Hợp tác cùng phát triển

Cập nhật vĩ mô – Cảm nhận những hệ lụy của biến thể Delta

Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 14/09/2021    1424

Chia sẻ

  • PMI tháng 8 giảm xuống 40,2 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
  • Giá trị xuất khẩu tháng 8/2021 giảm 6,0% so với tháng trước và 5,4% so với cùng kỳ (svck) xuống 26,2 tỷ USD.
  • Lạm phát tháng 8/2021 tăng 2,8% svck (cao hơn mức 2,6% của tháng 7).
  • Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống mức 3,9% svck, từ mức dự báo trước đó là 5,0-5,5%.

Bức tranh vĩ mô xấu đi do tác động của tăng cường giãn cách xã hội

Các quy định nghiêm ngặt hơn về giãn cách xã hội được áp dụng đã làm trầm trọng hơn đà suy giảm của ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2021 chỉ đạt 279.843 tỷ đồng (-33,7% svck) và thấp hơn tới 10,5% so với mức tại thời điểm tháng 4/2020 khi Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội trên cả nước trong ba tuần. Ngành công nghiệp và xây dựng cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng thứ tư khi chỉ số PMI của Việt Nam giảm xuống 40,2 điểm trong tháng 8/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Xuất khẩu suy giảm do tác động của làn sóng COVID-19 thứ tư

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), giá trị xuất khẩu tháng 8/2021 giảm 6,0% sv tháng trước (-5,4% svck), đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, xuất khẩu ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ (đã loại bỏ yếu tố mùa vụ). Hoạt động xuất khẩu suy giảm trong tháng vừa qua do các cảng biển tại miền Nam phải giảm công suất hoạt động để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội và hoạt động vận tải phải thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

NHNN đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn hoãn nợ cho khách hàng sẽ được thực hiện đến ngày 30/6/2022, kéo dài thêm nửa năm so với quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống 3,9%

Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng số ca nhiễm mới hàng ngày sẽ giảm dần và giãn cách xã hội được nới lỏng kể từ giữa tháng 9/2021. TP.HCM đang đặt mục tiêu mở cửa hoàn toàn trở lại kể từ giữa tháng 1/2022. Các chuyến bay nội địa dự kiến được nối lại từ cuối tháng 9. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chấp thuận phương án thí điểm mở cửa du lịch Phú Quốc từ tháng 10/2021 cho du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ. Kết hợp đánh giá bức tranh hiện tại và triển vọng thời gian tới, chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 xuống 3,9% từ dự báo trước đó là 5,0-5,5%. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP 2022 ở mức 7,0% nhờ động lực từ xuất khẩu, thặng dư cán cân thương mại và tỷ giá ổn định.

Đọc báo cáo chi tiết tại đây

DMCA.com Protection Status