Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast sáng 12/01/2023 – Ngân hàng thế giới giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023

Nhận định Thị trường hàng ngày 12/01/2023    1258

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Ngân hàng thế giới giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023

– Theo Ngân hàng thế giới, do điều kiện kinh tế mong manh, bất kỳ diễn biến bất lợi mới nào, chẳng hạn như lạm phát cao hơn dự kiến, lãi suất tăng đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang, có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 80 năm xảy ra 2 cuộc suy thoái toàn cầu trong cùng một thập kỷ.

– Theo Ngân hàng thế giới, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 1,7% vào năm 2023 và 2,7% vào năm 2024. Tăng trưởng suy giảm mạnh dự kiến sẽ lan rộng, với dự báo điều chỉnh giảm đối với 95% nền kinh tế phát triển và gần 70% các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (EMDE) vào năm 2023. Trong 2 năm tới, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển được dự đoán ở mức trung bình 2,8% – thấp hơn một điểm phần trăm so với mức bình quân trong giai đoạn 2010-2019. Tại khu vực châu Phi Hạ Sahara – nơi khoảng 60% số người nghèo cùng cực trên thế giới đang sinh sống – tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2023-2024 dự kiến chỉ ở mức 1,2%, đây là mức tăng có thể khiến tỷ lệ nghèo tăng chứ không giảm.

– Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển được dự đoán sẽ chậm lại, từ 2,5% vào năm 2022 xuống còn 0,5% vào năm 2023. Trong 2 thập kỷ qua, sự suy giảm lớn cỡ này thường báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống 0,5% vào năm 2023 – thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó và là mức tăng trưởng thấp nhất ngoài các đợt suy thoái chính thức kể từ năm 1970. Trong năm 2023, tăng trưởng của khu vực đồng Euro dự kiến ở mức 0% – điều chỉnh giảm từ mức dự báo 1,9% trước đó. Tại Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng được dự đoán là 4,3% vào năm 2023 – thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với các dự báo trước. Nếu loại trừ Trung Quốc, tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ giảm từ 3,8% năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023, phản ánh nhu cầu trên thị trường nước ngoài giảm đáng kể cộng với lạm phát cao, đồng tiền mất giá, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và các khó khăn khác ở trong nước. Đến cuối năm 2024, mức GDP ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển sẽ thấp hơn khoảng 6% so với mức dự kiến trước đại dịch. Mặc dù dự kiến sẽ ở mức vừa phải, nhưng lạm phát toàn cầu sẽ vẫn cao hơn mức trước đại dịch.

– Báo cáo đưa ra đánh giá toàn diện đầu tiên về triển vọng trung hạn đối với tăng trưởng đầu tư tại các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển. Trong giai đoạn 2022-2024, tổng số vốn đầu tư vào các nền kinh tế này có khả năng tăng khoảng 3,5% mỗi năm—thấp hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 2 thập kỷ trước. Báo cáo đề xuất một loạt các phương án cho các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng đầu tư.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt cho vay đầu tư kinh doanh Bất động sản trong năm 2023

– Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các Tổ chức tín dụng. Cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 5/12/2022 đến ngày 15/12/2023

– Kết quả điều tra cho thấy, năm 2023, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là lĩnh vực có số lượng tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu tín dụng “tăng” nhiều nhất, xếp thứ 2 là lĩnh vực xây dựng, tiếp theo là lĩnh vực đầu tư vận tải kho bãi và kinh doanh xuất nhập khẩu.

– Dự báo 6 tháng tới và năm 2023, các tổ chức tín dụng quan ngại mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các lĩnh vực ngoại trừ một số lĩnh vực cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng rủi ro giảm. Hai lĩnh vực được dự báo vẫn tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.

– Trong nhóm được khảo sát, chỉ có 19,2% tổ chức tín dụng dự kiến “thắt chặt nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình trong 6 tháng đầu năm 2023 và 20,2% dự báo thắt chặt cho cả năm 2023. Tuy nhiên mức độ thắt chặt đã giảm so với 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022. Dự kiến “thắt chặt” chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực “Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”, “Cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, khoản vay trung, dài hạn và khoản vay bằng ngoại tệ

– Có thể thấy, cho cả năm 2023, phần lớn các tổ chức tín dụng đều dự báo sẽ giữ nguyên tiêu chuẩn tín dụng (chiếm khoảng 61 – 64%). 16 – 17% dự báo sẽ nới lỏng. Còn lại dự báo sẽ thắt chặt nhẹ. Sở dĩ nguyên nhân dẫn đến dự báo này của các tổ chức tín dụng đến từ mức độ rủi ro của thị trường, rủi ro từ ngành nghề và rủi ro khách hàng, cùng với đó là những thách thức về triển vọng kinh tế trong năm 2023.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Thị trường chứng khoán: VNINDEX tiếp tục đi ngang

– Thị trường duy trì sắc xanh xuyên suốt phiên giao dịch 11/01/2023, tuy nhiên lực cầu “dè chừng” dịp cận tết, khiến chỉ số tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.055,76 điểm, tương ứng tăng 2,41 điểm (+0,23 %). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 545 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 8.858 tỷ đồng về giá trị. Thanh khoản tiếp tục duy trì mức thấp dưới trung bình 20 ngày.

– Phiên hôm nay, ghi nhận 249 mã tăng chiếm ưu thế so với 137 mã giảm. Trong đó, nhóm chứng khoán (SSI, VCI, VND, …), thép (HPG, HSG, NKG, …), … góp phần giữ đà tăng cho chỉ số. Ngoài ra, một vài cổ phiếu vốn hóa lớn: VHM, SAB, CTG, ACB, HPG, … nằm trong top cổ phiếu đóng góp tích cực. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành riêng lẻ như: VCB, VNM, EIB, VRE, … là các mã nằm trong top cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index.

– Về khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị hơn 244 tỷ, tập trung mua ròng ở các mã: CTG (+47 tỷ), VHM (+28 tỷ), VIC (+29 tỷ), … Ngược lại, bán ròng ở các mã: VCB (-30 tỷ), VNM (-27 tỷ), DGC (-20 tỷ), …

– VN-Index tiếp tục đi ngang và tăng nhẹ trong phiên giao dịch 11/01/2023 với mức thanh khoản gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Điều này cho thấy là tâm lý nhà đầu tư đang nghiêng về việc nghỉ Tết sớm nên dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài thị trường. Nhà đầu tư dài hạn có thể sẵn sàng cho các cơ hội mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp tốt với mức định giá hợp lý trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.

• Năm 2023 – Lợi suất trái phiếu chính phủ đối diện nhiều áp lực tăng

– Trong năm 2023, lãi suất huy động và lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng, trong đó áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất dự báo đi ngang hoặc thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm

– Trong bối cảnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng sẽ chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2023, bao gồm ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng cao tiếp tục tăng gây khó khăn về nguồn vốn với nhiều tổ chức tín dụng. Thanh khoản tiếp tục suy giảm khi triển vọng diễn biến giá của các loại trái phiếu kém lạc quan

– Danh mục trái phiếu chính phủ hiện tại đang có kỳ hạn còn lại là 10,02 năm với mức lãi suất trung bình 4,03%/năm. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất vẫn đang tăng, sẽ rất khó để duy trì được mặt bằng lãi suất và hạn còn lại thấp như năm 2022

– Dự báo lãi suất trái phiếu 10 năm khả năng đạt đỉnh quanh ngưỡng 5,5%/năm với khoảng thời gian đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm. Nửa sau năm 2023, hoàn toàn có thể chứng kiến nhịp giảm của lợi suất trong điều kiện mặt bằng lãi suất ngừng tăng

– Nhìn chung, lãi suất – chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng là thông tin không tích cực với nền kinh tế. Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm, xu hướng này cũng đã đang và sẽ được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Điểm tích cực là việc Ngân hàng nhà nước đã đưa ra thông điệp về việc tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trong điều kiện thuận lợi, mặt bằng lãi suất kỳ vọng đạt đỉnh trong nửa đầu 2023, sau đó đi ngang và hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Thị trường bất động sản Việt Nam cần trải qua quá trình thanh lọc để phát triển tốt hơn

– Các vấn đề liên quan trái phiếu và các cuộc điều tra có liên quan đang tác động đến thị trường vốn cho bất động sản. Song, chuyên gia của Savills khẳng định cũng giống như bất kỳ quốc gia mới nổi khác trên thế giới, Việt Nam cần phải trải qua quá trình này, chúng ta cần có quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ các nhà đầu tư. Do đó, ông cho rằng đây là cách mọi thứ nên được diễn ra. Điều chúng ta cần kỳ vọng là quá trình điều chỉnh sẽ giúp môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện theo hướng minh bạch và phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều quốc gia khác đã trải qua quá trình tương tự nên chắc chắn sẽ gây ra một số vấn đề với kỳ hạn nợ và quá trình trả nợ của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ phải tìm đến những nguồn vốn khác trong trung và ngắn hạn. Tuy nhiên, hệ quả này chỉ mang tính chất tạm thời và cuối cùng sẽ được giải quyết để mang lại lợi ích cho toàn bộ thị trường vì nó sẽ minh bạch hơn, quy định chặt chẽ hơn và sau đó sẽ ít vấn đề hơn”, ông phân tích.

– Một vấn đề lớn đối với các chủ đầu tư không có kế hoạch phát triển dài hạn hay dự án trong tương lai. Khi không thể phát triển dự án mới, các chủ đầu tư sẽ gặp vấn đề về dòng tiền kinh doanh.

– Theo chuyên gia Savills Việt Nam, điểm tích cực cần chú ý trong năm vừa qua là Việt Nam đã có quy hoạch cho các tỉnh, quy hoạch tổng thể được Nhà nước phối hợp chỉ đạo rất mạnh mẽ. Điều này cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản dịch chuyển sang các tỉnh lân cận khác ngoài các đô thị lớn. Chúng ta đã thấy quá trình này đối với TP HCM là Bình Dương, Đồng Nai hay với Hà Nội là Hưng Yên, Bắc Giang… Vì vậy, nhiều điều khả quan đang chờ đợi trong thời gian tới.

– Những thay đổi trong ngắn hạn là cần thiết để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai. Sự chậm lại của thị trường là một khoảng lặng để thanh lọc và sàng lọc, giúp những doanh nghiệp có cơ bản tốt, dòng tiền tốt, tài sản tốt sẽ được hưởng lợi và phát triển thị trường bất động sản hiệu quả hơn.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 12/01/2023 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-