Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 26.08.2021 | SHB bán 100% vốn SHB Finance cho ngân hàng Thái Lan

Nhận định Thị trường hàng ngày 26/08/2021    43035

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung Quốc mở lại một phần cảng bận rộn thứ ba thế giới
– Bến Mi Sơn tại cảng Ninh Ba – Chu Sơn đã mở cửa trở lại hôm nay (25/8), sau hai tuần ngừng hoạt động khiến các tuyến vận tải châu Á khó khăn hơn. Bến Mi Sơn chiếm khoảng một phần tư công suất của cảng Ninh Ba – Chu Sơn, cảng lớn thứ ba trên thế giới, và đã bị dừng hoạt động từ ngày 11/8 sau khi một công nhân được phát hiện bị nhiễm Covid-19.
– Tình trạng tắc nghẽn, chậm giao hàng trên các tuyến đường vận tải biển toàn cầu do Covid-19 chỉ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay khi xuất khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục mới. Đây là lần thứ 2 Trung Quốc phải đóng cửa một phần cảng, trước đó là tại cảng Diêm Điền hồi cuối tháng 5.
– Trong bối cảnh nhu cầu về tàu và container tăng mạnh, cũng như các công ty tăng cường xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ cho mùa mua sắm cuối năm, việc đóng cửa một phần cảng cũng gây tốn kém thêm cho cả người mua và gửi hàng. Bến Meishan mới chỉ đóng cửa vài tuần, nhưng theo Bloomberg vẫn có thể mất một thời để cải thiện tình trạng tắc nghẽn. Hiện chi phí cho một container vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải đến Los Angeles đạt gần 11.000 USD – mức kỷ lục mới và cao hơn 220% so với một năm trước.
– Trong năm 2020, cảng Ninh Ba-Chu Sơn giải quyết gần 1,2 tỷ tấn hàng hóa. Cảng Ninh Ba-Chu Sơn là cảng bận rộn thứ ba trên toàn cầu xét về số chuyến hàng container trong năm 2020 và là cảng bận rộn thứ hai ở Trung Quốc, sau Thượng Hải.

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh trong nửa đầu tháng 8
– Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 7 chỉ đạt 1,33 tỷ USD, giảm tới 14,4% so với tháng 6, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 1,03 tỷ USD, giảm 16,4% so với tháng 6.
– Trong 15 ngày đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 373 triệu USD, giảm tới 45,5% so với cùng kỳ tháng 7. Như vậy, tính đến hết ngày 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,95 tỷ USD, trong đó sản phẩm gỗ đạt 7,7 tỷ USD.
– Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang nhiều thị trường chủ lực đều giảm mạnh trong tháng 7 so với tháng trước đó. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 853,7 triệu USD, giảm 16,4%; Trung Quốc đạt 109,5 triệu USD, giảm 20%%; Pháp đạt 9,2 triệu USD, giảm 26,3%; Đức đạt 8,1 triệu USD, giảm 15,9%; Malaysia giảm 21,07%.
– Ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lan rộng ở trong nước và các quốc gia châu Á, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn và giảm tốc.
– Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm rất khả quan, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và các quốc gia EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19, vì vậy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ sẽ tăng cao đáp ứng cho nhu cầu xây dựng tăng mạnh tại các thị trường này. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường tại thị trường trong nước, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp bị đình trệ, điều này sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới.
• Nhiệm vụ đặc biệt của ngành Giao thông: Giải ngân 24.000 tỷ đồng
– Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Công điện 11 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, thành lập tổ công tác đặc biệt để đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngành Giao thông, với mục tiêu phải giải ngân 24.000 tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm.
– Đến tháng 8/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 9.000 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với mức bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm ngành GTVT sẽ phải giải ngân 24.000 tỷ đồng không hề đơn giản. Vì các tỉnh miền Trung, miền Nam sắp bước vào mùa mưa lũ, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá thép và cát sỏi, đất đắp tăng cao đang diễn ra tại nhiều dự án và dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là tại các tỉnh phía Nam, khiến nhiều địa phương phải phong toả. Thực tế này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành, khi các xe ra/vào công trường, dự án đang triển khai bị kiểm soát chặt.
– Đơn cử, bất cứ trường hợp công nhân nào trên công trường mắc COVID-19, sẽ khiến hoạt động của gói thầu đó bị ngưng trệ như cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết ghi nhận hai cán bộ dương tính với COVID-19, kéo theo hàng loạt người lao động dự án thuộc diện F1, F2 phải đi cách ly, còn công trình phải gián đoạn vài ngày để truy vết phòng chống dịch. Ứng phó với thực tế này, Ban Quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư dự án) và các nhà thầu đã “bắt tay” thi công và kiểm soát chặt dịch bệnh với phương án “3 tại chỗ” trên công trường.
– Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn khác, Bộ GTVT đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố về việc ưu tiên “luồng xanh” cho xe vận chuyển máy móc, vật liệu xây dựng vào công trường để thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm quốc gia; đồng thời, ưu tiên nguồn vắc xin cho 100% cho các cán bộ, công nhân viên, nhà thầu, Ban Quản lý dự án giao thông.
– Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu trong tháng 8/2021, các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư phải giải ngân 3.076 tỷ đồng (theo kế hoạch) và giải ngân bù phần chậm kế hoạch tháng 7 khoảng 980 tỷ đồng. Đồng thời, các tháng còn lại của năm 2021, các đơn vị phải hoàn thành giải ngân gần 24.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch năm.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Thị trường hồi phục với thanh khoản thấp
– VN-Index mở cửa phiên ngày 25/08/2021 giao dịch hết sức cầm chừng khi chỉ giao động trong khoảng giá hẹp. Sau đó không lâu, chỉ số bắt đầu tăng điểm và có thời điểm vượt lên trên mức 1,300 trước khi quay đầu giảm điểm để kết thúc phiên sáng với mức giảm 4.36 điểm. Sau giờ nghỉ trưa, với lực mua bắt đáy mạnh mẽ, VN-Index trong phiên chiều đã lấy lại được đà tăng ở phiên sáng và liên tục tăng điểm cho tới hết phiên giao dịch ngày. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10.87 điểm, đạt mức 1,309.55 điểm.
– Thanh khoản phiên hôm nay suy giảm đáng kể xuống dưới mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy lực cầu mua lên trong phiên 25/08 là không thực sự mạnh. Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ trên hai sàn với khoảng 30 tỷ đồng giúp cho giao dịch trở nên tích cực hơn.
– Trong phiên 25/08/2021, MSN, GVR, SAB và HPG là 4 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, với tổng cộng gần 5 điểm tăng. Trong khi đó, CTG cùng với bộ đôi VIC và VHM là những cổ phiếu kìm hãm đà tăng của thị trường.
– Thị trường hồi phục trở lại với thanh khoản nhỏ thường là do bên mua không dám xuống tiền mạnh. Đây là cơ hội của người đang nắm giữ cổ phiếu chờ hồi phục để đỡ lỗ, chứ không phải cơ hội cho người mua mới cổ phiếu. Thị trường hoàn toàn có thể tăng tiếp với thanh khoản thấp trong ngắn hạn chừng nào bên cầm cổ còn hy vọng thị trường hồi phục để bán được giá tốt hơn. Trong lịch sử mỗi lần thị trường giảm ở đỉnh và hồi phục lại sau vài phiên rơi sâu đều tạo cảm giác đã chạm đáy, nhưng sau đó vẫn giảm tiếp.
– VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật về vùng quanh vùng 1.310-1.320 điểm trong các phiên tới. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số nằm quanh ngưỡng 1.290-1.295 điểm. Vẫn giữ quan điểm đây là nhịp hồi phục kỹ thuật, và cần quan sát yếu tố dòng tiền trong các phiên sắp tới. Nếu vài phiên nữa thị trường tăng với thanh khoản tiếp tục ở mức thấp thì sẽ là tín hiệu xấu.
– Nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thị trường, chưa nên mở mua mới cổ phiếu và cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên hồi phục sắp tới của thị trường.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Hoa Sen lãi 302 tỷ trong tháng 7, giảm mạnh so với 4 tháng trước
– Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) thông báo sản lượng tháng 7 đạt 189.474 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 4.921 tỷ đồng, tăng 97% và lợi nhuận sau thuế 302 tỷ đồng, tăng 124%. So với tháng trước, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen tăng 8% và doanh thu tăng 26,6% nhưng lợi nhuận giảm 46%. Trước đó, Hoa Sen có 4 tháng liên đạt lợi nhuận trên 500 tỷ đồng mỗi tháng.
– Trong bối cảnh dịch bệnh, Hoa Sen vẫn duy trì được đà tăng sản lượng nhờ vào hoạt động xuất khẩu tôn mạ. Trong tháng 7, Hoa Sen bán 157.845 tấn tôn mạ, tăng 1,7% so với tháng 6; 30.109 tấn ống thép, giảm 32%. Xuất khẩu tôn mạ ghi nhận 123.088 tấn, tăng 20,6%; ống thép 3.244 tấn, giảm 25% so với tháng 6. Như vậy, xuất khẩu đã chiếm 67% cơ cấu sản lượng của Hoa Sen trong tháng vừa qua.
– Hoa Sen hiện đã có đơn hàng xuất khẩu để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11. Xuất khẩu dự kiến chiếm 70% tổng sản lượng bán ra trong năm nay. Động lực chính của sản lượng xuất khẩu là thị trường Mỹ và châu Âu, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các thị trường khác. Đơn vị dự kiến tỷ trọng từ thị trường Mỹ và châu Âu sẽ tăng từ 20 – 30% lên hơn 50%.
– Lũy kế 10 tháng niên độ 2020-2021, tập đoàn tiêu thụ 1,9 tấn sản phẩm, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và vượt 5% kế hoạch năm. Doanh thu 37.850 tỷ đồng, tăng 75% và vượt 15% kế hoạch năm; lãi sau thuế 3.674 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ và vượt 145% kế hoạch năm.

• SHB bán 100% vốn SHB Finance cho ngân hàng Thái Lan
– Ngày 25/8, SHB đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
– Khi hai bên đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.
– Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Đồng thời, việc hợp tác chiến lược giữa hai ngân hàng có quy mô và vị thế top 5 tại Việt Nam, Thái Lan sẽ mở ra cơ hội phát triển mang tầm khu vực và vươn ra thế giới. SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn.
– Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi. Trong đó, tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) nắm giữ 76,88% vốn. MUFG được biết đến là tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản và một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới. MUFG cũng đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại thị trường Việt Nam, là cổ đông chiến lược sở hữu 20% vốn tại một ngân hàng lớn trong nước của Việt Nam và góp phần đưa ngân hàng này có nhiều bước phát triển ấn tượng trong những năm gần đây.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0