Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 30.11.2021 | Quốc hội chốt chỉ tiêu GDP năm 2022 đạt 6.5%

Nhận định Thị trường hàng ngày 30/11/2021    83314

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Làn sóng Covid-19 đe doạ tăng trưởng kinh tế châu Âu
– Cho tới thời điểm hiện tại, làn sóng Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế tại 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do IHS Markit thực hiện – một thước đo chủ chốt về các hoạt động kinh tế ở châu Âu – đã tăng trở lại trong tháng 11, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong tháng 10.
– “Hoạt động kinh tế tăng lên ở châu Âu trong tháng 11 là điều trái ngược với dự báo của các chuyên gia kinh tế về sự giảm tốc của nền kinh tế khu vực. Nhưng Eurozone khó tránh được suy giảm tăng trưởng trong quý 4 này, nhất là khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao có thể gây nhiều gián đoạn kinh tế trong tháng 12”, chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson của IHS Markit nhận định.
– Theo Uỷ ban châu Âu (EC), niềm tin người tiêu dùng trong khu vực Eurozone đã “giảm đáng kể” trong tháng 11. IHS Markit nói rằng trong tháng này, kỳ vọng của các doanh nghiệp trong khu vực về sản lượng kinh tế tương lai tới đã “tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021”.
– Với một góc nhìn tương đối lạc quan, chuyên gia kinh tế thuộc Bank of America, cho rằng cần phải có thêm dữ liệu để đánh giá xem các biện pháp chống Covid-19 ở châu Âu sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế khu vực. Ông nói sau mỗi làn sóng lây nhiễm Covid-19, ảnh hưởng kinh tế lại giảm bớt vì doanh nghiệp và người tiêu dùng học được cách thích nghi tốt hơn với bệnh dịch.
– Nền kinh tế châu Âu đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch trong năm 2020. Sản lượng kinh tế của Eurozone giảm 6,3% trong năm ngoái, so với mức giảm 3,4% ở Mỹ. Tuy nhiên, khu vực này đã phục hồi mạnh trong những tháng gần đây cùng với sự gia tăng của tỷ lệ tiêm chủng. Trong quý 3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Eurozone tăng 2,2% so với quý 2.
– Ngoài làn sóng Covid-19, kinh tế châu Âu còn bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc kinh tế ở Trung Quốc, lạm phát tăng và cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng – nhân tố có thể đẩy chi phí gia tăng đối với các doanh nghiệp và khiến các hộ gia đình phải chi nhiều hơn cho việc sưởi ấm trong mùa đông năm nay, dẫn tới hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng khác.

2. Thông tin Việt Nam

 9/11 nhóm hàng cùng tăng giá kéo CPI tháng 11 tăng 0.32% so với tháng trước
– Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, so với tháng trước, CPI tháng 11/2021 tăng 0,32% (khu vực thành thị tăng 0,27%; khu vực nông thôn tăng 0,37%). Theo đó, Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm giảm giá.
– Trong 9 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 3,11% do ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu.
– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11/2021 tăng 0,46%, trong đó giá điện sinh hoạt tăng 1,04% so với tháng trước do một số địa phương đã kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94% do nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.
– Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh “bình thường mới” cùng với chi phí vận chuyển tăng làm cho nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 11/2021 tăng 0,33% so với tháng trước; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%. Các nhóm còn lại tăng không đáng kể.
– Trong 2 nhóm hàng giảm giá, nhóm giáo dục giảm 0,92% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022.
– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến và thủy sản tươi sống giảm.
– Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016. Theo đó, lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Và mức lạm phát cơ bản tháng 11 và 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
• Quốc hội chốt chỉ tiêu GDP năm 2022 đạt 6.5%, GDP bình quân đầu người 3.900 USD
– Mới đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022.
– Theo Nghị quyết, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 đô la Mỹ (USD); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.
– Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
– Ngoài ra, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, chậm trễ trong chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn đầu tư công; sớm trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia có tính liên vùng, liên tỉnh giai đoạn 2021-2025.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Sau cú giảm khá mạnh vào đầu phiên sáng khi nỗi lo về biến thể Nam Phi mới có tên Omicron được phát hiện, tâm lý nhà đầu tư đã nhanh chóng ổn định trở lại, giúp thị trường dần bình phục. Lực cầu đã gia tăng trong phiên chiều giúp VN-Index mở cửa tiến gần mốc tham chiếu. Tuy nhiên, gánh nặng chính ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến VN-Index chưa thể lấy lại sắc xanh, bất chấp đợt dấu hiệu tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn giảm 8,19 điểm, về mức 1.484,84 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, TCB, MSN và GAS là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Riêng VCB đã góp gần 4 điểm giảm cho chỉ số thị trường. Ở chiều ngược lại, chỉ VIC thôi đã kéo thị trường lên hơn 7 điểm. Nhưng sức bật của VIC vẫn là chưa đủ để giúp thị trường lấy lại sắc xanh.
– Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị giảm 75% so với phiên cuối tuần trước và ở mức 351 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã HCM với 195 tỷ đồng. VPB và PNJ đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 122 tỷ đồng và 97 tỷ đồng. Trong khi đó, CTG được mua ròng mạnh nhất với giá trị 157 tỷ đồng. STB và VRE cũng được mua ròng lần lượt 57 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
– Xét về nhóm ngành, dòng bank vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi hầu hết đều nới rộng biên độ giảm như VCB giảm 3,71%, TCB giảm 3,15%, BID và VPB cùng giảm hơn 2%, hay nhiều mã khác như VIB, STB, SHB, LPB, OCB có mức giảm trên 3%…, ngoại trừ duy nhất HDB có được sắc xanh nhạt.
– Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có diễn biến khởi sắc hơn khi có thêm nhiều mã hồi phục sắc xanh thành công. Nổi bật là SSI tăng 3,4%, VND tăng 2,4%, HCM tăng 1%.
– Nhóm cổ phiếu thép vẫn phân hóa mạnh với những mã đầu ngành là HPG giảm 1,3%, HSG giảm 2,1%, trong khi TLH tiếp tục xác lập phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp với thanh khoản vượt trội.
– Tuy nhiên, điểm sáng thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng khi đà tăng mạnh đang lan rộng trong nhóm ngành này. Bên cạnh bộ đôi đầu ngành là VIC và VHM đều đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày, đóng góp lớn vào chỉ số chung của thị trường, thì các mã khác như KBC, DIG, HDG, BCG… đều kết phiên trong sắc xanh.
– Nếu trong tuần trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đóng vai trò tích cực tiếp sức cho thị trường chinh phục đỉnh lịch sử mới 1.500 điểm, thì trong phiên hôm nay, sự trở lại của nhóm cổ phiếu bất động sản, cho thấy dường như dòng tiền vẫn đang luân chuyển khá nhịp nhàng trên thị trường.
– Trên đồ thị kỹ thuật, vùng hỗ trợ 1.46x điểm đã cho phản ứng và giúp cho chỉ số sớm lấy lại trạng thái cân bằng trước áp lực bán mạnh đầu phiên. Mặc dù xu hướng tăng điểm vẫn đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua diễn biến rung lắc trong những phiên tới, do áp lực từ vùng kháng cự quanh 1.500 điểm trước khi tạo một nền giá ổn định hơn.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• BSI muốn chào bán 35% vốn cho công ty thành viên thuộc tập đoàn tài chính Hana
– Ngày 17/11 vừa qua, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã chứng khoán: BSI) đã chốt danh sách cổ đông tham dự họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021. Theo đó, nội dung đáng chú ý nhất là việc HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn điều lệ cho BSC.
– Cụ thể, BSC dự kiến chào bán tối đa hơn 65,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 54,07% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 1.221 tỷ đồng lên 1.878 tỷ đồng. Sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược tối đa là 35%. Thời gian thực hiện trong năm 2021-2022.
– Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là công ty, định chế tài chính nước ngoài có năng lực tài chính, quy mô tài sản tối thiểu 1 tỷ USD và có trên 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Sau khi mua cổ phiếu và trở thành cổ đông sở hữu từ 10% vốn trở lệ của BSC, nhà đầu tư chiến lược và người liên quan không được sở hữu trên 5% vốn tại công ty chứng khoán khác tại Việt Nam. Nhà đầu tư chiến lược này phải cam kết hợp tác với BSC trong thời gian ít nhất 3 năm.
– Hiện, BSC đang xem xét và đàm phán với công ty TNHH Đầu tư tài chính Hana -thuộc Tập đoàn Tài chính Hana có trụ sở tại Hàn Quốc.
– Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu hoạt động của BSC đạt 921 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 345 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 282 tỷ đồng, gấp 2,8 lần thực hiện cùng kỳ 2020. So với kế hoạch đề ra cho cả năm 2021, BSC đã hoàn thành 190% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall