Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 31.08.2021 | Fed quyết định chưa tăng lãi suất

Nhận định Thị trường hàng ngày 31/08/2021    43831

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 31/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• OPEC+ có thể xem xét lại việc tăng sản lượng
– Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) sẽ nhóm họp vào thứ Tư 1/9 để thảo luận về mức tăng 400.000 thùng / ngày đã được thống nhất trước đó trong vài tháng tới, khi nhận định thị trường đang bắt đầu chậm lại và sẽ phải xem xét dừng lại mức tăng mới này.
– Hiện nay, nền kinh tế của các nước Đông Á và Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nên nhu cầu sử dụng xăng dầu sẽ cần phải thận trọng đánh giá lại. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục OPEC và các đồng minh tăng sản lượng dầu để giải quyết giá xăng dầu đang tăng mà tổ chức này coi là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
– Khi được hỏi về lời kêu gọi của Hoa Kỳ, đại diện OPEC+ cho biết các thành viên OPEC + có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Mohammad Fares cho biết đã có các cuộc họp với các nước OPEC, đặc biệt là các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, và cho đến nay các thành viên OPEC+ vẫn có những quan điểm khác nhau về cách xử lý vấn đề tăng sản lượng.
– OPEC + năm ngoái đã thực hiện cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng / ngày, tương đương với khoảng 10% nhu cầu thế giới, khi nhu cầu năng lượng sụt giảm vì các hạn chế đi lại và khóa cửa quốc gia để chống lại sự lây lan của COVID-19, giúp giá dầu hồi phục mạnh mẽ lên mức hơn 76 USD/thùng.

• Fed quyết định chưa tăng lãi suất
– Tại hội nghị thường niên Jackson Hole, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Fed sẽ có khả năng rút bớt các chính sách tiền tệ nới lỏng trước cuối năm 2021 khi nền kinh tế đã phục hồi, nhưng bảo lưu quan điểm chưa vội nâng lãi suất ngay.
– Tại hội nghị, ông Jerome Powell nhận định nền kinh tế Mỹ đã hồi phục đạt đến mức không còn cần nhiều hỗ trợ về chính sách. Do đó, Fed có khả năng sẽ rút một số chính sách tiền tệ nới lỏng trước cuối năm 2021. Điều đó có nghĩa là Fed có thể sẽ bắt đầu cắt giảm số lượng trái phiếu mua hàng tháng trước khi kết thúc năm, miễn là kinh tế vẫn tiếp tục hồi phục. Dựa trên tuyên bố từ các quan chức ngân hàng trung ương khác, việc cắt giảm chương trình bơm tiền sẽ công bố sau cuộc họp từ ngày 21-22/9. Tuy nhiên, chủ tịch Fed nhấn mạnh: “Thời gian và tốc độ của việc giảm mua tài sản sắp tới sẽ không nhằm mục đích mang tín hiệu trực tiếp về thời điểm nâng lãi suất”.
– Hơn nữa, mặc dù lạm phát đang ở mức ổn định xung quanh mục tiêu 2% của Fed, song ông cho rằng còn nhiều điều phải làm để tăng tỷ lệ việc làm lên tối đa. Đây là mũi nhọn thứ hai trong mục tiêu kép của Fed và cần thiết trước khi việc tăng lãi suất xảy ra.
– Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed vẫn giữ quan điểm rằng sự gia tăng lạm phát hiện tại là nhất thời và cho rằng một số yếu tố đẩy lạm phát lên cao đã bắt đầu giảm bớt.
– Trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế trong những ngày đầu của đại dịch COVID-19, Fed đã hạ lãi suất chuẩn của mình xuống gần bằng 0 và đẩy nhanh chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là nới lỏng định lượng, đến mức bảng cân đối kế toán của nó hiện ở mức gần 8,4 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với thời điểm vào tháng 3 năm 2020.
– Tại hội nghị Jackson Hole năm ngoái, Powell đã vạch ra một sáng kiến chính sách mới táo bạo, trong đó Fed cam kết tạo việc làm toàn diện và bao trùm ngay cả khi điều đó có nghĩa là cho phép lạm phát tăng nóng trong một thời gian. Các nhà phê bình cho rằng chính sách này một phần là nguyên nhân gây ra áp lực giá hiện tại ở mức cao nhất trong khoảng 30 năm .
– Powell lưu ý rằng biến thể Delta của COVID-19 “có rủi ro trong ngắn hạn” để quay trở lại trạng thái toàn dụng, nhưng ông nhấn mạnh rằng “triển vọng là tốt cho việc tiếp tục tiến tới việc làm tối đa”.

2. Thông tin Việt Nam

• Lần đầu tiên sau 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm mạnh 7,4% so với cùng kỳ
– Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Theo đó, nếu tính riêng tháng 8/2021, IIP ước tính giảm 4.2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hai ngành khai khoáng giảm 2.4% và chế biến chế tạo giảm mạnh 9,2%.
– Đáng chú ý, các ngành có mức giảm mạnh gồm: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (giảm 13,9%), khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 10,7%), sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị (giảm 7,6%). Ngoài ra, một số ngành có mức giảm nhẹ bao gồm: thoát nước và xử lý nước thải (giảm 3,6%), sản xuất sản phẩm thuốc lá (giảm 1,7%), in, sao chép bản ghi các loại (giảm 1%), khai thác than cứng và than non (giảm 0,9%)
– Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Tivi các loại giảm 27,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,3%; đường kính giảm 9,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,2%.
– Xét chung 8 tháng đầu năm, toàn ngành công nghiệp có những chuyển biến tích cực dù nhiều ngành bị ảnh hưởng do do nhiều địa phương phải thực hiện xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16. Trong đó, 3 nhóm ngành giúp đóng góp vào việc tăng IIP bao gồm: Ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; Hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
– Trong 8 tháng đầu năm, một số ngành trọng điểm thuộc công nghiệp cấp II có dấu hiệu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sản xuất kim loại tăng 30,4%, sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm 2021 tăng so cao với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ô tô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%; giày, dép da tăng 12,5%.

• Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 2,82% so với cùng kỳ do thuốc, dịch vụ y tế và thực phẩm
– Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 8/2021, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,25%. Trong đó, khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn, do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao.
– Trong tháng 8, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).
– Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm), do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa gặp kiểm soát sát sao hơn giữa bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.
– Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực giãn cách xã hội. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước, do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm. Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.
– Trong 4 nhóm hàng giảm giá, tiêu biểu là nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%). Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8/2021 giảm 0,05%.
– Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương giãn cách xã hội.
– Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%. Một số yếu tố làm tăng CPI trong 8 tháng đầu năm bao gồm: Giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm; Giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm); Giá gạo 8 tháng năm 2021 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm).

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Cổ phiếu Ngân hàng tích cực trở lại hỗ trợ đà tăng của chỉ số
– Thị trường tiếp tục duy trì được đà tăng trong phiên hôm nay và hướng đến vùng kháng cự ngắn hạn 1320-1340 điểm. Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index tăng 14.94 điểm, đạt mức 1,328.14 điểm. Đà tăng của VN-Index đến từ nhóm cổ phiếu Mid Cap và Small Cap với mức tăng cao hơn nhiều so với thị trường, lần lượt ở mức 2.3% và 2.26%. Thanh khoản tiếp tục dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh so với áp lực bán của các phiên giảm trước đó.
– Phiên hôm nay ghi nhận sự tích cực trở lại của nhóm cổ phiếu Bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Cụ thể VCB, CTG, TCB và HPG là các cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, với tổng cộng hơn 4 điểm tăng. Trong khi đó, MSN và VIC lại kìm hãm đà tăng của VN-Index khi đóng góp gần 2 điểm giảm cho thị trường.
– Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh gần 388,6 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó tập trung bán ròng ở các mã như VNM 210,64 tỷ đồng, và MSN bị bán ròng 194,73 tỷ đồng. Trong khi, khối ngoại mua ròng mạnh nhất các cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, VCB được mua ròng xấp xỉ 80 tỷ đồng, CTG được mua ròng 69,53 tỷ đồng và MBB được mua ròng 62,65 tỷ đồng.
– Mặc dù có hai phiên tăng liên tiếp nhưng VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 1,335 – 1,340 điểm nên thị trường hiện tại vẫn đang trong sóng điều chỉnh ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index nằm quanh vùng 1,335 – 1,340 điểm. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể cân nhắc giảm tỷ trọng trong các phiên hồi phục. Đồng thời nhà đầu tư mới nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.570 tỷ đồng sau 6 quý lỗ liên tục
– Theo tài liệu mới công bố, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 6.537 tỷ đồng trong quý II, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ gộp xấp xỉ 3.500 tỷ đồng, tăng 632 tỷ so với số lỗ gộp 2.865 tỷ của quý II/2020. Lỗ sau thuế trong quý là 4.528 tỷ đồng, tăng 50%. Đây là số lỗ lớn thứ 2 trong lịch sử Vietnam Airlines, chỉ sau quý I năm nay. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần giảm gần 44% còn gần 14.000 tỷ; lỗ sau thuế tăng 63% lên 8.585 tỷ.
– Tính đến cuối quý I, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn 1.030 tỷ. Vì vậy, sau khi lỗ thêm hơn 4.500 tỷ trong quý II, vốn chủ tại ngày 30/6 đã chuyển sang âm 2.750 tỷ đồng.
– Tổng tài sản tại ngày 30/6 là 61.255 tỷ, tổng nợ phải trả là 64.006 tỷ. Vietnam Airlines đang triển khai kế hoạch chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 56,4%. Giá chào bán ngang mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu về và số vốn điều lệ tăng thêm đều là 8.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines kỳ vọng vốn chủ sở hữu tại ngày cuối năm 2021 sẽ là dương 11 tỷ đồng, qua đó thoát án hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.
– Dịch COVID-19 đợt 4 kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay chưa được khống chế. Nhiều địa phương phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng. Vì vậy, số chuyến bay cũng như kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong quý III nhiều khả năng sẽ còn diễn biến tiêu cực hơn so với quý II.

• BVH: 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của Bảo Việt tăng 50% so với cùng kỳ năm trước
– Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Bảo Việt đạt 24.701 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 50,4% kế hoạch năm. Bảo Việt hiện là doanh nghiệp với quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt gần 150.000 tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD, tăng trưởng 1,8% so với thời điểm cuối năm 2020.
– Tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 743 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1%; Lợi nhuận sau thuế đạt 516 tỷ đồng, tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu và Lợi nhuận đều đạt tiến độ kế hoạch đề ra. Tại 30/6/2021, Tổng tài sản Công ty Mẹ đạt hơn 19.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt hơn 18.700 tỷ đồng.
– Trong quý IV/2021, Bảo Việt dự kiến dành gần 670 tỷ đồng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2020.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0