Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 26.10.2021 | PV GAS 9 tháng lãi sau thế hơn 6.822 tỷ – hoàn thành 97% kế hoạch năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 26/10/2021    68273

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung quốc quyết tâm giữ ổn định giá và duy trì đủ nguồn cung thép
– Cuối tuần trước, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) đã cho biết các doanh nghiệp sản xuất thép tại Trung Quốc sẽ đảm bảo duy trì đủ nguồn cung nhằm giữ giá thép ở mức ổn định trong bối cảnh thị trường thép nước này đang đối mặt nhiều yếu tố phức tạp.
– Hoạt động sản xuất thép của Trung Quốc vừa qua đã chịu tác động mạnh khi chính phủ nước này siết chặt kiểm soát ô nhiễm và tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng.
– Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội cũng nhấn mạnh họ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến phục hồi hoạt động sản xuất thép trên toàn cầu nhằm điều chỉnh sản lượng thép của Trung Quốc.
– Đồng thời, tổ chức này cho biết các biện pháp kiểm soát sản xuất thép của Chính phủ Trung Quốc không phải là giải pháp trong dài hạn, thay vào đó các nhân tố trên thị trường, quy định của pháp luật và quá trình hội nhập quốc tế sẽ là những điều kiện cơ bản quyết định sản lượng thép của nước này.
– Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất của nước này kể từ hồi tháng 12/2017
– Hiện tại, chính phủ Trung Quốc hiện vẫn giữ mục tiêu sản lượng thép năm nay bằng mức năm 2020. Tuy nhiên trong ngắn hạn, dự kiến lượng thép xuất khẩu của nước này trong tháng 10 sẽ tiếp tục giảm xuống do nguồn cung thép nội địa suy yếu.

2. Thông tin Việt Nam

• Việt Nam vượt mặt Trung Quốc xuất khẩu đồ nội thất gỗ sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm
– Mới đây, dữ liệu thống kê từ Uỷ ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Mỹ nhập khẩu đồ nội thất gỗ từ thị trường Việt Nam nhiều nhất, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2020.
– Trước đó, trong năm 2020, Việt Nam đã xuất 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ, tăng 31% so với năm 2019, vượt qua Trung Quốc với 7,33 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong cùng kỳ.
– Như vậy, trong 9 tháng 2021, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 40,6% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ, tăng 4,5 điểm % so với cùng kỳ năm 2020.
– Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Mỹ hiện cũng đang là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam.
– Thêm vào đó, mới đây, ngành gỗ Việt Nam còn đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ thông qua việc ký thỏa thuận với trưởng đại diện thương mại chính phủ Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, từ đó chính thức khép lại vụ Điều tra 301 của Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.
– Sự kiện này góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, từ đó thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ.
– Và cũng theo đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này, đặc biệt là trong dịp cuối năm.
– Tổng nhu cầu trong năm 2021 có thể lên tới 100 tỷ USD trong bối cảnh nền kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng 6-7%. Như vậy, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ sẽ là rất khả quan nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
• Covid có thể khiến điện gió Việt Nam mất điểm trong mắt các nhà đầu tư FDI
– Dịch Covid-19 bất ngờ ập đến đã khiến cho kế hoạch vận hành thương mại vào ngày 31/10/2021 của hàng loạt nhà máy điện gió đứng trước nguy cơ “sụp đổ” do không còn được hưởng cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
– 5 năm qua dòng vốn FDI và nhiều ông lớn trong nước đã đổ mạnh vào ngành năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, năm 2020, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký, cao gấp 38 lần so với thời kỳ 5 năm trước đó.
– Ngoài ra, trong năm 2020 có 35% các dự án đăng ký FDI mới là trong lĩnh vực năng lượng, đứng vị trí số 2 chỉ sau ngành công nghiệp sản xuất.
– Tuy nhiên, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các dự án điện gió, do giãn cách xã hội đã hạn chế sự di chuyển và đi lại.
– Công bố mới nhất, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký vận hàng thương mại (COD) thì đến ngày 22/10/2021, mới có 28 nhà máy điện gió với tổng công suất 1.247,4 MW đã được công nhận COD.
– Như vậy, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, hàng chục dự án còn lại sẽ phải hoàn thành để hưởng giá FIT. Và đây là điều bất khả thi.
– Theo số liệu tính toán của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 MW dự án điện gió “lỡ hẹn” vận hàng thương mại. Với rủi ro tài chính ước tính ở mức 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định, và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm. Điều này dẫn đến tổn thất rất lớn về đầu tư và có thể khiến điện gió Việt Nam mất điểm trong mắt các nhà đầu tư FDI.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Chỉ số VN-Index dù mở cửa tăng điểm khá hứng khởi nhưng đã dần dần thu hẹp đà tăng và kết phiên trong sắc đỏ. VN-Index giảm 3,84 điểm đóng cửa ở mức 1.385,40 điểm. Trong khi nhóm vốn hóa lớn giảm điểm thì nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại giao dịch khá tích cực khi tăng lần lượt ở mức 0,9% và 0,67%.
– Về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, chỉ riêng HPG và TCB đã kéo giảm thị trường chung xuống hơn 3 điểm. Nhiều hơn những điểm tăng được đóng góp bởi 4 cổ phiếu GVR, BVH, VHM và BCM.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 1.190 tỷ đồng, gấp 5,6 lần phiên trước. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 6 phiên liên tiếp trên sàn HOSE với tổng giá trị hơn 4.600 tỷ đồng. VJC bị khối ngoại bán ròng đột biến ở phiên này với 417 tỷ đồng và chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. HPG và NLG vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 141 tỷ đồng và 116 tỷ đồng. Chiều ngược lại, CTG được mua ròng mạnh nhất với 40 tỷ đồng. VHC và GAS được mua ròng lần lượt 30 tỷ đồng và 26 tỷ đồng.
– Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng vẫn tạo sức ép lớn nhất trên thị trường khi chỉ có duy nhất CTG tăng nhẹ chưa tới 1%, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó đáng kể là TCB, VIB, SHB, TPB, STB cùng giảm hơn 2%; MBB, ACB, EIB giảm hơn 1%, còn lại đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%.
– Ở nhóm chứng khoán, các mã lớn tiếp tục giảm sâu hơn như SSI giảm 2,3%, HCM giảm 2,7%, VND và VCI cùng giảm 3,1%.
– Tương tự, nhóm cổ phiếu thép cũng bị bán mạnh và đồng loạt đều giảm sâu hơn, đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày như HPG giảm 2,8%, HSG giảm 4,1%, NKG giảm 5,8%, TLH giảm 3,2%.
– Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng giá rất tích cực trong phiên hôm nay với các mã BVH, BMI, VNR cùng đóng cửa ở mức giá trần. Ngoài ra, PVI tăng 7,1%; BIC và PGI cùng tăng hơn 2%.
– Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang phát đi những tín hiệu tiêu cực hơn trong mấy phiên gần đây. Ảnh hưởng từ nhóm này tới xu hướng chung của thị trường chưa quá tệ, nhưng nếu tình hình này tiếp diễn trong các phiên tới thì mức độ ảnh hưởng sẽ rộng hơn.
– Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang có vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh ngưỡng 1.375-1.380 điểm. Nói chung thị trường vẫn đang phân hóa, điểm khác biệt là sự phân hóa đang dựa vào dòng vốn đầu cơ hơn là sàng lọc các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt. Mức độ phân hóa cũng có dấu hiệu thu hẹp dần trong vài phiên gần đây, do đó hoạt động đầu cơ trong ngắn hạn sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PV GAS 9 tháng lãi sau thế hơn 6.822 tỷ – hoàn thành 97% kế hoạch năm
– Tổng công ty Khí Việt Nam (mã GAS) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021
– Về kết quả kinh doanh quý 3, doanh nghiệp đạt doanh thu 18.543 tỷ đồng tăng 16,3% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của quý tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020, đạt 18,4%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.464 tỷ đồng, tăng hơn 19% cùng kỳ 2020.
– Theo đó, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt 58.815 tỷ đồng tăng gần 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.822 tỷ đồng, tăng hơn 9% cùng kỳ năm trước, hoàn thành 97% kế hoạch năm.
– Theo giải trình của GAS, mặc dù sản lượng khí tiêu thụ Quý III/2021 giảm 26% và sản lượng LPG giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên do giá dầu Brent bình quân quý III/2021 tăng 71%, tương ứng tăng 30,57 USD/thùng so với cùng kỳ 2020 nên lợi nhuận sau thuế quý III/2021 tăng 19% cùng kỳ năm trước.
– Hiện tại, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm lĩnh 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ LPG nội địa.
• Doanh thu tăng 60% nhưng KBC ghi nhận lỗ hơn 59 tỷ đồng trong quý 3, 9 tháng chỉ hoàn thành gần 37% kế hoạch năm
– Doanh thu quý 3 của KBC đạt 325 tỷ đồng tăng 60,6% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 9 tháng đạt 3.077 tỷ đồng tăng gần 231%. Biên lợi nhuận gộp quý này giảm đáng kể so với cùng kỳ 2020, đạt 48,9% so với số 56,9% cùng kỳ năm trước.
– Doanh thu tài chính quý 3/2021 đạt 37 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ 2020, luỹ kế 9 tháng đạt 111 tỷ đồng, tăng 151%. Chi phí tài chính quý này của KBC tăng đột biến, cao hơn 100 tỷ so với cùng kỳ năm trước, lên tới 178 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng chi phí tài chính lên tới 403 tỷ đồng, tăng hơn 130% so với cùng kỳ 2020.
– KBC ghi nhận lỗ sau thuế quý 3/2021 hơn 59 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 lỗ gần 9 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng KBC lãi sau thuế 733 tỷ, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước nhưng chỉ hoàn thành 36,65% kế hoạch năm.
– KBC vừa phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán 34.096 đồng/cp. Trong đó, 88 triệu cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư trong nước và 12 triệu cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, nhóm Dragon Capital mua vào 12 triệu đơn vị, tổ chức trong nước là Quản lý quỹ đầu tư SGI mua vào 15 triệu cổ phần, còn lại là 5 nhà đầu tư cá nhân tham gia đợt chào bán trên.
• IDICO lãi quý 3 tăng 83% nhờ bán vốn cho công ty liên kết
– Tổng công ty Idico (mã IDC) vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý 3/2021 ghi nhận doanh thu thuần giảm 11,2% xuống 117 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 11,5% xuống 50 tỷ đồng
– Tuy nhiên, doanh thu tài chính tăng mạnh từ 29 tỷ lên 123 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 30%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 52%. Lợi nhuận hoạt động khác giảm 28% xuống 36 tỷ đồng.
– Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 3/2021 đạt 152 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 407 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ.
– IDICO cho biết lợi nhuận quý III tăng chủ yếu nhờ chênh lệch từ việc thoái vốn đầu tư tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (công ty liên kết) với trị giá 84,2 tỷ đồng. Trước đó, Idico thông báo bán 30% vốn góp tại Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ cho Tổng công ty Viglacera với giá 350 tỷ đồng.
– Mới đây, tổng công ty đã tổ chức họp đại hội cổ đông điều chỉnh kế hoạch kinh doanh công ty mẹ với lợi nhuận sau thuế từ 460 tỷ đồng lên 1.032 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp mới thực hiện 39,4% kế hoạch lợi nhuận điều chỉnh sau 9 tháng.
– Ngoài ra, doanh nghiệp cũng triển khai thực hiện kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu sang Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). Đơn vị kỳ vọng hoàn tất các thủ tục đưa cổ phiếu IDC niêm yết HoSE trước ngày 31/1/2022.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0