Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 31.12.2021 | VHM – Bắt đầu mở bán ba đại dự án trong năm 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 31/12/2021    91366

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 31/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• RCEP sắp có hiệu lực, Trung Quốc có thể trở thành “đầu tàu phục hồi” trong khối thương mại tự do lớn nhất
– Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, đánh dấu sự hình thành của khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới về khối lượng thương mại. Hiệp định sẽ có hiệu lực trong đợt đầu tiên gồm 10 quốc gia, trong đó gồm 6 thành viên ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia.
– Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP của thế giới.
– Cho đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc thực hiện 174 mặt hàng riêng lẻ hoặc chung, chiếm 24,8% trong số 701 nghĩa vụ ràng buộc theo RCEP. Trung Quốc có thể trở thành đầu tàu trong phục hồi kinh tế toàn cầu sau khi thực hiện RCEP do tình hình đại dịch sẽ giảm bớt vào năm 2022.
– Hiệp định RCEP có thể dẫn đến hợp tác kinh tế cấp cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc như đầu tư lẫn nhau vào các ngành như chip và máy điện. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế ASEAN và Trung Quốc dự kiến sẽ phát triển chặt chẽ hơn, với việc Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều nông sản từ các thành viên ASEAN hơn trong khi xuất khẩu nhiều hàng tiêu dùng hơn. Hơn nữa, việc giảm thuế đối với các mặt hàng cồng kềnh như thép cũng sẽ làm giảm chi phí cho các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
– Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen cho biết, hiệp định RCEP dự kiến sẽ loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa được trao đổi giữa các bên ký kết trong 20 năm tới. Đối với Trung Quốc, thuế quan đối với gần 30% hàng hóa xuất khẩu dự kiến sẽ được gỡ bỏ theo thỏa thuận.
– Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, thương mại của Trung Quốc với các thành viên RCEP đã tăng 3,5% lên 10,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,6 nghìn tỷ USD) vào năm 2020, chiếm khoảng 1/3 tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc.
– Việc Trung Quốc sẵn sàng triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đánh dấu sự kết thúc đáng chú ý cho năm 2021 và mở ra nhiều không gian về triển vọng thương mại của Trung Quốc cũng như các thành viên khác của hiệp định thương mại. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường được Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, và là đối tác Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thứ hai.

2. Thông tin Việt Nam

• Giá ure tiếp tục lập kỷ lục mới, tăng hơn 150% so với cùng kỳ 2020
– Giá phân bón bán lẻ trung bình trong tuần thứ 4 của tháng 12 tiếp tục tăng; cụ thể, ba trong số tám loại phân bón chính tăng trên 5%.
– Phân khan cao hơn 9% so với tuần thứ 4 của tháng trước, ở mức 1.424 USD/tấn. Phân lót 10-34-0 tăng 5% và có giá trung bình là 791 USD/tấn. Ure cũng tăng 5% so với tuần thứ 4 của tháng trước và có giá trung bình là 910 USD/tấn, lập kỷ lục mới. So với cùng thời điểm năm 2020, giá ure tăng 151%.
– Năm loại còn lại là DAP, MAP, kali, UAN28, UAN32 lần lượt là 862 USD/tấn, 932 USD/tấn, 807 USD/tấn, 583 USD/tấn và 679 USD/tấn, tương đương hoặc chỉ nhích nhẹ so với tháng trước.
– Giá kali gần chạm tới mức 815 USD/tấn hồi tháng 6/2009. Giá mặt hàng này từng đạt kỷ lục 896 USD/tấn vào tuần đầu tiên của tháng 11/2008. So với cùng kỳ năm ngoái, giá DAP, MAP, kali, UAN28, UAN32 tăng lần lượt là 82%, 74%, 121%, 178% và 171%.
– Giá phân bón tăng, chi phí đầu vào tăng đang làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất nông sản, khiến nông dân phải điều chỉnh kế hoạch gieo trồng. Nhiều người chọn trồng các loại cây cần ít chất dinh dưỡng hơn hoặc giảm sử dụng phân bón để tiết kiệm chi phí. Việc giảm lượng phân bón có thể dẫn đến năng suất thấp hơn và sản lượng ngũ cốc ít hơn, đẩy giá lương thực đi lên. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hưởng lợi từ việc giá phân tăng.

• Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất kể từ 2016
– Bình quân năm nay, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016. Theo báo cáo kinh tế năm nay vừa được Tổng cục Thống kê công bố, giá xăng dầu, giá gas trong tháng giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,18% so với tháng trước và tăng 1,81% so với tháng 12/2020.
– Trong mức tăng 1,84% của CPI tháng này so với năm 2020 ghi nhận một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất lần lượt là giá xăng dầu; giá gạo tăng theo giá xuất khẩu cũng như nhu cầu tiêu dùng gạo nếp, gạo tẻ vào dịp cuối năm và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở.
– Trong khi đó, một số nhóm hàng ghi nhận chỉ số giá giảm, giúp CPI duy trì mức dưới 4%, đạt chỉ tiêu được giao là các mặt hàng thực phẩm; điện và vé máy bay cũng như du lịch trọn gói.
– Nguyên nhân chính kiềm chế mức độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng thời gian qua do việc thực thi chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (giảm giá tiền điện; gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông); dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí giảm; một số địa phương miễn, giảm học phí…). Mặc dù đây là thành quả ấn tượng cho năm vừa qua, nguy cơ lạm phát tăng cao trong năm 2022 vẫn còn tiềm ẩn khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với kinh tế toàn cầu, tạo rủi ro áp lực lạm phát từ cả cung và cầu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới, vốn đi trước Việt Nam trong giai đoạn hồi phục sau COVID-19, đang chứng kiến lạm phát tăng rất mạnh.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR): Doanh thu cả năm 2021 vượt 42% kế hoạch, ước đạt 100.694 tỷ đồng
– CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa tổng kết tình hình kinh doanh năm 2021. Ghi nhận, năm nay Công ty đạt sản lượng sản xuất đạt 6,5 triệu tấn; tương ứng doanh thu đạt 100.694 tỷ đồng, tăng gần 74% so với năm 2020. Theo đó, BSR nộp ngân sách nhà nước 10.933 tỷ đồng. Tính riêng quý 4/2021, BSR đạt khoảng 34.102 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Năm 2021, BSR lên kế hoạch tổng doanh thu 70.898 tỷ đồng, 870 tỷ đồng lãi sau thuế với giả định giá dầu bình quân chỉ 45 USD/thùng. Theo đó, Công ty đã vượt 42% chỉ tiêu doanh thu của năm.
– Giá dầu trung bình trong năm 2022 nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức giá cao trên điểm hoà vốn khai thác tại Việt Nam nhờ sự hỗ trợ cả về phía nguồn cung (việc mở rộng khả năng khai thác không thể tăng nhanh cùng đà tăng của giá dầu) và nguồn cầu (kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu nhiên liệu thay thế cho than và nhu cầu sưởi ấm tăng cao) Do đó, hoạt động các doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn sẽ có triển vọng tích cực khi hoạt động thăm dò, khai thác trở nên sôi động trở lại trong đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, hoá chất khoan, kỹ thuật công trình biển, cung cấp kho nổi FSO/FPSO, vận chuyển khí & dầu sản phẩm sẽ có được những nguồn công việc mới với giá dịch vụ cao hơn trước, qua đó cải thiện cả doanh thu và lợi nhuận của ngành dầu khí, phản ánh tích cực lên giá cổ phiếu.

• VHM – Bắt đầu mở bán ba đại dự án trong năm 2022
– Giai đoạn 2022-2024, Vinhomes (VHM) sẽ bắt đầu chu kỳ phát triển mới với việc mở bán ba dự án: Vinhomes Dream City, Vinhomes Wonder Park và Vinhomes Cổ Loa
– Trong giai đầu quý 3/2021, tình hình bán hàng của VHM có phần chững lại do chịu tác động đến từ quy định giãn cách xã hội của Chính phủ. Tuy nhiên từ trung tuần của tháng 9, sau khi Chính phủ có lệnh giãn cách thì ngay lập tức từ tháng 10, kết quả bán lẻ của Vinhomes ấm dần lên. Trong quý 3/2021, VHM đã bán được 5,900 căn (gồm 1,100 căn thấp tầng và 4,800 căn cao tầng) phần lớn đến từ dự án Dream City, Star City. Tổng giá trị hợp đồng bán trong quý đạt 13 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm 8 nghìn tỷ đồng từ giao dịch bán buôn tại dự án Dream City và 5 nghìn tỷ đồng từ các giao dịch với khách hàng lẻ.
– Tính đến cuối quý 3/2021, giá trị hợp đồng chưa ghi nhận của VHM khoảng 43.000 tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD) và 70% trong đó đến từ ba đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Grand Park. Phó Tổng Vinhomes cho biết phần lớn giá trị hợp đồng này sẽ được ghi nhận trong năm 2022.Doanh số bán lẻ trong hai tháng 10 và 11 tăng 80% so với quý 3.
– Giai đoạn 2022 – 2024, VHM sẽ bắt đầu chu kỳ phát triển mới với việc mở bán ba dự án, bao gồm: Vinhomes Dream City (Ocean Park 2) quy mô 460 ha (Hưng Yên), Vinhomes Cổ Loa quy mô 385 ha (Đông Anh, Hà Nội), Vinhomes Wonder Park quy mô 133 ha (Đan Phượng, Hà Nội). Đa số sản phẩm ở các dự án này là sản phẩm thấp tầng nên thời gian xây dựng rất ngắn, trong vòng 12 tháng Vinhomes có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ngay.
– Thị trường bất động sản đang được hưởng lợi bởi nhiều yếu tố vĩ mô và đà tích cực này vẫn sẽ duy trì trong năm 2022. Với vị thế là nhà phát triển bất động sản hàng đầu, VHM tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu phân khúc BĐS nhà ở với thị phần trong phân khúc căn hộ ở tất cả các phân khúc. Ba đại dự án mở bán trong giai đoạn 2022-2024 sẽ là động lực tăng trưởng chính cho VHM.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 30/12/2021 tương đối tích cực. Sắc xanh đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản kéo chỉ số tăng hơn 6 điểm ngay sau phiên ATO. Tuy nhiên, lực bán bắt đầu tăng dần ở nhiều nhóm ngành đã khiến chỉ số thu hẹp dần sắc xanh và lùi về quanh mốc tham chiếu. Bước sang phiên chiều, VN-Index lặp lại kịch bản của buổi sáng là tích cực đầu phiên và thu hẹp đà tăng từ từ. Kết thúc giao dịch, VN-Index chỉ nhích nhẹ 0.15 điểm và dừng chân ở mức 1,485.97 điểm.
– Xét về mức độ ảnh hưởng, SSI, VPB, STB và VND là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi góp gần 3 điểm tăng cho chỉ số này. Trong khi đó, VCB, MSN, VIC là những mã có tác động tiêu cực nhất. Riêng VCB đã lấy đi hơn 1 điểm của VN-Index.
– Cổ phiếu ngành chứng khoán có phiên giao dịch ấn tượng khi đồng loạt bật tăng mạnh trong phiên 30/12/2021. Toàn bộ cổ phiếu trong nhóm điều tăng giá ấn tượng, trong đó có tới 12/25 mã tăng trần. Cụ thể, các mã hiện sắc tím như VIX, AGR, ORS, BSI,…. Bên cạnh đó, các ông lớn như SSI, VND, HCM hay SHS đều có mức tăng tốt từ 4-6%.
– Ngành khai khoáng cũng có phiên giao dịch khá tích cực. Nổi bật trong đó là nhóm cổ phiếu khai thác than. Các cổ phiếu thuộc nhóm này bật tăng mạnh mẽ với nhiều cổ phiếu kết phiên trong sắc tím, điển hình như các mã NBC, TVD…..
– Khối ngoại phiên ngày 30/12, riêng sàn HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị giảm 71% so với phiên trước và ở mức 67 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 835.602 cổ phiếu.
– VN-Index tiếp tục thận trọng và lưỡng lự trong biên hẹp ở phiên áp chót cuối năm. Thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên; tuy nhiên việc thanh khoản giảm là xu hướng chung của các phiên cuối năm trong lịch sử. Hơn nữa, VN-Index đang diễn ra quá trình phân hóa khi dòng tiền đang có dấu hiệu chốt lời dần tại các cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng trong giai đoạn qua. Nhà đầu tư có thẻ hướng tới cơ hội từ các nhóm cổ phiếu đã bị chiết khấu về định giá hợp lý hoặc các cổ phiếu có câu chuyện vĩ mô hỗ trợ với tầm nhìn quý I năm 2022.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall