Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 12.01.2022 | Quốc hội thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội gần 350.000 tỷ đồng

Nhận định Thị trường hàng ngày 12/01/2022    93623

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 12/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Goldman Sachs: Fed có thể tăng lãi suất 4 lần năm nay
– Tiến triển nhanh chóng trên thị trường lao động Mỹ cùng các tín hiệu cứng rắn từ biên bản cuộc họp ngày 14 – 15/12 của Fed cho thấy quá trình bình thường hóa chính sách có thể diễn ra nhanh hơn, Goldman Sachs đánh giá.
– “Với lạm phát còn cao hơn mục tiêu, giảm quy mô bảng cân đối không còn phù hợp để thay thế cho tăng lãi suất hàng quý. Chúng tôi tiếp tục đánh giá lãi suất tăng trong tháng 3, 6, 9 và bổ sung thêm một đợt tăng vào tháng 12”. Dù vậy, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất tối ưu với tối đa hóa việc làm, ổn định giá là 2,5 – 2,75%.
– Trong biên bản họp tháng 12, Fed ám chỉ sự chuẩn bị tăng lãi suất nhanh hơn so với lần gần nhất siết chính sách tiền tệ nhằm ngăn kinh tế Mỹ quá nóng trong bối cảnh lạm phát cao và việc làm gần tối đa. Những điều kiện trên, cùng với quy mô bảng cân đối lớn gây áp lực lên chi phí đi vay dài hạn sẽ đảm bảo cho tốc độ bình thường hóa lãi suất nhanh hơn.
– Với kịch bản 4 lần tăng lãi suất, lộ trình lãi suất sẽ không quá chênh lệch so với dự đoán của thị trường cho năm 2022, nhưng sự chênh lệch trong ảnh hưởng của chúng lên nền kinh tế Mỹ so với dự đoán sẽ chỉ trở nên rõ ràng hơn kể từ năm 2023 trở đi. Hơn nữa, kịch bản tăng lãi suất 4 lần trong 1 năm nếu thành hiện thực sẽ gây ra biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu khi dòng tiền hoàn toàn có thể rút khỏi các loại tài sản có biên độ rủi ro cao hơn.

• IMF cảnh báo các nền kinh tế mới nổi về nguy cơ ‘xáo trộn kinh tế’
– Theo IMF, nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục phục hồi trong giai đoạn 2022 – 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều thách thức khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc hoàn toàn. Kể từ giữa tháng 12/2021, mặc dù Omicron dường như không gây bệnh nghiêm trọng bằng các biến thể trước, song nhiều nước đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế, gây cản trở tăng trưởng kinh tế.
– IMF cho rằng các nền kinh tế mới nổi cần chuẩn bị cho nguy cơ “xáo trộn kinh tế” trước các tác động của Omicron và Fed đẩy nhanh việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, các nước mới nổi cũng đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng và nguy cơ nợ công cao hơn đáng kể.
– Gần đây, Fed đưa ra các tín hiệu cho thấy sẽ tăng lãi suất sớm hơn và mạnh hơn so với kế hoạch nhằm khống chế lạm phát vốn đang tác động đối với các hộ gia đình và tiêu dùng tại Mỹ. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí tài chính của một số nền kinh tế mới nổi, vay nợ bằng USD, sẽ tăng lên.
– Việc Fed đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất có dẫn đến việc siết chặt hơn các điều kiện tài chính trên quy mô toàn cầu. Các nước mới nổi vốn đã bị tụt lại trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt thêm nhiều rủi ro, mở ra viễn cảnh đà hồi phục của kinh tế toàn cầu diễn ra theo hình chữ “K” khi sự phân hóa diễn ra ở nhóm các nước phát triển tiếp tục hồi phục mạnh và nhóm các nước đang phát triển gặp khó khăn trong tăng trưởng kinh tế.

2. Thông tin Việt Nam

• Quốc hội thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội gần 350.000 tỷ đồng
– Với 424/426 đại biểu Quốc hội (chiếm 84,97%) tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, với quy mô gói hỗ trợ lên tới 350,000 tỷ đồng.
– Theo đó, mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đó là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm, các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
– Chính sách tài khoá gồm có chính sách miễn, giảm thuế: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Với chính sách đầu tư phát triển: Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.
– Về chính sách tiền tệ, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
– Nền kinh tế đang dần phục hồi sau tác động nặng nề của đại dịch vào quý 3 và quý 4 năm 2021, do đó các gói hỗ trợ của Chính phủ đóng vai rất trò quan trọng để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Đặc biệt, với hơn 113,000 nghìn tỷ của gói tài khóa được phân bổ vào đầu tư hạ tầng, các nhóm ngành liên quan tới đầu tư công như xây dựng hay bất động sản sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.

• Năm 2022, tổng điện năng sản xuất trong nước và nhập khẩu sẽ tăng 7,9%
– Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho biết, theo Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2022, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu toàn quốc (bao gồm cả sản lượng điện Mặt Trời mái nhà) năm 2022 dự kiến đạt 275,5 tỷ kWh, tăng 7,9% so với năm 2021.
– Cụ thể, tổng sản lượng thủy điện dự kiến là 82,5 tỷ kWh, cao hơn 3,8 tỷ kWh so với năm 2021. Các nguồn điện truyền thống dự kiến vào vận hành năm 2022 là 3.407 MW, bao gồm các nhà máy nhiệt điện lớn (600 MW/tổ máy) như Nghi Sơn 2 và Sông Hậu 1.
– Trong năm 2022 không bổ sung nguồn điện gió, điện Mặt Trời trang trại và điện Mặt Trời mái nhà. Bên cạnh đó, khả năng cấp khí cho sản xuất điện năm 2022 trong những ngày bình thường từ nguồn khí Đông Nam Bộ đạt từ 13,5-14,5 triệu m3 khí/ngày, Khí Tây Nam Bộ đạt từ 3,9-4,5 triệu m3/ngày. Ngoài ra, năm 2022 dự kiến điện được mua từ Trung Quốc sẽ có sản lượng khoảng 380 triệu kWh trong các tháng 5, 6.
– Nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng cao trong năm 2022 khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại. Đặc biệt, nhóm các nhà máy nhiệt điện và điện gió có triển vọng tương đối tươi sáng khi chu kỳ La Nina, vốn giúp các nhà máy thủy điện được huy động mạnh trong 2 năm vừa qua, đang dần đi đến hồi kết.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Masan Group sắp phát hành 236 triệu cổ phiếu để thưởng, tỷ lệ 20%
– Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) thông báo Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành 236 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20% để thưởng từ thặng dự vốn cổ phần theo BCTC công ty mẹ kỳ gần nhất được kiểm toán. Vốn điều lệ doanh nghiệp sau phát hành dự kiến tăng lên 14.166 tỷ đồng.
– Trước đó, tập đoàn đã lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án tăng vốn từ vốn chủ sở hữu cùng giảm room ngoại từ 100% về 49%. Thời điểm thực hiện phương án thưởng cổ phiếu sẽ là quý I hoặc II sau khi được UBCK chấp thuận.
– Vào đầu tháng 12, tập đoàn thông báo tăng cổ tức tiền mặt 2021 từ 10% lên 12%. Đơn vị đã tạm ứng 9,5% trong tháng 7 và phần còn lại thanh toán cuối tháng 12 (ngày giao dịch không hưởng quyền là 15/12). Công ty cho biết việc tăng cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng là một phần trong kế hoạch của ban lãnh đạo nhằm thưởng và gia tăng giá trị cho cổ đông, đồng thời hướng đến hoàn thành mục tiêu trung hạn của bảng cân đối kế toán.
– Sau khi hoàn tất việc phát hành, doanh nghiệp sẽ có được nguồn vốn bổ sung để tiếp tục thực hiện các hoạt động chiến lược của mình; đồng thời củng cố niềm tin của các cổ đông.

• Sản lượng thép của Hòa Phát tăng 35%, đạt 8,8 triệu tấn năm 2021
– Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) công bố sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 799.000 tấn trong tháng 12/2021, tăng 14% so với cùng kỳ và tăng nhẹ 4% so với tháng trước đó. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm là 353.000 tấn, tăng 10%. Riêng xuất khẩu thép xây dựng tiếp tục đạt sản lượng cao với gần 94.000 tấn, tăng 59% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, sản lượng bán hàng tăng 35% lên 8,8 triệu tấn thép các loại, xuất khẩu đạt 2,6 triệu tấn.
– Về tỷ trọng các sản phẩm, thép xây dựng và HRC đóng góp chính vào sản lượng bán hàng. Thép xây dựng ghi nhận 3,9 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ và đóng góp 44% tổng sản lượng thép các loại. HRC đạt 2,6 triệu tấn, gấp 3 lần năm 2020 và đóng góp 28% tổng sản lượng. Ngoài ra, sản phẩm tôn mạ năm 2021 lần đầu tiên vượt công suất thiết kế khi đạt 428.000 tấn.
– Từ năm 2022, tập đoàn sẽ triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Dự kiến, khi hoàn thành vào năm 2025, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, lọt top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất toàn cầu.
– Đây là năm đầu tiên Hòa Phát cán mốc sản lượng bán hàng trên 1 triệu tấn thép trong một tháng, cũng là lần đầu tiên xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng ghi nhận 2,3 triệu tấn.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Sau phiên giảm mạnh trước đó, VN-Index tiếp tục chịu áp lực bán từ nhà đầu tư sau khi mở cửa phiên giao dịch ngày 11/01/2021. VN-Index giảm có lúc giảm hơn 8 điểm nhưng nhanh chóng hồi phục và lấy lại được sắc xanh ngay sau đó. Khoảng thời gian còn lại của phiên sáng, VN-Index giao dịch giằng co ngay trên mốc tham chiếu và kết thúc phiên sáng trong sắc xanh. Nửa đầu phiên chiều, VN-Index có nhịp tăng tích cực. Tuy nhiên, về cuối phiên, tình hình trở nên kém tích cực hơn khi các cổ phiếu vốn hóa lớn gặp áp lực bán quyết liệt, kéo chỉ số sụt giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 11.4 điểm, đánh mất mốc 1,500 và giảm về còn 1,492.31 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, MSN, VHM, VIC và GVR là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index khi lấy đi hơn 6 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, BCM, DIG và BID là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất.
– Ở ngành bất động sản, VIC và VHM gây thất vọng lớn khi cùng giảm giá lần lượt ở mức 1.27% và 2.11%, trái ngược so với đà tăng tốt đầu tuần. Các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn trong nhóm vẫn đang thu hút dòng tiền như DIG, L14, LDG, NBB,… những mã này đều bật tăng hết biên độ trong phiên giao dịch.
– Cùng chung xu hướng với thị trường, ngành chứng khoán là một trong những ngành giảm điểm mạnh nhất. Sắc đỏ bao phủ toàn bộ các mã trong nhóm. Trong đó, các mã như SSI, VCI, VND, HCM, SHS, FTS cùng giảm ở mức từ 3-5%.
– Nổi bật trong phiên giao dịch đến từ diễn biến của nhóm cổ phiếu FLC. Với thông tin ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/01, nhóm cổ phiếu này tiếp tục có phiên bị bán mạnh. Mã FLC kết phiên giảm 5.9%, các mã KLF, ART, HAI, AMD và ROS giảm sàn với tình trạng trắng bên mua.
– Giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 100 tỷ đồng, dù vậy, nếu xét về khối lượng, dòng vốn này bán ròng 2,2 triệu cổ phiếu.
– Chỉ số VN Index vẫn đang ở trong xu hướng tích lũy lại quanh vùng 1.490 -1.500 điểm và nhiều khả năng sẽ có những nhịp rung lắc trước khi xuất hiện xu hướng bứt phá mới. Trong trung hạn, thị trường vẫn đang diễn biến với xu hướng tăng, nên việc các phiên điều chỉnh diễn ra sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư giải ngân vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện ngành và vĩ mô triển vọng trong năm 2022.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall