NTC +3.5%;

Khối nhà đầu tư ngoại giao dịch ở quy mô giao dịch kém sôi động phiên hôm nay với mức mua bán cân bằng trên sàn HOSE. Các cổ phiếu được tích cực mua ròng là E1VFVN30; VRE; NVL; MSN; SSI; VIC; PLX; KBC; CII…và ở chiều ngược lại lực bán ròng tập trung vào VNM; HPG; HBC; POW; BID; VHM…

Thị trường hồi phục và cân bằng trở lại với mức độ phân hóa cao trong khi thanh khoản sụt giảm tương đối do tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn sau các phiên giảm tuần trước. Áp lực giảm của các thị trường chứng khoán quốc tế đang quay trở lại trong khi nội tại thị trường Việt Nam vẫn khá tốt với dòng tiền vận động tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá ở giai đoạn hiện tại rủi ro ngắn hạn vẫn cao hơn cơ hội kiếm lợi nhuận bởi số lượng cổ phiếu lớn suy yếu ngày càng tăng. Chiến lược hợp lý lúc này vẫn là cân đối lại danh mục để phòng ngừa rủi ro theo hướng bán các cổ phiếu yếu trước và giữ lại cổ phiếu còn động lực tăng cũng như chờ đợi cơ hội mua chọn lọc trở lại nếu VNIndex xảy ra các đợt điều chỉnh về quanh 950 điểm.

Thông tin chi tiết Quý nhà đầu tư vui lòng đọc báo cáo đính kèm tại đây.

 

 

Phái sinh

VN30 điều chỉnh nhẹ đầu phiên theo dư âm của phiên sụt giảm cuối tuần trước. Hoạt động bán không mạnh nên dòng tiền chớp lấy cơ hội mua giúp điểm số tăng nhẹ cuối phiên. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy tâm lý nhìn chung vẫn rất dè dặt. Mức tăng nhỏ, hoạt động giao dịch chưa hào hứng nên khối lượng vẫn thấp so với mức trung bình 20 phiên. Ở trạng thái này dù tiếp tục đi lên thì VN30 vẫn có thể sụt mạnh và mất hết thành quả bất cứ lúc nào.

Hợp đồng tương lai VN30F1903 bất ngờ tăng mạnh và đóng cửa gần mức cao nhất phiên. Giao dịch cho thấy khá nhiều trong nhu cầu mua là để đóng vị thế bán trước đó. Bằng chứng là số vị thế mở giảm và khối lượng giao dịch ở mức trung bình mặc cho giá  tăng.

Nhìn bức tranh lớn của các cổ phiếu trong danh mục VN30 chúng tôi thấy các cổ phiếu HPG, CTG, VJC, TCB giao dịch ở đỉnh điểm thanh khoản (buying climax). Đây không phải là dấu hiệu tốt vì bức tranh lớn của các cổ phiếu này yếu. Động lực tăng của VN30 đến từ VCB, MSN, VRE, VHM và VIC.

Chỉ số VN30 theo góc nhìn của chúng tôi vẫn yếu xét trong xu hướng lớn. Tuy vậy, dòng tiền thị trường vẫn đủ sức tạo ra bức tranh dao động trong biên độ 50 điểm quanh mức 900.

Phiên giao dịch tới VN30 có thể tiếp tục trạng thái biến động nhỏ theo hướng tiếp tục phục hồi nhờ một số cổ phiếu như VCB, VRE, MSN NVL và VNM…. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ giao dịch mua ngắn hạn không có lợi thế. Chiến lược giao dịch nên ưu tiên mở vị thế bán khi giá hợp đồng tương lai phục hồi.

Thông tin chi tiết Quý nhà đầu tư vui lòng đọc báo cáo đính kèm tại đây.