Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast sáng 11/01/2023 – Việc khơi thông lực cầu và minh bạch hóa thông tin trái phiếu lúc này là hết sức cần thiết

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/01/2023    1225

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030

– Trước khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

– Quốc hội thống nhất, giai đoạn 2031 – 2050 phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 – 7,5%/năm. Đến năm 2050 GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 – 75%; Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

– Còn đến năm 2030, kinh tế phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

– Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp – xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tang trưởng đạt trên 50%.

– Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Gói hỗ trợ lãi suất 2% gặp khó khăn do phần lớn các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện, số còn lại thì e ngại việc thanh tra kiểm toán

– Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tiến độ của gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất chậm, nguyên nhân một phần do doanh nghiệp chưa mặn mà và e ngại việc bị thanh tra, kiểm toán

– Theo rà soát của các ngân hàng thương mại, năm 2022, dư nợ của nhóm khách hàng thuộc nhóm được hỗ trợ lãi suất ký kết thỏa thuận cho vay giải ngân khoảng 850.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 750.000 khách hàng. Tuy nhiên, trong số đó có tới 650.000 khách hàng (87%) không đáp ứng được điều kiện; trên 100.000 khách hàng (13%) đáp ứng điều kiện vay thì có 7% khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất, 26% khách hàng chưa phản hồi và 67% khách hàng phản hồi không có nhu cầu hỗ trợ lãi suất.

– Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng không “hào hứng” trong việc đăng ký nhận hỗ trợ lãi suất được cho rằng bản thân doanh nghiệp chưa mặn mà và e ngại rằng, nếu nhận tiền hỗ trợ, sau này bị thanh tra, kiểm toán có thể xảy ra sai sót trong quản lý và sử dụng vốn vay, sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong giải trình và vay vốn trong các lần tiếp theo.

– Về phía các ngân hàng cho vay, do điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi. Việc đánh giá khả năng phục hồi như thế nào cũng đang gặp khó

– Như vậy, năm 2022, các ngân hàng thương mại lên kế hoạch dành khoảng 800.000 tỉ đồng cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 30.000 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 23.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm mới chỉ giải ngân được hơn 78 tỉ đồng. Chúng tôi cho rằng, việc tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới vẫn chưa thể triển khai nhanh được mà còn phải chờ phía Ngân hàng nhà nước và Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Thị trường chứng khoán:Nhóm xây dựng, đầu tư công bất ngờ nổi sóng

– Thị trường tiếp tục trải qua phiên giao dịch giằng co trong biên độ hẹp trong phiên giao dịch 10/01/2023. Xuyên suốt phiên giao dịch, sắc đỏ phủ sóng chiếm ưu thế. Mặc dù, sắc xanh xuất hiện thoáng qua trong phiên chiều với động lực từ nhóm đầu tư công. Kết phiên, VN-Index giảm nhẹ 0.86 điểm, xuống mức 1,053.35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch tăng 15% so với phiên trước, đạt hơn 546 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 9.710 tỷ đồng về giá trị.

– Về mức độ ảnh hưởng, các cổ phiếu VCB, PLX, BID, ACB hay HPG là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Trong khi đó, CTG, SAB, VHMVIClà những mã có đóng góp tiêu cực nhất đến chỉ số này.

– Điểm sáng đến từ khối ngoại khi tiếp tục mua ròng nhiều tuần liên tiếp. Phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng với giá trị hơn 435 tỷ, tập trung mua ròng ở các mã: HPG (+104 tỷ), VNM (+37 tỷ), PVD (+28 tỷ), … Ngược lại, bán ròng ở các mã: VCB (-35 tỷ), KDC (-17 tỷ), DGC (-16 tỷ), …

– Thị trường phiên 10/01 tiếp tục ghi nhận một phiên giao dịch giằng co, và đóng cửa giảm nhẹ, tiếp dục duy trì đi ngang, trong bối cảnh thanh khoản tăng khá nhưng vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy sự giằng co của bên mua và bên bán, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Ở giai đoạn này, nhà đầu tư trading ngắn hạn trong xu hướng sideway có thể gia tăng cổ phiếu tại các mức hỗ trợ gần và hạ tỉ trọng tại các ngưỡng kháng cự để nâng cao sức mua khi cổ phiếu điều chỉnh. Nhà đầu tư dài hạn có thể sẵn sàng cho các cơ hội mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp tốt với mức định giá hợp lý trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.

• Việc khơi thông lực cầu và minh bạch hóa thông tin trái phiếu lúc này là hết sức cần thiết

– Trong thời gian qua, trước sức ép đáo hạn sớm của nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã phải tiến hành hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn. Tổng giá trị mua lại trái phiếu riêng lẻ đã đạt 197.900 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 37,3% so với năm 2021.

– Làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn đã tạo ra những khó khăn rất lớn về dòng tiền cho các nhà phát hành, nhất là các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt và đang trong quá trình sử dụng vốn đó cho các kế hoạch mở rộng kinh doanh.

– Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinRatings nhận định: Bên cạnh những biện pháp nâng cao tính minh bạch của thị trường thì việc khơi thông được lực cầu lúc này là điều hết sức cần thiết. Trong thời gian qua, đề xuất sửa đổi, bổ sung và lùi thời hạn một số quy định mới tại Nghị định 65 cũng đã thể hiện được sự quyết liệt của các cơ quan quản lý trong việc góp phần khôi phục và duy trì dòng chảy của kênh trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ

– Tuy nhiên, để đảm bảo vừa giải bài toán khơi thông ngắn hạn và vừa đảm bảo hạn chế lặp lại các vấn đề hiện có thể xảy ra trong tương lai, ông Thuân đề xuất vẫn cần có các biện pháp mang tính ngắn hạn nhưng vẫn góp phần xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững. Cụ thể, đồng tình với việc kéo giãn thời gian áp dụng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm một năm nhưng chỉ nên giới hạn việc áp dụng đối với các doanh nghiệp có sự minh bạch thông tin tốt, ví dụ doanh nghiệp niêm yết hoặc đã tham gia hoạt động xếp hạng tín nhiệm có công bố đại chúng.

– Bên cạnh đó, hiện có tới 83% giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang lưu hành vào cuối tháng 10/2022 thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết trong khi các thông tin về tổ chức phát hành gần như “vắng bóng”. Do vậy, việc minh bạch thông tin trái phiếu và tổ chức phát hành hiện tại là gốc rễ của vấn đề giúp thị trường trái phiếu hồi phục và niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Thị trường bất động sản trải qua sàng lọc để phát triển bền vững hơn

– Các chuyên gia và đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản dự báo năm 2023 sẽ mở ra cơ hội để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quỹ đất, có tài chính lành mạnh vươn lên sau khi một số “đại gia” phải trải qua đợt tái cấu trúc, thanh lọc mạnh mẽ.

– Báo cáo dự báo thị trường bất động sản năm 2023 do Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) công bố mới đây đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường bất động sản 2023 là: tích cực, kỳ vọng và thách thức.

– Ở mức tích cực, FERI dự báo GDP của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 5,5% – 6,5%, lạm phát 5%-5,5%, lãi suất 10%-11%, tỉ lệ hấp thụ trên thị trường bất động sản sẽ ở mức trung bình và giá bán ổn định. Trong kịch bản kỳ vọng, GDP đạt khoảng 4,5% – 5,5%, lạm phát 6%-7%, lãi suất 14-16%, mức hấp thụ thị trường có thể xuống thấp dưới mức bình quân và giá bán có khả năng điều chỉnh nhẹ. Ở kịch bản thách thức, khi GDP đạt khoảng 3,5%-4,5%, lạm phát khoảng 10%, lãi suất 18%-20%, tỉ lệ hấp thụ sẽ rất thấp và giá bán bị điều chỉnh giảm mạnh hơn.

– Theo TS Phạm Anh Khôi, Viện Trưởng FERI, thị trường BĐS năm 2023 dù ở kịch bản nào vẫn tích cực hơn so với giai đoạn trước. Tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay lạc quan hơn trước với lạm phát và tăng trưởng kinh tế tốt hơn giai đoạn trước rất nhiều. Các chính sách liên quan Luật Đất đai, Luật Nhà ở… đang dần hoàn thiện. Trước đây nguồn cung bất động sản bị dư thừa còn hiện tại cung đang khan hiếm, nhất là phục vụ cho nhu cầu ở thực.

– TS Nguyễn Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn nhận trải qua sàng lọc, những chủ đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, sở hữu quỹ đất sạch, năng lực, uy tín và mạng lưới liên kết ngành lớn, có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chính là những đơn vị đủ tầm để tìm kiếm cơ hội trong khó khăn.

– Thị trường bất động sản trải qua những khó khăn và sàng lọc sẽ là bước đệm để phát triển và tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Kết hợp với những chính sách đang dần được hoàn thiện sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn và thu hút nhiều vốn FDI hơn.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 11/01/2023 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-