Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 05.11.2021 | Fed giữ nguyên lãi suất, bắt đầu giảm mua tài sản trong tháng 11

Nhận định Thị trường hàng ngày 05/11/2021    72741

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Fed giữ nguyên lãi suất, bắt đầu giảm mua tài sản trong tháng 11
– Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 2 – 3/11, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0,25% như dự đoán trên thị trường. Fed giảm lãi suất về 0 – 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ.
– “Hoạt động kinh tế và việc làm tiếp tục cải thiện”, FOMC cho biết trong thông báo sau cuộc họp. Fed không có ý định thay đổi lãi suất cho đến khi lạm phát chạm 2% và “trên đà vượt mức trung bình 2% trong một thời gian”. Fed thừa nhận các khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu làm gia tăng rủi ro lạm phát. Những yếu tố đó “được kỳ vọng là tạm thời”, cần khắc phục để mang lại kết quả lạm phát giảm như dự báo. Nhìn chung, Fed vẫn tin xu hướng lạm phát cao gần đây sẽ hạ nhiệt nhưng sự thay đổi trong ngôn từ cho thấy các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đánh giá quá trình này kéo dài hơn.
– Fed thông báo sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng hiện tại, như thị trường dự báo, đánh dấu sự thay đổi chính thức với các chính sách hỗ trợ triển khai từ tháng 3/2020 để ứng phó suy thoái và thất nghiệp do đại dịch Covid-19. Việc siết mua tài sản sẽ bắt đầu “cuối tháng này”, theo FOMC. Fed sẽ giảm quy mô mua 15 tỷ USD/tháng, gồm 10 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 5 tỷ USD chứng khoán thế chấp.
– Về kế hoạch hiện tại, việc siết mua tài sản sẽ kết thúc vào khoảng tháng 7/2022 và giới chức Fed không có quan điểm tăng lãi suất trước thời điểm này. Dự báo đưa ra hồi tháng 9 cho thấy 9 trong số 18 quan chức Fed dự báo tăng lãi suất một lần trong năm 2022. Trong khi đó, thị trường đã tính đến kịch bản mạnh tay hơn, có lúc cho rằng có tới 3 lần tăng lãi suất trong năm sau.

2. Thông tin Việt Nam

• Giá xuất khẩu cao su quý III tăng 32,7% so với cùng kỳ
– Mặc dù lượng cao su xuất khẩu giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua nhờ giá cao su tăng mạnh. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.
– Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong quý III/2021, Việt Nam xuất khẩu được 574,91 nghìn tấn cao su, trị giá 948,59 triệu USD, giảm 8,9% về lượng, nhưng tăng 20,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù lượng cao su xuất khẩu giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua nhờ giá cao su tăng mạnh. Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.
– Về thị trường, cao su của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm tới 88,5% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước, với 509,69 nghìn tấn, trị giá 839,4 triệu USD, giảm 13,1% về lượng, nhưng tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý III/2021, trị giá xuất khẩu cao su sang tất cả các khu vực đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là châu Mỹ tăng 106,3%, châu Âu tăng 96,4%, châu Phi tăng 89,8% và châu Đại Dương tăng 128,8% so với cùng kỳ năm 2020.
– Về chủng loại xuất khẩu, trừ một số chủng loại cao su giảm, thì phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 368,68 nghìn tấn, trị giá 608,05 triệu USD, giảm 17% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
– Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,3% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 366,11 nghìn tấn, trị giá 603,45 triệu USD, giảm 17,1% về lượng, nhưng tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
– Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong các tháng đầu năm 2021, hầu hết các thị trường nhập khẩu cao su lớn đều tăng nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và khối thị trường EU. Đáng chú ý, nhập khẩu cao su từ Việt Nam của các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên ngoài Trung Quốc thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Do đó các thị trường này vẫn còn nhiều cơ hội để cao su của Việt Nam gia tăng thị phần.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Chỉ số VN-Index mở cửa tăng 2 điểm nhưng nhanh chóng quay đầu và giao dịch trong sắc đỏ ngay sau đó. Với sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm chứng khoán, chỉ số có sự hồi phục nhẹ trở lại. Tuy nhiên, lực hồi phục này là không đủ để giữ chỉ số tăng điểm. Thị trường bước vào phiên chiều với tâm lý tích cực hơn, khi độ rộng dần nghiêng về số mã tăng, đưa VN-Index trở lại với ngưỡng 1.450 điểm, nhưng áp lực từ nhóm cổ phiếu trụ ngân hàng, cùng VIC và GAS khiến chỉ số không giữ được mốc 1.450 điểm khi đóng cửa.
– Với VN-Index, BID, SHB, HPG, MSN là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất khi góp gần 4 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, GAS, CTG, VPB và NVL là những mã có tác động tiêu cực nhất. Riêng GAS đã lấy đi gần 1,5 điểm của VN-Index.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 74 tỷ đồng. PAN bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 457 tỷ đồng. SSI và GEX bị bán ròng lần lượt 163 tỷ đồng và 61 tỷ đồng. Trong khi đó, CTG được mua ròng mạnh nhất với 68 tỷ đồng. VHM cũng được mua ròng 62 tỷ đồng.
– Phiên hôm nay tiếp tục chứng kiến sự trái chiều của VN-Index và VN30, nhưng ở chiều ngược lại. Trong phiên hôm qua, nhóm ngân hàng khởi sắc giúp VN30 tăng điểm trong bối cảnh VN-Index giảm do áp lực chốt lời diễn ra đồng loạt ở nhóm bất động sản. Nếu không có sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, VN-Index hôm qua có thể đã giảm mạnh hơn.
– Tuy nhiên, phiên hôm nay đã chứng khiến đảo ngược khi nhóm ngân hàng bị chốt sớm khiến đồng loạt các mã quay đầu giảm điểm, dù mức giảm không quá lớn, chưa mã nào giảm tới 2%, và chỉ còn ba mã giữ được sắc xanh là LPB, SHB và BID.
– Trong khi đó, sau khi bị chốt lời mạnh phiên hôm qua, nhiều mã bất động sản đã tăng giá trở lại trong phiên hôm nay, thậm chí có mã đảo chiều từ sàn lên trần hôm nay như HBC hay tăng mạnh như DIG, NLG.
– Nhóm chứng khoán tiếp tục bứt phá và là ngành tăng điểm mạnh nhất thị trường trong phiên 04/11. Trong nhóm có với 24/25 cổ phiếu tăng giá, trong đó VND đóng cửa mức giá trần, các mã khác đều tăng giá tốt như VCI, SHS, HCM và MBS tăng hơn 5%.
– Sau khi tăng mạnh vượt vùng đỉnh ngắn hạn 1.420-1.425 điểm, việc chỉ số lình xình quanh ngưỡng 1.450 điểm không phải là tín hiệu tiêu cực. Tuy nhiên nhìn chung thì vẫn sẽ cần thêm thời gian tích lũy để thiết lập mặt bằng giá mới trên thị trường, đồng thời cũng không loại trừ khả năng chỉ số có thể quay trở lại kiểm tra vùng 1.420-1.425 trong những phiên tới.
– Dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục phân hóa và liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao và chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, rủi ro ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng có dấu hiệu gia tăng cho nên các nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục ngắn hạn theo hướng tập trung giao dịch các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn ở các ngành mang tính “dẫn sóng” trong giai đoạn này như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hay nhóm xuất khẩu thủy sản đang phục hồi sản xuất sau dịch.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PC1 vượt 13% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng
– Xây lắp điện 1 (HoSE: PC1) công bố BCTC hợp nhất quý III với doanh thu đạt 3.131 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp và thiết bị ngành điện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2.695 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Doanh thu kinh doanh bất động sản gần 8 tỷ, tăng 45%.
– Trong khi đó nguồn thu từ bán điện giảm 25% xuống 202 tỷ. Đơn vị cho biết tình hình thủy văn chưa thuận lợi nên doanh thu, lợi nhuận gộp của hoạt động này thấp hơn cùng kỳ. Doanh thu bán hàng hóa, vật tư cũng giảm mạnh 70% còn 121 tỷ đồng. Chuyển nhượng bất động sản mang về 2 tỷ, cùng kỳ hơn 145 tỷ đồng. Doanh thu sản xuất công nghiệp cùng các hoạt động khác cũng thấp hơn quý III/2020. Giá vốn hàng bán ở mức hơn 2.816 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ nên lợi nhuận gộp giảm 6% xuống gần 315 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 10%, bằng nửa quý III năm ngoái. Kết quả, PCC1 báo lãi sau thuế giảm 12% so với cùng kỳ về 156 tỷ đồng. Phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ gần 144 tỷ.
– Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 7.667 tỷ đồng, tăng 83%. Lợi nhuận sau thuế tăng 47% lên 578 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 550 tỷ đồng. Trong năm nay, công ty đặt kế hoạch 8.003 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 510 tỷ đồng. Như vậy, đơn vị đã thực hiện được 96% chỉ tiêu doanh thu và vượt 13% mục tiêu lợi nhuận.
– Tính tới 30/9, chi phí xây dựng dở dang tăng vọt lên 4.957 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 378 tỷ đồng ở đầu năm (cuối quý I là 2.083 tỷ đồng). Đây phần lớn là phần chi phí dở dang của các dự án Nhà máy điện gió Liên Lập, Nhà máy điện gió Phong Huy và Nhà máy điện gió Phong Nguyên.

• Luỹ kế 9 tháng đầu năm PV Power lãi ròng 2.033 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2020.
– Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.342 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ. Giá vốn được giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu (chủ yếu là do giảm sản lượng điện sản xuất tại công ty mẹ và các công ty con) nên lợi nhuận gộp quý III/2021 tăng hơn 295 tỷ đồng (tương đương tăng 54%) lên 842,7 tỷ đồng.
– Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong kỳ, sản lượng điện sản xuất của công ty con là Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do công ty đã thực hiện chào giá thị trường điện hiệu quả dẫn đến doanh thu tăng 97,1 tỷ đồng. Doanh thu tài chính quý này giảm 26,5 tỷ đồng (tương đương giảm 18,3%) xuống còn 119 tỷ đồng và chi phí tài chính giảm 98 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 6,8 tỷ đồng và 109,7 tỷ đồng (tương ứng giảm lần lượt 100% và 41,5%). Luỹ kế 9 tháng, doanh thu tài chính của công ty tăng lên 590,2 tỷ đồng và được đóng góp phần lớn từ khoản lãi hơn 306 tỷ đồng sau khi PV Power bán Công ty PV Machino.
– 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng điện PV Power ước đạt 12.206 triệu kWh, bằng 89% kế hoạch 9 tháng và 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được lý giải là do nhu cầu phụ tải trên hệ thống tiếp tục giảm mạnh do tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát trên khắp cả nước.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCWophLNUfFTJIUirKdD1q0Q
#Dcall