Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 29.10.2021 | MSN: 9 tháng, doanh thu thuần hợp nhất Masan Group tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ

Nhận định Thị trường hàng ngày 29/10/2021    70960

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Nhật Bản hạ dự báo tăng trưởng, duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng
– Ngày 28/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định hạ dự báo về lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong tài khóa 2021, nhưng giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng.
– Sau cuộc họp chính sách, BoJ đưa ra dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới có thể sẽ tăng trưởng ở mức 3,4% trong tài khóa 2021, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản sẽ đứng ở mức 0%, thấp hơn so với con số 0,6% trước đó.
– Trong thông báo phát hành sau hai ngày họp, BoJ nhấn mạnh: “Nền kinh tế Nhật Bản đang trong xu hướng hồi phục cho dù vẫn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở trong và ngoài nước”. Mặc dù vậy, BoJ vẫn nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế trong tài khóa 2022 từ 2,7% lên 2,9%.
– Để hỗ trợ cho đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế, BoJ đã quyết định duy trì chương trình kiểm soát “đường con lãi suất” khi giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở khoảng 0% nhằm duy trì lãi suất cho vay đối với hộ gia đình và doanh nghiệp ở mức thấp. Bên cạnh đó, BoJ sẽ tiếp tục chương trình mua chứng chỉ ETF với khối lượng mua trần là 12.000 tỷ yên (106 tỷ USD)/năm, đồng thời giữ nguyên hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch.
– Với quyết định trên, BoJ đang đi ngược xu hướng với nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ phục hồi mạnh
– Mặc dù chững lại so với quý trước đó nhưng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong quý 3/2021 vẫn tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại thị trường này đang hồi phục rất mạnh do nguồn cung trong nước thấp…
– Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến cuối tháng 9/2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 1,45 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các mặt hàng thủy sản Việt Nam Xuất khẩu sang Mỹ, tôm, cá tra và cá ngừ là 3 dòng sản phẩm chính, chiếm lần lượt 53%, 17% và 15,6% tổng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
– Đối với mặt hàng cá tra, 9 tháng đầu năm nay XK cá tra sang Mỹ đạt 248 triệu USD, tăng 43% so cùng kỳ, chủ yếu là sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh. Mỹ hiện là thị trường lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của XK cá tra Việt Nam khi chiếm 23% thị phần.
– Nhu cầu tại thị trường Mỹ đang hồi phục rất mạnh trong khi nguồn cung thủy sản trong nước vốn đã rất thấp (thường chỉ đáp ứng 10% tiêu thụ nội địa) lại bị sụt giảm vì gián đoạn sản xuất do COVID-19, thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, giá thủy sản ở Mỹ tăng cao… Do vậy, nhu cầu thủy sản của nước này rất lớn, nhất là các sản phẩm tôm, cua ghẹ…

• VSA dự báo xuất khẩu thép cuối năm dự báo tăng trưởng tốt
– Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong 9 tháng năm 2021, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021. Dự báo cuối năm, với nhu cầu tiêu thụ tăng lên, xuất khẩu thép dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Cụ thể, theo VSA, thép thành phẩm sản xuất 9 tháng đạt hơn 24,8 triệu tấn, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ thép các loại đạt gần 22 triệu tấn, tăng 32,5% so; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thép thô sản xuất đạt 17,79 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 17,15 triệu tấn, tăng 22%; trong đó, xuất khẩu đạt 1,59 triệu tấn tấn, giảm 31,7% so với cùng kỳ 2020.
– Theo VSA, nhập khẩu thép về Việt Nam là 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá hơn 9 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới trong 8 tháng năm 2021, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Đây là động lực thúc đẩy ngành thép giữ được mức tăng trưởng chung thời gian qua.
– Nếu tính riêng trong quý III/2021, thép thành phẩm sản xuất đạt gần 7,16 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép thành phẩm các loại quý III đạt hơn 6,2 triệu tấn, giảm lần 7%, so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tốt ở những tháng đầu năm đã giúp ngành thép vẫn giữ được mức tăng tốt trong thời gian qua.
– Giá nguyên liệu sản xuất thép toàn cầu 9 tháng năm 2021 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng kể từ cuối năm 2020; trong đó, giá quặng sắt thời điểm tháng 5/2021 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2020. Sau đó, giá các loại nguyên liệu trên đã điều chỉnh giảm nhẹ trong quý II & III.
– Triển vọng thị trường thép Việt Nam trong quý IV/2021 là tích cực khi các tỉnh thành dần kiểm soát được dịch bệnh, cùng với các Hiệp định FTA được ký kết và sự phục hồi sản xuất, đầu tư xây dựng sẽ là nhân tố giúp cho tăng trưởng ngành thép khả quan hơn nữa trong thời gian tới.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Áp lực chốt lời xuất hiện ở đầu phiên khiến cho điểm số của VN-Index chìm trong sắc đỏ nhẹ. Tuy nhiên, lực cầu mạnh tiếp tục giúp VN-Index viết nên lịch sử ở mốc 1.438 điểm, tăng gần 15 điểm tương ứng với 1,05% so với phiên trước. Thanh khoản trong phiên 28/10 cũng ủng hộ đà tăng này khi tiếp tục ở mức cao hơn trung bình 20 phiên.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, GAS, MSN và NVL là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất khi góp hơn 6 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, HVN, PDR, PLX là những mã có tác động tiêu cực nhất, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không quá lớn.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 620 tỷ đồng, giảm 40% so với giá trị bán ròng ở phiên trước. HPG vẫn được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị 195 tỷ đồng. Các mã GAS, DXG và MSN đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, NLG bị bán ròng mạnh nhất với 126 tỷ đồng. KBC và VRE đều bị bán ròng trên 40 tỷ đồng.
– Xét về nhóm ngành, tiện ích là ngành tăng điểm mạnh nhất thị trường với mức tăng 2,7%. Trong đó, ông lớn GAS tăng tốt 2,71%, BWE tăng 2,32%. Các cổ phiếu nhóm điện cũng giao dịch rất tích cực.
– Cùng với ngành tiện ích, nhóm chứng khoán cũng là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Trong đó, VND tăng mạnh hơn 5%, MBS và SHS tiến tốt hơn 2%, SSI, VCI cùng tăng nhẹ lên trên tham chiếu. Ngành bất động sản cũng có phiên giao dịch khá tích cực. Nổi bật trong nhóm, DIG tiếp tục tăng giá mạnh mẽ 6,06%, BCM tăng tốt 6,6%, NVL bật tăng 3,75%.
– Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường có thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể kiểm định mức 1.450 điểm. Đồng thời, chỉ số VN30 có thể sẽ quay trở lại vùng đỉnh cũ quanh mức 1.560 điểm. Điểm tích cực là rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và dòng tiền có dấu hiệu gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, trong quá trình tăng điểm sẽ có những phiên rung lắc và điều chỉnh khi lượng chốt lời gia tăng. Trong phiên giao dịch tiếp theo 29/10, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu tiếp theo là ngưỡng 1.450 điểm.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MSN: 9 tháng, doanh thu thuần hợp nhất Masan Group đạt hơn 64.800 tỷ đồng tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ
– CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2021. 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất Masan Group đạt 64.801 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ ở hầu hết các mảng kinh doanh gồm 14,3% của MCH, 32,8% của MML, và 89,3% của MHT. Trong đó, nếu 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Wincommerce (WCM) chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thì doanh thu thuần trong quý III/2021 của chuỗi bán lẻ này tăng 21,2%.
– Ngoài ra, doanh thu của chuỗi WCM đạt mức tăng trưởng một chữ số trong 9 tháng đầu năm 2021 chủ yếu là do số lượng điểm bán giảm sau đợt tinh gọn mạng lưới cửa hàng trong năm 2020. Tính đến cuối quý III/2021, Masan có tổng số 2.456 cửa hàng đang hoạt động so với mức 2.654 cửa hàng hồi cuối quý III/2020.
– 9 tháng đầu năm 2021, EBITDA hợp nhất của Masan tăng 70,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 11.070 tỷ đồng, biên EBITDA đạt 17,1% so với 11,7% của cùng kỳ năm 2020. Động lực tăng trưởng là nhờ biên EBITDA của WCM cải thiện 870 điểm cơ bản trong 9 tháng đầu năm, đạt mức 3,4%. Các mảng kinh doanh khác đạt biên EBITDA so với cùng kỳ năm trước tương đối ổn định ngoại trừ MML, do giá cả hàng hóa tăng ảnh hưởng tiêu cực đến mảng thức ăn chăn nuôi. Nhìn chung, biên EBITDA của Masan Group trong quý III/2021 tăng 406 điểm cơ bản so với quý III/2020.
– Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt mức 2.126 tỷ đồng, tăng 119,5% so 9 tháng đầu năm 2020. Động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ vào tỉ suất lợi nhuận tuyệt đối cao hơn ở tất cả các mảng kinh doanh. Đặc biệt, quý III/2021 là quý đầu tiên WinCommerce và mảng kinh doanh thịt MEATDeli của MML đều đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông theo quý dương.

• HDBank báo lãi 9 tháng cao hơn 39% cùng kỳ, nợ xấu tăng
– Theo BCTC hợp nhất quý III, HDBank (HoSE: HDB) ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 9% lên 3.306 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đi ngang với 329 tỷ đồng lãi thuần. Hoạt động ngoại hối mang về 20,6 tỷ đồng, thấp hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động quý III đạt 3.705 tỷ đồng, tăng gần 7%. Trong khi đó, chi phí hoạt động 1.411 tỷ đồng, giảm 10%. Ngân hàng lãi trước trích lập 2.294 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
– Chi phí dự phòng rủi ro trong quý cũng giảm gần 7%, xuống 403 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 28% lên 1.891 tỷ đồng.
– Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 6.084 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 83,5% kế hoạch cả năm. Hệ số ROE đạt 24%, cao hơn mức 21% cùng kỳ năm trước.
– Tính đến 30/9, tổng tài sản ở mức 346.355 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Dư nợ khách hàng tăng 7,4% lên 191.515 tỷ đồng, dự phòng rủi ro tăng 12%. Nợ xấu tăng 14%, ở mức 2.679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng 56% lên hơn 1.153 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,3% lên 1,4%.
– Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 11% lên gần 194.429 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 7,7% lên 22.675 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn tăng 11,5% lên 170.577 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn CAR nâng từ 10,9% lên 13,5%.

• NKG: Biên lãi gộp bật mạnh, Thép Nam Kim báo lãi quý 3 gấp 7 lần cùng kỳ
– CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu thuần tăng mạnh gấp 2,2 lần cùng kỳ lên 7.531 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, NKG ghi nhận xuất khẩu chiếm ưu thế khi mang về 12.741 tỷ đồng, còn lại 6.670 tỷ là nội địa, trái ngược hẳn so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng đạt 1.296 tỷ, gấp 5,3 lần cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên tăng mạnh lên 17,2% so mức 7,1% của cùng kỳ.
– Kỳ này, chi phí bán hàng của NKG tăng khá mạnh gấp 6 lần lên 464 tỷ đồng; ngoài ra công ty cũng lỗ từ hoạt động khác hơn 17 tỷ đồng.
– Tuy nhiên, sau cùng NKG vẫn lãi ròng 606 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ. Theo NKG, sở dĩ lợi nhuận kỳ này tăng mạh do công ty đẩy mạnh kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, sản lượng sản xuất tăng làm cho chi phí sản xuất giảm, biên độ lợi nhuận gộp tăng.
– Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của NKG ghi nhận 19.393 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 1.773 tỷ đồng, gấp 12,5 lần cùng kỳ. Mức lãi này nâng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên con số 2.191 tỷ đồng.
– Năm 2021, NKG đặt mục tiêu doanh thu 16.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ. Như vậy, chỉ trong 9 tháng, NKG đã vượt 21% về doanh thu và gấp gần 3 lần về lợi nhuận.
– Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của NKG tăng gấp đôi lên 15.792 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm gần 1.200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; hàng tồn kho cũng tăng gấp 3 lần lên 7.305 tỷ đồng.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0