Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 06.10.2021 | Sản lượng tiêu thụ thép Hòa Phát tăng 43%

Nhận định Thị trường hàng ngày 06/10/2021    60492

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá nhôm lên sát mốc kỷ lục trong vòng 13 năm vì thiếu điện ở Trung Quốc
– Trong phiên giao dịch 4/10, giá nhôm tại sàn giao dịch kim loại London ngày 4/10 ở mức 2.888 USD/tấn, tăng 1,1% so với 1/10. Mức giá này tiệm cận với kỷ lục trong vòng 13 năm từng được ghi nhận vào giữa tháng 9/2021, cao nhất kể từ tháng 7/2008. –
– Theo một chuyên gia trong ngành nhôm, tiêu thụ mặt hàng này tại Trung Quốc có thể đang chậm lại nhưng thế giới vẫn đang thiếu hụt, do đó đẩy giá nhôm lên cao.
– Tại Trung Quốc, các nhà máy sản xuất nhôm đang bị hạn chế hoạt động do chính sách giảm bớt tiêu thụ năng lượng trước ảnh hưởng của khủng hoảng thiếu điện diện rộng đang khiến kinh tế xã hội quốc gia tỷ dân lao đao. Số liệu cho thấy các nhà máy luyện nhôm có thể chiếm tới 7% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc khi chi phí cho điện chiếm đến 40% tổng chi phí sản xuất nhôm.
– Lần tăng giá do thiếu nguồn cung này rất khác so với cơn sốt nhôm hồi tháng 9. Khi ấy, sản lượng tại Trung Quốc cũng xuống rất thấp nhưng là bởi ảnh hưởng từ chính sách giảm phát thải nhà kính khiến các doanh nghiệp luyên kim là đối tượng bị hạn chế nhiều nhất. Giờ đây, Trung Quốc chấp nhận mua nhiều than đá hơn, thậm chí sử dụng các loại quặng hiệu suất thấp, chấp nhận chi bằng mọi giá để bổ sung nguồn cung năng lượng trước khi mùa đông đến, kể cả nếu điều này khiến mục tiêu giảm phát thải bị ảnh hưởng.

2. Thông tin Việt Nam

• Mỹ khép lại vụ Điều tra 301, tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gỗ Việt Nam
– Tại buổi họp báo tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) ngày 5/10, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, cho biết vụ Điều tra 301 của Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam đã chính thức khép lại từ ngày 1/10 khi Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
– Nhấn mạnh ý nghĩa của thỏa thuận, ông Tuấn cho hay có ba điểm quan trọng. Thứ nhất, Mỹ sẽ không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này, tức là Mỹ sẽ không áp thuế với gỗ Việt Nam.
– Thứ hai, thỏa thuận này cho thấy sự chia sẻ thông tin minh bạch cho đối tác lớn là Mỹ cũng như đối tác khác, thể hiện nền nông nghiệp uy tín, trách nhiệm.
– Và quan trọng hơn, với những thỏa thuận thương mại quốc tế Việt Nam ký như thế này giúp chúng ta chuyển đổi ngành nông nghiệp căn cơ, bài bản theo hướng bền vững, đúng định hướng phát triển xanh của ngành nông nghiệp hướng tới trong thời gian tới”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế nhấn mạnh.
– Ngoài ra, thỏa thuận sẽ thúc đẩy tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.
– Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 9 đạt 821 triệu USD, giảm 8,2% so với tháng 8 vừa qua. Lũy kế 9 tháng năm 2021 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 12 tỷ USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 11 tỷ USD, tăng gần 31%; lâm sản đạt 832 triệu USD, tăng 46,4% so cùng kỳ.
– “Đáng chú ý, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2020 xuất khẩu sang Mỹ 7,4 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù khó khăn vì COVID-19, thiếu container, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tuấn cho hay.

• Hội đồng thẩm định thông qua đề án quy hoạch điện VIII
– Sau khi ban hành dự thảo Quy hoạch Điện VIII để xin ý kiến các bộ ngành và cơ quan chuyên môn, sau nhiều lần họp thẩm định, đánh giá, ngày 3/10, Hội đồng thẩm định đã thông qua Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có 24/24 phiếu thông qua nội dung đề án quy hoạch điện VIII, trong đó có 5 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 19 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa đề án. Những nội dung cần chỉnh sửa là những nội dung nhỏ. Khi hoàn thiện, ban soạn thảo sẽ trình Thủ tướng Chính phủ (dự kiến trong tuần này).
– Đánh giá về những khó khăn vướng mắc khi thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định tại Luật Quy hoạch, Quy hoạch Điện VIII phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia của một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, có một điểm gây khó khăn cho Ban soạn thảo, đó là hiện nay, một số quy hoạch cấp quốc gia khác chưa được xây dựng như các quy hoạch: Tổng thể năng lượng quốc gia, không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia. Chính vì vậy, với đặc thù quy hoạch điện có liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội khác, nên quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định bố trí không gian của chương trình phát triển điện lực.
– Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều biến động, phụ thuộc vào các vấn đề địa – chính trị phức tạp đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực. Chính vì vậy, việc dự báo sát diễn biến tăng trưởng phụ tải trong thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức cho Ban soạn thảo.
– Theo Bộ Công Thương, việc tiếp tục phát triển các dự án điện than (có/chưa có chủ đầu tư) đã được phê duyệt tại quy hoạch điện VII điều chỉnh; đã thực hiện nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư – nhưng chưa khởi công cũng đang gặp rất nhiều sức ép phải xem xét tới tính khả thi phát triển. Bởi, hiện nay, nhiều nước đã cam kết không phát triển các dự án nhiệt điện than mới, các ngân hàng không chấp nhận cấp vốn cho các dự án phát triển mới. Trong khi đó, nguồn điện than dự kiến tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian tới.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán hồi phục, VN-Index tăng hơn 15 điểm
– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 05/10/2021 trong sắc xanh tích cực khi tăng hơn 6 điểm. Với sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ chứng khoán, ngân hàng, chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng sau đó. Sang phiên chiều, đà tăng tiếp tục được nới rộng. Tuy có hơi sụt giảm sau đó, nhưng VN-Index vẫn kết phiên với 15,09 điểm tăng, đạt mức 1.354,63 điểm, mức điểm cao nhất trong ngày.
– Xét về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, GAS mà cổ phiếu có tác động tích cực nhất khi góp gần 3 điểm tăng cho chỉ số này. Theo sau là các mã VHM, CTG và VCB. Trong khi đó, VNM, VPB, HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không quá lớn.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 4 phiên bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 559 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính khớp lệnh thì dòng vốn này vẫn bán ròng 478 tỷ đồng. Khối ngoại phiên hôm nay mua ròng đột biến mã TPB với giá trị gần 1.200 tỷ đồng, trong đó có 1.028 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tập trung mã HPG với giá trị 468 tỷ đồng, MBB và MSN bị bán ròng lần lượt 57 tỷ đồng và 29 tỷ đồng.
– Về nhóm ngành, nhóm chứng khoán có sự hồi phục trở lại sau nhiều phiên giảm trước đó. Trong đó, có tới 4 mã tăng trần là VCI, FTS, BSI và CTS. Các mã khác như SSI, VND, HCM cùng tăng trung bình trên 4%.
– Dưới ảnh hưởng tích cực từ giá dầu, các cổ phiếu dầu khí trong nước cũng có phiên giao dịch hết sức sôi động. Cụ thể, GAS, PVD và PVC cùng bật tăng mạnh hơn 4%, PVS tăng 2.5%.
– Thị trường tăng điêm tốt trong phiên hôm nay nhờ đà phục hồi tích cực của các cổ phiếu nhóm ngân hàng và chứng khoán. Trong phiên tới, VN-Index sẽ thử thách lại vùng kháng cự quanh 1.360 – 1.380 điểm và kỳ vọng sẽ vượt qua để xác nhận xu hướng tăng trở lại. Xu hướng chính của thị trường vẫn đang đi ngang và dấu hiệu hình thành xu hướng mới đang ngày càng rõ ràng. Nếu VN-Index có thể vượt qua vùng giá trị 1,380 điểm, xu hướng tăng giá dự báo sẽ tiếp tục.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Sản lượng tiêu thụ thép Hòa Phát tăng 43%
– Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông báo sản xuất thép thô tháng 9 đạt 686.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 738.000 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7% so với tháng trước. Trong đó, thép xây dựng đạt 327.000 tấn, tăng 22% so với tháng 8; thép cuộn cán nóng là 176.000 tấn, giảm 36% so với tháng 8; còn lại là phôi thép, tôn mạ, ống thép các loại.
– Doanh nghiệp cho biết hoạt động xuất khẩu thép thành phẩm các loại trong tháng vừa qua tăng trưởng mạnh. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng kỷ lục 120.000 tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính là Úc, Canada, Hong Kong, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Tôn Hòa Phát cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với gần 50.000 tấn, gấp 2 lần tháng trước. Sản phẩm ống thép Hòa Phát xuất khẩu tăng 50% so với cùng kỳ.
– Lũy kế 9, tập đoàn đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43% và thực hiện 73,2% kế hoạch năm. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Sản phẩm ống thép là 498.000 tấn, giảm 12% so với 9 tháng 2020.

• Tập đoàn Hà Đô (HDG) điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020
– Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG) thông báo tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 theo hình thức bỏ phiếu điện tử. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 11/10/2021 tới đây. Hiện Tập đoàn Hà Đô đã công bố tài liệu dự kiến trình Đại hội cổ đông thông qua lần này.
– Hội đồng quản trị Tập đoàn Hà Đô trình tờ trình về việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020. Nguyên nhân, do tháng 7/2021 công ty đã hoàn thành đợt phát hành hơn 9,3 triệu cổ phiếu để thực hiện quyền của 300 chứng quyền cho Chủ sở hữu chứng quyền. Do vậy số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành để trả cổ tức thay đổi theo so với số liệu dự kiến đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua.
– Số liệu mới, Tập đoàn Hà Đô dự kiến phát hành hơn 32,72 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Tỷ lệ phát hành vẫn là 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 20 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 327,2 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế trên BCTC đã được kiểm toán năm 2020.
– Kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 1.832 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kỳ, LNST đạt 502 tỷ đồng, giảm 35% so với nửa đầu năm ngoái. LNST công ty mẹ là 354,7 tỷ đồng. Năm 2021 HDG đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt là 4.863 tỷ đồng và 1.254 tỷ đồng, đạt 100% so với số thực hiện năm 2020. Như vậy với kế hoạch này kết thúc nửa đầu năm HDG mới hoàn thành được 38% mục tiêu về doanh thu và 40% mục tiêu LNST.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0