Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 30.12.2021 | Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,58%, thấp hơn 2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 30/12/2021    90809

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Hàn Quốc sẽ nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 4/2022
– Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki thông báo hôm 27/12/2021, nước này dự kiến sẽ nộp đơn chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 4/2022, theo đó sẽ đẩy nhanh tiến trình thu thập ý kiến công chúng và xây dựng đồng thuận xã hội về sự gia nhập này.
– Việc Chính phủ ấn định thời gian nộp đơn xin gia nhập CPTPP trong tháng 4 năm sau được phân tích thể hiện quyết tâm hoàn tất quy trình gia nhập trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in. Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết trong cuộc họp các Bộ trưởng nội các bàn về những vấn đề kinh tế đối ngoại vào ngày 13/12 rằng chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiến trình nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP.
– Quy mô thị trường CPTPP gồm 500 triệu dân, nắm giữ 13,5% GDP toàn cầu và 15% giao dịch thương mại của thế giới. Việc CPTPP đã đi vào thực thi trong 3 năm qua, không chỉ thúc đẩy thương mại, giúp các nền kinh tế hội tụ trong một mô hình kinh tế gắn kết để tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, mà còn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
– Ngày càng có nhiều nước quan tâm đến CPTPP. Hồi đầu năm nay, Vương quốc Anh đã chính thức nộp đơn đề nghị gia nhập Hiệp định CPTPP để mở ra những con đường mới cho thương mại hậu Brexit. Gần đây nhất, Trung Quốc, Đài Loan đã nộp đơn gia nhập hiệp định này. Trong khi đó Thái Lan cũng hoàn tất Báo cáo Nghiên cứu gia nhập CPTPP.
– Theo báo cáo của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, kim ngạch thương mại của 11 quốc gia tham gia CPTPP đã đạt 5.700 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

• Nhân dân tệ tăng giá mạnh nhất trong số tiền tệ các nền kinh tế mới nổi năm 2021
– Đồng tiền của Trung Quốc năm 2021 vẫn tăng năm thứ 2 liên tiếp, với mức tăng so với USD vào khoảng 2,5%, trở thành đồng tiền của một nền kinh tế mới nổi hoạt động tốt nhất trong năm 2021, được củng cố bởi xuất khẩu mạnh mẽ, thặng dư thương mại ngày càng tăng và thanh khoản bằng USD dồi dào hơn trước. Nếu tính theo tỷ trọng thương mại, nhân dân tệ cũng đang ở mức mạnh nhất kể từ cuối năm 2015.
– Một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu sức mạnh của đồng nhân dân tệ có thể duy trì trong năm tới hay không, khi các nền kinh tế lớn có khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ, khác với xu hướng nới lỏng của PBOC. Gao Qi, chiến lược gia tiền tệ của Scotiabank cho biết: “Trong ngắn hạn, tỷ giá USD/CNH (đồng nhân dân tệ ở nước ngoài) có thể sẽ nằm trong phạm vi 6,35-6,40 và nghiêng về khả năng giảm giá”. Trong khi đó, một cựu quan chức Trung Quốc cảnh báo về sự suy yếu của đồng nhân dân tệ vào năm 2022 khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, và Trung Quốc nên chuẩn bị cho đồng tiền của họ lùi xa khỏi mức cao gần đây nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục gây thất vọng trong năm tới.
– Để ngăn chặn suy thoái kinh tế, Trung Quốc mới đây đã cắt giảm lãi suất tham chiếu cơ bản đối với tiền cho vay (LPR) lần đầu tiên sau 20 tháng nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế đang chậm lại. Song song với đó, Trung Quốc cam kết giữ nguyên tỷ giá hối đoái của nội tệ ở mức “cơ bản ổn định” vì nước này đang có một loạt các chính sách nhằm đối phó với tình trạng xuất khẩu chậm lại và những khó khăn kinh tế gia tăng trong năm tới.
– Theo dữ liệu ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố ngày 22/12, các quỹ Nhân dân tệ lưu hành của Trung Quốc cho ngoại hối đã tăng lên 21,26 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,3 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng 11, tăng 35,44 tỷ Nhân dân tệ so với tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2015.
– Các nhà phân tích hiện kỳ vọng sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác sẽ làm suy yếu lợi thế lợi nhuận của Trung Quốc trong năm mới và kích hoạt một số dòng vốn chảy ra.

2. Thông tin Việt Nam

• Kiều hối năm 2021 ước tăng 10% so với năm trước
– Ngày 28/12, tại cuộc họp báo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định đây là số thống kê của Ngân hàng Nhà nước và hàng năm con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước được coi là con số chính thống khi sử dụng trong các báo cáo, đánh giá vì Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ thống kê con số này.
– Theo Phó Thống đốc, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%.
– Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Lượng kiều hồi về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.
– Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư và hồi phục kinh tế.

• Tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%
– Thông tin tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 cho biết, tính đến ngày 22/12/2021, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,68% so với cuối năm 2020, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến ngày 30/11/2021 đạt 245.199 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
– Đối với vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9%; nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý là 3,79%; nợ xấu nội bảng cùng với nợ đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn đã cơ cấu theo Thông tư 01, 03 ,14 là 8,2%. “Nợ xấu tăng là điều không mong muốn nhưng đây là điều bất khả kháng do bối cảnh đại dịch Covid-19”, Phó Thống đốc Tú nói.
– Đối với năm 2022, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã nhận diện các vấn đề, theo đó, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
– Về vấn đề lãi suất, Phó Thống đốc cho biết, sẽ được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
– Bên cạnh đó, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Phó Thống đốc nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu. Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch. Không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao; TTCK đầu cơ, tăng trưởng nóng không giúp TTCK phát triển lành mạnh, ổn định…

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Đạm Phú Mỹ lên kế hoạch lãi 945 tỷ năm 2022
– Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu hợp nhất 11.059 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 945 tỷ đồng; lần lượt tăng 33% và gấp 2,6 lần kế hoạch 2021. Với công ty mẹ, tổng doanh thu kế hoạch 10.767 tỷ đồng, tăng 38%; lợi nhuận sau thuế 927 tỷ đồng, gấp 2,6 lần. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 15%, tăng so với mức kế hoạch 2021 là 10%.
– Về sản lượng kinh doanh, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tiêu thụ 800.000 tấn ure Phú Mỹ, 165.000 tấn NPK Phú Mỹ, 234.000 tấn phân bón khác; lần lượt tăng 4%, 18% và 24%.
– Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 cao hơn nhiều so với kế hoạch nhưng thấp hơn so với thực hiện năm 2021. Trong 9 tháng, Đạm Phú Mỹ đã đạt lãi sau thuế hợp nhất 1.503 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước và vượt 310% kế hoạch năm. Trong quá khứ, Đạm Phú Mỹ cũng thường xuyên đặt kế hoạch kinh doanh năm sau thấp hơn thực hiện năm trước đó và kết quả cuối cùng vượt mạnh.
– Lý giải cho kết quả kinh doanh vượt trội 9 tháng, doanh nghiệp cho biết bên cạnh yếu tố giá bán sản phẩm tăng mạnh, lợi nhuận cải thiện còn đến từ việc tiết giảm chi phí, tối ưu quá trình sản xuất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu. Ngoài ra, thực hiện theo thông báo kết luận kiểm toán Nhà nước, công ty đã hạch toán giảm một số chi phí và tăng thu nhập khác vào kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng làm lợi nhuận tăng 269 tỷ đồng. Đồng thời, tồn kho ure năm 2020 với giá thành thấp, chuyển sang kinh doanh những tháng đầu năm 2021, giúp gia tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 28/12/2021 tương đối tích cực. Bên mua chiếm ưu thế ngay những phút đầu tiên giúp chỉ số tiến sát vùng 1,500 điểm. Sắc xanh dần bị thu hẹp sau đó và có lúc VN-Index còn giảm nhẹ xuống dưới giá tham chiếu. Diễn biến tích cực ở nhóm ngân hàng và bất động sản đã nhanh chóng kéo chỉ số tăng điểm trở lại và kết phiên sáng ở mức 1,498.77 điểm. Thông tin Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên đã phần nào tác động đến thị trường chứng khoán. VN-Index rơi thẳng đứng ngay đầu phiên chiều, từ mức tăng 10 điểm giảm về tham chiếu. Chỉ số giao dịch giằng có sau đó và nhiều lần test lại mốc tham chiếu. Tuy nhiên, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 5.51 điểm khi kết phiên, tiến lên mức 1494.39 điểm.
– Xét về mức độ ảnh hưởng, GAS, STB, HDB và MSN là những mã có tác động tích cực nhất khi góp tới hơn 4 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, GVR, NVL, VIC và VNM là những mã giảm mạnh nhất rổ.
– Ngành ngân hàng có phiên giao dịch hết sức tích cực, trong nhóm có tới 14/19 mã tăng giá. Nổi bật trong đó là STB, cổ phiếu này có phiên tăng tốt và kết phiên với sắc tím ấn tượng. HDB và EIB cùng bật tăng mạnh mẽ trên 6%. Một số cổ phiếu khác như VCB, TCB, CTG và VPB cũng đều hiện sắc xanh tích cực.
– Trong khi đó, ngành chứng khoán lại có phiên giao dịch khá ảm đạm. Phần lớn các mã trong nhóm đều hiện sắc đỏ. Cụ thể, các ông lớn như SSI, VND, VCI và HCM đều giảm trung bình gần 1%.
– Khối ngoại phiên ngày 28/12, riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 360 tỷ đồng, giảm 18% so với phiên trước, tương ứng khối lượng bán ròng là 13,5 triệu cổ phiếu.
– VN-Index đang test lại vùng cản lịch sử 1500 với khối lượng giao dịch phục hồi và vượt mức trung bình 20 ngày sau những phiên giảm trước đó, qua đó cho thấy dòng tiền đang được cải thiện. Nhà đầu tư nên ưu tiên hoặc tham gia tại các cổ phiếu đang có mức định giá tốt và có tín hiệu tích cực từ vùng hỗ trợ, để hạn chế rủi ro danh mục trong diễn biến phân hóa mạnh của thị trường.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall