Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 31.03.2021 – Vốn ngoại bật tăng trở lại, đạt hơn 10 tỉ đô la

Nhận định Thị trường hàng ngày 31/03/2021    3028

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 31/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?

– Giá cả hàng hóa nguyên liệu thô tăng và nhiều hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến cho nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tăng giá bán hàng hóa ra nước ngoài, thực tế này khiến nhiều người dự báo về khả năng áp lực lạm phát trên toàn cầu sẽ tăng cao, theo nhận định được đưa ra mới đây trên Wall Street Journal.Nỗi sợ này đã tăng lên trong những ngày gần đây sau vụ việc siêu tàu vận tải container chặn kênh đào Suez, gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã chịu rất nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 và nhu cầu chip máy tính cũng như nhiều loại hàng hóa khác tăng cao từ trước đó.
– Giám đốc công ty Resysta AV chuyên sản xuất nội thất ngoài trời tại thành phố Phật Sơn miền Nam Trung Quốc, ông Rene de Jong, cho biết ông có kế hoạch nâng giá sản phẩm khoảng 7% đối với các đơn hàng mới trong mùa hè này. Theo giải thích của ông Rene de Jong, việc nâng giá sản phẩm không thể tránh khỏi bởi xét đến thực tế rằng giá cả của các chất hóa học và kim loại được sử dụng để sản xuất hàng hóa tại nhà máy ở Indonesia và Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây. Chi phí vận tải đã tăng đến 90% tính từ tháng 6/2020 dù rằng trên thực tế khách hàng mới là bên chi trả chi phí này.
– “Trong gần 25 năm tôi ở Trung Quốc, tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này. Tôi chưa bao giờ thấy chi phí vận tải tăng đến chóng mặt như vậy, giá thép giá nhôm tăng đến không thể tưởng tượng nổi”, ông nói thêm rằng biên lợi nhuận của công ty hiện đang chịu nhiều áp lực. Một số công ty xuất khẩu hàng hóa khác của Trung Quốc cũng đã nâng giá bán hàng hóa, cụ thể là nhiều công ty may mặc và sản xuất đồ chơi. Giá bán sản phẩm từ đầu tháng 3/2021 đã được tăng khoảng từ 10 đến 15%

Các chuyên gia kinh tế: ‘Kênh đào Suez đã được khai thông nhưng thiệt hại đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ kéo dài nhiều tháng!’

– Sáng sớm ngày 29/3 (giờ địa phương), tàu Ever Given đã được kéo khỏi bờ cát tại Kênh đào Suez, sau 6 ngày gây tắc nghẽn cho một trong những đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự gián đoạn đối với thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra. Douglas Kent – phó chủ tịch điều hành chiến lược và liên minh tại Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng (ASM), cho biết: “Chúng ta có thể ăn mừng sự thành công của việc con tàu có thể di chuyển trở lại và khai thông Kênh đào Suez. Nhưng đó vẫn chưa phải là phần kết của câu chuyện.”
– Ever Given, cao bằng tòa nhà Empire State – là một trong những con tàu lớn nhất thế giới, đã chắn ngang Kênh đào Suez vào hôm thứ Ba tuần trước. Kể từ đó, các nhóm cứu hộ, giới chức địa phương đã nỗ lực không ngừng nghỉ để giải cứu con tàu. Cuối cùng, vào khoảng 9 giờ sáng hôm qua (giờ địa phương), sau khi hơn 10 tàu kéo được đưa đến hiện trường cùng các máy nạo vét chuyên dụng và đội chuyên trục vớt, con tàu 220.000 tấn đã nổi trở lại. Tuy nhiên, khi các tàu trên tuyến đường thủy trọng yếu đã di chuyển bình thường, thì những hậu quả sau nhiều ngày đứng yên sẽ tiếp tục lan rộng. Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua Kênh đào Suez trên những con tàu khổng lồ như Ever Given – có thể chứa 20.000 thùng container.
– Lloyd’s List ước tính mỗi ngày có hơn 9 tỷ USD hàng hóa đi qua tuyến đường hàng hải này, tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.Stephen Flynn – giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Northeastern, nhận định: “Với quy mô này, sự gián đoạn trong 1 tuần vừa qua sẽ còn tiếp tục gây tác động lớn. Phải mất ít nhất 60 ngày mọi thứ mới được sắp xếp ổn thỏa và trở lại trạng thái bình thường. Mức độ gián đoạn đã tăng lên sau mỗi 24 giờ.

2. Tin tức Việt Nam

Doanh nghiệp thủy sản “căng thẳng” với giá tàu đi Mỹ

– Cụ thể theo Vasep, ngoài việc chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt ngay từ đầu năm thì cước vận tải biển đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.
– Theo phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ, doanh nghiệp thủy sản như “cá nằm trên thớt”, đặt được chuyến là mừng cho dù chưa biết giá cước là bao nhiêu vì các hãng tàu báo giá rất trễ và hiệu lực chỉ từ 10 – 15 ngày. Thậm chí, doanh nghiệp đã book được chỗ nhưng vì một lý do nào đó không thể xuất như lịch thì cũng mất hơn 1.500 USD/container. Vasep cho biết, mới đây nhất, hãng tàu MSC thông báo, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này sẽ làm tăng tải cho tuyến khác vốn đã quá tải trong nhiều tháng nay. Hơn nữa, rất nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, còn nếu chờ tới ngày xuất hàng mới đặt chuyến thì lại không còn chỗ để book.

Vốn ngoại bật tăng trở lại, đạt hơn 10 tỉ đô la

– Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 3 này, cả nước thu hút thêm hơn 4,672 tỉ đô la Mỹ, trong đó có hơn 3,91 tỉ đô la của 108 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, gần 500 triệu đô la của 46 dự án FDI đang hoạt động tăng thêm vốn và hơn 262 triệu đô la của gần 290 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư ngoại.
– Nhờ có sự cam kết vốn cao trong tháng này, dẫn đến tổng vốn ngoại vào Việt Nam trong quí 1-2021 tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-3 vừa qua bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỉ đô la, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.Đây là mức tăng khá cao, sau hai tháng đầu năm liên tiếp bị sụt giảm và việc đi lại giữa các nước còn khó khăn do dịch bệnh.
– Trong đó có 234 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỉ đô la, giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong cùng thời gian này có 161 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỉ đô la, tăng 97,4%; và có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu đô la, giảm 58,8%.

3. Câu chuyện đầu tư

Đồng Nhân dân tệ lao dốc cùng chứng khoán Trung Quốc

Vì sao Warren Buffett chỉ giữ 1% tài sản bằng tiền mặt?
Dù sở hữu khối tài sản gần 100 tỷ USD nhưng tỷ phú Warren Buffett chỉ giữ khoảng 1 tỷ USD tiền mặt…
“Tiền mặt là vua” là phương châm phổ biến của nhiều người, nhưng với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett – một trong những nhà đầu tư quyền lực nhất thế giới – thì hoàn toàn khác. Ông chỉ giữ 1% tài sản của mình bằng tiền mặt.
Theo Bloomberg Billionaire Index, tỷ phú Warren Buffett – CEO kiêm chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất của đế chế đầu tư Berkshire Hathaway – hiện sở hữu tài sản gần 98 tỷ USD, nhưng ông chỉ giữ khoảng 1 tỷ USD tiền mặt. Tỷ phú này từng phản đối việc giữ tiền mặt thay vì dùng để mua cổ phiếu.
“Tôi có thể nói một điều rằng khoản đầu tư tồi tệ nhất chính là giữ tiền mặt. Mọi người đều nói rằng tiền mặt là vua nhưng thực tế thì giá trị của tiền mặt sẽ giảm theo thời gian. Trong khi đó, những doanh nghiệp tốt thì sẽ ngày càng giá trị trong dài hạn”, tỷ phú 90 tuổi từng nhận xét.
Warren Bufffett hiện là CEO kiêm chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất của đế chế đầu tư Berkshire Hathaway. Với quan điểm như vậy, ông điều hành Berkshire Hathaway đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp trên thế giới. Berkshire Hathaway hiện sở hữu GEICO, Fruit of the Loom, Helzberg Diamonds, Pampered Chef, Forest River, Duracell, Dairy Queen, BNSF, Lubrizol, Long & Foster, FlightSafety International, and NetJets. Công ty sở hữu cổ phần tại nhiều công ty niêm yết bao gồm Apple, Bank of America, Kraft Heinz Company, American Express và The Coca-Cola Company.
Hiện tại, cổ phiếu Berkshire Hathaway là mã đắt đỏ nhất thế giới với giá hơn 380.400 USD/cổ phiếu và tăng khoảng 48% trong năm ngoái.
Báo cáo nộp Ủy bạn Chứng khoán Mỹ vào tháng 7/2020 của Berkshire Hathaway cho thấy phần lớn tài sản của Warren Buffett đến từ cổ phần tại Berkshire Hathaway cũng như khoản lợi nhuận 15% từ công ty này.
Theo Olumide Adesina, nhà giao dịch đầu tư trên trang tin tài chính Nairametrics, đúng như Buffett nói, giá trị của tiền mặt sẽ giảm theo thời gian do lạm phát. Tại một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, dù lạm phát ở mức thấp, giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng mạnh hơn so với lợi nhuận từ việc đầu tư tiền mặt.
Adesina cho rằng ngoài việc chịu rủi ro lạm phát, trong một số trường hợp, tiền mặt mất giá nhanh hơn so với đầu tư vào vàng hay thậm chí Bitcoin. Tuy vậy, ông cũng cho biết giới giàu và siêu giàu thường giữ một khối lượng tiền mặt lớn để dùng cho việc mua hoặc đầu tư tài sản trong tương lai

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.