Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.12.2020 – Quốc hội Mỹ chốt gói giải cứu khẩn cấp 900 tỷ USD cho người dân

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/12/2020    600

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Quốc hội Mỹ chốt gói giải cứu khẩn cấp 900 tỷ USD cho người dân

Các chính trị gia hàng đầu của Mỹ đã chốt được gói giải cứu quy mô 900 tỷ USD. Quốc hội Mỹ như vậy tiến gần hơn đến việc bơm thêm tiền cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, trường học và nhiều đối tượng khác trước dịp Giáng sinh năm nay.

Theo Wall Street Journal, gói hỗ trợ mới này dự kiến sẽ cấp thêm 600USD trực tiếp cho người Mỹ, 300USD/tuần trợ cấp thất nghiệp liên bang cũng như trợ cấp cho trường học, phân phối vắc xin và doanh nghiệp nhỏ. Trong ngày Chủ Nhật, các chính trị gia Mỹ đã chốt được thỏa thuận chi tiết cho dự luật sau khi trước đó đã không thể thống nhất được với nhau về các kênh cho vay khẩn cấp của Fed. Chủ tịch Phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, vào chiều ngày Chủ Nhật cho biết mọi vấn đề đã được dàn xếp.

Phát biểu trước Thượng viện, ông McConnell nói: “Cuối cùng ít nhất chúng ta đã đạt được sự đồng thuận của hai đảng. Giờ đây chúng ta cần phải chốt được những chi tiết cuối cùng, tránh đi khả năng có bất kỳ trở ngại nào phút cuối và hợp tác để dự thảo được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua”.

Vương quốc Anh phát hiện chủng virus corona mới

Giới chức y tế Vương quốc Anh cuối tuần trước thông báo về một biến thể virus corona mới có khả năng lây lan “với tốc độ nhanh hơn” so với những biến thể đã biết. Thông tin này ngay lập tức khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson phải áp đặt các lệnh hạn chế mới đối với các vùng của đất nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus mới.

Chính phủ Anh chính thức công bố về chủng virus mới trong ngày 21/12 sau khi các trường hợp mắc bệnh gia tăng ở khu vực phía Nam và phía Đông đất nước. Tính tới ngày 20/12, có hơn 1.100 trường hợp mắc biến thể Covid-19 mới được ghi nhận. Trước đó, ông Johnson dẫn lời các chuyên gia khoa học cho biết, chủng virus mới có thể lây lan mạnh hơn 70% so với chủng virus đầu tiên của đại dịch. Các nhà khoa học Anh cũng tin rằng chủng virus mới đang khiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh hơn. Ông Johnson kêu gọi người dân Anh hạn chế di chuyển và “ở lại địa phương” để ngăn chặn làn sóng virus mới lan ra khắp đất nước và nước ngoài.

Vương quốc Anh ghi nhận 24.061 trường hợp mắc Covid-19 mới mỗi ngày, tăng hơn 40% so với mức trung bình 7 ngày của tuần trước. Nói về virus mới, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: “Đây mới chỉ là những dữ liệu ban đầu và chúng ta còn phải xem xét. Tuy nhiên, điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm lúc này là hành động dựa trên thông tin chúng ta có bởi những dữ liệu hiện nay cho thấy virus lây lan rất nhanh”.

Nhật Bản thông qua ngân sách kỷ lục 1,000 tỷ USD

Thông báo hôm nay của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết tổng chi ngân sách sẽ tăng khoảng 3,8% lên 106.600 tỷ yen (1.000 tỷ USD) cho năm tài chính tới. Chi cho an sinh xã hội sẽ chiếm khoảng 54%. Nước này cũng sẽ dành ra một khoản để trả nợ và hỗ trợ các chính quyền địa phương.

Đầu tháng này, chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga cũng công bố gói kích thích hơn 700 tỷ USD. Một phần tài chính cho gói này sẽ được lấy từ ngân sách năm tới. Gói kích thích này nhằm kiềm chế đại dịch và hỗ trợ nền kinh tế chuyển dịch sang giai đoạn hậu Covid. Mục tiêu đầu tiên hiện rất cấp thiết, do số ca nhiễm mới tại Nhật Bản đã vượt kỷ lục 3.000 ca mỗi ngày. Riêng Tokyo ghi nhận thêm hơn 700 trường hợp vào thứ 7 tuần trước. Thủ tướng Suga buộc phải tuyên bố ngừng chương trình hỗ trợ du lịch mà ông từng thúc đẩy. Việc này khiến ông mất một công cụ hữu hiệu để kích thích nền kinh tế đang bị cảnh báo quay lại thời kỳ suy thoái.

Để đối phó đại dịch, Nhật Bản đang ngày càng đẩy cao núi nợ vốn đã ở mức lớn nhất trong nhóm nước phát triển. Dù các chi phí cho y tế và lương hưu từ lâu vẫn tăng đều do dân số già đi, Covid-19 đã buộc chính phủ này tăng tốc phát hành nợ mới lên mức kỷ lục năm nay.

2. Vĩ mô Việt Nam

Nikkei Asia: Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp xây thành phố thông minh tại Việt Nam

Theo Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một quỹ trị giá 250 tỷ yên (2,4 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các dự án thành phố thông minh của các công ty Nhật Bản và hỗ trợ các biện pháp khử carbon ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Cụ thể, quỹ sẽ bao gồm khoảng 50 tỷ yên từ Tập đoàn Đầu tư Hạ tầng Giao thông và Phát triển Đô thị Hải ngoại Nhật Bản (JOIN), một quỹ của chính phủ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và một hạn mức tín dụng trị giá 200 tỷ yên từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).

Chính phủ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án tại 26 thành phố tại 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm Hà Nội, TP. HCM, Jakarta, Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur. Nhật Bản dự kiến sẽ đề nghị 26 thành phố nói trên đệ trình các kế hoạch phát triển thành phố thông minh vào cuối năm nay và sẽ lựa chọn các dự án đủ tiêu chuẩn vào mùa xuân năm tới. Chính phủ hy vọng doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đề ra các kế hoạch cơ bản cho các thành phố đã chọn và tiến hành các nghiên cứu khả thi.

Nhằm thúc đẩy các dự án thành phố thông minh, JOIN đang cân nhắc các biện pháp như thiết lập các liên doanh giữa các công ty Nhật Bản và các công ty của nước sở tại. Đồng thời, JBIC sẽ mở rộng hạn mức tín dụng cho các chương trình môi trường như các chương trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng có thể tái sinh và ngăn ngừa ô nhiễm không khí và nước.

Theo Nikkei Asia, với việc thành lập quỹ này, Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ cạnh tranh với Trung Quốc và Hàn Quốc trong các dự án thành phố thông minh ở Đông Nam Á. Đầu năm nay, Hàn Quốc đã công bố gói hỗ trợ các dự án thành phố thông minh ở nước ngoài và đã lựa chọn các dự án ở 11 quốc gia, bao gồm 6 nước thành viên ASEAN.

Nguy cơ “bong bóng” thị trường bất động sản

Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, không được để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản. Dù vậy, thực tế thị trường đang tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” do giá bất động sản tăng phi lý.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở giảm và giá nhà vẫn tăng so với cuối 2019. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,01%. Trong khi đó, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,15% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS) cũng đưa ra các báo cáo cho thấy giá nhà không những không giảm mà còn tăng, dù dịch bệnh gây ảnh hưởng mạnh đến kinh tế.

Giá BĐS tại các tỉnh lân cận TP.Thủ Đức như Bình Dương, Đồng Nai cũng tăng vọt ở mức chưa từng có. Tại Bình Dương, hiện một tuyến đường ngắn của QL13 từ TP.HCM đến Thủ Dầu Một đã có khoảng 40.000 căn hộ đang triển khai, trong đó giá bán bình quân khoảng 30 triệu đồng/m2, có dự án giá bán lên đến 40 triệu đồng/m2. Mức giá này cao bằng với nhiều dự án đang mở bán tại H.Bình Chánh, thậm chí ở Q.7, TP.HCM. Tại Đồng Nai, giá BĐS cũng “nhảy múa” theo thông tin triển khai sân bay quốc tế Long Thành và các dự án hạ tầng khi đất nền đang bị đẩy giá tăng cao gần gấp đôi so với một năm trước đó.

Theo khảo sát từ Navigos, hiện giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội đang cao hơn nhiều lần so với thu nhập của người dân. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy với thu nhập bình quân của sinh viên mới ra trường tại TP.HCM và Hà Nội là 72 triệu đồng/năm, trong khi giá căn hộ 2 phòng ngủ bình quân hiện đã lên đến 2 tỉ đồng. Như vậy, giá căn hộ hiện cao hơn thu nhập của người trẻ tới 28 lần. Đối với nhân viên có kinh nghiệm lâu năm, thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm, thì giá căn hộ cũng cao gấp 17 lần thu nhập trung bình.

3. Thông tin tài sản đầu tư

Quỹ của Mỹ và Châu Âu tăng cường đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc

Các nhà đầu tư tổ chức Mỹ và Châu Âu, bao gồm các quỹ hưu trí, đang rời bỏ cổ phiếu Nhật Bản và đẩy nhanh sự chuyển dịch sang các công ty Trung Quốc, khi nước này hồi phục nhanh hơn phần còn lại của thế giới từ đại dịch COVID-19.

Hệ thống hưu trí của giáo viên tiểu bang California (CalSTRS) công ty có tổng tài sản gần 255 tỷ USD cho biết 10 cổ phiếu hàng đầu họ đang nắm giữ bao gồm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba Group Holding và Tencent Holdings, cùng với Apple và các công ty Mỹ khác. Ailman đã làm giám đốc điều hành của CalCTRS trong hơn 18 năm cho biết đây là lần đầu tiên hai công ty Trung Quốc nằm trong số 10 công ty nắm giữ nhiều nhất của quỹ. Cổ phiếu Trung Quốc, bao gồm cả những cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông, hiện chiếm 2,9% cổ phiếu niêm yết dưới sự quản lý của quỹ. Con số này thấp hơn tỷ lệ nắm giữ của cổ phiếu Nhật Bản 3,5%, lớn nhất sau cổ phiếu Mỹ. Với sự thay đổi này với chứng khoán Trung Quốc, Ailman nói rằng các công ty Nhật Bản có thể làm nhiều hơn để cạnh tranh, chẳng hạn như những cải cách doanh nghiệp rất cần thiết.

Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associates cùng kỳ vọng vào các nhà đầu tư Mỹ sẽ tăng nắm giữ tài sản Trung Quốc. Dalio, người nổi tiếng có những mối quan hệ chặt chẽ ở Bắc Kinh cho biết vào tháng 11 rằng, ông hy vọng các quỹ hưu trí Châu Âu và Mỹ sẽ đảo ngược chính sách đánh giá thấp cổ phiếu Trung Quốc của họ.

Tuy nhiên, đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc có thể mang nhiều rủi ro. Ông Donald Trump vào tháng 11 đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào danh sách công ty Trung Quốc có liên quan đến quân đội nước này khiến một số nhà cung cấp chỉ số loại khỏi danh sách. Tổng thống nhiệm kỳ mới Joa Biden được cho là sẽ tiếp tục có đường lối cứng rắn với Bắc Kinh.