Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 30.05.2022 – Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 30/05/2022    603

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Nga bất ngờ hạ lãi suất xuống mức 11%

Trong cuộc họp bất ngờ ngày 26/5, Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo hạ lãi suất từ 14% xuống mức 11%. Theo đó, ngân hàng Trung ương Nga cho biết có thể tiếp tục giảm lãi suất. Trước đó lãi suất tại Nga từng lên 20% sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2, nhằm ngăn các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra khủng hoảng tài chính.

Ngoài ra ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết áp lực lạm phát đã dịu lại nhờ giá ruble tăng cũng như lạm phát dự báo với các gia đình, doanh nghiệp giảm rõ rệt, dự báo lạm phát sẽ về 5-7% năm nay, giảm mạnh so với 17,5% tháng này.

Chúng tôi cho rằng đồng ruble gần đây tăng giá nhờ nguồn thu từ dầu mỏ, khí đốt tăng mạnh và sự hỗ trợ của chính phủ. Việc này đã giảm phần nào sức ép lên kinh tế Nga. Theo đó, nỗ lực của phương Tây nhằm kìm hãm xuất khẩu năng lượng Nga hiện cũng chưa có nhiều tiến triển. Giá dầu và khí đốt tăng thậm chí đang có lợi cho Kremlin. Thêm vào đó, vài năm qua, Nga đã xây “pháo đài kinh tế” để chống chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, tích lũy khối dự trữ lớn để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Nhờ vậy William Jackson, nhà kinh tế học tại Capital Economics, cũng nhận định rằng việc Nga nới kiểm soát vốn và hạ lãi suất thêm trong thời gian tới có vẻ là khả thi.

 

  • Giá dầu lại bật tăng giữa lo ngại bất ổn về nguồn cung

Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng với dầu Brent đạt 119,43 USD/thùng (cột bên trái), WTI đạt 115,07 USD/thùng (phải).

Dữ liệu mới nhất của EIA cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước do xuất khẩu tăng vọt. Mùa lái xe cao điểm ở Mỹ sẽ bắt đầu với Lễ Tưởng niệm vào ngày thứ Hai (30/5).

Sản lượng dầu của Nga sẽ giảm từ 524 triệu tấn trong năm 2021 xuống 480-500 triệu tấn trong năm nay, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết.

Mặt khác, OPEC+ được cho là sẽ tuân theo thỏa thuận của năm ngoái tại cuộc họp ngày 02/06 tới và nâng mục tiêu sản lượng tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi của phương Tây là tăng sản lượng nhanh hơn để kiểm soát giá dầu, theo Reuters

Căng thẳng về nguồn cung dự kiến tiếp tục gặp áp lực bởi nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc khi Thượng Hải và các thành phố khác dần kết thúc phong tỏa.

Trong khi đó, lệnh cấm dầu thô Nga vẫn chưa được thực hiện do EU tiếp tục tranh cãi với Hungary về việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga với Hội đồng châu Âu, Hungary cho biết họ không thể lùi lệnh cấm vận của EU cho đến khi đó, đây là một thỏa thuận về tất cả các vấn đề mà lệnh trừng phạt sẽ mang lại, vì nó cần đến 4 năm và các khoản đầu tư lớn để hết phục thuộc nguồn cung dầu thô của Nga.

 

  • Kinh tế Việt Nam tháng 5 qua những con số

Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê mới công bố, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi, ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 57,8% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 14%.

Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tính đến 20/5 đạt trên 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận dòng FDI đầu tư vào Việt Nam giảm, kể từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, vốn FDI thực hiện 5 tháng vừa qua đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, vốn FDI thực hiện liên tục ghi nhận tăng, ở mức 6,8-7,8%.

Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 62,69 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 516 triệu USD.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5 tăng. Bình quân 5 tháng vừa qua, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng năm trước nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020.

Nội tại nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục kì vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao: 1) Dòng vốn FDI đăng ký kì vọng tăng trưởng nhờ chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo sát đầu tư và làm các thủ tục đầu tư; 2) xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục; 3) tiêu dùng kì vọng hồi phục; 4) đầu tư công được chú trọng.

 

  • Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm S&P lên triển vọng “Ổn định”

Ngày 26/5/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.

 

Theo đó, S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát Covid-19.

Sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.

Triển vọng “Ổn định” thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12-24 tháng tiếp theo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.

 

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

  • Lãi suất liên ngân hàng về sát mốc 1% và thanh khoản thị trường liên ngân hàng tăng vọt

Trong các tháng gần đây, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang có xu hướng ngày càng tốt lên thể hiện rõ nhất qua 3 yếu tố:

– Thứ nhất, lãi suất VND liên ngân hàng liên tục giảm. Cụ thể, trong tuần vừa qua, lãi suất VND giảm ở tất cả các kỳ hạn qua cả 5 phiên. Thậm chí, đến sáng 25/5, lãi suất VND qua đêm tiếp tục giảm và chỉ còn 1,04%/năm. Đây là vùng thấp nhất kể từ cuối năm 2021 cho đến nay.

– Thứ hai, doanh số vay mượn trên liên ngân hàng tăng nhanh và hệ thống vẫn đáp ứng đủ. Thay vì chỉ quanh mức dưới 100.000 tỷ đồng thì nay, thanh khoản mỗi phiên giao dịch đã vọt lên gần 200.000 tỷ đồng.

– Thứ ba, mặc dù kênh hỗ trợ vốn của NHNN vẫn được sử dụng nhưng hiện tượng này chỉ mang tính cục bộ với 1-2 thành viên tiếp cận. Và nhà điều hành cũng đang dần rút ròng nguồn tiền này về.

Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức cao, gắn với chi phí đã hạ nhiệt qua lãi suất giảm mạnh như trên về cơ bản là diễn biến tích cực khi nền kinh tế phục hồi, cũng như phản ánh trạng thái thanh khoản của hệ thống tốt. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng diễn biến thanh khoản trên có thể chỉ mang tính ngắn hạn.

 

3. KÊNH CỔ PHIẾU

  • Cổ phiếu tiêu điểm ( PNJ, HPG, VCS, VHC)
  • PNJ báo lãi 4 tháng tăng hơn 45%

Tháng 4, PNJ đạt doanh thu thuần là 2.770 tỷ đồng, lãi sau thuế 145 tỷ đồng – tăng trưởng lần lượt 49.6% và 70.5% so với tháng 4 năm 2021. Lũy kế 4 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 12.912 tỷ đồng (+42.9% yoy) và lợi nhuận sau thuế 866 tỷ đồng (+44.9% yoy). Biên lợi nhuận gộp đạt 17,8% giảm so với mức 18,4% cùng kỳ 2021 chủ yếu do tỷ trọng doanh thu vàng miếng tăng.

Năm 2022, PNJ đã thông qua kế hoạch mục tiêu doanh thu thuần 25.835 tỷ đồng (+32% yoy) và lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng (+28% yoy). Như vậy, sau 4 tháng, công ty đã hoàn thành 50% mục tiêu doanh thu và gần 67% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Khuyến nghị:

PNJ là cổ phiếu giá trị đáng để đầu tư dài hạn. Điểm nhấn đầu tư gồm: 1) Triển vọng trăng trưởng mạnh khi tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt, 2) Mở thêm cửa hàng: giai đoạn 2022-2025, công ty đặt mục tiêu mở 30 đến 50 cửa hàng mỗi năm, 3) Mở rộng công suất: PNJ dự kiến sẽ bổ sung 1 đến 2 dây chuyền sản phẩm trang sức vàng tại nhà máy Long Hậu và đang tìm kiếm mặt bằng để đầu tư nhà máy mới trong năm 2022. Theo BLĐ việc mở rộng công suất dự kiến sẽ đóng góp 20% lợi nhuận ròng của PNJ sau khi hoàn thành.  Dự báo LNST công ty mẹ năm 2022 đạt 1600 tỷ (+55% svck). Với mức giá 115.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, PNJ hiện giao dịch với hệ số P/E 2022 là 18.5 lần.

Phân tích kỹ thuật

PNJ đã có một tuần giao dịch tích cực. Cổ phiếu kết tuần tại mức giá trần (122.3%) với khối lượng giao dịch lớn, cao hơn trung bình 20 phiên trở lại. PNJ đang có đà tăng khá ấn tượng tuy nhiên vùng đáy mà cổ phiếu thiết lập quanh 100-110+/- tương đối ngắn (1 tháng), do đó nhiều khả năng khổ phiếu sẽ quay trở lại retest các ngưỡng hỗ trợ quanh 117.09 +/-, 112.2 +/-, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới ở vùng này. Trong kịch bản tích cực hơn, PNJ sẽ tiếp tục tiến về các kháng cự mạnh gần nhất lần lượt quanh 124.1 +/- (đỉnh cũ), 133.1 +/-, nhà đầu tư nên kết hợp theo dõi với diễn biến thị trường để ra quyết định tiếp tục nắm giữ hay chốt lời bớt để bảo vệ thành quả.

 

  • HPG – Cập nhật ĐHCĐ 2022

Năm 2022, HPG đặt kế hoạch Doanh thu đạt 160 ngàn tỷ đồng (+6.9% yoy), LNST đạt 25-30 ngàn tỷ đồng (giảm -27.6%/-15% yoy). Nguyên nhân giá thép trong xu hướng giảm do lượng cầu đang giảm, cung vẫn giữ nguyên. Năm 2022, Capex dự kiến 40 ngàn tỷ đồng của HPG sẽ tập trung cho dự án khu liên hợp Dung Quất 2 (gần 90%). Mảng BĐS dự kiến chiếm 7% Capex và mảng Nông nghiệp là 1%.

Sau Dung Quất 2, công ty đang nghiên cứu xây dựng nhà máy thép Dung Quất 3 với công suất 6 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam. Dự án Nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa – Vũng Tàu: tháng 11 sẽ chạy thử và ra sản phẩm đầu tiên. Nhà máy container bị chậm tiến độ 4 tháng do dịch Covid-19.

Dự kiến năm 2022-2023 có thể chưa có lợi nhuận từ mỏ quặng sắt tại Nam Úc. Công ty đang muốn mua thêm mỏ quặng sắt tại Bắc Úc. HPG đã mua 21ha đất ở Long An để xây dựng nhà máy ống thép lớn nhất Việt Nam. Dự kiến sẽ lấy được giấy phép và xây dựng vào khoảng 3/2023.

Khuyến nghị:

HPG là cổ phiếu giá trị đầu tư dài hạn do 1) Vị thế dẫn đầu với quy mô và hiệu quả hoạt động đã được khẳng; 2) Gia tăng công suất thông qua Khu liên hợp gang thép Dung Quất giai đoạn II (dự kiến hoàn thành 2024; công suất 5 triệu tấn/năm); 3) Ngày càng hoàn thiện chuỗi giá trị (sản xuất container – phân khúc chuỗi giá trị cao hơn công suất 500,000 TEU/năm; mở rộng sang mảng điện lạnh- điện máy mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào 2030; mua mỏ quặng sắt với công suất 4 triệu tấn/năm, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định biên lợi nhuận từ 2023)

Đối với HPG, sau đợt điều chỉnh mạnh thời gian qua, Với mức giá 34.45 đồng/cổ phiếu hiện tại P/E dự phóng 2022 là 5,5 lần – mức định giá rất hấp dẫn so với bình quân trong quá khứ là 8,2 lần trong bối cảnh HPG còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Phân tích kỹ thuật

Sau cây nến Doji chân dài được tạo ra vào phiên thứ Tư (25/05), HPJ thu hút một lượng cầu vào bắt đáy, kết tuần tại giá 35.45. HPG đang vận động trong xu hướng giảm dài hạn được xác nhận chính thức kể từ đầu tháng 3 và tiếp tục tiến về vùng hỗ trợ mạnh gần nhất lần lượt: 33.0 +/-, 29.5 +/-. Trong kịch bản tích cực nhất là HPG dừng lại tạo đáy ở vùng 30-35+/-, với lượng cung lớn kể từ vùng đỉnh được tạo từ tháng 10/2021, cổ phiếu sẽ mất rất nhiều thời gian để tích lũy lại và hấp thụ hết. Do đó theo quan điểm phân tích kỹ thuật, chúng tôi không khuyến nghị nhà đầu tư mở mới và nắm giữ vị thế ở cổ phiếu HPG, các phiên hồi phục giá xanh là cơ hội để bán ra.

 

  • VCS – VCS tạm ứng cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 30%

Năm 2021, mức chi trả cổ tức của VCS là 40% bằng tiền mặt, chia làm 2 đợt thanh toán với tổng giá trị 640 tỷ đồng. Ngày 3/6/2022, VCS sẽ chốt dạnh sách chi trả cổ tức lần 1/2022 cho cổ đông. Theo đó, VCS sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%, tương ứng mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu được nhận 3.000 đồng – tương đương tỷ suất cổ tức 3.2%. Thời gian thanh toán là ngày 15/6. Kế hoạch năm 2022, VCS đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 8.367 tỷ đồng (+18,3% yoy); lợi nhuận trước thuế đạt 2.413 tỷ đồng (+15%yoy).
Về tình hình kết quả kinh doanh quý I/2022, VCS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế đi ngang ở mức 371 tỷ đồng.

Khuyến nghị:

Năm 2022, chúng tôi kỳ vọng VCS đạt được kế hoạch lợi nhuận đặt ra dựa vào tăng trưởng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như hiện nay và vị thế thương hiệu VCS trên các thị trường cốt lõi. Tuy nhiên, Nhà đầu tư cũng cần chú ý rủi ro biên lợi nhuận gộp của VCS giảm trong 2022 do giá Resin (chất kết dính) hiện nay đang tăng khá mạnh theo giá dầu. VCS hiện đang giao dịch với mức P/E dự phóng 2022 là 8 lần (LNST dự báo đạt 1900 tỷ đồng) – thấp hơn mức P/E quá khứ là 11.2 lần. VCS là cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư cổ tức, công ty có lịch sử trả cổ tức rất đều đặn qua các năm, tỷ lệ cổ tức tiền mặt của VCS thường dao động ở mức 20-30%/năm trên mệnh giá.

Phân tích kỹ thuật

VCS có một tuần giao dịch tương đối tích cực sau khi tạo đáy quanh vùng 82-86.1 +/-, điểm trừ duy nhất là thanh khoản còn đang khá thấp. Trong kịch bản thận trọng, với việc thanh khoản tiếp tục thấp như hiện tại, cổ phiếu có thể thu hẹp đà hồi phục và quay lại retest các hỗ trợ mạnh lần lượt quanh 86.8-89.4 +/-Nhà đầu tư lưu ý rằng VCS vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm trong trung hạn và dài hạn.  Các phiên cổ phiếu quay về vùng hỗ trợ mạnh có thể là cơ hội để bắt đầu giải ngân, dưới góc độ nắm giữ dài hạn.

 

  • VHC – Công bố kết quả kinh doanh 4 tháng 2022

VHC ghi nhận doanh thu tháng 4 (đã bao gồm Sa Giang) đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng, doanh thu đạt 4.924 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ chi phí, Vĩnh Hoàn lãi ròng 553 tỷ đồng – gấp hơn 4,2 lần cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 548 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp cá tra đã thực hiện được 24,6% kế hoạch doanh thu năm và 34,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Năm 2022, VHC sẽ tiếp tục tăng trưởng đến từ việc xuất khẩu các mặt hàng sang các thị trường lớn. Minh chứng bằng việc thị trường Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với 161% lên 651 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 71%, châu Âu tăng 27%. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, năm 2022, VHC đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 13,000 tỷ (+43% yoy) và 1,500 tỷ (+35% yoy).

Khuyến nghị:

Trong năm 2022, kỳ vọng VHC sẽ ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng mạnh so với năm ngoái do 1) nhu cầu tăng mạnh khi dịch vụ ăn uống tiếp tục phục hồi sau đại dịch, 2) không xảy ra gián đoạn sản xuất như quý III/2021, và 3) cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng từ các nhà cung cấp từ Nga trong bối cảnh xung đột hiện tại.

Với việc đã đạt 35% kế hoạch doanh thu trong riêng quý I này, dự báo VHC sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm nay. Dự báo LNST 2022 đạt 1,700 tỷ đồng (+54% yoy), tương đương với P/E fw là 11.2 lần.

Phân tích kỹ thuật

VHC đã có một tuần tăng điểm tích cực, đà tăng chậm lại khi cổ phiếu chưa chinh phục thành công đỉnh cũ quanh 108.0 +/-. Cần theo dõi diễn biến của VHC trong các phiên đầu tuần để xác nhận, nếu cổ phiếu không vượt thành công vùng 108-108.3+/- thì khả năng cao sẽ quay về retest các hỗ trợ mạnh quanh 97.5 +/-, 87.5 +/-. Vùng hiện thanh khoản của VHC cũng đã cao lên nhiều so với giai đoạn trước, nhà đầu tư không nên mở mới vị thế. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cần theo dõi diễn biến như đã nêu để đưa ra quyết định phù hợp.

 

 4. KÊNH TÀI SẢN KHÁC

  • Sau lúa mì, Ấn Độ sắp hạn chế xuất khẩu đường

Theo Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm tiếp thị kéo dài đến tháng 9 tới. Mục đích của dộng thái trên là nhằm đảm bảo kho dự trữ trong nước trước khi mùa đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10. Ấn Độ sắp ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước. Động thái bảo hộ này xảy ra trong bối cảnh New Delhi vừa cấm xuất khẩu lúa mì. Ngay lập tức, giá đường đã tăng vọt.

Ấn Độ là nhà xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil năm 2021. Các khách hàng hàng đầu của Ấn Độ gồm có Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Dubai.

Sự khan hiếm đường đến từ Ấn Độ có thể đẩy giá hang hóa này tăng vọt trong thời gian tới sau khi ổn định ở mức cao trong vòng 10 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái. Thêm vào đó, chính phủ cũng liên tục đánh thuế các sản phẩm đường từ Thái Lan. Các doanh nghiệp đường Việt Nam sẽ được hưởng lợi kép trong xu hướng tăng của giá đường, nhất là những doanh nghiệp có điều kiện thổ nhưỡng tốt ,sản lượng thu hoạch đường cao.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0