Hợp tác cùng phát triển

Bản tin thị trường ngày 10.03.2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/03/2020    898

Chia sẻ

Thị trường cổ phiếu Việt Nam cho thấy tín hiệu cân bằng tạm thời sau dư âm của phiên giảm mạnh lịch sử liền trước. Sau khi lập mức thấp mới ở 806 điểm, VNINDEX nỗ lực phục hồi trở lại và đóng cửa tăng nhẹ 0.24%. Giá trị giao dịch của HOSE đạt 5.185 nghìn tỷ đồng bao gồm cả giao dịch thỏa thuận, giá trị giao dịch phiên trước là 5.561 nghìn tỷ đồng. Có thể nói một lượng cổ phiếu lớn đã được hấp thụ trong hai phiên giao dịch gần đây và sự bi quan đã tạm thời giảm bớt.

Cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò lực đẩy giúp thị trường phục hồi. Nhóm này góp phần lớn vào giá trị giao dịch toàn thị trường giúp hấp thụ lượng lớn cung cắt lỗ. Hoạt động mua chủ động giúp giá một số cổ phiếu tăng mạnh như ACB +3.9%, CTG +2.08%, VPB +1.58%, VCB +1.65%, TCB +0.73%. Một số cổ phiếu ngân hàng vẫn yếu hơn mức trung bình thị trường như MBB -0.52%, BID -2.75%, HDB -0.98%. SHB -9.82% là trường hợp biến động mạnh và còn chịu áp lực cắt lỗ khá lớn.
Lĩnh vực hàng tiêu dùng, bất động sản, vật liệu và công nghệ thông tin đóng góp vào sự phục hồi chung bằng nỗ lực của VNM +4.85%, MSN +0.77%, VHM +1.59% và HPG +3.84%, FPT +2.78%.

Phiên hôm nay HOSE tiếp tục ghi nhận giao dịch bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài quy mô 397.8 tỷ đồng. Giao dịch bán lớn ở các chứng khoán E1VFVN30, VNM, MSN, VCB, HPG, VPB, VIC, GAS, VRE, VHM và SAB đối nghịch với giao dịch mua lớn ở VNM, VCB, E1VFVN30, VPB, CTG, SAB, VIC và GAS. Giao dịch bán ròng nhiều khả năng liên quan đến các quỹ đầu tư chỉ số vì phiên giao dịch 9/3 ở thị trường quốc tế xảy ra làn sóng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư chỉ số, như EEM và FM.
Bức tranh lớn của thị trường cổ phiếu Việt Nam đã chuyển sang suy giảm, đánh dấu bởi phiên giao dịch VNINDEX đánh mất vùng 900 điểm. Trong bối cảnh này, giới đầu tư nói chung, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân dễ phản ứng với thông tin bất lợi theo chiều hướng tiêu cực và đầy cảm tính. Kết quả là giá cổ phiếu có thể rơi nhanh rồi phục hồi chớp nhoáng. Khi xu hướng giảm đã chi phối thị trường, đa số cổ phiếu sẽ tiếp tục đi xuống sau khi phục hồi.

Ở góc nhìn của nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi tin rằng việc bảo vệ vốn của mình là ưu tiên số một. Phán đoán đáy thị trường và nắm giữ quy mô đầu tư quá lớn so với sức chịu đựng là hành động rủi ro ở thời điểm này.

Chi tiết Quý Khách hàng vui lòng xem TẠI ĐÂY

Phiên giảm mạnh của thị trường Mỹ tối ngày 09/03 chỉ tác động lên thị trường Việt Nam ở thời điểm đầu phiên giao dịch. Tuy nhiên sau đó thị trường hợp đồng tương lai thế giới hồi phục mạnh trở lại khiến tâm lý giới đầu tư nội phần nào ổn định, không còn hiện tượng bán tháo bằng mọi giá. Lực cầu duy trì mua vào đều đặn tới cuối phiên giúp chỉ số VN30 hồi phục 27.17 điểm so với giá thấp nhất.

Xu hướng giảm của VN30 vẫn tiếp tục bị chi phối bởi đà giảm giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, GAS, SAB, MSN, HPG, VHM, VRE, PLX. Sau sự cố của phiên giao dịch đầu tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không tránh khỏi áp lực từ thị trường chung, và bắt đầu rơi vào trạng thái yếu. Nhìn chung chúng tôi chưa nhìn thấy các cổ phiếu thực sự mạnh đủ sức kéo thị trường thoát khỏi bi quan.

Chỉ số VN30 vẫn suy yếu xét trong xu hướng lớn. Hiện VN30 đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017 và dòng tiền tiếp tục yếu, giá liên tục lập mức thấp mới cùng với tâm lý không ổn định do bối cảnh dịch bệnh ngày càng khó lường. Chiến lược giao dịch hợp đồng tương lai nên bám vào xu hướng suy yếu và ưu tiên mở vị thế bán khi VN30 lên cao và 800 nhiều khả năng là vùng cản của đợt phục hồi này, tương ứng vùng 790-800 điểm của hợp đồng VN30F2003.

Chi tiết Quý Khách hàng vui lòng xem TẠI ĐÂY