Hợp tác cùng phát triển

Cập nhật vĩ mô – Đối mặt với nhiều thách thức phía trước

Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 20/10/2022    2622

Chia sẻ

  • GDP tăng 13,7% trong Q3/22, qua đó nâng tăng trưởng GDP 9 tháng lên 8,8% svck, là mức tăng trưởng trong 9 tháng cao nhất kể từ 2011.
  • Khó khăn gia tăng tạo thêm áp lực cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thắt chặt chính sách.
  • Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2022 đạt 7,9% svck (+/- 0,2 điểm %)

Tăng trưởng GDP Q3/22 tăng từ mức nền thấp của Q3/21

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP của Việt Nam tăng 13,7% svck trong Q3/22, phần lớn là nhờ dịch vụ tăng mạnh (+18,7% svck), đồng thời ngành công nghiệp và xây dựng tăng tốt (+12,9% svck). Trong 9T22, nền kinh tế Việt Nam tăng 8,8% svck (so với +1,4% svck trong 9T21), đây là tốc độ tăng trưởng 9 tháng mạnh nhất trong 12 năm.

Khó khăn gia tăng tạo thêm áp lực cho NHNN phải thắt chặt chính sách

Trong nước, lạm phát gia tăng với CPI T9/22 tăng 3,9% svck, cao hơn đáng kể so với CPI tháng trước (+2,9% svck). 9 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,7% svck. Trên bình diện quốc tế, FED quyết liệt theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ với kế hoạch tăng thêm khoảng 150 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong vòng 6 tháng tới. Do sức ép từ FED, chúng tôi dự báo NHNN Việt Nam có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50-100 điểm cơ bản trong 6 tháng tới. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu có thể được nâng lên mức lần lượt là 5,5-6,0% và 4,0-4,5% trong lần điều chỉnh tiếp theo.

Tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian còn lại của năm 2022

NHNN đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, có hiệu lực từ ngày 17 tháng 10. Ngay sau động thái đó, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng lên 24.320 đồng (+6,5% sv đầu năm). Chúng tôi cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực do NHNN có ít dư địa hỗ trợ tỷ giá hơn trước nếu đồng USD mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022 (dự trữ ngoại hối giảm còn khoảng 89 tỷ USD). Chúng tôi dự báo Việt Nam Đồng có thể mất giá khoảng 6-8% so với USD trong năm 2022.

Đà tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại trong Q4/22 và 2023

Trong báo cáo mới nhất, quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo nguy cơ nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại vào năm 2023, với các quốc gia chiếm khoảng một phần ba nền kinh tế toàn cầu có thể suy thoái trong giai đoạn 2022-2023. Do khó khăn bên ngoài đang nổi lên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và dòng vốn FDI có thể chậm lại trong những quý tới. Tuy vậy, vẫn có một số yếu tố hỗ trợ giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro tăng trưởng kinh tế chậm lại, bao gồm nguồn vốn đầu tư công dồi dào và lượng khách nước ngoài kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm tới. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP Q4/22 đạt 5,6%, đưa tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,9% svck. Trong năm 2023, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam chậm lại còn 6,9% svck, vẫn nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây