Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 03.08.2021 | Masan Group lãi quý II gấp 4 lần cùng kỳ nhờ VinCommerce

Nhận định Thị trường hàng ngày 03/08/2021    29200

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 03/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế châu Âu phục hồi mạnh, tăng hơn 13% trong quý 2
– Số liệu do cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 30/7 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nền kinh tế thành viên tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,9% so với quý trước. Kinh tế 19 nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) thậm chí khởi sắc mạnh hơn, đạt mức tăng tương ứng 13,7% và 2% – vượt xa mức dự báo tăng 1,5% từ khảo sát trước đó.
– Không giống như Mỹ, GDP của châu Âu chưa phục hồi được về mức trước đại dịch. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế châu Âu sẽ đạt tới cột mốc quan trọng này trước cuối năm.
– Lạm phát trong khu vực Eurozone cũng tăng mạnh, có khả năng lên 2,2% trong tháng 7. Mức lạm phát như vậy cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Những nhóm mặt hàng gây áp lực lạm phát lớn nhất bao gồm năng lượng (tăng 14% trong tháng 7) và thực phẩm (tăng 1,6%).
– Việc mở cửa trở lại những cửa hiệu không thiết yếu đã đẩy doanh thu bán lẻ tăng về gần mức trước đại dịch. Ngoài ra còn có những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư – một tín hiệu tốt cho tăng trưởng tiếp diễn. Đà tăng trưởng kinh tế nhờ mở cửa trở lại được đẩy nhanh khi bước sang quý 3, nhưng số ca nhiễm Covid-19 mới ở Eurozone do biến chủng Delta có thể đặt ra rủi ro.
– Những số liệu kinh tế gần đây của châu Âu đều cho thấy một triển vọng hứa hẹn. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy hoạt động doanh nghiệp tại các nước sử dụng đồng Euro trong tháng 7 tăng mạnh nhất 21 năm. Hoạt động của ngành dịch vụ bùng nổ khi người dân tranh thủ hạn chế nới lỏng để tăng chi tiêu vào các dịch vụ mà lâu nay không được sử dụng. Tuy nhiên, những vấn đề về chuỗi cung ứng khiến sản lượng của ngành sản xuất bị hạn chế. Những xu hướng này đã được thể hiện rõ nét trong quý 2, khi GDP của Đức – nền kinh tế có mức độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu – tăng yếu hơn dự báo, nhưng những nền kinh tế mạnh về du lịch như Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại tăng mạnh hơn kỳ vọng.
– Nhìn chung, nều kinh tế Eurozone đang tận hưởng sự khởi sắc trong mùa hè, khi các hạn chế chống virus tiếp tục được nới lỏng trong tháng 7. Đặc biệt, ngành dịch vụ đang tận hưởng sự tự do, thoát khỏi các biện pháp hạn chế Covid và dựa vào tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. Hưởng lợi nhiều nhất là những doanh nghiệp liên quan đến khách sạn, du lịch-lữ hành. Tuy nhiên, sự lây lan của biến chủng Delta vẫn đang là một mối lo của châu Âu, nhất là những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào du lịch.
– Cho đến nay, các chỉ số kinh tế cho thấy sự lây lan của biến chủng Delta mới có ảnh hưởng rất hạn chế đến các hoạt động kinh tế, nhưng dữ liệu về niềm tin bắt đầu phát đi dấu hiệu cho thấy lo lắng gia tăng về mặt y tế, nghiên cứu của Oxford Economics nhận định.

2. Thông tin Việt Nam

• PMI tháng 7 đạt 45.1 điểm, các điều kiện kinh doanh giảm đáng kể tháng thứ hai liên tiếp
– Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng từ 44.1 điểm của tháng 6 lên 45.1 điểm trong tháng 7. Tuy nhiên, số liệu lần này cho thấy các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất suy giảm đáng kể tháng thứ hai liên tiếp. Số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các nhà sản xuất đã nêu bật ảnh hưởng của đợt bùng phát Covid-19 hiện nay đối với hoạt động sản xuất. Một số công ty buộc phải đóng cửa tạm thời, trong khi các công ty khác phải hoạt động cầm chừng do các biện pháp giãn cách xã hội.
– Những ảnh hưởng này, cùng với sự sụt giảm đáng kể số lượng đơn đặt hàng mới, làm giảm mạnh sản lượng ngành sản xuất vào đầu quý 3. Mức giảm sản lượng chỉ thấp hơn so với mức được ghi nhận sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19 vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Cùng với việc giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm. Tuy nhiên, mức giảm của các đơn hàng xuất khẩu nhẹ hơn so với tổng số đơn đặt hàng mới khi nhu cầu trên thị trường quốc tế vẫn đang được cải thiện.
– Hiện nay, khối lượng công việc giảm, các trường hợp đóng cửa tạm thời và hạn chế số nhân viên do yêu cầu giãn cách xã hội đã khiến việc làm giảm đáng kể tháng thứ hai liên tiếp. Mặc dù sự gián đoạn trong hoạt động làm cho lượng công việc tồn đọng tăng tại một số công ty, tình trạng này bị lấn át bởi mức giảm mạnh của số lượng đơn đặt hàng mới. Về tổng thể, lượng công việc chưa thực hiện giảm nhẹ.
– Sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng được ghi nhận trong tháng 7, với mức độ chậm trễ đáng kể nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước. Nguyên nhân kéo dài thời gian giao hàng do khó khăn trong khâu vận chuyển cả trong nước và quốc tế vì đại dịch, cũng như tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu.
– Các nhà sản xuất cũng đối mặt tình trạng chi phí đầu vào tăng. Tốc độ tăng chi phí đầu vào nhanh hơn, thành mức nhanh nhất kể từ tháng 4/2011. Chi phí tăng đối với các nguyên vật liệu như sắt, thép, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và cước phí vận chuyển.
– Một số công ty chuyển gánh nặng chi phí tăng này cho khách hàng, trong khi các công ty khác chần chừ do nhu cầu yếu, khiến cho tốc độ tăng giá cả đầu ra chậm hơn nhiều so với chi phí đầu vào, từ đó tạo áp lực lên biên lợi nhuận.
– Những lo lắng về ảnh hưởng hiện nay của đại dịch khiến niềm tin kinh doanh trong tháng 7 vẫn ở mức thấp hơn trung bình của lịch sử chỉ số. Mặc dù vậy, các công ty nhìn chung vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng sản lượng trong năm tới khi thị trường hồi phục.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Petrolimex lãi 6 tháng 2.741 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm
– Qua 6 tháng đầu năm, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần 46.589 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận gộp vẫn tăng 52%, đạt 4.152 tỷ đồng, với biên lãi gộp giảm từ 10% xuống 9%. Theo diễn giải của doanh nghiệp, trong quý, giá dầu thể giới tiếp tục có xu hướng tăng từ 58,65 USD/thùng tại thời điểm đầu quý, lên 73,47 USD/thùng vào thời điểm cuối quý (tương ứng tăng 25,2%). Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát và ứng phó trong phòng dịch Covid-19 có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng thay vì cách xã hội trên phạm vi toàn quốc. Do đó, hoạt động kinh doanh xăng dầu hội tụ được các yếu tố thuận lợi và đem lại hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ.
– Kết thúc quý II, Petrolimex lãi trước thuế 1.728 tỷ đồng trong quý II, tăng 183% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.406 tỷ đồng, tăng 31%, cao nhất kể từ quý IV năm 2016. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này lãi trước thuế 2.741 tỷ đồng và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 2.068 tỷ đồng, cải thiện lớn so với con số của nửa đầu năm 2020, thực hiện 82% kế hoạch năm.
– Trong tháng 6, ENEOS Corporation, đối tác chiến lược của Petrolimex đã mua 25 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 2,94% lên 4,87% vốn. Tổ chức đến từ Nhật Bản là công ty mẹ của JX Nippon Oil & Energy Việt Nam – cổ đông lớn thứ 2 tại Petrolimex với 103,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 8% vốn điều lệ. ENEOS Corporation cùng công ty liên quan đang nắm giữ tổng cộng 166,5 triệu đơn vị, tương đương 12,87% vốn.

• Masan Group lãi quý II gấp 4 lần cùng kỳ nhờ VinCommerce, Masan High-Tech Materials cải thiện lợi nhuận
– Theo BCTC hợp nhất quý II, Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu tăng 19% lên 21.219 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 791 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong quý cải thiện từ 21,9% lên 22,8% giúp lợi nhuận gộp tăng 24,5% lên 4.847 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu 41.196 tỷ đồng, tăng 16%; lãi ròng 979 tỷ đồng, gấp 8,4 lần cùng kỳ năm trước. Dù vậy, so với kế hoạch năm, Masan mới thực hiện 44,8% mục tiêu doanh thu ở mức thấp (92.000 tỷ đồng) và 39,1% mục tiêu lợi nhuận ròng ở mức thấp (2.500 tỷ đồng).
– Doanh nghiệp lý giải doanh thu tăng nhờ tăng trưởng hai chữ số ở mảng kinh doanh thịt (Masan MEATLife) và hàng tiêu dùng (MCH), mảng bán lẻ tăng 1,7% trong quý II nhưng giảm 9% nửa đầu năm, doanh thu tại Masan High-Tech Materials tăng 137% nhờ hợp nhất HCS (mảng kinh doanh vonfram) và giá hàng hóa cao hơn.
– Với The CrownX, doanh thu nửa đầu năm đạt 25.460 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu MCH, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nhanh như nước tương, nước mắm, mì gói, tăng 11,7% lên 11.476 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu VinCommerce (chuỗi bán lẻ VinMart) giảm 8,5% xuống 14.468 tỷ đồng. Masan MEATLife (MML) đạt doanh thu 10.232 tỷ đồng, tăng 42% và Masan High-Tech Materials, khai thác mỏ đa kim Múi Pháo, tăng 137,6% lên 6.107 tỷ đồng.
– Xét về biên lợi nhuận gộp, cả MCH và VCM đều cải thiện giúp biên lợi nhuận The CrownX tăng từ 25,4% lên 27,7%. Masan High-Tech Materials cũng cải thiện biên lợi nhuận nhưng MML giảm từ 16,6% về 12,8%.
– Ngoài ra, công ty liên kết – Ngân hàng Techcombank (TCB) có lợi nhuận trước thuế tăng 71,2% đạt 11.536 tỷ đồng trong nửa đầu năm cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận tập đoàn, giúp Masan củng cố vị trí là tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

• Vingroup lãi trước thuế 3.618 tỷ đồng quý II
– Tập đoàn Vingroup công bố tổng doanh thu thuần quý II đạt 38.451 tỷ đồng, tăng 65% cùng kỳ năm trước. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều tăng, đặc biệt là bất động sản và công nghiệp với mức tăng tương ứng 62% và 53%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.
– Ở lĩnh vực công nghiệp, VinFast tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu, đạt gần 16.000 xe bán ra trong 6 tháng đầu năm. Mẫu xe điện đầu tiên của Việt Nam VF e34 đạt 25.000 lượt đặt cọc tính đến cuối tháng 7. Tính đến ngày 18/7, VinFast chính thức vận hành 35 showroom, nâng tổng số điểm cung cấp dịch vụ lên hơn 200 showroom và đại lý. Với thị trường quốc tế, VinFast đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan nhằm chuẩn bị ra mắt thị trường toàn cầu 2 mẫu ô tô điện thông minh VF e35 và VF e36 vào năm 2022.
– Trong quý II, VinSmart đã đóng mảng tivi và điện thoại di động để phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông, với trọng điểm là 150 tính năng thông tin – giải trí – dịch vụ cho ô tô VinFast. VinSmart cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về Thành phố thông minh – Nhà thông minh và các thiết bị IoT liên quan để mang đến trải nghiệm sống cho người dùng.
– Với lĩnh vực bất động sản nhà ở, mô hình kinh doanh O2O thu hút 16.000 lượt xem tại sự kiện mở bán The Metrolines tại Vinhomes Smart City. Bên cạnh đó, ứng dụng dành cho đại lý bán hàng bắt đầu từ tháng 5 đã ghi nhận hơn 500 giao dịch đặt cọc thành công, với 50 đại lý và hơn 6.000 người dùng. Mới đây, Vinhomes đã ra mắt ứng dụng dành cho cư dân với nền tảng đồng bộ nhiều chức năng như đặt lịch bàn giao nhà, thanh toán hóa đơn, kiểm soát ra vào căn hộ từ xa… ghi nhận hơn 8.000 lượt đăng ký sử dụng dịch vụ.
– Trong lĩnh vực bất động sản cho thuê, quý II, Vincom Retail sẽ chuẩn bị khai trương 3 trung tâm thương mại, bao gồm: Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Mỹ Tho và Vincom Plaza Bạc Liêu.
– Lĩnh vực khách sạn – giải trí chịu ảnh hưởng nặng do dịch Covid bùng phát khiến nhu cầu du lịch giảm mạnh. Để nhanh chóng thích nghi, Vinpearl đã chuyển hướng sang đón các lượt khách cách ly, chủ động giảm công suất hoạt động nhằm tiết kiệm chi phí.
– Trong lĩnh vực y tế, được sự cho phép của Bộ Y tế, hệ thống Vinmec toàn quốc đã được cấp phép xét nghiệm khẳng định Covid-19. Ngoài ra, bệnh viện Vinmec Times City đã làm chủ được công nghệ ghép gan, ghi nhận tỷ lệ thành công đạt 95%.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0