Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.01.2022 – Cơ sở hạ tầng đưa quãng đường từ doanh nghiệp FDI tới Việt Nam “gần” hơn

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/01/2022    28556

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/01/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt kỷ lục trong năm 2021
Thặng dư thương mại của Trung Quốc tháng 12/2021 đạt 94,5 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg dựa trên số liệu hải quan Trung Quốc, cao hơn ước tính 74 tỷ USD. Tính cả năm 2021, thặng dư thương mại Trung Quốc đạt 676 tỷ USD. Đây là mức lớn nhất từ trước đến nay và tăng hơn 30% so với năm trước. Điều này đóng góp một phần lớn trong việc hỗ trợ nền kinh tế đang bị kéo xuống bởi sự sụt giảm của thị trường bất động sản và các đợt bùng phát của COVID.
Nhu cầu tăng vọt của thế giới đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2021, đẩy các nhà máy ở Trung Quốc vận hành với công suất gần như tối đa để đáp ứng các đơn hàng, từ sản phẩm điện tử cho tới đồ nội thất.
Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chậm lại trong năm 2022, do nhu cầu các mặt hàng phục vụ làm việc từ xa, đồ thiết bị y tế giảm, tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mảng dịch vụ khi thế giới về đa phần đều đã quyết định chuyển hướng sống chung với COVID-19.

• Lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 1982
Tình trạng lạm phát ở Mỹ không ngừng gia tăng khi CPI tháng 12/2021 của Mỹ đã tăng 7% so với cùng kỳ 2020, tăng so với mức 6,8% ghi nhận trong tháng 11/2021. Mức tăng trong tháng 12/2021 cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 1982 và là tháng thứ ba liên tiếp CPI vượt 6%. Những nhân tố đóng góp chính vào mức tăng trong những tháng gần đây – chi phí đối với nhà ở, chi phí thực phẩm, chi phí năng lượng – khó có thể hạ nhiệt trong thời gian ngắn khi nền kinh tế Mỹ đang mở cửa trở lại nhưng các chuỗi cung ứng vẫn bị siết chặt bởi tình trạng thiếu hụt nhân công và nguyên vật liệu thô.
Lạm phát cao đã đặt Tổng thống Biden vào thế phòng thủ. Chính quyền của ông, từng lặp lại nhận định của Fed, ban đầu cho rằng việc tăng giá sẽ chỉ là tạm thời. Mức CPI 7%, cao nhất trong gần 40 năm, sẽ gây áp lực cho Fed đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
Lạm phát có thể giảm bớt khi làn sóng Omicron giảm dần, khuyến khích người Mỹ chuyển nhiều chi tiêu hơn sang các dịch vụ như du lịch, ăn uống và đi xem phim. Điều đó sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa và giúp khơi thông chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, sẽ mất khá nhiều thời gian để lạm phát của Mỹ có thể quay trở lại mức trước đại dịch.

• Dư địa tăng cung của OPEC dự báo giảm, giá dầu có thể lên 125 USD/thùng trong 2022
Giá dầu hồi phục trở lại trên mức 86 USD/thùng, cao hơn mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi trở lại đây. Khi tâm lý thị trường ổn định trở lại với những thông tin USD suy yếu cùng với lo ngại liên quan biến chủng Omicron giảm cũng là yếu tố tích cực đến thị trường.
Tồn kho tại Mỹ đã giảm 7 tuần liên tiếp và tồn kho trên toàn cầu cũng thắt chặt do các quốc gia sản xuất chính khó tăng cung trong bối cảnh lực cầu phục hồi bất chấp ảnh hưởng của Omicron.
Các hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn du lịch đang dần hồi phục vào năm 2022, nhu cầu sử dụng dầu vẫn còn lớn. Những hạn chế về năng lực sản xuất của các quốc gia dầu mỏ giảm. Việc thiếu đầu tư trong nội bộ OPEC+ cùng đà phục hồi lực cầu hậu đại dịch dấy lên nguy cơ khủng hoảng năng lượng.

• Bộ Công Thương dự kiến trình quy hoạch điện VIII trong quý I
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vừa diễn ra, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch điện VIII theo hướng bền vững, dành nhiều không gian để phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất hợp lý, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Ngoài ra, thông tin về phương án cung ứng điện năm nay, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết Bộ Công Thương đã có kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022. Trong đó, Bộ dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện là khoảng 275,5 tỷ kWh, tăng hơn 7,8% so với 2021.
Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ quy hoạch điện VIII trong quý I này. Năm nay, Bộ Công Thương dự kiến huy động khoảng 35,6 tỷ KWh từ nguồn năng lượng tái tạo, chiếm hơn 13% tổng nhu cầu điện của cả hệ thống.
Việc sớm hoàn thành quy hoạch điện VIII giúp đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam đã đưa tại hội nghị COP26 là đưa phát thải ròng bằng 0 vào 2050 và đưa ra hướng dẫn rõ ràng về quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, tái tạo đã được định hướng tại Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Việt Nam có còn dư địa để hỗ trợ chính sách tiền tệ trong năm 2022?
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid phức tạp, Ngân hàng Nhà nước đã giảm nhanh ba lần lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 điểm phần trăm trong 2020 và 0.8 điểm phần trăm trong 2021.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết chính phủ cân nhắc phấn đấu để hệ thống các tổ chức tín dụng giảm thêm 0,5-1 điểm phần trăm lãi suất cho vay trong hai năm.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều nước đang dần trung hòa chính sách tiền tệ, Việt Nam cũng không ngoại lệ với dự báo lãi suất sẽ dần tăng lên trong 2022, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, và mặt bằng lãi suất ở mức rất thấp. Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng còn có cổ đông lớn nước ngoài nên việc đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất trong 2022 là không dễ dàng.
Mặt bằng lãi suất khó có dư địa để giảm thêm nhiều trong 2022, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng đồng bộ các chính sách tiền tệ khác như: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trì hoãn việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Còn về phía các ngân hàng, các ngân hàng có chi phí vốn thấp (CASA cao) sẽ có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng và mở rộng thị phần trong thời gian tới.

• Ngành ngân hàng năm 2022 – Nắn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên
Trong năm 2021, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó dòng tín dụng tập trung vào: Phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (ước tính +13.5% svck); tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ (+11.98% svck), xuất khẩu (13.32% svck), công nghiệp (+21.52% svck) và công nghệ cao (+19.2% svck).
Trong năm 2022, Nhân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng và có giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong năm 2022 đó là ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt hơn trong việc “nới lỏng” hay “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng với các nhóm ngành nghề khác nhau.
Cụ thể, bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và xây dựng tiếp tục là 4 lĩnh vực được các tổ chức tín dụng lựa chọn ưu tiên.
Ở chiều ngược lại, các tổ chức tín dụng có xu hướng “thắt chặt” hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như “đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “đầu tư kinh doanh bất động sản” và “sử dụng thẻ tín dụng”.
Trong năm 2022, ngành bất động sản và chứng khoán sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn từ ngân hàng. Thêm vào đó, thông tư 16 chính thức có hiệu lực thắt chặt các quy định và điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng sẽ càng gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp bất động sản ở cả hai kênh huy động vốn ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.

3. Kênh cổ phiếu

• Lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI
Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do 1) căng thẳng địa chính trị – kinh tế Mỹ – Trung Quốc 2) hạ tầng giao thông Việt Nam được cải thiện 3) yếu tố sản xuất đầu vào (nhân công, giá điện, chi phí đất,…) cạnh tranh so với các nước khu vực
Chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam tương đối cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực là một trong yếu tố hấp dẫn doanh nghiệp FDI khi xem xét đặt nhà máy.

• Cơ sở hạ tầng đưa quãng đường từ doanh nghiệp FDI tới Việt Nam “gần” hơn
Độ dài đường cao tốc Việt Nam tăng trưởng đáng kể từ 2016 (chỉ 114 km) lên đến hơn 1,000km vào năm 2020
Trong các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Việt Nam đến năm 2025, đường cao tốc là một trong các ưu tiên hàng đầu, dự tăng gần 4 lần so với 2020, đạt 3,800 km.
Theo CBRE, Việt Nam tương đối hấp dẫn trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI trong 3 năm tới, trong đó yếu tố́ hạ tầng hoàn thiện trong tương lai là một trong những điểm sáng của Việt Nam.

4. Kênh tài sản khác

• Các khu vực bất động sản phát triển nóng nhất Hà Nội giai đoạn 2021-2025
Theo Savills, thị trường nhà ở Hà Nội những tháng cuối năm sôi động trở lại với lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ tăng theo quý.
Đáng chú ý, năm 2021 là năm có nguồn cung sơ cấp và hàng tồn kho thấp điểm nhất trong 5 năm qua.
Hơn 50% số́ lượng căn hộ bán ra có giá từ 35-46 triệu đồng.
Giai đoạn 5 năm tới, nguồn cung sẽ đến từ 5 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức.
Với phân khúc nhà liền kề/biệt thự Hà Nội đã thiếu hụt nguồn cung sơ cấp trong thời gian dài.
Thị trường bất động sản ngoại thành sẽ tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp có quỹ đất ngoại ô sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.

• Năm 2021 ngành cao su báo kết quả tích cực, liệu có kéo dài?
Năm 2021, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 3.24 tỷ USD, tăng 36% so với năm ngoái trong đó lượng xuất khẩu chỉ tăng 11%.
Giá trị xuất khẩu năm 2021 tương đương 2011, năm được cho là hoàng kim với ngành cao su.
Kim ngạch xuất khẩu cao su chứng kiến 2 năm tăng trưởng liên tiếp từ năm 2020.
Sự tăng trưởng đến từ hầu hết các thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất.
Giá cao su dự báo tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 do 1) nguồn cung thiếu hụt khi thời tiết mưa nhiều ở các nước sản xuất lớn châu Á 2) nhu cầu nhiều hơn do kinh tế toàn cầu hồi phục 3) giá dầu giữ ở mức cao.

• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về NLTT Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện. Có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của NĐT.
Tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất ĐNá đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện. Khi tham gia NĐT sẽ nhận được lợi suất đầu tư lên đến 9.3 – 9.7%/năm, cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Vốn đầu tư tối thiểu 100tr đồng.

5. Câu chuyện đầu tư

• Đa mục tiêu
“Có ba con chó săn đuổi bắt một con sóc, con sóc liền chui vào một cái lỗ cây. Cái lỗ cây chỉ có duy nhất một cửa ra vào, nhưng ngay sau đó, có một con thỏ chui ra từ trong lỗ cây ấy.
Con thỏ chạy như bay về phía trước rồi leo lên một cái cây khác. Nhưng con thỏ khi ở trên cây, trong sự hoảng loạn, không đứng vững mà rơi xuống, rơi vào đầu ba con chó săn đang ngẩng lên nhìn khiến chúng hoa mắt chóng mặt. Cuối cùng, con thỏ cũng chạy thoát được.”
Có thể sẽ có nhiều câu trả lời như:
“Thỏ không biết trèo cây!”
“Một con thỏ sao có thể đồng thời đập vào đầu ba con chó săn khiến chúng chóng mặt được?”
Nhưng, điểm rất quan trọng mà ít người đề cập tới: con sóc đi đâu mất rồi?
Bài học rút ra:
1. Có rất nhiều người bỏ quên mục tiêu ban đầu của mình và bị dính vào những mục tiêu dở chừng như những con thỏ. “Mục tiêu” là thứ quan trọng nhất, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải lấy mục tiêu làm trọng tâm thì mới có thành tựu về sự nghiệp.
2. Các doanh nghiệp hoạt động trong quá nhiều ngành thường sẽ kém hiệu quả. Chiến lược lựa chọn những doanh nghiệp mạnh trong một lĩnh vực cụ thể sẽ khôn ngoan hơn trong dài hạn.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0