Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.07.2021 | Techcombank lãi 11.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/07/2021    25592

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận mới về chính sách tiền tệ
– Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ trưởng Janet Yellen ngày 19/07 đã có cuộc gặp trực tuyến với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và hai bên đã đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ. Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam khẳng định cam kết tuân thủ các quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về “không thao túng tỷ giá nhằm ngăn ngừa sự điều chỉnh hiệu quả của cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng và không phá giá Việt Nam đồng”.
– Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ sẽ thông báo cho các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ về thỏa thuận này. Thỏa thuận còn kêu gọi Ngân hàng Nhà nước “cải thiện sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái theo thời gian”, cho phép nội tệ biến động đúng theo diễn biến trên các thị trường và yếu tố kinh tế cơ bản của Việt Nam.
– Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hoan nghênh cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ và sự hiểu biết lẫn nhau. Bà Janet cũng bày tỏ tin tưởng rằng sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với những vấn đề này, theo thời gian, không chỉ sẽ giải quyết các mối quan tâm của Bộ Tài chính Mỹ mà còn hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường tài chính Việt Nam và củng cố khả năng phục hồi tài chính cũng như kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, không sử dụng tỷ giá nhằm giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

2. Thông tin Việt Nam

• ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 5,8%
– ADB vừa công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 4. Nguyên nhân là việc triển khai tiêm chủng tương đối chậm, áp dụng biện pháp giãn cách kéo dài ở những cực tăng trưởng, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế.
– Không chỉ Việt Nam, triển vọng kinh tế năm nay của khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương cũng được điều chỉnh giảm, do các đợt bùng phát mới đang được ứng phó bằng biện pháp giãn cách và hạn chế đi lại, gây thiệt hại tới hoạt động kinh tế. Triển vọng tăng trưởng của Nam Á cho năm tài khóa 2021 giảm từ 9,5% xuống còn 8,9%. Tương tự, Ấn Độ bị hạ một điểm phần trăm, xuống còn 10%. Triển vọng năm nay của Đông Nam Á được điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm, xuống còn 4%. Đáng nói, dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế Thái Bình Dương bị điều chỉnh giảm mạnh nhất, từ 1,4% xuống còn 0,3%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng năm sau cho Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương được nâng lần lượt lên 7%, 5,2% và 4%. Trong khi đó, triển vọng chung của châu Á được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm xuống mức 7,2% năm nay và con số này ở mức 5,4% vào 2022, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo gần nhất.
– Ngoài ra, trong báo cáo lần này, ADB cũng điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm dự báo chỉ số giá tiêu dùng của châu Á và Thái Bình Dương, lên mức 2,4% do giá dầu và hàng hóa leo thang. Dù vậy, dự báo lạm phát cho năm sau không thay đổi, duy trì ở mức 2,7%.

• Xuất khẩu cá tra vừa khởi sắc đã gặp ‘bão’ Covid-19 lần thứ 4
– Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi có vaccine phòng Covid-19 để ứng phó dịch bệnh, giao thương kinh tế của nhiều quốc gia đã khởi sắc nên việc nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam cũng tăng lên. Cụ thể, trong tháng 6, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 142,6 triệu USD. Trong nửa đầu nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 708,9 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả tích cực này là dấu hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
– Về thị trường Trung Quốc – Hong Kong, việc xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt thành phố lớn ghi nhận các ca dương tính, khiến việc vận chuyển hàng bị gián đoạn. Cảng Trạm Giang, một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc, thông báo tạm ngừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20/6 đến 15/7. Tuy vậy, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong nửa đầu năm vẫn đạt 206,5 triệu USD, chỉ giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
– Về thị trường Mỹ, cuối tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 01/8/2018 – 31/7/2019. Theo đó, 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ là Vĩnh Hoàn và Nam Việt được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Đây là tin vui cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
– Về khối CPTPP: Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang khối nước CPTPP trong nửa đầu năm nay tăng 8,8%, đạt 108,4 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp Việt đã tích cực chuyển hướng xuất khẩu sang Mexico, Canada, Australia khi thị trường EU, ASEAN gặp khó. Tính đến hết tháng 6 năm nay, tổng giá trị xuất khẩu sang Mexico đạt 37 triệu USD, tăng 78,3%; sang Canada đạt 18,1 triệu USD, tăng 17,7% và sang Australia đạt 15,4 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chưa mừng vui được bao lâu vì kết quả đạt được trong 2 quý đầu năm thì làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt khi các trường hợp nhiễm mới tập trung tại khu vực phía Nam là thủ phủ của ngành sản xuất cá tra.
– Thông tin này tác động tích cực đến các cổ phiếu Thủy sản như VHC, ANV khi được hưởng lợi từ việc giao thương kinh tế của nhiều quốc gia đã khởi sắc sau khi có vaccine phòng Covid-19 để ứng phó dịch bệnh. Tuy nhiên giá vận tải tăng mạnh thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, các địa phương giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Techcombank lãi 11.500 tỷ đồng trong nửa đầu năm
– Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước.
– Lãnh đạo ngân hàng cho biết thu nhập từ lãi là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Tổng dư nợ tín dụng khách hàng tăng 11,2% so với đầu năm đạt 353.700 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 16%.
– Thu nhập từ lãi (NII) đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước với biên lãi thuần (NIM – tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,5% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30/6/2020).
– Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank cũng tăng trưởng hai chữ số (31,5%) đạt 2.800 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ phí liên quan tới chứng khoán chiếm tỷ trọng cao nhất tăng 18,4% gồm 420 tỷ đồng phí bảo lãnh phát hành trái phiếu và 865 tỷ đồng phí từ các dịch vụ khác, bao gồm phí từ hoạt động ủy thác, tư vấn và đại lý, phí môi giới và phí quản lý quỹ.
– Chi phí hoạt động của Techcombank tăng 29,6% so với cùng kỳ, đạt 5.200 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) vẫn duy trì ở mức 28,4%, thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác. Trong kỳ ngân hàng cũng trích lập chi phí dự phòng 1.400 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 55,1% đạt 133.400 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 56,9% và 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Techcombank là 39,1%, cao hơn mức 33,9% vào cuối năm 2020, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý theo Basel II đạt 15,2%.
– Về con số nợ xấu, vào cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Techcombank duy trì ở mức thấp 0,4%, tương đương với con số cuối quý I. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 259%, tăng mạnh so với mức 171% tại thời điểm cuối năm 2020.
• FPT ước lãi trước thuế quý II đạt 1.539 tỷ đồng, tăng gần 20%
– Theo thông tin từ FPT (HoSE: FPT), 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 16.228 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.936 tỷ đồng; lần lượt tăng 19,2% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành gần 50% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm. Tính riêng trong quý II, doanh thu đạt 8.622 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.539 tỷ đồng, tăng gần 20%.
– 6 tháng đầu năm, khối công nghệ (bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT tại nước ngoài) đóng góp 56% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn, tương đương 9.098 tỷ đồng và 1.306 tỷ đồng. Giá trị đơn hàng ký mới mảng công nghệ của FPT tăng 44% so với quý II/2020, đạt 5.848 tỷ đồng. Doanh thu chuyển đổi số đạt 2.116 tỷ đồng, tăng 19,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.
– Tại thị trường nước ngoài, doanh thu dịch vụ CNTT đạt 6.683 tỷ đồng, tăng 15%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.061 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu tại hầu hết thị trường vẫn đảm bảo tăng trưởng, đặc biệt là thị trường Mỹ tăng 41%. Đáng chú ý, tập đoàn thu về 11 dự án lớn có quy mô trên 5 triệu USD/dự án trong nửa đầu năm 2021, tăng mạnh so với con số 2 dự án cùng kỳ năm 2020. Tại thị trường trong nước, doanh thu mảng dịch vụ CNTT đạt 2.415 tỷ đồng, tăng 40,7% và lợi nhuận trước thuế 246 tỷ đồng, tăng 245%.
– Nhờ lợi nhuận từ mảng truyền hình gia tăng, cùng với việc tạm hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên biên lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông tiếp tục cải thiện. Theo đó, trong nửa đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này lần lượt đạt 5.847 tỷ đồng và 1.069 tỷ đồng, tăng 12,1% và 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu giáo dục ngành CNTT tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy doanh thu mảng giáo dục của FPT tăng 53% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.362 tỷ đồng.
• SSI lãi trước thuế quý II kỷ lục 704 tỷ đồng, cho vay margin gần 15.540 tỷ đồng
– Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) công bố báo cáo tài chính riêng quý II với doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý đạt lần lượt 1.741,8 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ) và 703,5 tỷ đồng (tăng 8%), đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế kỷ lục của CTCK này.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 3.244,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.231,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 84% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế cho 6 tháng đầu năm của SSI đạt 1.255 tỷ đồng, tăng 90% so với nửa đầu năm 2020 và hoàn thành 64% kế hoạch. Tại ngày 30/6, tổng tài sản ở mức 41.538,3 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt 11.095,9 tỷ đồng.
– Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cuối quý II đạt 15.539 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm, cũng là mức kỷ lục đối với hoạt động cho vay ký quỹ của SSI. Với kết quả này, dư nợ margin của SSI đã vượt qua đơn vị đứng đầu quý trước là Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. Trong quý II, dư nợ margin của Mirae Asset Việt Nam là 13.330 tỷ đồng.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0