Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.07.2021 | Vietcombank lãi hơn 14.500 tỷ đồng sau nửa năm,tăng 36% so với cùng kỳ

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/07/2021    23423

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung Quốc chững lại đà hồi phục: Tín hiệu cảnh báo cho kinh tế toàn cầu?
– Đà hồi phục chữ V của kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại, phát đi cảnh báo tới phần còn lại của thế giới về sự bền vững của đà hồi phục nước họ. Sự chuyển biến trong triển vọng kinh tế thể hiện rõ với quyết định của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại tới 50 điểm cơ bản của tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
– Dữ liệu ngày 15/07 được cho là sẽ cho thấy tăng trưởng GDP quý 2/2021 của Trung Quốc giảm về 8%, từ mức kỷ lục 18.3% trong quý 1/2021, theo Bloomberg. Các chỉ báo về doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đều được kỳ vọng sẽ giảm tốc.
– Đà hồi phục chậm chạp cũng củng cố cho quan điểm rằng lạm phát giá sản xuất có thể đã đạt đỉnh và giá hàng hóa có thể điều chỉnh thêm, nhất là đối với nhu cầu kim loại xây dựng và hàng hóa vốn.
– Tại Trung Quốc, câu hỏi lớn vẫn là tại sao doanh số bán lẻ vẫn còn yếu khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Nhiều khả năng doanh số bán lẻ sẽ tiếp tục giảm tốc trong tháng 6 khi tâm lý bị đè nặng bởi các biện pháp kiểm soát dịch gần đây, theo Bloomberg Economics.
– Dù rằng NHTW Trung Quốc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng chưa có tín hiệu cho thấy sự thay đổi trên diện rộng trong cách tiếp cận của các cơ quan điều hành Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.

• NHTW châu Âu sắp tung ra hướng dẫn mới về chính sách tiền tệ?
– Chủ tịch NHTW châu Âu Christine Lagarde cho biết nhà đầu tư nên chuẩn bị cho các hướng dẫn mới về gói kích thích tiền tệ trong 10 ngày tới, đồng thời báo hiệu có thể tung ra biện pháp hỗ trợ mới trong năm 2021 sau khi chương trình mua trái phiếu khẩn cấp hiện tại kết thúc.
– Bà Lagarde kỳ vọng chương trình mua trái phiếu 1.85 nghìn tỷ Euro (2.2 ngàn tỉ USD) của ECB có thể tiếp tục ít nhất là tới tháng 3/2022. Sau đó, châu Âu sẽ “chuyển giao sang hình thức mới”, nhưng chưa công bố chi tiết cụ thể.
– Dù vậy, Lagarde hạ thấp tranh luận về khi nào nên thu hẹp các gói kích thích khẩn cấp, và cho rằng chỉ “lạc quan một cách thận trọng” về đà hồi phục, vì biến chủng Delta đang gây cản trở quá trình bình thường hóa của nền kinh tế. Mặc dù lạm phát sẽ tăng trong năm nay, nhưng ECB cho là tình trạng này chỉ diễn ra tạm thời.
– Cách tiếp cận này tạo ra sự khác biệt cho ECB so với một số NHTW lớn nhất thế giới. Các quan chức Fed đã bàn luận về thời điểm bắt đầu giảm bớt quy mô mua trái phiếu khi tăng trưởng và lạm phát bắt đầu gia tăng.
– Hồi tháng 6, Hội đồng Thống đốc của ECB đồng ý tiếp tục chương trình mua trái phiếu khẩn cấp ở nhịp độ mạnh hơn trong quý này, mặc dù biên bản họp cho thấy sự chia rẽ giữa các quan chức. Một số thống đốc công khai không kỳ vọng chương trình mua trái phiếu khấp cấp sẽ được gia hạn đến sau tháng 3/2022.
– Bà Lagarde cho biết nhiệm vụ trước mắt là xem xét lại nội dung hướng dẫn của ECB về lãi suất tương lai và chương trình mua tài sản để phù hợp với mục tiêu lạm phát mới 2%.
– Chủ tịch ECB cũng đồng tình rằng mục tiêu lạm phát mới “có thể cần thời gian dài hơn dự kiến” để đạt được, nhưng cho biết vấn đề quan trọng hơn là “chấp nhận và cam chịu” tình trạng lạm phát có thể tạm thời vượt mục tiêu như một phần trong cam kết khôi phục sự ổn định giá cả của ECB.

2. Thông tin Việt Nam

• HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống 6.1%
– Trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam được cập nhật, HSBC nhận định khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mức đóng góp vào tăng trưởng cho nền kinh tế giảm từ 45% xuống còn khoảng 20% trong quý II, đồng thời hạ 0.5 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam xuống còn 6.1%.
– Các ngành liên quan đến du lịch, như vận tải và lưu trú, tiếp tục tình trạng ảm đạm. Việt Nam đã nhanh chóng siết chặt biên giới hơn kể từ đợt bùng dịch gần đây, khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng rõ rệt với số lượng chuyến bay ở Nội Bài giảm 50% từ quý I. Đồng thời, ngành dịch vụ ăn uống cũng bị thu hẹp, chủ yếu là do lệnh cấm bán hàng ăn uống tại chỗ tại các thành phố lớn.
– Trong khi đó, nhu cầu trong nước của Việt Nam có dấu hiệu trồi sụt. Mặc dù không có dữ liệu về tiêu dùng cá nhân trong quý, qua xem xét doanh số của ngành bán lẻ để tham chiếu. Mặc dù ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng tích cực ở mức 3,4% trong Quý II so với cùng kỳ năm trước, kết quả này có được là nhờ mức giá cơ sở thấp trong cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét kỹ, tăng trưởng ngành bán lẻ trong quý II năm nay đạt mức thấp nhất kể từ sau đợt giãn cách toàn xã hội quý II/2020.
– Thực tế, kể từ đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư, số liệu tháng 5 và 6 cho thấy tăng trưởng bán lẻ giảm liên tiếp hai tháng so với cùng kỳ năm trước, phản ánh mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng mạnh hơn so với 2 đợt dịch trước. Khả năng đi lại của người dân ở Việt Nam trong đợt dịch lần thứ 4 đã giảm mạnh tương đương 30% so với trước đại dịch, mức giảm cao thứ hai so với các nước ASEAN.
– Ngoài ra, đợt bùng dịch này khiến điểm yếu của thị trường lao động càng trầm trọng thêm. Theo đánh giá chung, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,4% trong quý I lên 2,6% trong quý II, với tổng số lượng việc làm giảm 65.000 so với quý trước, thấp hơn 9% so với trước đại dịch.
– Mặc dù “bức tranh” xuất nhập khẩu tích cực hơn, các chỉ số dự báo vẫn chỉ ra những nguy cơ ngắn hạn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Chỉ số PMI tháng 6 giảm mạnh xuống 44,1, mức thấp nhất trong vòng một năm, phản ánh các khu công nghiệp lớn đều bị ảnh hưởng. Hơn nữa, tác động lên sản xuất sẽ còn tiếp tục gia tăng khi tâm dịch giờ đây chính là TP HCM- trung tâm thương mại của Việt Nam.
– HSBC đã giảm mức dự báo tăng trưởng của năm nay từ 6,6% xuống 6,1%, phản ánh tác động của đợt bùng dịch gần đây. Mặc dù vậy, một khi có thể kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhanh chóng. Mặc dù còn đi sau nhiều nước về triển khai tiêm vaccine, Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy đặt mua vaccine. Dựa trên nhiều thông tin công khai, HSBC ước tính, tới cuối năm 2021, Việt Nam sẽ nhận được 62 triệu liều, đủ để tiêm phòng cho khoảng 30% dân số.
– Về lạm phát, HSBC kỳ vọng mức lạm phát bình quân là 2,8% trong năm nay, cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mức độ linh hoạt về chính sách trong năm 2021. Những hạn chế gần đây đã khiến nhu cầu điều chỉnh lãi suất không còn qua bức thiết, vì vậy, HSBC chỉ kỳ vọng mức điều chỉnh 50 điểm cơ sở trong quý IV/2022.

• Sắp nối lại nhiều đường bay quốc tế
– Vietnam Airlines cho biết từ tháng 7 đến tháng 10, hãng mở lại các đường bay quốc tế giữa Việt Nam và một số điểm đến tại châu Á, châu Âu và châu Úc để phục vụ nhu cầu của hành khách, đặc biệt là người lao động, du học sinh và các chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam.
– Theo đó, Vietnam Airlines dự kiến nối lại 2 đường bay đến Úc bao gồm giữa TP HCM và Sydney từ ngày 15-7 đến 30-10, giữa TP HCM và Melbourne từ ngày 20-7 đến 30-10.
– Đối với mạng bay đến châu Âu, Vietnam Airlines mở lại đường bay giữa Hà Nội và Frankfurt (Đức), London (Anh). Cụ thể, các chuyến bay từ Hà Nội đến Frankfurt có lịch bay dự kiến vào ngày 25-7, 28-7 và 21-8; từ Hà Nội đến London vào ngày 13-8 và 2-9.
– Tại khu vực châu Á, từ ngày 17-7 đến 30-10, Vietnam Airlines khai thác trở lại đường bay giữa Hà Nội và Tokyo vào thứ 4, thứ 7 hàng tuần. Từ ngày 1-8 đến 30-10, Hãng mở thêm đường bay giữa TP HCM và Bangkok (Thái Lan) vào thứ 4 hàng tuần; đường bay từ Tokyo đến TP HCM vào thứ 5 hàng tuần.

• Định giá thị trường “hạ nhiệt” sau chuỗi phiên giảm sốc, P/E thị trường về lại mức 17,8
– Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra khá tiêu cực với áp lực bán dồn dập trên toàn thị trường. Đóng cửa phiên, chỉ số VN-Index giảm 50,84 điểm (-3,77%) xuống 1.296,3 điểm. Số mã giảm trên sàn HoSE lên tới 374 mã, trong đó có 123 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 36 mã tăng điểm.
– Dữ liệu Bloomberg cho biết tại mức giá đóng cửa phiên 12/7, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 17,77, “hạ nhiệt” đáng kể so với giai đoạn đầu tháng 7 khi P/E lên vào khoảng 19,5. Nếu cập nhật KQKD quý 2/2021, định giá P/E của VN-Index sẽ còn thấp hơn nhờ triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực.
– Việc thị trường Việt Nam đi ngược dòng với khu vực có thể xuất phát từ áp lực chốt lời tăng mạnh sau giai đoạn tăng mạnh từ nửa đầu năm. Bên cạnh yếu tố chốt lời thông thường, những lo ngại về triển vọng lợi nhuận của một vài nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, thép trong thời gian tới sẽ không còn quá thuận lợi như nửa đầu năm cũng dẫn tới áp lực bán gia tăng.
– Tuy nhiên những yếu tố tích cực từ kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi bao gồm: Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; các biện pháp hỗ trợ tài khóa của Chính phủ cho doanh nghiệp được duy trì; Khu vực FDI vẫn kỳ vọng phục hồi khả quan nhờ kỳ vọng vào các hiệp định thương mại EVFTA và CTPPP.
– Điều này sẽ tạo động lực cho đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm và một nhịp điều chỉnh ngắn hạn ở thời điểm này được coi là cần thiết sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh vừa qua để hướng tới các mốc cao hơn trong thời gian tới.
– Thị trường tới đây sẽ trở nên phân hóa khi các ngành có lợi thế phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về giá cổ phiếu; ngược lại những ngành không có tính đột phá thì giá cổ phiếu sẽ nhiều khả năng đi ngang.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vietcombank lãi hơn 14.500 tỷ đồng sau nửa năm
– Kết thúc 6 tháng đầu năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch cả năm; lãi trước thuế trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 19.561 tỷ đồng.
– Dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 31% với 8.353 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức thấp 0,91%.
– Dư nợ tín dụng đạt trên 920.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2020, trong đó tín dụng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng cao ở mức 11,9% so với cuối năm 2020, chiếm 54,8% tổng dư nợ tín dụng.
– Cùng với đó, huy động vốn thị trường I đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2020. Vietcombank tiếp tục duy trì là tổ chức tín dụng có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường với quy mô lên đến 430.000 tỷ đồng.

• Vinhomes muốn bán lượng cổ phiếu quỹ có giá trị gần 7.000 tỷ đồng
– CTCP Vinhomes (VHM) vừa ra nghị quyết thông qua việc bán 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận trên sàn. Số tiền thu được nhằm bổ sung vốn điều lệ. Cổ phiếu VHM hiện có thị giá xấp xỉ 115.000 đồng/cp, lượng cổ phiếu quỹ có giá trị khoảng 6.900 tỷ đồng.
– Cuối năm 2019, Vinhomes đã thực hiện mua lại lượng cổ phiếu quỹ nói trên do đánh giá thị giá cổ phiếu thời điểm đó thấp hơn giá trị thực, với giá trị ghi sổ khoảng 5.550 tỷ đồng.

• Đạm Cà Mau (HoSE: DCM): Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm ước đạt 411 tỷ đồng
– Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng lượng sản xuất của Công ty đạt 456 nghìn tấn (hoàn thành 102% kế hoạch). Sản lượng tiêu thụ đạt 421 nghìn tấn (106% kế hoạch). Kinh doanh thuận lợi giúp DCM đạt doanh thu ước 4.339 tỷ đồng (108% kế hoạch), cùng với các hoạt động tiết kiệm chi phí hiệu quả giúp lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ.
– Trong nửa đầu năm, việc vận hành nhà máy bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu. Tuy nhiên, Công ty đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch. Công suất vận hành nhà máy trong quý 2 đạt trên 110% đủ để bù đắp sản lượng hụt trong quý 1 và đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
– Thời gian tới, ban lãnh đạo lên kế hoạch thay đổi mô hình kinh doanh để mở rộng thị trường. Mục tiêu đến năm 2025, mức độ nhận biết thương hiệu Đạm Cà Mau của khách hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia đạt ít nhất 65%.
– Hơn nữa, Đạm Cà Mau sẽ đa dạng hóa các nhóm sản phẩm và đặt kế hoạch tiếp cận nhanh với xu hướng công nghệ, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khí đầu vào cho sản xuất. Mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu kỳ vọng tăng lên 15.000 tỷ đồng, sản lượng urê đơn vị đạt 115% so với sản lượng thiết kế cũng như tìm kiếm được nguyên liệu đầu vào thay thế thay thế các nguồn khí hiện có.
– Ngoài ra, Ban lãnh đạo cũng chia sẻ, DCM đã tìm được phương án cho lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 75,56% xuống 51% vốn trong tương lai.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0