Hợp tác cùng phát triển

Bản tin thị trường ngày 30.01.2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 30/01/2020    864

Chia sẻ

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm Canh Tý với tâm lý bi quan dồn nén trong kỳ nghỉ lễ, chỉ số VN-Index giảm 1.6% ngay từ phiên mở cửa và duy trì đà giảm trong phần lớn thời gian giao dịch xuống mức thấp nhất 954 điểm (-3.7%). Nỗ lực phục hồi giúp chỉ số đóng cửa ở 959.6 điểm (-3.2%) với khối lượng mua đi bán lại đạt 181 triệu cổ phiếu, cao nhất trong vòng một tháng trở lại đây.

Lý do thuyết phục nhất giải thích cho tâm lý bi quan nói trên là sự lây lan của dịch viêm phổi ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Giới đầu tư lo ngại ảnh hưởng rộng của dịch bệnh tới nhu cầu đi lại và trao đổi hàng hóa giữa hai nước, kéo theo nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Mặc dù tới thời điểm này cơ quan chức năng chưa đưa ra đánh giá tác động thực tế tới hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường chứng khoán vẫn phản ánh những lo ngại ở phía trước.

Thông tin bất lợi xuất hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã có một đợt tăng giá kéo dài hai tuần trước kỳ nghỉ lễ, trong đó một số cổ phiếu ngân hàng tăng giá rất mạnh, khiến áp lực bán còn đến từ tâm lý chốt lời. Tất nhiên, chúng tôi nhìn thấy tâm lý bi quan thể hiện khá rõ ở các cổ phiếu lớn như SAB -6.2%, VRE -5.1%, MSN -6.2%, HVN -6.9%.

Nhà đầu tư nước ngoài bán 894 tỷ VNĐ ở các cổ phiếu VCB, VNM, VHM, VIC, MSN, VRE, VJC và chứng chỉ quỹ E1VFVN30, đồng thời mua 714 tỷ VNĐ ở VCB, HPG, VHM, VNM, CTG, VIC và GAS. Tựu chung, họ bán ròng gần 180 tỷ VNĐ trên HOSE.

Lịch sử thị trường chứng khoán thế giới các lần đối diện với dịch bệnh như SARS tháng 4/2003, H5N1 tháng 9/2006, H1N1 tháng 4/2009, MERS tháng 5/2013, Ebola tháng 10/2018 không cho thấy dịch bệnh có thể gây tác động đến thị trường chứng khoán ở quy mô toàn cầu. Ở quy mô quốc gia, Việt Nam đã trải qua dịch SARS, H5N1 và H1N1 mà không ghi nhận mối liên hệ đáng kể nào. Bối cảnh (xu hướng) của thị trường vẫn là yếu tố quyết định hướng đi của thị trường sau đó.

Trong ngắn hạn, VN-Index có hỗ trợ ở vùng 945 đến 950 điểm, là căn cứ để đánh giá triển vọng thị trường. Tuy vậy, biến động ngắn hạn là điều khó đoán định nên chúng tôi đề cao biện pháp chủ động giảm rủi ro bằng cách thu hẹp danh mục và bảo vệ tài sản.

Chi tiết Quý Khách hàng vui lòng xem TẠI ĐÂY

Chỉ số VN30 để mất nhiều hỗ trợ quan trọng sau phiên giao dịch đầu tiên của năm 2020. Xu hướng tăng tích cực trong hai tuần trước kỳ nghỉ Tết bị bẻ gãy nhanh chóng và áp lực bán xuất hiện khá mạnh khi tâm lý nhà đầu tư trở lên hoảng loạn trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế chao đảo. Các thị trường chứng khoán quốc tế giảm mạnh đặc biệt là thị trường Trung Quốc nơi chịu áp lực chính của cuộc khủng hoảng do virus viêm phổi cấp gây ra. Không chỉ tác động tới thị trường chứng khoán, giá dầu thế giới cũng đã giảm xuống mức thấp hơn ba tháng, giá kim loại quý dao động mạnh khi lo ngại triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.

Quay trở lại thị trường Việt Nam, hầu hết cổ phiếu trong danh mục VN30 đóng cửa ở mức giảm khá sâu, thể hiện thực tế rằng nhiều cổ phiếu bị bán rất mạnh, tiêu biểu MSN, SAB, BVH, VRE, MWG, VJC, SSI và nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các hợp đồng tương lai mở cửa ở giá cao nhất và liên tục lập mức thấp mới trong phiên. Khối lượng giao dịch tăng vọt, dòng tiền đầu cơ đang trở lại thị trường hợp đồng tương lai do biến động giá lớn mở ra cơ hội giao dịch kiếm lời. Điểm tựa giá của hợp đồng VN30F2002 cũng như chỉ số VN30 nằm ở vùng 860 điểm.

Nhìn chung kết thúc phiên giao dịch, tâm lý trên thị trường vẫn rất bi quan với đà bán trên diện rộng ở nhiều nhóm ngành, các cổ phiếu tăng trở nên hiếm hoi. Áp lực chính vẫn đến từ diễn biến tiêu cực của thị trường ngoại. Dù là chất xúc tác nhưng diễn biến của thị trường quốc tế phiên giao dịch tối nay sẽ lái tâm lý của giới đầu tư nội ở phiên 31/01 vì sự tự tin lúc này đang không tốt.

Chi tiết Quý Khách hàng vui lòng xem TẠI ĐÂY