Hợp tác cùng phát triển

MBB – Động lực tăng trưởng dài hạn vẫn nguyên vẹn – Cập nhật

Báo cáo phân tích DN 10/03/2023    1204

Chia sẻ

  • Trong bối cảnh vĩ mô thách thức, VND kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của MBB sẽ giảm tốc xuống 17% svck trong 2023-24 từ mức 25% trong 2022.
  • Cùng với việc áp lực chi phí vốn và rủi ro tín dụng gia tăng, chúng tôi dự phóng tăng trưởng lợi nhuận (LN) ròng của MBB sẽ giảm xuống 10%/16% svck trong 2023-24 sau khi đạt tới 38% svck trong 2022.
  • Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn là 29.300 đ/cp..

Giá thị trường

Giá mục tiêu

Tỷ suất cổ tức

Khuyến nghị

Ngành

VND17.800

VND29.300

0%

Khả quan

               Tài chính

Tăng trưởng tín dụng và NIM thúc đẩy tăng trưởng LN ròng năm 2022
MBB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 25% svck trong 2022 (top đầu trong coverage của chúng tôi), nhờ tăng trưởng cho vay mạnh mẽ 27% svck. Tiền gửi khách hàng cũng tăng mạnh 15% svck khi MBB đã thành công trong việc thu hút gần 7 triệu khách hàng mới trong 2022, nâng tổng số lượng khách hàng lên 20 triệu tính đến cuối năm. Nhờ đó, MBB đã vượt qua TCB để đạt tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống là 40,6% vào cuối 2022 (-1,8đ% sv quý trước và -8,1đ% svck). NIM năm 2022 được cải thiện ~70 điểm cơ bản svck lên 5,8%, một trong những mức cao nhất trong hệ thống. Kết quả, MBB đạt mức tăng trưởng LN ròng lên đến 38% svck trong 2022.
Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát với LLR cao nhưng rủi ro đang gia tăng
Tỷ lệ nợ xấu MBB chỉ tăng 5 điểm cơ bản sv quý trước và 20 điểm cơ bản svck lên 1,1% cuối 2022. Trong 2022, ngân hàng đã sử dụng dự phòng để xử lý 4,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu (+24% svck), tương ứng với tỷ lệ 1,1% trên dư nợ cho vay (không đổi svck). Đối với MBB và các ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp (9% tổng tín dụng đối với MBB) và cho vay ngành bất động sản/xây dựng cao (30-35% tổng tín dụng, bao gồm vay mua nhà), chất lượng tài sản tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của MBB vẫn tốt ở mức 238% vào cuối 2022 sv 268% vào cuối 2021. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng dự phòng của MBB trong các kịch bản bất lợi. Chúng tôi dự phóng chi phí dự phòng của ngân hàng sẽ tăng 26%/14% svck trong 2023-24, lên 9,9 nghìn tỷ đồng/11,3 nghìn tỷ đồng–tương đương với 2,0% dư nợ cho vay sv 1,9% trong 2022.
2023-24: tăng trưởng LN ròng chậm hơn nhưng khả năng sinh lời vẫn cao
Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ giảm tốc xuống 17% svck trong giai đoạn 2023-24 từ mức 23-25% trong 3 năm qua, nhưng vẫn cao hơn định hướng của Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho toàn hệ thống trong 2023 ở mức 14-15%. Chúng tôi dự phóng NIM sẽ giảm 15 điểm cơ bản xuống 5,6% trong 2023-24 sv năm 2022 do chi phí vốn cao hơn. Về chi phí hoạt động, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập (CIR) sẽ cải thiện nhẹ về 32,3%/32,0% trong 2023-24 từ mức 32,5% trong 2022. Nhìn chung, LN ròng trong giai đoạn 2023-24 dự kiến sẽ tăng 10%/16% svck, đạt 19,2 nghìn tỷ /22,3 nghìn tỷ. ROE vẫn sẽ vẫn ở mức cao trong khoảng 21-23%.
Duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn 29.300 đ/cp
Chúng tôi cho rằng phần lớn những yếu tố bất lợi và rủi ro xung quanh chất lượng tài sản của MBB đã được phản ánh vào giá cp vì MBB hiện chỉ đang giao dịch ở mức 0,8 lần P/B 2023, thấp hơn nhiều so với mức TB 3 năm là 1,5 lần. Với mức định giá này, VND nhận thấy MBB vẫn hết sức hấp dẫn với các động lực tăng trưởng dài hạn còn nguyên vẹn bao gồm lợi thế chi phí vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA đầu ngành và hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn một chút là 29.300 đồng. Rủi ro giảm giá bao gồm nợ xấu cao hơn và tăng trưởng tín dụng thấp hơn sv dự kiến.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây