Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.09.2021 | Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Vietcombank (VCB) phát hành cổ phiếu để trả cổ tức

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/09/2021    53122

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Lạm phát ở EU cao nhất trong 10 năm
– Lạm phát ở EU trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức 3,2%. Đây lần đầu tiên, lạm phát ở EU vượt quá mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đáng kể với mục tiêu lạm phát 2% mỗi năm.
– Trước những diễn biến hiện tại, các ngân hàng trung ương đã thông báo sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
– Hiên tại, tình hình trên toàn EU và eurozone khác hẳn so với một năm trước, khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 đầu tiên tác động mạnh vào nền kinh tế. Tại EU, giá cả trong tháng 8 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ở eurozone, giá cả thậm chí còn giảm 0,2%.
– Các nhà kinh tế cảnh báo giá năng lượng tăng cao sẽ đẩy lạm phát tăng trên khắp châu Âu trong năm nay, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đe dọa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của khu vực.
– Chỉ số giá tiêu dùng năng lượng của eurozone tăng 15,4% trong tháng 8, lên cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1996, khiến lạm phát của khu vực này tăng lên mức 3%. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của ECB.
– Tuy nhiên, các quan chức ECB và các nhà kinh tế cho biết họ mong đợi sự gia tăng này chỉ là tạm thời do các yếu tố mang tính thời điểm như gián đoạn chuỗi cung ứng khi các nước phát triển phục hồi sau đại dịch.

2. Thông tin Việt Nam

• Tăng trưởng tín dụng 8 tháng tăng 7,42% so với cuối năm 2020
– Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, thời gian qua bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
– Kết quả, đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ, tăng 7,42% so với cuối năm 2020, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.
– Đến nay NHNN đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).
– Đến ngày 31/08/2021, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi TCTD miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.
– Trong thời gian từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, NHNN tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng trọng tâm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

• Việt Nam nhập siêu gần 39 tỷ USD từ Trung Quốc
– 8 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ thị trường Trung Quốc với gần 39 tỷ USD, tăng xấp xỉ 3,8 tỷ USD so với cả năm 2020. Theo dữ liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 33,5 tỷ USD trong 8 tháng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ 2020 và chiếm xấp xỉ 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
– Nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến đó là điện thoại – linh kiện, máy móc và thiết bị phụ tùng lần lượt tăng 65% và 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều nhập khẩu, 8 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập hàng hoá, nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam, với 72,5 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Các nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng mạnh từ thị trường này, gồm chất dẻo nguyên liệu (tăng 103%) với gần 1,7 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,73 tỷ USD, tăng 71% vó với cùng kỳ. Điện thoại và linh kiện đạt 5,83 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ. Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tăng 35% so với cùng kỳ.
– Tính chung 8 tháng, Việt Nam đang nhập siêu gần 39 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Con số này tăng hơn 2 lần so với 4 tháng đầu năm và tăng hơn 3,8 tỷ USD so với cả năm 2020.
– Mặc dù tình trạng nhập siêu đang diễn ra gây nên một số lo lắng về cán cân thương mại giữa hai nước, tuy vậy có thể nhìn thấy mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhất chủ yếu là các nguyên vật liệu, máy móc phụ tùng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng và cân bằng cán cân trở lại. Vì vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Thị trường đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên
– VN-Index bước vào phiên giao dịch rất hứng khởi khi tăng mạnh hơn 8 điểm ở đầu phiên và giữ được sắc xanh trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, với tâm lý chốt lời mạnh của nhà đầu tư về cuối phiên, khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhẹ 2.16 điểm, xuống mức 1,350.48 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng khi duy trì trên mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền có dấu hiệu tích cực hơn.
– VCB, VNM, VIB và TCB là 4 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, với tổng cộng hơn 5 điểm tăng. Ngược lại, GAS, GVR và VHM cũng không kém cạnh khi kéo thị trường đi xuống hơn 3 điểm giảm.
– Giao dịch khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng thị trường khi nhóm nhà đầu tư trở lại gom ròng gần 60 tỷ đồng trên HOSE. Các mã được khối này mua ròng nhiều nhất là VCB (111 tỷ đồng), VNM (93,9 tỷ đồng), MBB (71 tỷ đồng).
– Điểm nhấn trong phiên hôm nay đến từ nhóm ngành ngân hàng khi nhóm này có tới 16 mã cổ phiếu tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá. Cổ phiếu đầu ngành như VCB, TCB, VPB hay CTG đều đồng loạt tăng quanh mức 1%-2%. Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn như SHB, SSB, STB hay HDB cũng kết phiên giao dịch trong sắc xanh. Trong khi đó nhóm cổ phiếu Midcaps tiếp tục chịu áp lực chốt lời mạnh.
– Phiên giao dịch hôm nay thực ra không phải là xấu, nhưng chỉ số chung bị tác động quá nhiều từ biến động của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Bản thân cổ phiếu ngân hàng không thể một mình đỡ nhịp thị trường mà cần có sự đồng thuận của nhiều cổ phiếu trụ khác. Hay nói cách khác là thị trường vẫn chưa có sự đồng thuận từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
– Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn chưa thay đổi và hiện vẫn đang trong nhịp hồi phục. Chỉ số VN-Index có thể hồi phục để hướng đến vùng kháng cự trong khoảng 1.375-1.380 điểm nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.350 điểm được giữ vững trong các phiên tới.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Vietcombank (VCB) phát hành cổ phiếu để trả cổ tức
– Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng theo nội dung Tờ trình ngày 9/8/2021 của NHNN để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Hiện tại, Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn Vietcombank.
– Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 50.000 tỷ đồng, bao gồm hai cấu phần. Trong đó, cấu phần thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank tăng thêm 10.236 tỷ đồng, qua đó nâng mức vốn lên hơn 47.325 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.
– Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Khối lượng phát hành là 307,61 triệu cổ phiếu (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành); trong đó phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho và phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.
– Nửa đầu năm 2021, Vietcombank đạt 13.569 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 23,6% so với 6 tháng đầu năm 2020. Với mức lợi nhuận này, Vietcombank đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng và vẫn là quán quân lợi nhuận toàn hệ thống.

• Vietjet – tăng trưởng lợi nhuận giữa đại dịch nhờ tối ưu chi phí hoạt động và đầu tư dự án mới
– CTCP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021. Báo cáo ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, công ty mẹ đạt doanh thu vận tải hàng không là 5.022 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỷ năm 2020 nhờ vào lợi nhuận từ đầu tư dự án mới .
– Về doanh thu hợp nhất, báo cáo soát xét cho biết Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 7.556 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 121,8 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ năm 2020.
– Trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietjet đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên toàn mạng bay và thực hiện hơn 34.000 chuyến bay. Ngoài ra, Vietjet đã tận dụng nguồn lực để tập trung hoàn thiện các quy trình khai thác và tăng cường hoạt động khai thác hàng hóa; tương ứng kết quả trong kì đã thực hiện vận chuyển hơn 37.000 tấn hàng hóa, tăng hơn 40% – 45% so với cùng kì năm trước.
– Ngoài ra, Vietjet tiếp tục quản lý tốt chi phí của mình thông qua các chương trình cải tiến, đổi mới, sáng tạo, các giải pháp tiết giảm chi phí; giảm chi phí khai thác bình quân theo giờ bay 71%, giảm chi phí bán hàng và hành chính 30% so với cùng kì năm trước.
– Có thể thấy, trong bối cảnh ngành hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Vietjet đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh, chứng minh là một doanh nghiệp linh hoạt, thích ứng tốt trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0