Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 09.12.2021 | TPBank chốt quyền phát hành hơn 410 triệu cổ phiếu thưởng

Nhận định Thị trường hàng ngày 09/12/2021    86390

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Mỹ: Thâm hụt thương mại giảm mạnh, xuất khẩu tăng lên cao kỷ lục
– Thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng Mười khi xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục, qua đó, thúc đẩy khả năng lĩnh vực thương mại lần đầu tiên sau hơn một năm có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quý 4/2021.
– Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu thị trường tài chính FWDBONDS, có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận định thâm hụt thương mại thu hẹp sẽ giúp đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn khi năm 2021 sắp kết thúc.
– Trong tháng Mười, thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm 17,6% xuống 67,1 tỷ USD, mức thấp nhất trong sáu tháng, đồng thời ghi dấu tỷ lệ giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2015. Số liệu thống kê cho thấy lượng hàng hóa và dịch vụ đã gia tăng sau tình trạng gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra.
– Trong cùng tháng, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 8,1% lên mức cao kỷ lục 223,6 tỷ USD, nhờ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 11,1% lên 158,7 tỷ USD, mức cao chưa từng thấy.
– Cũng trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu tăng 0,9% lên mức kỷ lục 290,7 tỷ USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 0,7% lên 242,7 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
– Daniel Silver, nhà kinh tế tại ngân hàng JPMorgan có trụ sở tại Mỹ đánh giá trong đầu quý 4, xuất khẩu đang trên đà đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Dự kiến, trong quý cuối năm, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 8,6%, sau khi tăng 2,1% trong quý 3/2021.

2. Thông tin Việt Nam

• Bộ giao thông vận tải đề xuất nối lại chuyến bay thương mại chở khách quốc tế từ 15/12
– Bộ Giao thông vận tải vừa báo cáo Thủ tướng kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam từ 15/12.
– Văn bản đề xuất hai giai đoạn thí điểm, trong đó giai đoạn 1, từ 5/12, tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao như Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ).
– Bộ Giao thông vận tải cho biết đây là các thị trường có quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị đối ngoại quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam, có số lượng lớn các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài có nhu cầu sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, số lượng công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ này nhiều và có nhu cầu hồi hương cao.
– Các chuyến bay quốc tế trong thời gian này sẽ về 2 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, với tần suất 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người/tuần.
– Giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022. Theo đó, ngoài 9 thị trường giai đoạn 1 có thêm Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sidney (Australia), Moscow (Nga)
– Ở giai đoạn này, ngoài Nội Bài, Tân Sơn Nhất các cảng hàng không quốc tế được đề xuất tiếp nhận chuyến bay thương mại chở khách gồm Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) với tần suất tăng lên 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 40.000 người/tuần.
– Bên cạnh đó, việc nối lại các chuyến bay chỉ có thể thực hiện thực hiện với các nước theo nguyên tắc “có đi có lại” trên cơ sở thúc đẩy đàm phán thống nhất với các đối tác về công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vaccine”.

• Ngành dệt may cán mốc với doanh thu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD
– Tại buổi họp báo về Hội nghị tổng kết của Hiệp hội dệt may Việt Nam năm 2021 diễn ra ngày 7/12, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021.
– Ước tính doanh thu xuất khẩu năm 2021 đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Con số này còn cao hơn năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19 (tăng 0,3% so với năm 2019).
– Nếu như quý I/2021, doanh nghiệp trong ngành dệt may phấn khởi bởi ngay từ đầu năm đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm thì sang quý II/2022, dịch bùng phát ở TPHCM, lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của các doanh nghiệp dệt may gần như đóng băng. Xuất khẩu dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm. Đơn hàng không thể trả cho đối tác. Tình hình này chỉ mới vừa chấm dứt khi sang tháng 10, sản xuất của doanh nghiệp bắt đầu hồi phục và có thể ‘trả nợ’ các đơn hàng.
– Theo đại diện VITAS, việc sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục vào cuối năm 2021 đã giúp ngành dệt may đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ, tăng trên 49% chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.
– Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với 15,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD chủ yếu là xuất khẩu sợi.
– Theo đó, Hiệp hội đã xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43,5 tỷ USD. Kịch bản trung bình đạt 40-41 tỷ USD. Và kịch bản thấp nhất đạt 38-39 tỷ USD, trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Thị trường khởi đầu tương đối lạc quan ở đầu phiên sáng ngày 08/12/2021, VN-Index tăng hơn 5 điểm. Sau đó, VN-Index chậm rãi tăng nhẹ và nới rộng thêm hơn 5 điểm tăng nữa so với những phút đầu của phiên sáng. Đà tăng của chỉ số đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiện ích và năng lượng. Sang phiên giao dịch buổi chiều, VN-Index liên tục đánh rơi điểm và có lúc chỉ còn lại hơn 2 điểm tăng. Về cuối phiên giao dịch ngày, VN-Index đã hồi phục nhẹ trở lại để kết thúc phiên với 6,10 điểm tăng, đóng cửa ở mức 1.452,87 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, TPB, GAS, NVL và VCB là những mã có tác động tích cực nhất, khi đóng góp tổng cộng gần 3 điểm tăng cho chỉ số thị trường. Trong khi đó, VIC và VHM là bộ đôi kéo thị trường giảm xuống gần 1.5 điểm.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 118 tỷ đồng. TCH bị bán ròng mạnh nhất với 55 tỷ đồng. HPG và NVL bị bán ròng lần lượt 54 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC được mua ròng mạnh nhất với 66 tỷ đồng. Hai mã cùng họ “Vin” là VHM và VRE cũng được mua ròng lần lượt 61 tỷ đồng và 55 tỷ đồng.
– Các cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay duy trì được sắc xanh, trong đó TPB đóng cửa mức giá trần sau thông tin chia cổ tức. Bên cạnh đó các cổ phiếu khác trong ngành như VCB, BID, VPB, CTG hay MBB đều đóng cửa tăng nhẹ trung bình dưới 1%. HDB, SHB, SSB hay STB cũng tăng khá mạnh, với mức tăng gần 2%.
– Trong khi đó, nhóm thép sau phiên hồi phục ngày hôm qua, đã nhanh chóng trở lại nhịp điều chỉnh giảm với mã lớn nhất ngành HPG giảm 0,84%, HSG giảm 1,66%, NKG giảm 2,57%.
– VN-Index tiếp tục nhịp hồi phục nhưng diễn biến hồi phục có dấu hiệu chậm lại. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp, thể hiện trạng thái lưỡng lự giữa cung và cầu. Diễn biến hiện tại chưa có tín hiệu bất thường và cũng phù hợp sau phiên hồi phục nhanh.
– Phiên 09/12 sẽ là phiên thử thách đối với thị trường khi lượng hàng bắt đáy ở phiên đầu tuần về tài khoản. Nhịp hồi phục của thị trường vẫn có thể sẽ tiếp diễn nhưng sẽ chậm lại khi đến vùng cản 1.460-1.470 điểm, do áp lực bán lớn vẫn đang tiềm ẩn ở vùng này.
– Nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng diễn biến hồi phục tiếp của thị trường, nhưng vẫn cần thận trọng. Chúng tôi vẫn cho rằng nên tận dụng nhịp hồi phục để cơ cấu danh mục hợp lý. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế trạng thái mua đuổi.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• TPBank chốt quyền phát hành hơn 410 triệu cp thưởng
– TPBank dự kiến phát hành hơn 410 triệu cp thưởng cho cổ đông. Tỷ lệ thực hiện là 35%, tương đương cổ đông nắm giữ 100 cp TPB tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 35 cp mới. Cổ phiếu phát hành không bị hạn chế chuyển nhượng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/12/2021.
– Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận để lại chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của TPBank dự kiến sẽ nâng từ mức gần 11.717 tỷ đồng lên gần 15.818 tỷ đồng.
– Trong quý 3, TPBank đã tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 11.716 tỷ đồng, thông qua hình thức chào bán 100 triệu cp riêng lẻ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua. Bên cạnh đó, tổng huy động của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt 230.644 tỷ đồng, tăng 24,73% so cùng kỳ và vượt xấp xỉ 4% kế hoạch cả năm.
– Tính đến hết ngày 30/09/2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 260.328 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn 4% kế hoạch cả năm. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 9.868 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng trong ba quý qua là 15%. Kết thúc tháng 9, Ngân hàng đã đạt 75,76% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

• Hà Đô chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%
– Tập đoàn Hà Đô (Mã cổ phiếu: HDG) thông báo ngày 22/12 là đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền nhận cổ phiếu cổ tức 2020. Doanh nghiệp sẽ phát hành 32,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phân bổ 20% (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới). Nguồn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán 2020. Sau phát hành, Hà Đô sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.636 tỷ đồng lên 1.963 tỷ đồng.
– Tập đoàn Hà Đô hiện tại có 2 lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản và năng lượng tái tạo. Ở mảng bất động sản, doanh nghiệp tập trung vào các đô thị mới, nhà thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, khách sạn… Trong mảng năng lượng tái tạo, tập đoàn có 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió. Đơn vị vẫn đang đầu tư một số nhà máy điện gió, điện mặt trời khác.
– Về kết quả kinh doanh 9 tháng 2021, tập đoàn đạt 2.454 tỷ đồng doanh thu, giảm 35,5% so với cùng kỳ; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 570 tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ.
– Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ kinh doanh bất động sản giảm mạnh từ 2.607 tỷ đồng xuống 1.347 tỷ đồng, xây lắp giảm từ 509 tỷ xuống 136 tỷ đồng trong khi thủy điện và điện mặt trời tăng từ 511 tỷ đồng lên 699 tỷ đồng, dịch vụ khách sạn tăng từ 46 tỷ lên 98 tỷ đồng.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall