Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.10.2021 | TCB: Lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 17.000 tỷ đồng tăng 59,6% so với cùng kỳ

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/10/2021    66087

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá dầu thế giới tăng gần mức cao nhất trong nhiều năm, nguy cơ đáng sợ cho nền kinh tế
– Nền kinh tế thế giới vừa trải qua một thảm họa chưa từng có với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và đang đối mặt với khó khăn mới, khi giá dầu tăng mạnh và được dự báo có thể lên ngưỡng 200 USD/thùng
– Trong tuần qua, giá dầu thế giới tăng lên gần mức cao nhất trong nhiều năm ở trên mốc 85 USD/thùng đối với dầu Brent, và 83,87 USD với dầu thô ngọt nhẹ Mỹ do những khó khăn trong chuỗi cung ứng năng lượng và thời tiết trở lạnh tại Trung Quốc.
– Louise Dickson, chuyên gia phân tích thị trường dầu tại công ty nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy), nhận định thị trường dầu mỏ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến lượng hàng tồn kho giảm sâu và dầu lên giá.
– Cùng với đó, giới phân tích nhận định giá dầu, than đá và khí đốt sẽ duy trì đà tăng, khi Bắc Bán cầu bước vào mùa Đông và nhu cầu sưởi ấm gia tăng
– Theo Goldman Sachs, đây không phải là cú sốc vào mùa đông mang tính tạm thời mà thực chất là sự khởi đầu của một cuộc định giá lại đối với dầu thô, và giá dầu Brent sẽ đạt mốc 90 USD/thùng trước khi kết thúc năm 2021.
– Sự bứt phá nhanh chóng của giá dầu thời kỳ hậu Covid là một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm nay sẽ còn kéo dài.
– Điều đáng lo ngại ở đây là lạm phát cao sẽ buộc các ngân hàng trung ương cắt giảm gói hỗ trợ tiền tệ, tạo ra tác động tiêu cực kép đến nền kinh tế thế giới.

2. Thông tin Việt Nam

• Chính phủ đặt mục tiêu GDP Việt Nam năm 2022 tăng 6% – 6,5%
– Ngày 20/10/2021, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
– Về tình hình kinh tế xã hội năm 2021, Thủ tướng cho biết dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên, quý III/2021 giảm 6,17%, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42%.
– Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.
– Về kế hoạch năm 2022, trong 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đề ra, Thủ tướng cho biết, mục tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là khoảng 6 – 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi Ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%
– Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
• Xuất siêu tháng 9 trở lại, điểm sáng cho tình hình xuất nhập khẩu những tháng cuối năm
– Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9, tốc độ sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu đã được cải thiện hơn nhiều. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tháng 9 đạt hơn 53 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 8/2021
– Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở đây là trong nửa cuối tháng 9/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 29,07 tỷ USD, tăng đến 17,9% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng
– Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 33,7% (tương ứng tăng 3,9 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 9/2021, đạt gần 15,47 tỷ USD. Đây là dấu hiệu khá lạc quan cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu đã có chiều hướng tăng trưởng sau nhiều tháng khó khăn do các phương án phòng, chống dịch. Nửa cuối tháng 9, xuất siêu đã trở lại với con số 1,87 tỷ USD.
– Điểm sáng trong tình hình xuất khẩu tháng 9 còn ở việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi bước đầu với kim ngạch đạt 3,363 tỷ USD, tăng tới 33% so với tháng 8
– Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III tổ chức mới đây cho biết, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 – 5% nhưng Bộ Công Thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index khởi đầu phiên giao dịch ngày 20/10/2021 giằng co trong biên độ hẹp và lại một lần nữa tiến lên chạm mốc điểm 1.400 điểm, song không thành công trong việc bứt phá lên trên. Chỉ số VN-Index loay hoay giao dịch ngay dưới mốc điểm này trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Về gần cuối phiên, VN-Index bất ngờ quay đầu giảm mạnh gần 20 điểm. Tuy vậy, nhờ vào dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư, VN-Index dần rút ngắn những điểm giảm trước đó để rồi kết phiên giao dịch ngày giảm nhẹ 1,53 điểm. VN-Index kết phiên ở mức 1.393,80 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, VCB, VHM, SAB và CTG là những cổ phiếu góp nhiều điểm giảm nhất cho thị trường. Trong khi đó, MSN, TCB và OCB là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đột biến 1.363 tỷ đồng, gấp 3 lần so với giá trị bán ròng của phiên trước, đây cũng là phiên bán ròng thứ 3 của dòng vốn này với giá trị tổng cộng 2.439 tỷ đồng. HPG tiếp tục bị bán ròng mạnh nhất với 359 tỷ đồng. NLG bị bán ròng 235 tỷ đồng, VIC và VHM lần lượt là 128 tỷ đồng và 126 tỷ đồng. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ ETF FUESSVFL được mua ròng mạnh nhất với 66 tỷ đồng. VNM và DPM được mua ròng lần lượt 64 tỷ đồng và 57 tỷ đồng.
– Ngành ngân hàng có mức phân hóa lớn, trong khi các cổ phiếu ngân hàng lớn như VCB, BID hay CTG cùng giảm quanh mức 1% thì sắc xanh lại xuất hiện ở những cổ phiếu ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn. Có thể kể đến như SHB, STB, TPB hay OCB.
– Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục có hiệu suất hấp dẫn hơn so với nhóm bluechips do vậy chỉ số thị trường có thể tiếp tục bị kiềm chế bởi áp lực từ các cổ phiếu lớn. Nhà đầu tư nên tập trung vào cổ phiếu đơn lẻ hơn là quan tâm nhiều đến biến động ngắn hạn của chỉ số khi xu hướng tăng của thị trường vẫn còn tiếp diễn.
– Phiên giao dịch 21/10 là ngày đáo hạn của hợp đồng VN30F2110 nên những biến động mạnh có thể diễn ra, nhà đầu tư cần lưu ý điều này. Dưới góc nhìn kỹ thuật, ngưỡng 1.375-1.380 điểm tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cả về kỹ thuật lẫn về tâm lý giao dịch chung

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• DPM ước tính lợi nhuận 9 tháng đạt 1.512 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ
– Theo tin thông từ Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM), trong quý 3, công ty ước đạt 484 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
– Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ước đạt doanh thu hợp nhất 7.558 tỷ đồng, tương đương 91% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
– Lợi nhuận trước thuế đạt 1.512 tỷ đồng, tương đương 346% kế hoạch năm 2021 và tăng 111% so với cùng kỳ năm 2020.
– Cụ thể, về sản lượng một số dòng sản phẩm chính: Sản phẩm Ure Phú Mỹ giảm 19%, sản lượng NPK Phú Mỹ tăng 75%, phân bón khác tăng 21% so với cùng kỳ.
– Theo DPM, việc lợi nhuận gia tăng bên cạnh yếu tố giá bán sản phẩm tăng mạnh còn đến từ việc Tổng công ty đã tiết giảm chi phí, tối ưu quá trình sản xuất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, trong 6 tháng 2021 DPM cũng đã được hạch toán lại giảm một số chi phí và tăng thu nhập khác theo kết luận của kiểm toán nhà nước. Ngoài ra, tồn kho urê PM năm 2020 với giá thành thấp, chuyển sang kinh doanh những tháng đầu năm 2021, giúp gia tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận.
– Trong 3 tháng còn lại của năm 2021, DPM dự kiến sản lượng kinh doanh Ure Phú Mỹ đạt 237.748 tấn; NPK sản xuất đạt 18.583 tấn; Phân bón tự doanh đạt 39.826 tấn và hóa chất đạt 32.204 tấn.

• TCB: Lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 17.000 tỷ đồng tăng 59,6% so với cùng kỳ, CASA tiếp tục tăng mạnh
– Về báo cáo kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý III năm nay của Techcombank đạt 6.742 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hoạt động kinh doanh khác cũng có kết quả tích cực: Thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 21,2% đạt 1.497 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 103,9% đạt 93,4 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đạt 306 tỷ đồng, tăng 50,3% so với cùng kỳ.
– Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của Techcombank đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế đạt 13.715 tỷ đồng, tăng 60%.
– Cuối tháng 9/2021, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại Techcombank đạt 120.464 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ đạt 34.545 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA cuối tháng 9/2021 ở mức 49%, tăng đáng kể so với mức 46,1% cuối tháng 6/2021.
– Nợ xấu cuối tháng 9 của ngân hàng là 1.828 tỷ đồng, tăng 534 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 0,57%, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank đã đạt 184%, tức cứ 100 đồng nợ xấu thì nhà băng này đã dự phòng tới 184 đồng.

• FPT: 9 tháng, FPT ghi nhận 4.575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 20% so với cùng kỳ
– 9 tháng, Tập đoàn FPT ghi nhận 24.953 tỷ đồng doanh thu và 4.575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 17,9% và 20% so với cùng kỳ năm ngoái với động lực chính từ mảng công nghệ và viễn thông. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện được khoảng 72% mục tiêu doanh thu và 74% lợi nhuận cả năm.
– Tính riêng quý III, FPT đạt 8.722 tỷ đồng doanh thu, 1.639 tỷ đồng lãi trước thuế; tăng lần lượt 15% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất từ năm 2018 tới nay.
– Khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài) mang về 14.294 tỷ đồng doanh thu và 2.097 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trưởng 22,1% và 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối công nghệ hiện đóng góp 57% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế, giữ vững vị thế khối kinh doanh chủ lực của Tập đoàn.
– Doanh thu từ chuyển đổi số trong 9 tháng đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các công nghệ số như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI).
– Khối Viễn thông mang về 9.232 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% và 1.783 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0