Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.04.2022 – Lạm phát tại Mỹ cao nhất kể từ năm 1981

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/04/2022    44005

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/04/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Lạm phát tại Mỹ cao nhất kể từ năm 1981
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 8,4% từ Dow Jones. Nếu tính CPI lõi và ngoại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI tháng 3 tăng như kỳ vọng 6,5%. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981.
– Mức tăng theo tháng đạt 1,2%, nhanh nhất kể từ tháng 9/2005 và cao hơn so với mức 0,8% hồi tháng 2. Tuy nhiên, CPI lõi chỉ tăng 0,3% và ghi nhận mức tăng chậm nhất kể từ tháng 9.
– Số liệu lạm phát mới công bố lần đầu tiên tính đến cả tác động kinh tế của chiến sự Nga – Ukraine, ảnh hưởng đến triển vọng toàn cầu và gây lo ngại tăng trưởng giảm tốc khi giá cả gia tăng. Nga là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Cả Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp lớn đối với lúa mì và loại ngũ cốc khác.
– Số liệu lần này cũng nhấn mạnh tác động của biến động giá hàng hoá, khi giá xăng dầu tăng vọt chiếm hơn 1 nửa mức tăng của CPI tháng 3. Trong năm qua, giá xăng đã tăng 48%, khi tăng tới 18,3% từ tháng 2 đến tháng 3.
– Song, tình trạng giá tăng cao đang dần chậm lại ở một số lĩnh vực khác. Giá ô tô đã qua sử dụng đã giảm 3,8% trong tháng trước. Chi phí để mua một chiếc xe mới tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn tháng 2.
– Giá năng lượng và thực phẩm tăng với tốc độ chậm hơn mặc dù kỳ vọng lạm phát ở mức cao hơn. Một cuộc khảo sát hàng tháng mới do Fed New York công bố cho thấy các hộ gia đình Mỹ đang chuẩn bị tinh thần cho tình trạng giá cả tiếp tục đi lên. Trong năm tới, người tiêu dùng dự đoán lạm phát sẽ đạt 6,6%, tăng 0,6% điểm phần trăm so với giai đoạn trước. Kỳ vọng về mức tăng trưởng 3 năm giảm nhẹ nhưng vẫn tăng ở mức 3,7%.
– Mối lo ngại về việc lạm phát ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế đã khiến Fed trong những tuần gần đây phát tín hiệu sẽ mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 5, gấp đôi tốc độ hồi tháng 3. Fed dự báo mức tăng lãi suất trong năm nay sẽ ở khoảng 2,4%.

• Kinh tế Nga nguy cơ suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1994
– Nga đang đối mặt tình trạng lạm phát tăng mạnh và chảy máu vốn cùng nguy cơ vỡ nợ sau khi phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt để đáp trả việc Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2.
– Các Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính Nga đang nghiên cứu để đưa ra dự báo mới, hãng thông tấn quốc gia Nga RIA dẫn lời Alexei Kudrin, từng là bộ trưởng tài chính Nga giai đoạn 2000 – 2011 và hiện đứng đầu Phòng Kiểm toán. “Dự báo chính thức sẽ là suy giảm hơn 10%”.
– Các dự báo trước đó từ chính phủ Nga cho rằng GDP nước này sẽ tăng 3% năm nay, sau khi tăng 4,7% năm 2021. Một nguồn thạo tin cho biết Bộ Kinh tế Nga dự báo GDP năm nay giảm 10 – 15%.
– 10% sẽ là mức suy giảm GDP lớn nhất của Nga kể từ năm 1994, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). WB hồi đầu tháng ước tính GDP Nga sẽ giảm 11,2% năm nay. Giới phân tích tham gia khảo sát của Reuters cuối tháng 3 đưa ra con số trung bình là GDP Nga năm 2022 suy giảm 7,3%, lạm phát tăng lên gần 24%, cao nhất kể từ năm 1999.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Dự báo xuất khẩu cá tra Quý II tăng 50% so với cùng kỳ 2021
– Năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều hộ nuôi cá tra đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch mùa vụ năm nay. Các ao hầu hết thả nuôi ở mức duy trì, hạn chế cho ăn và rất hiếm cơ sở nuôi thêm.
– Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cá tra bị ảnh hưởng nhiều mặt bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng kỷ lục trong vài năm gần đây. Riêng giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.
– Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng tăng là yếu tố khiến giá cá tra nguyên liệu bị đẩy cao. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng 25% so với cuối năm 2021, và chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đ/kg.
– Sau 3 năm ảm đạm, ngành cá tra hồi sinh mạnh mẽ. Theo Tổng cục Hải quan, đến hết Quý I/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, và chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
– Tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong 2 tháng đầu năm đạt 94,6 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường xuất khẩu cá tra số một của doanh nghiệp Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ tăng, nhiều doanh nghiệp tận dụng triệt để cơ hội không bị áp thuế chống bán phá giá nên đã đẩy mạnh việc bán hàng sang thị trường này.
– Ngoài Mỹ, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông tăng trưởng 240% trong 2 tháng đầu năm, lên mức 86 triệu USD. Ngay cả châu Âu, thị trường chứng kiến 2 năm sụt giảm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang có dấu hiệu khởi sắc.
– Với những triển vọng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tỏ ra lạc quan về kết quả kinh doanh trong năm 2022. Các nhà máy hoạt động trở lại bình thường và đã ký đủ các đơn hàng cá tra đến hết quý II/2022, nguồn nhân lực được củng cố để đảm bảo công suất đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cần lên kế hoạch hợp lý để đảm bảo cân bằng cung – cầu, tránh lặp lại kịch bản như năm 2018.

• Đơn hàng xuất khẩu gỗ sang EU “kín lịch” hết quý III
– Theo Tổng cục Hải quan, ước tính, tháng 3/2022 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU đạt 71,3 triệu USD, tăng 0,4% so với tháng 3/2021. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hai tháng đầu năm 2022, đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng chính xuất khẩu sang thị trường này đạt 104,3 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
– Đức luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 27 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, thị trường Bỉ chiếm 10,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU, phản ánh tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
– Trong năm 2021 EU nhập khẩu từ Việt Nam đạt 136,4 nghìn tấn, trị giá 492,5 triệu Eur (tương đương 551,6 triệu USD), tăng 3,6% về lượng, tăng 14,7% về trị giá so với năm 2020.Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu của EU trong năm 2021.
– Đơn hàng của các doanh nghiệp hiện đã kín đến hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quý IV này. Tuy nhiên, chi phí logistics đang tăng nhanh chóng khiến giá thành sản phẩm rất cao, nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu nên doanh nghiệp bị bào mòn lợi nhuận.
– Thị trường EU còn rất nhiều tiềm năng để ngành gỗ Việt Nam khai thác và mở rộng thị phần. Đặc biệt trong thời gian này có rất nhiều lợi thế cho Việt Nam như chính sách thuế giảm dần về 0% khi hiệp định EVFTA được áp dụng, nguồn xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới tạm gián đoạn, hay thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài cũng như cải tiến công nghệ sản xuất. Đây được coi là sự kỳ vọng về Ngành gỗ Việt Nam trong những quý tới sẽ bước qua khó khăn về chi phí logistics và tiếp tục đạt được những tăng trưởng ấn tượng.

• Đầu tư vào khu công nghiệp của khối ngoại tiếp tục sôi động
– Chỉ riêng 2 tháng đầu năm, Thái Nguyên hút được 924 triệu USD vốn FDI, chiếm gần 18,5% tổng vốn FDI cả nước trong kỳ. Nổi bật trong đó là khoản bổ sung vốn trị giá 920 triệu USD của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
– Ngoài ra, Đan Mạch đang là nhà đầu tư lớn nhất tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, chiếm 78,9% tổng vốn đăng ký. Giữa tháng 3, Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn LEGO của Đan Mạch tại khu công nghiệp VSIP III cho dự án có tổng vốn hơn 1 tỷ USD.
– Sự sôi động tiếp tục lan sang quý II khi Tập đoàn Hoa Lợi (HuaLi Group) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp WHA 1 và khu công nghiệp Hoàng Mai I.
– Cuộc đổ bộ rầm rộ của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường bất động sản công nghiệp đã thúc đẩy giá thuê đất công nghiệp tiếp tục đi lên, bất chấp mặt bằng giá đã cao trong 2 năm qua. Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp quý I/2022 của JLL cho thấy, giá đất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 8,5% so với cùng kỳ). Giá thuê bình quân đất công nghiệp đạt 120 USD/m2 cho chu kỳ thuê.
– Ngoài ra, gói hỗ trợ 350.000 tỷ của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án cao tốc Bắc Nam hay sân bay Long Thành cũng sẽ giúp cải thiện chi phí logistic tại Việt Nam đáng kể, giúp tăng triển vọng đầu tư vào các khu công nghiệp.
– Nhờ lợi thế nguồn nhân công rẻ và dồi dào, chính sách thuế ưu đãi, các chuyến bay và mở cửa biên giới quốc tế được phụ hồi và các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Việt Nam hứa hẹn tiếp tục là một điểm sáng đầy tiềm năng và cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp cho những doanh nghiệp nước ngoài.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• HoSE hủy niêm yết cổ phiếu PXI
– Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo sẽ hủy niêm yết 30 triệu cổ phiếu của Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (HoSE: PXI) do công ty lỗ liên tục 3 năm giai đoạn 2019-2021. Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 9/5, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 6/5.
– Trong năm 2021, công ty ghi nhận khoản lỗ 30,3 tỷ đồng, giảm 39,4% so với thực hiện năm trước, doanh thu của PXI đạt -18,5 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của công ty là 123,7 tỷ đồng.
– Nguyên nhân là do doanh thu từ công trình Viện Dầu khí giảm 26,7 tỷ đồng. Cùng với đó, năm qua đơn vị cũng không có công trình mới, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp là hơn 6 tỷ đồng, chi phí khác là 4,6 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang thi công công trình ở xa như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nên chi phí thi cũng tăng lên. Trong năm nay, PXI lên kế hoạch doanh thu đạt 42 tỷ đồng, còn lợi nhuận vẫn đang được bỏ ngỏ.
– Với việc lợi nhuận giảm kèm thông tin bị hủy niêm yết, các nhà đầu tư và đầu cơ nên cần thật sự cân nhắc kỹ trước quyết định mua/bán PXI.

• FCN: Tiếp tục ghi nhận các gói thầu mới trị giá hơn 500 tỷ đồng ngay tuần đầu tháng 4/2022
– CTCP FECON (HoSE: FCN) thông báo trúng thầu nhiều hợp đồng mới ngay đầu tháng 4/2022 với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng. Đáng chú ý là gói thầu “Thi công nền móng và hạ tầng” đầu tiên tại dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 trị giá 418 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng quốc gia, thuộc quy hoạch điện 7 với chủ đầu tư là PV Power. Dự án có công suất 1.500 MW với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD.
– Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG, dự kiến sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ Kwh sau khi đưa vào vận hành vào năm 2024 – 2025.
– Về mảng xây dựng dân dụng, 2 dự án thi công cọc đại trà, cọc khoan nhồi và tường vây tại Dự án Khách sạn Nam Hưng và Dự án Công trình hỗn hợp văn phòng, thương mại, nhà ở thuộc Khu đô thị mới An Hưng cũng đã mang về cho FECON tổng giá trị hợp đồng là hơn 100 tỷ đồng.
– Cuối tháng 3/2022, FECON cùng Liên danh các Nhà thầu Vinaconex và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đã trúng gói thầu nền móng đầu tiên thuộc siêu dự án Sân bay Long Thành. Tổng giá trị hợp đồng ký kết với chủ đầu tư Tổng công ty hàng không ACV là 410 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 gói thầu xử lý nền và thi công cọc khoan nhồi tại siêu dự án Hoà Phát – Dung Quất cũng đã đóng góp 232,7 tỷ đồng vào doanh số ký hợp đồng của FECON trong quý I/2022.
– Với loạt gói thầu mới trúng ngay đầu tháng 4/2022, cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, FECON đang từng bước nỗ lực tiến tới các mục tiêu đề ra trong năm 2022: doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng trên 250% so với cùng kỳ.
– Liên tiếp các dự án nối tiếp nhau, đây sẽ là bước đệm giúp doanh nghiệp mang về thêm nhiều gói thầu mới từ “siêu dự án trọng điểm.” Đồng thời, với làn sóng đầu tư công đang diễn ra mạnh mẽ, FCN được kỳ vọng sẽ có một năm tăng trưởng kinh doanh tích cực.

• PTI: Không chia cổ tức để tăng vốn
– Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 với kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 208,5 tỷ đồng, bằng 79,5% mức thực hiện của năm 2021. Tuy mục tiêu lợi nhuận so với năm trước giảm, nhưng kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn dự kiến tăng gần 7% so với năm trước với dự kiến là 6.350 tỷ đồng.
– Năm 2021, ĐHCĐ đã thông qua phương án chia cổ tức 10%, tuy nhiên theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, HĐQT PTI đề xuất không chia cổ tức năm 2021 để thực hiện kế hoạch tăng vốn.
– Lợi nhuận còn lại chưa phân phối năm 2021 của hãng bảo hiểm này còn 421,4 tỷ đồng, kế hoạch thực hiện năm 2022 là 604,88 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 vẫn đạt 333,24 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2020, trong đó lợi nhuận thuần từ hoạt động bảo hiểm là 171,18 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm 2020. Trong năm 2021, lãi gộp từ hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động khác của PTI cũng đạt 162 tỷ đồng, hoàn thành 136% kế hoạch.
– Trọng tâm kế hoạch phát triển kinh doanh năm 2022 của PTI là tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin, ra mắt thêm các sản phẩm mới, tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các công ty Fintech, Insurtech.
– Mặc dù nhóm ngành bảo hiểm có thể kỳ vọng hoạt động doanh thu phí hồi phục khi nền kinh tế mở cửa bình thường trở lại, các doanh nghiệp bảo hiểm khó có thể tiếp tục hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do khả năng người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội khó lặp lại trong năm 2022. Hơn nữa, môi trường lãi suất thấp hiện tại cũng gây trở ngại cho tăng trưởng kinh doanh khi các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu nắm giữ trái phiếu hoặc tiền gửi có kỳ hạn.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 12/04/2022,VNINDEX rung lắc khá mạnh ngay trong phiên sáng và duy trì sắc đỏ đến kết phiên chiều. Chỉ số VNINDEX đóng cửa ở mức 1.455,25 điểm, giảm 26,75 điểm (-1,8%) so với phiên giao dịch trước đó.
– Thanh khoản của VNINDEX đạt mức hơn 21.282,117 tỷ đồng, không có sự chênh lệch nhiều so với phiên giao dịch trước đó. Độ rộng thị trường phe bán chiếm ưu thế với 409 mã giảm tương đương với hơn 80% các mã trên sàn HOSE.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM, GVR, BID là các mã có kìm hãm đà tăng nhiều nhất tới chỉ số VNINDEX với tổng giảm 6,116 điểm, trong đó riêng VHM giảm 2,342 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã kìm tăng điểm gồm có: MSN (+0,5 điểm), MWG (+0,493 điểm), FPT (+0,302 điểm).
– Về nhóm ngành, 7/10 nhóm ngành ghi nhận sắc đỏ trong đó giảm mạnh nhất là 3 nhóm ngành Năng lượng, Công nghiệp và Nguyên vật liệu với mức giảm lần lượt là -4,64%, -2,98% và -2,69%. Chỉ 4/10 nhóm ngành đều có mức tăng chưa đến 1% gồm có các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Dịch vụ tiện ích và Hàng tiêu dùng thiết yếu.
– 2 nhóm ngành vốn hóa lớn trên thị trường là Bất động sản và Tài chính đều ghi nhận mức giảm lần lượt là -2,09% và -1,87%. Trong đó hàng loạt các cổ phiếu bất động sản nằm sàn do tâm lý nhà đầu tư vẫn còn lo ngại trước những thông tin tiêu cực trước đó.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày 12/04/2022 bán ròng 273,48 tỷ đồng. Lượng bán ròng chủ yếu đến từ các cổ phiếu VPB (-81,5 tỷ đồng), HPG (-59,77 tỷ đồng), VHM (-59,26 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại đã mua ròng nhiều nhất là E1VFVN30 (59,26 tỷ đồng), NVL (58,66 tỷ đồng), FUESSVFL (52,65 tỷ đồng) và FUEVFVND (38,21 tỷ đồng). Với thị trường biến động như hiện nay, các quỹ ETF lại là lựa chọn tối ưu mà khối ngoại lựa chọn.
– Hôm nay, chỉ số VNINDEX đã có 1 phiên giảm mạnh hơn 26 điểm về vùng hỗ trợ quanh vùng 1.455 điểm. Nếu phiên giao dịch ngày 13/04 không giữ được vùng hỗ trợ này thì nguy cơ quay trở lại vùng 1,430 điểm là rất cao. Trong thời điểm này, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch trong hoảng loạn, giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu với những mã đang sử dụng margin và chờ đợi những phiên hồi lại của thị trường.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0