Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.04.2021 – • Thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống do COVID-19 lan rộng

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/04/2021    5288

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/04/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

• IMF: Sự chia rẽ về công nghệ giữa Trung Quốc với thế giới sẽ kéo giảm GDP toàn cầu
– Ông Berger cho rằng: “Thế giới hiện đang gắn kết chặt chẽ với nhau. Nếu quá trình trao đổi kiến thức giữa các nước bị tạm ngưng thì cuối cùng chúng ta sẽ phải trả giá và cái giá
phải trả này có thể khá đắt”. Nghiên cứu của IMF ước tính, sự chia rẽ công nghệ có thể lấy đi khoảng 5% GDP của nhiều nước, gấp khoảng 10 lần tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
– Cảnh báo trên của ông Berger được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ sung thêm 7 công ty trong lĩnh vực siêu máy tính của Trung Quốc vào “danh sách đen” của Mỹ. Những công ty này sẽ không được tiếp cận hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ nếu như không có giấy phép đặc biệt. Động thái này cũng đã từng được thực hiện dưới thời Tổng thống Donald Trump, khi Mỹ hạn chế xuất khẩu cho hàng loạt công ty Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn công nghệ Huawei.
– Chính quyền Biden vẫn đang xem xét các chính sách với Trung Quốc thừa hưởng từ thời Tổng thống Donald Trump và cho biết chiến lược của họ sẽ khá giống như vậy. Ông Berger nhận định: “Căng thẳng về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những yếu tố rủi ro chúng ta cần xem xét. Đây là một mối quan ngại dai dẳng”. Ông Berger cho biết, cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung đã kéo giảm tăng trưởng toàn cầu năm 2020 và năm nay cũng như thế. Cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng tới 0.4% GDP toàn cầu, theo ước tính của vị chuyên gia• Núi tiền tiết kiệm của thế giới chạm mức 5,400 tỷ USD
– Hộ gia đình trên toàn cầu đã tăng phần tiết kiệm phụ trội vào cuối quý 1/2021, theo ước
tính của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s. Phần tiết kiệm phụ trội được Moody’s định nghĩa là phần tiết kiệm vượt quá mức tiết kiệm của năm 2019. Bên cạnh đó, sự gia tăng về niềm tin tiêu dùng trên toàn cầu cho thấy người dân sẽ sẵn lòng mở hầu bao ngay khi các nhà hàng, cửa hàng, quán bar mở cửa trở lại. Trong quý 1/2021, chỉ số niềm tin tiêu dùng toàn cầu của Conference Board chạm mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập trong năm 2005. Trong đó, chỉ số tăng mạnh ở tất cả khu vực trên thế giới.
– Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết: “Việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén cộng với khoản tiết kiệm phụ trội trong thời dịch bệnh sẽ thúc đẩy chi tiêu trên toàn cầu giữa lúc các quốc gia sắp đạt miễn dịch cộng đồng và mở cửa kinh tế trở lại”. Nếu người tiêu dùng chi ra khoảng 1/3 lượng tiền tiết kiệm phụ trội, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 2 điểm phần trăm trong năm nay và năm 2022, Moody’s ước tính. Kết quả là tỷ lệ tiết kiệm năm 2020 của hộ gia đình ở các nền kinh tế phát triển đã chạm
mức cao nhất trong thế kỷ này, theo dữ liệu từ OECD. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng cũng gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia.
– Đánh giá: Dù rằng nền kinh tế toàn cầu bị giáng đòn nặng nề trong dịch Covid-19, nhưng thu nhập của các hộ gia đình phần lớn vẫn được bảo vệ bởi các gói kích thích chưa từng có tiền lệ của chính phủ. Người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu khi đối mặt với sự bất ổn về việc làm và thu nhập. Ngoài ra, điều này còn đến từ việc các doanh nghiệp dịch vụ đã đóng cửa hoặc hoạt động hạn chế. Người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tiết kiệm thêm 5.4 ngàn tỷ USD kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến và ngày càng tỏ ra tự tin hơn về triển vọng kinh tế, qua đó góp phần dọn đường cho đà hồi phục mạnh mẽ về chi tiêu.

2. Thông tin Việt Nam

• Dư nợ cho vay tại các CTCK lập kỷ lục 110.000 tỷ đồng vào cuối quý 1, tăng 20.000 tỷ so với đầu năm
– Giá trị khớp lệnh bình quân sàn HoSE trong quý 1 đạt 14.083 tỷ đồng/phiên, tăng 62% so với quý trước và gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020. Sự cải thiện thanh khoản trong quý vừa qua không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Theo ước tính của chúng tôi, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) trên toàn thị trường tính tới cuối quý 1/2021 vào khoảng 110.000 tỷ đồng (~4,8 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nêu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều 110.000 tỷ đồng.
– Tính riêng 20 CTCK lớn nhất thị trường có dư nợ cho vay cuối quý 1/2021 lên tới 98.407 tỷ đồng, tăng khoảng 17.200 tỷ (+41%) so với quý 4/2020 và tăng 127% so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý 1/2020. Không chỉ các CTCK Hàn Quốc với lợi thế nguồn vốn giá rẻ, các CTCK nội cũng đẩy mạnh tăng vốn, đáp ứng nhu
cầu của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường bùng nổ, qua đó khiến cuộc đua dư nợ margin, thị phần trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Thống kê cho biết tính tới cuối quý 1/2021, có tới 23 CTCK có dư nợ cho vay trên 1.000 tỷ đồng, đây là điều chưa từng có trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
– Đánh giá: Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ kể từ khi thành lập và sức hấp dẫn cũng như sức nóng của thị trường hiện tại đang liên tục gia tăng• Lạm phát dự báo sẽ tăng nhanh từ tháng 4, rủi ro bong bóng tài sản hiện hữu
– Theo VEPR, CPI tháng Ba tăng 1,16% so với cùng kì năm ngoái và giảm 0,27% (mom). Các nhóm mặt hàng ghi nhận mức tăng mạnh nhất (yoy) bao gồm: (i) giáo dục tăng 4,04% do thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới 2020-2021; (ii) đồ uống và thuốc lá tăng 1,73%; (iii) hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,33%. Trong khi đó, hai nhóm mặt hàng có chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh nhất là văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,71%, yoy), do nhiều lễ hội, đền, chùa, hoạt động tâm linh, tín ngưỡng tạm hoãn dưới ảnh hưởng của dịch COVID- 19, và bưu chính viễn thông (giảm 0,57%, yoy).
– Nhìn chung, lạm phát có xu hướng tăng chậm trong Quý 1 (lạm phát tháng Một là âm 0,97% (yoy); tháng Hai là 0,70% (yoy); tháng Ba là 1,16%(yoy)) cho thấy lượng cầu còn yếu. CPI bình quân Quý 1/2021 tăng 0,29% (yoy), mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây là điều đáng chú ý, và dường như mâu thuẫn với việc ghi nhận tăng trưởng Quý 1 cao hơn dự kiến của giới quan sát. Lạm phát (yoy) được kì vọng sẽ tăng nhanh bắt đầu từ Tháng 4/2021 do phục hồi kinh tế khiến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng.
– Nhóm nghiên cứu nhận định, việc duy trì các giải pháp nới lỏng tiền tệ (và tài khóa) có thể dẫn đến giá cả tiêu dùng không đạt được mục tiêu dưới 4% vào cuối năm của Chính phủ. Do vậy, chính sách tiền tệ phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm
phát. Theo nhóm nghiên cứu, dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, rủi ro đang tiếp tục tích lũy. Đặc biệt, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh tế.
– Đánh giá: Việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu. Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được. Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài. Đây là thời điểm khó khăn trong chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản (fundamentals), sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp thực.

3. Các kênh đầu tư

• Thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống do COVID-19 lan rộng
– Thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng 21/4, trong bối cảnh các ca lây nhiễm COVID-19 lan rộng đang đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư toàn cầu và chứng khoán Mỹ giảm sâu so với mức cao kỷ lục của tuần trước. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,3% xuống 28.441,16 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,8% xuống 28.625,07 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.467,80 điểm. Thị trường Sydney giảm 1,6% mặc dù số liệu doanh số bán lẻ mạnh hơn dự kiến, trong khi Seoul, Wellington và Singapore đều giảm hơn 1%. Thị trường Mumbai cũng trong xu hướng giảm ngày thứ ba liên tiếp.
– Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút ngày 21/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 143.532.455 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID- 19, trong đó có 3.056.853 ca tử vong.
– Đánh giá: Vấn đề Covid vẫn luôn là một yếu tố có tác động mạnh đến các thị trường và tâm lý của các nhà đầu tư, khiến chứng khoán toàn cầu đang giảm điểm. Tuy nhiên sự
giảm điểm đến từ vấn đề tâm lý không phải từ vấn đề nội tại từ thị trường nên không quá đáng lo ngai.

4. Tin tức doanh nghiệp niêm yết

CTG – Thời điểm chín muồi

CTG là ngân hàng thương mại quốc doanh được đánh giá cao với mạng lưới rộng khắp, đóng vai trò then trong hệ thống tài chính quốc gia. Bên cạnh đó tệp khách hàng doanh nghiệp lớn của CTG sẽ giúp thúc đẩy chuyển dịch cho vay sang các mảng có tỷ suất cao hơn như cho vay cá nhân.

Theo quan điểm chúng tôi, Vietinbank (CTG) có triển vọng tích cực trong cả ngắn hạn và dài hạn,với những luận điểm sau:(1) CTG là ngân hàng lớn thứ ba tại Việt Nam với 1.061 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc. Do đó, CTG hoàn toàn có vị thế để mở rộng sang mảng bán lẻ nhờ cơ sở khách hàng và chi nhánh mạng lưới rộng khắp;(2) Theo Nghị định mới bổ sung các NHTM cổ phần có Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ sẽ được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu, giúp tháo gỡ vướng mắc về tăng vốn tại CTG trong 3 năm qua. NH đang xin duyệt của NHNN cho phép trả cổ tức cổ phiếu 28,8% cho năm 2017-18. Cho năm 2020, CTG sẽ trả 5% cổ tức tiền mặt và ~12,7% – 17,8% cổ tức cổ phiếu;(3) Cuối năm 2020, CTG và Manulife Việt Nam thông báo đã ký thoả thuận thành lập quan hệ đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền cho 16 năm. Chúng tôi kỳ vọng doanh số bán bảo hiểm của ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng kép 100% trong 3 năm tới – mức nhanh nhất trong các ngành kinh doanh của NH. Bên cạnh đó, chúng tôi dự phóng CTG sẽ nhận được 250 triệu USD phí độc quyền trả trước, phân bổ ghi nhận trong 5 năm từ năm 2022.

Tại ĐHCĐ ngày 16/04, CTG đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng LNTT 2,1% so với cùng kỳ và tăng trưởng tín dụng 7,5%. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo CTG khá tự tin với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 10-20% và đã xin điều chỉnh kế hoạch theo phương án này. Kết quả ước tính LNTT Q1/21 của NH đạt 7.000 – 8.000 tỷ đồng (~ +130% – 160% so với cùng kỳ). Thêm vào đó, NH đang chờ duyệt của NHNN cho phép trả cổ tức cổ phiếu 28,8% cho năm 2017-2018. Với năm 2020, NH sẽ trả cổ tức tiền 5% và 12,7% – 17,8% cổ tức cổ phiếu.

Vinhomes kế hoạch trả cổ tức 45%, dự chi hơn 4.900 tỷ đồng tiền mặt

Ngày 20/4, Hội đồng quản trị CTCP Vinnhomes (VHM) đã ban hành nghị quyết thông qua kế hoạch trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối tính đến 31/12/2020.

Tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu là 30%/vốn điều lệ, tương đương tổng số cổ phiếu phát hành thêm 986,854 triệu đơn vị. Cổ phần không bị hạn chế chuyển nhượng.

Tỷ lệ chi cổ tức bằng tiền mặt là 15%, tương đương 4.934 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 và quý 4/2021 sau khi kế hoạch chia cổ tức được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Vingroup muốn dùng gần hết lợi nhuận tích lũy chia cổ tức 12,5% bằng cổ phiếu

HĐQT Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2020. Tỷ lệ chia cổ tức là 12,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 125 cổ phiếu mới).

Với hơn 3,38 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn có kế hoạch phát hành tổng cộng 422,8 triệu cổ phiếu mới. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên thành 38.005 tỷ đồng.

Cổ phần phát hành thêm từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV, sau khi được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.

VPBank lãi trước thuế 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 37,6%

VPBank vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 vơi mức lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 37,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng đạt lợi nhuận ở mức cao như vậy trong quý khởi đầu của một năm.

Bên cạnh câu chuyện về tăng trưởng của doanh nghiệp thì thương vụ bán cổ phần tại FE credit cũng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Trước đó,ban lãnh đạo VPBank cho biết dự kiến sẽ IPO FE Credit trong năm 2021. Ngân hàng đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể đạt kết quả đồng thời kỳ vọng định giá FE Credit ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.​ Nếu thương vụ này thành công sẽ giúp ngân hàng nhận được sự hợp tác về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành…để cùng kinh doanh đem lại hiệu quả cao hơn, lại có nguồn vốn lớn để tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay bán lẻ và SME – những mảng lõi của ngân hàng mẹ.

———–

DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư

Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn

Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO

Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO

————

Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website: https://www.vndirect.com.vn/

Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ