Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 30.06.2021 | CPI 6 tháng đầu năm 2021 tăng gần 1,5% – thấp nhất kể từ 2016

Nhận định Thị trường hàng ngày 30/06/2021    20256

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 30/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• EU chia rẽ trong quan điểm về chiến lược kinh tế hậu đại dịch
– Các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đang có những quan điểm khác nhau về cách vận hành nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ông Panetta,một thành viên trong Ban điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngày 28/6 cho rằng các quan chức tiền tệ của khối nên duy trì “tính linh hoạt khác thường” mà họ đã áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19, giữ lãi suất ở mức thấp cho đến khi chi tiêu chính phủ góp phần đẩy lạm phát tăng lên.
– Ông Panetta cũng cho rằng ECB nên cân nhắc duy trì sự linh hoạt trong chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) khi chương trình này hết hạn. Trước đây, một chương trình nới lỏng định lượng thường bị giới hạn lượng trái phiếu của một nước mà ECB có thể mua.
– Chỉ vài giờ sau đó, hai đồng nghiệp của ông tại Hội đồng Thống đốc ECB thì cho rằng cần phải giảm cả hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa sau cuộc khủng hoảng này, và chính sách thời kỳ đại dịch của ECB phải kết thúc ngay khi tình trạng khẩn cấp này qua đi.
– Theo quy định của Hiệp định Tăng trưởng và Bình ổn, bị tạm ngừng áp dụng trong thời kỳ đại dịch, các nước EU phải duy trì thâm hụt ngân sách dưới 3% và nợ công dưới 60% Tổng sản phẩm quốc dân. Với tình hình nợ công ở khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone) đã tăng lên đến 102% GDP kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về mức độ thực tế của các quy định trên.
– Những khác biệt trong quan điểm nói trên được đưa ra tại thời điểm quan trọng, khi Eurozone đang trên đà phục hồi, với tốc độ lây nhiễm giảm và các doanh nghiệp dần được hoạt động trở lại. Tình hình này mở ra khả năng ECB thu hẹp dần chính sách hỗ trợ lớn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, cũng như xem xét cách giải quyết gánh nặng nợ khổng lồ ở cả khu vực công và tư.

• Bom nợ của Trung Quốc tiếp tục phình to
– Chính quyền Trung Quốc xác định bom nợ đang phình to là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định kinh tế. Trong những năm qua, nước này cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ để tăng trưởng. Tuy nhiên, các tác động kinh tế do đại dịch khiến nỗ lực đó bị gián đoạn.
– Đại dịch năm 2020 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, buộc các nhà chức trách phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn dễ dàng hơn. Do đó, nợ của Trung Quốc – tính theo quy mô nền kinh tế – đã tăng lên mức kỷ lục gần 290% GDP trong quý III/2020, theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
– Trung Quốc tích lũy nợ nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 và 2008. Đó là giai đoạn các nhà chức trách đưa ra gói kích thích khổng lồ, được tài trợ phần lớn thông qua những khoản vay ngân hàng. Để đối phó với dịch Covid-19, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc một lần nữa nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến gánh nặng nợ quốc gia này đạt mức kỷ lục.
– Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, những nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu cũng chứng kiến tỷ lệ nợ trên GDP gia tăng. Nguyên nhân là hàng loạt chính phủ trên khắp thế giới tăng chi tiêu để giúp doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, thành phần nợ của Trung Quốc không giống Mỹ và Nhật Bản. Theo đó, khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ, lên tới hơn 160% GDP. Trong khi đó, nợ chính phủ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ ở cả Mỹ và Nhật Bản.
– Sự bùng nổ kinh tế – được thúc đẩy bằng vay nợ – sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tính theo danh nghĩa) vào năm 2010. Trung Quốc hiện vẫn giữ vị trí này, chỉ đứng sau Mỹ.
– Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11 cho biết có thể tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế và thu nhập theo đầu người vào năm 2035. Một số nhà quan sát nhận định Bắc Kinh có thể không đạt được các mục tiêu kinh tế trên bởi chiến lược trấn áp nợ sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong những năm tới. Ngoài ra, kế hoạch chuyển đổi sang lấy tiêu dùng làm động lực tăng trưởng không có nhiều kết quả.

2. Thông tin Việt Nam

• GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn dự báo
– Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, GDP quý 2/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý 2 các năm 2018 và 2019.
– Với mức tăng này, GDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
– Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi cuối tháng 5/2021. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết kết quả tăng trưởng quý II cho thấy bức tranh kinh tế năm nay có nhiều điểm sáng hơn dù chịu ảnh hưởng dài hơn từ dịch Covid-19 so với cùng kỳ năm ngoái. Quý II/2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,36%, thấp nhất trong vòng 10 năm do ảnh hưởng của giai đoạn cách ly xã hội vào tháng 4. Nền thấp của cùng kỳ năm ngoái có thể là lý do khiến GDP quý II năm nay vẫn ghi nhận số liệu tích cực.
– Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
– Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.
– Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).

• CPI 6 tháng tăng gần 1,5%, thấp nhất kể từ 2016
– Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng và quý II vừa được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố cho thấy giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới và giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng gần 0,2% so với tháng trước, tăng hơn 1,6% so với tháng 12/2020 và tăng hơn 2,4% so với tháng 6 năm ngoái. Bình quân 6 tháng, CPI tăng gần 1,5% so với bình quân năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016.
– Trong mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng. Trong đó, giao thông có mức tăng cao nhất, ở mức hơn 1%, làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm, do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 12/5, 11 và 26/6. Điều này làm chỉ số giá xăng tăng gần 35%, dầu diesel tăng hơn 4,7%. Tiếp đến, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng hơn 0,6%, làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm, chủ yếu do đợt nắng nóng trong tháng làm chỉ số giá điện, nước sinh hoạt đều tăng. Trong khi đó, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống do giá lương thực, thực phẩm giảm bởi nguồn cung dồi dào. Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có chỉ số giá không đổi.
– Tính chung quý II, CPI tăng gần 0,5% so với quý trước và tăng gần 2,7% so với cùng kỳ 2020, trong đó, nhóm giao thông tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Những nhóm giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, đồ uống và thuốc lá có chỉ số giá tăng ở mức hơn 1,6% đến gần 4,1%. Trong khi đó, 2 nhóm bưu chính viễn thông và văn hóa, giải trí và du lịch ghi nhận chỉ số giá giảm.
– Ngoài ra, cũng theo GSO, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng so với bình quân năm trước chủ yếu là do giá xăng, giá gas và giá dịch vụ giáo dục, cũng như giá gạo đều tăng. Ở chiều ngược lại, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm là giá các mặt hàng thực phẩm, điện sinh hoạt, nhóm du lịch trọn gói và nhu cầu đi lại đều giảm, ở mức gần 0,4% đến hơn 3%.

• Nhập siêu 6 tháng đạt 1,47 tỷ USD
– Xuất nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng năm 2021 vẫn tăng trưởng 25% trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhập siêu cũng có xu hướng tăng nhanh với 1,47 tỷ USD, trong đó nguyên, nhiên, vật liệu chiếm gần 49%.
– Trong tháng 6/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.
– Cụ thể về xuất khẩu, trong tháng 6/2021 đạt 26,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,58 tỷ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,92 tỷ USD, giảm 0,3%.
– Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
– Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24%. Thị trường EU đạt 19,3 tỷ USD, tăng 17,4%.
– Về tình hình nhập khẩu, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 6/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,9 tỷ USD, giảm 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,6 tỷ USD, giảm 2,3%.
– Tính chung 6 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%.
– Trong 6 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1%. Thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MB chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức tỷ lệ 35% vào giữa tháng 7
– MB thông báo 13/7 là ngày đăng ký cuối cùng với cổ đông để trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu, từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
– Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận MB tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 9.795,6 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án được đại hội cổ đông thông qua. Trước đó, MB có văn bản gửi NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ lần 1 năm 2021.
– Tại phiên họp thường niên, cổ đông đã đồng ý phương án tăng gần 40% vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB. Phương án phát hành chia thành 3 lần. Lần một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 35% nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên gần 38.000 tỷ đồng.
– Lần hai, ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 700 tỷ đồng qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu), Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng. Lần ba, ngân hàng sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
– Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư tài sản tăng năng lực như hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực TP HCM và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng khoảng 4.783 tỷ đồng, bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới… hơn 5.900 tỷ đồng.
– Trong quý I, MB lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 4.580 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối tháng 3 ở mức 510.957 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 324.007 tỷ đồng. Nợ xấu hơn 4.183 tỷ đồng, cao hơn 28% so với cuối năm trước, riêng nợ nhóm 3 nhân đôi lên 1.857 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,08% lên 1,3%.
– Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 5.329 tỷ đồng, tăng 22%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 134% xuống 127%.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0