Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 09.03.2021 – Chuyên gia cảnh báo lạm phát sẽ ập đến rất nhanh, nhà đầu tư không còn hầm trú ẩn

Nhận định Thị trường hàng ngày 09/03/2021    1306

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Chuyên gia cảnh báo lạm phát sẽ ập đến rất nhanh, nhà đầu tư không còn hầm trú ẩn

– Các nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế Mark Zandi của Moody’s Analytics tin rằng phố Wall đang đánh giá quá thấp nguy cơ lạm phát quay trở lại, và ông cảnh báo lạm phát sẽ ảnh hưởng đến mọi “ngõ ngách” của thị trường tài chính, từ các ông lớn công nghệ cho đến các giao dịch theo chu kỳ.”Áp lực lạm phát sẽ ập đến rất nhanh”, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody’s phát biểu trong chương trình “Trading Nation” của CNBC. “Tôi nghĩ rằng đến lúc đó sẽ không có bất kỳ hầm trú ẩn nào”.

– Kết thúc tuần trước, các chỉ số chính trên phố Wall đã tăng điểm nhờ lo ngại về lạm phát lắng xuống khi lợi suất trái phiếu hạ nhiệt. S&P 500 chỉ còn cách đỉnh 3% trong khi chỉ số Nasdaq cũng có phiên tăng điểm đầu tiên trong 4 phiên gần nhất.Tuy nhiên, Zandi cho rằng thị trường đã quá lạc quan về chuyện lãi suất tăng. Ông nhận định lạm phát đang ở ngay trước mắt chúng ta. Kể từ đầu năm đến nay, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng tổng cộng 72%. Cuối tuần trước, lợi suất chạm mốc 1,62% – cao nhất kể từ 2021 trước khi giảm nhẹ nhờ báo cáo việc làm tháng 2.

– Zandi dự báo thị trường lao động Mỹ sẽ sớm nóng lên, phản ánh 1 nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ. “Đại dịch đang thoái lui, 1 gói kích thích tài khóa khổng lồ sắp được tung ra và chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện về nhu cầu mua sắm bù, về núi tiền tiết kiệm sắp được giải phóng. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng rất, rất mạnh, tạo ra rất nhiều việc làm, tỷ lệ thất nghiệp giảm và tiền lương tăng lên. Do đó, ông cảnh báo nhà đầu tư cần phải làm quen với những cú biến động mạnh của thị trường mà sẽ kéo dài hơn 2 tuần. Thậm chí kể cả những cổ phiếu được hưởng lợi từ đà hồi phục của nền kinh tế cũng sẽ không còn là hầm trú ẩn an toàn.

Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ tăng lên 1,6%

– Đầu giờ sáng ngày 8/3 theo giờ Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đã tăng lên 1,6% sau khi Thượng viện nước này thông qua dự luật kích thích kinh tế và cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng lên 2,311%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây trước viễn cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịnh cũng như lo ngại về sự gia tăng lạm phát. Ambrose Crofton, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, nói rằng cú tăng của lợi suất trái phiếu sẽ làm tổn hại tới thị trường chứng khoán.

– Tuy nhiên, Crofton cũng nói rằng các nhà đầu tư không nên quá lo lắng bởi tuyên bố của Chủ tịch FED Jerome Powell hồi tuần trước. Ông Powell nói rằng: “Nếu thị trường trở nên rối loại thì FED sẽ đưa ra những hành động để duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi và giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng”. Ông Powell cũng cho biết ông “rất lưu tâm” tới các bài học lạm phát trong những năm 1960 và 1970 nhưng nói rằng tình hình hiện tại đã khác. Diễn biến mới của thị trường trái phiếu đến sau khi Thượng viện Mỹ, vốn do người Dân chủ kiểm soát, thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Trước đó, Hạ viện Mỹ, vốn cũng do người Dân chủ chiếm đa số, đã thông qua dự thảo luật. Hạn cuối cùng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật là ngày 14/3.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

Bóng dáng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

– Bóng dáng nhiều tập đoàn BĐS ẩn hiện sau những chiếc ghế nóng ngân hàng vừa đổi chủ cho thấy, mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn BĐS với ngân hàng vẫn hết sức nhạy cảm, phức tạp.Muốn hạn chế rủi ro, tiêu cực từ việc ông chủ bất động sản tăng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, cơ quan quản lý có thể yêu cầu ngân hàng tách bạch quyền sở hữu và quyền quản trị. Chưa chính thức bắt đầu, song mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay được chú ý với những chiếc ghế nóng vừa đổi chủ. Hàng loạt ông chủ đứng sau các tập đoàn bất động sản lớn như Thaiholdings đều gia tăng đầu tư cổ phần nhà băng.

– Trong những báo cáo gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm mạnh. Soi chiếu vào các quy định kiểm soát sở hữu chéo hiện nay, có thể thấy, đa phần ngân hàng không còn vi phạm quy định về sở hữu chéo, tức thực hiện theo đúng quy định của NHNN.

– Điều dễ nhận thấy, các ngân hàng TMCP tư nhân hiện đều có cổ đông lớn là ông chủ, bà chủ của các tập đoàn bất động sản. Mối lợi của các cổ đông này khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng. Rất có thể, lợi ích của các ông chủ, bà chủ tập đoàn bất động sản khi trở thành cổ đông lớn của nhà băng là có thể “bẻ lái” tín dụng đến dự án bất động sản sân sau.

Xuất khẩu gần 10 tỷ đô điện thoại “Made in Vietnam’ trong 2 tháng đầu năm 2021

– Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73.8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu khác gặp khó khăn do dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trên toàn cầu.

– Trong 2 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện ước tính đạt 9.3 tỷ USD, chiếm 19.2% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng cao ở mức 22.8% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào tốc độ tăng cao này chủ yếu do chỉ số sản xuất ngành sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng khá 21.2%, trong đó ngành sản xuất thiết bị truyền thông (chiếm phần lớn là sản phẩm điện thoại và linh kiện) tăng 22.9%. Cụ thể, sản lượng điện thoại di động đạt 35 triệu chiếc, tăng 1.2%; sản xuất linh kiện điện thoại đạt 95,400 tỷ đồng, tăng 55.7%. Thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này chủ yếu vẫn là EU, Mỹ và Trung Quốc. Riêng điện thoại và linh kiện từ Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đạt gần 2.5 tỷ USD, tăng cao 103.9% so với cùng kỳ năm trước.

– Tổng cục Thống kê nhận định, trong thời gian gần đây, đặc biệt do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, ngành sản xuất điện tử, điện thoại có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sang Việt Nam. Hiện nay Samsung là tập đoàn sản xuất điện tử, điện thoại lớn nhất của Việt Nam. Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung giảm mạnh trong năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong năm 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới, trong đó có ngành điện tử. Dù vậy, ngành sản xuất điện tử, điện thoại của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và từng bước phục hồi. Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021.

3. Câu chuyện đầu tư

Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành vật liệu xây dựng (Kỳ 1)

Đà phục hồi về nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) toàn cầu cùng lực cầu đến từ các dự án hạ tầng giao thông trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo cú hích cho hoạt động kinh doanh của ngành VLXD trong thời gian tới.
Thị trường xi măng

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2020 đã tác động tiêu cực đến sức tiêu thụ của nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành xi măng. Theo báo cáo mới nhất của IFC (International Finance Corporation), thế giới có hơn 1,000 công ty sản xuất xi măng đang vận hành hơn 2,300 nhà máy liên hợp và hơn 600 trạm nghiền. Năm quốc gia chiếm gần 3/4 sản lượng xi măng thế giới là Trung Quốc (dẫn đầu với 57% thị phần), Ấn Độ, Việt Nam, Hoa Kỳ và Indonesia. Khi nhu cầu toàn cầu trì trệ kéo dài gần một thập kỷ qua, việc mở rộng công suất trong lịch sử đã nhường chỗ cho tình trạng dư thừa công suất với mức sử dụng trung bình toàn cầu là khoảng 70%. Cũng theo báo cáo trên của IFC, hầu hết các nước trong khu vực châu Á đều có mức sụt giảm nhu cầu xi măng khá mạnh (trừ Trung Quốc). Việt Nam được xếp vào nhóm giảm nhẹ (slight decline). Trong năm 2021, nhu cầu tiêu thụ xi măng được dự báo có thể sẽ tăng 3%-5% nhờ sự hồi phục trở lại của nền kinh tế và việc đẩy mạnh đầu tư công. Điều này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với ngành VLXD nói chung và ngành xi măng nói riêng. Tuy nhiên, tình trạng dư cung là rất lớn nên sẽ khó có thể kỳ vọng sẽ có bước đột phá đáng kể trên thị trường này trong năm 2021.

Thị trường sắt thép

Theo World Steel Association, sản lượng thép thô thế giới tháng 12/2020 tại 64 nước đạt 160.8 triệu tấn, tăng 5.8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, sản lượng thép thô thế giới đạt 1.83 tỷ tấn, giảm nhẹ 0.87% so với năm 2019. Năm 2020, dù trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 song ngành thép Việt Nam vẫn ghi nhận những con số khả quan. Lũy kế trong cả năm 2020, Việt Nam sản xuất thép các loại đạt khoảng 25.9 triệu tấn, tăng 2.7% so với cùng kỳ năm 2019. Bán hàng thép các loại đạt khoảng 23.4 triệu tấn, tăng 1.4% so với cùng kỳ 2019. Năm 2021, giới phân tích đều dự báo kịch bản khả quan đối với ngành sát thép. Cụ thể, theo World Steel Association, nhu cầu thép toàn cầu dự báo sẽ phục hồi 4.1% trong năm 2021. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất thép của Việt Nam. Với nhu cầu thép trong nước, giới phân tích dự báo sẽ tăng khoảng 3-5% trong năm 2021 nhờ triển vọng phục hồi chung của nền kinh tế, cùng với đó là hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Thị trường đá xây dựng

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển ngành VLXD đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng nhu cầu đá xây dựng cả nước trong năm 2020 ước tính đạt 181 triệu m3. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại các tỉnh Đông Nam Bộ được dự báo sẽ tăng mạnh nhất. Đô thị hóa và công nghiệp hóa là một trong những động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành xây dựng nói chung và ngành đá xây dựng nói riêng. Bên cạnh đó, với dòng vốn đầu tư FDI dồi dào cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng trên cả nước. Đồng thời, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như Sân bay Quốc Tế Long Thành, các tuyến Metro, … cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đây sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy đà tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp ngành đá xây dựng.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.