Hợp tác cùng phát triển

Cập nhật vĩ mô – Kỳ vọng đầu tư công bứt phá

Báo cáo vĩ mô - chuyên đề - sự kiện 15/05/2020    963

Chia sẻ

  • Ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp tiếp tục suy giảm trong tháng 4.
  • Giá dầu giảm giúp kiềm chế lạm phát.
  • Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam xuống 4,5%.

Giãn cách xã hội đè nặng lên tăng trưởng GDP Quý 2

Việt Nam đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tương đối quyết liệt từ ngày 1 tháng 4 tới 22 tháng 4 để ngăn chặn đà lây lan trong cộng đồng của dịch COVID-19. Biện pháp này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, tuy nhiên nó cũng mang tới những tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn. Mặc dù lệnh giãn cách xã hội đã được Chính phủ dỡ bỏ kể từ ngày 23 tháng 4, các hoạt động kinh tế vẫn cần thêm thời gian để có thể phục hồi hoàn toàn. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP quý 2 năm 2020 của Việt Nam có thể suy giảm 0,6% sv cùng kỳ năm trước khi nền kinh tế bắt đầu xu hướng phục hồi trong nửa cuối năm 2020.

Ngành dịch vụ chịu tác động nặng nề từ COVID-19

Ngành dịch vụ tiếp tục chứng kiến sự suy giảm mạnh trong tháng 4 do ba tuần giãn cách xã hội đã gây tác động tiêu cực tới doanh thu bán lẻ, du lịch và các hoạt động dịch vụ khác. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 26% sv cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 15,3% sv cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh 64,7% sv cùng kỳ 2019. Doanh thu du lịch lữ hành giảm tới 97,5% sv cùng kỳ 2019 do Chính phủ đã tạm dừng cấp thị thực cho du khách nước ngoài từ ngày 18 tháng 3 năm 2020 và chưa có ý định nối lại hoạt động này trong tương lai gần.

Hoạt động sản xuất công nghiệp suy giảm

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam thiết lập mức thấp mới trong lịch sử, chỉ đạt 32,7 điểm, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu (cả ở thị trường trong nước và nước ngoài) cũng như tác động tiêu cực từ sự gián đoạn tạm thời của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam (IIP) trong tháng 4/2020 cũng sụt giảm 10,5% sv cùng kỳ và chứng kiến sự suy giảm ở hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành ô tô và thiết bị phụ tùng (-44,2% sv cùng kỳ), dệt may (-17,6% sv cùng kỳ) và điện tử (-10,4% sv cùng kỳ). Chúng tôi cho rằng các hoạt động sản xuất công nghiệp có thể phục hồi từ tháng 5 trở đi khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ giúp nhu cầu trong nước dần phục hồi.

Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước thu hẹp do tác động của COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với kế hoạch giải ngân hơn 470 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trong năm 2020.
Hạ dự phóng tăng trưởng GDP năm 2020 xuống 4,5%
Chúng tôi hạ dự phóng tăng trưởng GDP 2020 của Việt Nam xuống 4,5% từ mức dự phóng 5,0% trước đó do lo ngại xu hướng suy giảm tiếp diễn trong lĩnh vực tiêu dùng và hoạt động xuất khẩu trong những tháng tới. Tuy vậy, chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc và hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sang Việt Nam.

Xem thêm báo cáo chi tiết TẠI ĐÂY