Hợp tác cùng phát triển

Cập nhật vĩ mô – Mở cửa đón bình thường mới

Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 13/10/2021    1741

Chia sẻ

  • Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm mạnh trong quý 3/2021 sẽ khiến tăng trưởng GDP khó đạt được mức dự báo trước đó là 3,9% cho năm 2021.
  • Triển vọng phục hồi nhanh của nền kinh tế Việt Nam kể từ quý 1/2022 được thúc đẩy bởi tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao, các gói kích thích kinh tế được triển khai và hoạt động sản xuất-xuất khẩu khôi phục trở lại.
  • Chúng tôi hạ tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,2% nhưng đồng thời nâng dự báo cho năm 2022 lên 7,5%.

GDP quý 3/2021 không đạt kỳ vọng của chúng tôi

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP của Việt Nam giảm 6,2% svck trong quý 3/2021, mức tăng trưởng quý thấp nhất từng được ghi nhận. Tất cả các ngành của nền kinh tế đều chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh trong quý 3/2021. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,0% svck trong quý 3/2021, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,0% svck trong khi khu vực dịch vụ giảm 9,3% svck. Chúng tôi cho rằng sự sụt giảm mạnh trong quý 3/2021 khiến tăng trưởng kinh tế khó đạt được mức dự báo 3,9% trước đó. Do đó, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,2%.

Chúng tôi nhận thấy rủi ro lạm phát là không đáng lo ngại trong hai quý tới

Lạm phát Việt Nam đã giảm xuống 2,1% svck trong tháng 9 (so với 2,8% svck trong tháng trước). Chúng tôi hạ dự báo lạm phát bình quân năm 2021 xuống 2,2% svck (+/- 0,2 điểm %). Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp trong hai quý tới trước khi tăng lên kể từ quý 2/2022 do (1) nhu cầu trong nước phục hồi, (2) Chính phủ không còn giảm giá điện, nước và viễn thông như trong nửa cuối năm 2021 và (3) dự kiến giá năng lượng cao trong năm 2022.

Chúng tôi nhận thấy một số trở ngại cho sự phục hồi trong quý 4/2021…

Có một số trở ngại có thể cản trở sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong quý 4/2021, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng thấp (đặc biệt là ở các vùng nông thôn), thu nhập của người lao động suy giảm trong bối cảnh đại dịch kéo dài, các biện pháp chống dịch không nhất quán và tình trạng thiếu hụt lao động ở các tỉnh miền Nam.

… nhưng triển vọng kinh tế sẽ tươi sáng hơn kể từ quý 1/2022 trở đi

Chúng tôi lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 nhờ (1) nhu cầu cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi nền kinh tế thế giới duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, (2) tỷ lệ tiêm chủng cao hơn với 70-75% dân số được tiêm chủng đầy đủ, (3) các chuyến bay quốc tế được nối lại và sự hồi sinh của ngành du lịch và (4) dự kiến nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ trong 6T2022. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,5% vào năm 2022, với sự tăng trưởng cao ở tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, chúng tôi dự báo ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,6% svck trong năm 2022, tiếp theo là ngành dịch vụ (+8,1% svck) và nông, lâm nghiệp và thủy sản (+2,8% svck).

Đọc báo cáo chi tiết tại đây

DMCA.com Protection Status