Hợp tác cùng phát triển

Ngành Thủy sản – Nhu cầu yếu cản trở sự phục hồi

Báo cáo ngành 07/06/2023    2010

Chia sẻ

  • Tổng LN ròng của các DN xuất khẩu thủy sản giảm mạnh 74% svck trong Q1/23 do nhu cầu yếu ở các thị trường xuất khẩu và mức nền cao của Q1/22.
  • Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của thị trường Mỹ sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong nửa cuối năm với mức tăng trưởng 40-50% so với 6T23.
  • Chúng tôi đưa VHC và ANV vào danh mục theo dõi.

Tóm tắt 1Q23: Kết quả kinh doanh giảm mạnh như ước tính

Sau năm 2022 thành công với tổng DT/LN ròng của các DN thủy sản tăng mạnh 29%/86% svck nhờ nhu cầu bị dồn nén sau dịch tại thị trường Hoa Kỳ, KQKD của các công ty đã sụt giảm mạnh trong Q1/23. Theo ước tính của chúng tôi, tổng DT trong Q1/23 của các DN thủy sản niêm yết giảm mạnh 32% svck do cả giá bán trung bình và sản lượng xuất khẩu đều giảm mạnh. Biên lợi nhuận gộp ngành thu hẹp 5,1 điểm % do giá bán trung bình giảm trong khi chi phí sản xuất tiếp tục neo ở mức cao. Do đó, tổng LN ròng trong Q1/23 của các DN giảm 74% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối 2023

Theo NOAA, nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ ghi nhận sản lượng/giá trị nhập khẩu lần lượt 10%/18% svck do 1) lạm phát cao và kéo dài tại Hoa Kỳ dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu hộ gia đình, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại thị trường này ở cả kênh dịch vụ và kênh bán lẻ và 2) mức tồn kho cao từ năm 2022. Do đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ cũng giảm 51% svck trong 4T23. Chúng tôi cho rằng nhu cầu thủy sản của Mỹ nhiều khả năng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do 1) lạm phát hạ nhiệt, 2) mức tồn kho giảm, 3) nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm so với 6T23, theo ước tính của chúng tôi.

Thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi sau khi mở cửa hoàn toàn

Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero-covid” giúp nhập khẩu thủy sản của nước này tăng 13% svck trong Q1/23. Tuy nhiên, kim ngạch XK các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc lại giảm mạnh lần lượt 68% và 30% svck trong 4T23/4,5T23, do 1) giá thịt lợn điều chỉnh mạnh và nguồn cung cá rô phi tăng trở lại làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá tra, theo quan điểm của chúng tôi, 2) giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc của Việt Nam giảm do cạnh tranh từ các nước có nguồn tôm giá rẻ như Ấn Độ, Ecuador,… Do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác. Chúng tôi dự báo xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Chúng tôi đưa VHC và ANV vào danh mục theo dõi.

Chúng tôi cho rằng tại thời điểm này, triển vọng ảm đạm của ngành trong năm 2023 đã được phần nào phản ánh khi giá cổ phiếu của các công ty niêm yết đã giảm khoảng 40-60% kể từ mức đỉnh vào Q2/22. Với kỳ vọng nhu cầu phục hồi từ thị trường Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2023, chúng tôi đã thêm VHC và ANV vào danh sách theo dõi vì các công ty này có vị trí hàng đầu ngành và sẽ được hưởng lợi lớn khi thị trường xuất khẩu phục hồi trở lại.

Đọc báo cáo chi tiết tại: Đây