Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 24.09.2021 | Fed sẽ ‘sớm’ siết mua trái phiếu, có thể tăng lãi suất từ 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 24/09/2021    57544

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Fed sẽ ‘sớm’ siết mua trái phiếu, có thể tăng lãi suất từ 2022
– Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 21 – 22/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0,25% như dự đoán trên thị trường. Fed giảm lãi suất về 0 – 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ.
– Các quan chức FOMC ám chỉ sẽ bắt đầu siết một số chính sách hỗ trợ nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. “Nếu tình hình chung tiếp tục cải thiện như dự báo, ủy ban cho rằng một đợt điều chỉnh vừa phải với mức độ mua tài sản có thể sớm diễn ra”, FOMC cho biết trong thông báo sau cuộc họp. Việc siết hỗ trợ có thể được thông báo vào tháng 11 và bắt đầu thực hiện từ tháng 12. Fed còn cập nhật “dot plot”, bảng ghi nhận dự báo lãi suất của các quan chức Fed, với khả năng lãi suất có thể tăng sớm hơn dự kiến. 9 trong số 18 quan chức ngân hàng trung ương Mỹ cho rằng cần tăng lãi suất trong năm 2022. Hồi tháng 6, dự báo trung bình là không có lần tăng lãi suất nào trước năm 2023.
– Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed đang tiến gần hơn đến mục tiêu “tiến triển vững chắc hơn nữa” với lạm phát và việc làm. Ngân hàng trung ương Mỹ có thể hoàn tất siết mua trái phiếu vào giữa năm 2022. “Dù chưa có quyết định nào được đưa ra, các quan chức FOMC nhìn chung cho rằng miễn là đà phục hồi tiếp tục đúng hướng, một quy trình siết hỗ trợ từ từ, kết thúc vào giữa năm sau, có vẻ phù hợp”, ông nói.
– Fed có một số thay đổi với dự báo kinh tế, triển vọng tăng trưởng giảm còn lạm phát đi lên. FOMC cho rằng tăng trưởng GDP Mỹ năm nay là 5,9%, thấp hơn dự báo tăng 7% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, con số cho năm 2022 và 2023 lần lượt là 3,8% và 2,5%, cao hơn so với dự báo tăng 3,3% và 2,4% trước đó. Lạm phát lõi (không gồm thực phẩm và năng lượng) cũng được điều chỉnh tăng so với tháng 6, dự báo là 3,7% cho năm nay, 2,3% cho năm 2022 và 2,2% cho năm 2023. Các con số đưa ra trước đó lần lượt là 3%, 2,1% và 2,1%. Nếu tính cả thực phẩm và năng lượng, FOMC cho rằng lạm phát năm nay là 4,2%, sau đó là 2,2% trong hai năm tiếp theo.

2. Thông tin Việt Nam

• Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 9 giảm hơn 27% và nhập siêu hơn 1,5 tỷ USD
– Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại thâm hụt 1,5 tỷ USD trong nửa đầu tháng 9 và thâm hụt gần 4,2 tỷ USD tính từ đầu năm đến ngày 15/9.
– Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 9 đạt gần 11,6 tỷ USD, giảm hơn 27% so với nửa cuối tháng 8. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện có kim ngạch giảm mạnh nhất, 26%, tương đương 838 triệu USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện có kim ngạch xuất khẩu giảm thứ hai, gần 25%, tương đương 645 triệu USD.
– Tính từ đầu năm đến ngày 15/9, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 225,2 tỷ USD, tăng gần 20%, tương ứng tăng gần 37,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng ghi nhận ở một số nhóm hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng gần 48%, tương đương gần 8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 13%, tương đương gần 3,9 tỷ USD; điện thoại các loại & linh kiện tăng hơn 11%, tương đương 3,8 tỷ USD so với cùng kỳ 2020.
– Trong nửa đầu tháng 9, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI giảm 27%, tương đương giảm gần 3,2 tỷ USD, đạt hơn 8,5 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 8. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến 15/9, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI lại tăng hơn 24%, tương ứng tăng hơn 32,4 tỷ USD, đạt gần 165,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, khu vực FDI cũng chiếm hơn 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 9 tháng.
– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nửa đầu tháng 9 giảm gần 11%, tương đương giảm hơn 1,5 tỷ USD, đạt gần 13,1 tỷ USD, so với nửa cuối tháng 8. Kim ngạch nhập khẩu giảm ghi nhận ở một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm mạnh nhất, gần 16% tương đương giảm 601 triệu USD. Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm mạnh thứ hai, hơn 11%, tương đương giảm 231 triệu USD.
– Tính từ đầu năm đến 15/9, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng hơn 32%, tương đương hơn 55,9 tỷ USD, đạt gần 229,4 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu tăng ghi nhận ở một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng mạnh nhất về giá trị, tăng 8,3 tỷ USD, tương đương tăng gần 34%. Tương tự, máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện có kim ngạch nhập khẩu tăng gần 8,3 tỷ USD, tương đương gần tăng gần 20%.
– Trong nửa đầu tháng 9, kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI giảm hơn 11%, đạt hơn 8,8 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8. Tuy vậy, tính từ đầu năm đến 15/9, kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI đã tăng hơn 35%, đạt gần 149,7 tỷ USD, chiếm hơn 65% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

• Quy hoạch điện 8: Hạn chế tối đa phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than
– Trong dự thảo mới này, các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế – kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
– Dự thảo nêu rõ, Quy hoạch điện 8 hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tình khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện 8.
– Theo đó, tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh khoảng 15.000 MW. Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường. Như vậy, đến năm 2030 tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.
– Để Chính phủ và Bộ Công Thương không bị động trong công tác điều hành phát triển điện lực trong thời gian tới, Quy hoạch điện 8 lần này đã kiến nghị Chính phủ ủy quyền và giao Bộ Công Thương thường xuyên rà soát 6 tháng một lần tình hình triển khai các công trình nguồn điện, được phép điều chỉnh tiến độ phát điện đối với nhiều nguồn điện chậm tiến độ quá 24 tháng và điều chỉnh thay thế các dự án chậm tiến độ bằng các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện và tránh gây lãng phí, thất thoát đầu tư và giảm hiệu quả đầu tư các dự án điện.
– Việt Nam có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, cho nên tiềm năng tăng trưởng tái tạo của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là được hỗ trợ bởi những chính sách ưu tiên trong định hướng của chính phủ. Chúng tôi đánh giá các doanh nghiệp phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ được hưởng lợi rất lớn trong hiện tại và tương lai

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Cổ phiếu vốn hóa nhỏ bị chốt lời mạnh
– VN-Index giao dịch khá hứng khởi ngay đầu phiên, tuy nhiên lực bán xuất hiện áp đảo lực mua về cuối phiên khiến chỉ số đánh mất hầu hết số điểm tăng trước đó. Kết thúc giao dịch, VN-Index chỉ còn tăng hơn 2 điểm, đạt mức 1.352,76 điểm. Khối lượng tăng mạnh so với phiên trước do các cổ phiếu đầu cơ bị chốt lời mạnh trong khi dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
– Xét về mức độ ảnh hưởng đến VN-Index, MWG, VHM, GAS và VIC lần lượt là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất. Những mã này góp gần 5 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, MSN, DGC, VIB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị tăng 83% so với phiên trước và ở mức 373 tỷ đồng. HPG bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất với 90 tỷ đồng. KBC và DGC bị bán ròng lần lượt 69 tỷ đồng và 59 tỷ đồng. Trong khi đó, MBB được mua ròng mạnh nhất với 75 tỷ đồng. CTG và VND được mua ròng lần lượt 61 tỷ đồng và 42 tỷ đồng.
– Tiêu điểm phiên giao dịch hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ khi nhiều cổ phiếu bị bán về giá sàn với thanh khoản lớn. Dòng tiền đang bị hút nhiều vào nhóm này thời gian vừa qua, trong khi tổng tiền giao dịch trên thị trường lại đang duy trì ở mức thấp. Áp lực bán mạnh của nhóm cổ phiếu này đôi khi lại là lợi thế cho nhóm khác. Đặc biệt là nếu dòng tiền này chuyển dịch sang các cổ phiếu vốn hóa lớn thì triển vọng tăng tiếp của thị trường sẽ rõ ràng hơn.
– Biến động thị trường mấy phiên gần đây không có gì đặc biệt vì vẫn chỉ là dao động trong biên độ 1.330-1.360 điểm. Đây là thời điểm chọn cổ phiếu quan trọng hơn nên trạng thái phân hóa sẽ còn kéo dài trên nền tảng thiếu vắng thông tin hỗ trợ ở giai đoạn hiện tại.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• HCM được chấp thuận chào bán hơn 152 triệu cổ phiếu tăng vốn 50%
– Theo kế hoạch, HCM dự kiến chào bán 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 50%. Giá chào bán là 14.000 đồng/cp, tương ứng với lượng vốn cần huy động 2.135 tỷ đồng. Giá trị sổ sách tại cuối năm 2020 là 14.557 đồng, trong khi thị giá là 54.000 đồng/cp tại ngày 23/9.
– Hiện HSC có vốn điều lệ gần 3.059 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ dự kiến tăng thành 4.584 tỷ đồng. Với số tiền thu về, HCM có kế hoạch sử dụng 1.495 tỷ đồng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ, sử dụng 427 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và hơn 213 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh.
– Về kế hoạch năm 2021, HCM đặt mục tiêu doanh thu 2,668.6 tỷ đồng, tăng trưởng 68%; lợi nhuận trước thuế 1,203.3 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so với thực hiện năm 2020.
– Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2021, HCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 605 tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả thực hiện sau 6 tháng, Công ty đã thực hiện 63% kế hoạch cả năm 2021 được ĐHĐCĐ thông qua.

• PV Gas hợp tác với doanh nghiệp Mỹ đầu tư dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ 1,3 tỷ USD
– Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS) thông báo đã cùng Tập đoàn AES (Mỹ) ký thoả thuận liên doanh thành lập và vận hành Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ.
– Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ nằm trong chuỗi dự án điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỷ USD, công suất kho cảng là 3,6 triệu tấn/năm (cho giai đoạn 1 và lên đến 9 triệu tấn vào giai đoạn tiếp theo). Kho cảng sẽ tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, dự kiến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025.
– AES là tập đoàn năng lượng có trụ sở tại bang Virginia, có tên trong danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn (500 Fortune) và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. AES có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hạ tầng điện khí, tham gia vào Việt Nam từ 2010, đã đầu tư vào dự án nhà máy điện than Mông Dương 2 với công suất 1.150 MW tại Quảng Ninh. Tập đoàn cũng đã được Chính phủ chấp thuận cho phép làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2 sử dụng LNG.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0