Hợp tác cùng phát triển

DCall Podcast sáng 10/01/2023 – Giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1/2023

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/01/2023    1327

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

• Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam 2023 tăng 7,2%

– Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt tốc mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024, tiếp nối đà hồi phục tăng trưởng 8% của năm 2022.

– Các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng, cán cân thương mai có thể được cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu có thể sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu, nhập khẩu có nguy cơ giảm. Bên cạnh đó, vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng nhưng triển vọng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát có thể là mối đe dọa đối với sự phục hồi liên tục của Việt Nam. Lạm phát được dự đoán sẽ tăng trong suốt cả năm 2023, đạt khoảng 6% vào những tháng cuối năm và trung bình 5,5% trong cả năm 2023 và 2024 (so với mức 3,2% năm 2022) – cao hơn chỉ tiêu 4,5% mà Việt Nam đặt ra trong năm nay. Thâm hụt tài khóa của Việt Nam có thể kéo dài và là nguồn gốc của lạm phát, theo tổ chức này.

– Ngân hàng Standard Chartered cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong quý I và giữ nguyên cho đến cuối năm 2024 nhằm duy trì sự ổn định.

– Standard Chartered cho biết, VND đã phục hồi mạnh trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của đồng tiền này có thể sẽ chậm lại do ảnh hưởng của nhiều khó khăn còn hiện hữu. Việc bổ sung dự trữ ngoại hối có thể là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi du lịch có thể hỗ trợ cho VND. Tỷ giá USD/VND được dự báo đạt 23.400 vào cuối năm 2023 và 23.000 vào cuối năm 2024.

2. THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

• Ngân hàng kỳ vọng tín dụng tăng 13,7% trong năm 2023

– Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy, theo đánh giá của các tổ chức tín dụng (TCTD), nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý IV/2022 và năm 2022 tiếp tục cải thiện nhưng chưa đạt được mức kì vọng, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện rõ nét nhất, đặc biệt là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

– Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý I/2023, nhưng tốc độ tăng chậm lại trong năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Các TCTD nhận định thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022 tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, mặc dù có thu hẹp so với quý trước. Thanh khoản năm 2022 – theo các TCTD – không được như kỳ vọng.

– Về huy động vốn, các TCTD kỳ vọng huy động vốn quý I/2023 sẽ tăng bình quân 2,9% và trong năm 2023 sẽ tăng 10%, mức tăng này khiêm tốn hơn kỳ điều tra trước đó. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Nhiều TCTD nhận định tình hình xử lý nợ xấu trong quý IV/2022 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng và tiếp tục cải thiện nhẹ trong năm 2023.

– Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của nhiều TCTD trong quý IV/2022 có sự ”cải thiện” tốt hơn song không đạt mức kỳ vọng. Tính chung trong năm 2022, 80% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể ”cải thiện” so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.

– VNDirect cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023. Nguyên nhân thứ nhất là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng. Nguyên nhân thứ hai khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, theo báo cáo, là do lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao, do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự gia tăng ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng. Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý 3/2022, các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

3. THỊ TRƯỜNG VỐN

• Thị trường chứng khoán: Xu hướng đi ngang tiếp tục được duy trì

– Kết thúc phiên giao dịch 09/01/2023, VN-Index tăng 2.77 điểm (+0.26%), đạt 1,054.21 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm trở lại, khối lượng giao dịch của VN-Index chỉ ghi nhận hơn 475 triệu đơn vị, với giá trị hơn5 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 47.8 triệu đơn vị, với giá trị 755 tỷ đồng.

– Top các mã có ảnh hưởng tích cực đến VNINDEX gồm: VCB, CTG, VNM, HVN,…. Chiều ngược lại, top các mã cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực đến VNINDEX gồm: VIC, BID, MWG,…

– Khối ngoại mua ròng tổng cộng 537 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó HPG và CTG là hai mã được mua ròng nhiều nhất. Trái lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất là mã BID,…

– Chỉ số VN-Index tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Điều này cho thấy là tâm lý nhà đầu tư đang nghiêng về việc nghỉ Tết sớm nên dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài quan sát là chủ yếu. Nhìn chung, VN-Index đang gặp khó khăn tại vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.070 điểm khi chưa có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Chúng tôi cho rằng, về mặt xu hướng VNINDEX vẫn đi trong kênh giá sideway. Ở giai đoạn này, nhà đầu tư trading ngắn hạn trong xu hướng sideway có thể gia tăng cổ phiếu tại các mức hỗ trợ gần và hạ tỉ trọng tại các ngưỡng kháng cự để nâng cao sức mua khi cổ phiếu điều chỉnh. Nhà đầu tư dài hạn có thể sẵn sàng cho các cơ hội mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp tốt với mức định giá hợp lý trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.

• Giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1/2023

– Theo thống kê của Thương Gia, tháng 12/2022 có gần 43.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm ngân hàng) đã đáo hạn. Thực tế, giá trị phát hành của các lô trái phiếu này lên tới hơn 56.000 tỷ đồng nhưng đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn gần 13.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp còn mua lại trước hạn ngay trong tháng, chỉ vài ngày trước thời điểm đáo hạn.

– Nếu tính về giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn thì lớn nhất thuộc về CTCP Wealth Power (2.880 tỷ) và CTCP Bách Hưng Vương (2.680 tỷ). Hai công ty này thuộc nhóm Masterise nổi đình nổi đám suốt năm 2021 và không có hoạt động mua lại trước hạn. Được biết, đây là 2 lô trái phiếu phát hành vào tháng 12/2021 nhằm huy động vốn để phục vụ cho siêu dự án Global City. Nếu tính quy mô nhóm, lớn nhất phải là VinFast và Vingroup với tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 8.305 tỷ đồng. Trong đó, lô của Vingroup là 2.000 tỷ đồng và đã được mua lại tới 1.500 tỷ đồng vào ngày 19/12.

– Các công ty thuộc nhóm Novaland xếp thứ 2 với giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là 4.600 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phát hành 7.260 tỷ đồng và giá trị mua lại 2.660 tỷ và đều được thực hiện dồn dập trong tháng 12. Riêng, NovaGroup phát hành 4 lô có giá trị 2.500 tỷ đồng trong năm 2019 và 2021 đến hạn vào cuối năm 2022, nhưng đơn vị này đã mua lại trước hạn 1.500 tỷ trọn 3 lô NVLH2122008, NVL2019.200 và NVLH2122015. Bên cạnh đó là trái phiếu của các doanh nghiệp thành viên của NovaGroup như CTCP Đầu tư và phát triển BĐS Thuận Phát, BĐS Đà lạt Valley, Kinh doanh BĐS Thái Bình, Công ty TNHH Thành phố Aqua và CTCP Cao ốc Phương Đông. Đứng thứ 3 phải kể đến là CTCP Bất động sản Greenwich, với giá trị đáo hạn 2.000 tỷ trái phiếu. Lô trái phiếu doanh nghiệp này được phát hành từ tháng 12/2020 với lãi suất 10%/năm.

– Theo thống kê, quý 1/2023 có tổng 40.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Con số này chưa bằng giá trị của riêng tháng 12/2022. Do đó, áp lực cho các doanh nghiệp cũng có phần nhẹ nhàng hơn trước. Nhưng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một áp lực nặng nề hơn, vì theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Thanh tra Chính phủ đang nắm tình hình để chuẩn bị thanh tra chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp.

4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

• Những nội dung trọng tâm lấy ý kiến Luật Đất đai sửa đổi

– Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất nhiều chính sách mới, quan trọng để khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Một số đề xuất đáng lưu ý:

– Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

– Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường: Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.

– Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

– Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất: Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

– Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã quy định khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo 3 khu vực gồm khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế và khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất.

– Trong những nội dung trên, việc “thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất” đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Bởi đây là lý do khiến nhiều dự án bất động sản đang để treo do chưa thể hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến giữa 2024 khi Luật đất đai có hiệu lực và phải mất thêm 3 năm để triển khai các dự án thì nguồn cung bất động sản mới trở nên phong phú và đa dạng hơn.

Trên đây là bản tin Podcast sáng ngày 10/01/2023 do VNDIRECT thực hiện. Hy vọng các thông tin trên có thể giúp Quý khách có được La bàn định hướng để ra quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.

Cảm ơn Quý khách đã lắng nghe. Chúc Quý khách một ngày làm việc hiệu quả. Xin chào và hẹn gặp lại!

———————-