Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 29.09.2021 | Ngân hàng nhà nước nói gì về gói 30.000 tỉ đồng cứu hàng không?

Nhận định Thị trường hàng ngày 29/09/2021    57705

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 29/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Các chuyên gia kinh tế giảm dự báo về tăng trưởng của Mỹ
– Theo một cuộc khảo sát mới công bố, các chuyên gia kinh tế đang hạ thấp dự báo về tăng trưởng của Mỹ trong năm nay khi biến thể Delta làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế nước này. Hiệp hội các nhà kinh tế kinh doanh quốc gia gồm 47 nhà kinh tế đã khảo sát và đưa ra dự kiến tăng trưởng GDP của Mỹ là 5,6%. Mặc dù đây là một con số không tệ nhưng nó đánh dấu sự đi xuống so với tháng 5 khi các nhà kinh tế dự đoán mức tăng trưởng là 6,7%. Các nhà kinh tế cũng dự báo rằng, tăng trưởng quý III sẽ ở mức 4%, giảm mạnh so với mức 6,6% được đưa ra trong tháng 5.
– Việc hạ mức tăng trưởng dự báo lần này là do thể Delta đã làm đình trệ việc đi lại và di chuyển bằng đường hàng không cũng như ảnh hưởng đến ngành du lịch, khách sạn và sự mở cửa trở lại của các văn phòng. Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại rằng, việc giá hàng hoá tăng nóng vẫn sẽ diễn ra cho đến cuối năm nay. Giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 5,1% trong quý IV. Con số này tăng mạnh so với dự báo lạm phát chỉ ở 2,8% được đưa ra tháng 5.
– Các chuyên gia cũng cảnh báo, người dân Mỹ sẽ phải gánh chịu “cú sốc” giá trên diện rộng, từ xe hơi đã qua sử dụng, xăng đến thịt.
– Tin tốt là các nhà kinh tế kinh doanh chia sẻ quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang rằng, lạm phát cao sẽ chứng minh hiện tượng tăng giá quá nóng này chỉ là tạm thời khi nền kinh tế bị điều chỉnh bởi Covid. Lạm phát giá tiêu dùng dự kiến sẽ ở mức 2,4% cho đến quý IV năm tới. Fed cũng đã có những động thái tương tự như dự báo của các chuyên gia kinh tế khi tuần trước FED đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2021 và tăng cường giám sát yếu tố lạm phát trong năm nay.

2. Thông tin Việt Nam

• WB duy trì dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 4,8% năm nay
– Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ mùa thu năm 2021 của Ngân Hàng Thế giới (WB) vừa công bố dự báo GDP năm nay Việt Nam tăng trưởng 4,8% nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý III và biện pháp cách ly dần được nới lỏng trong quý IV. Tuy nhiên nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức. Con số 4,8% vừa nêu tương tự như dự báo được công bố tại báo cáo điểm lại tháng 8 với chủ đề “Việt Nam Số hóa – Con đường tới tương lai”. Đây là lần thứ 2 trong năm WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
– Triển vọng kinh tế Việt Nam được WB dự báo tích cực hơn rất nhiều so với con số 3,8% mà ADB đưa ra vào 22/9. WB nhận định Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đẩy nhanh và mở rộng chiến dịch tiêm vaccine nhưng sự xuất hiện của các biến chủng mới có thể tiếp tục làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế. Tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam hiện chưa đồng đều giữa các tỉnh thành do nguồn cung được ưu tiên cho những vùng đang có nguy cơ cao. Nếu đợt dịch bùng phát vào tháng 4 vừa qua không sớm được kiểm soát, những biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng và ảnh hưởng hơn nữa đến tình trạng nghèo và bất bình đẳng. WB còn nhận định rằng một thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt đó là rủi ro trong nước tăng cao. Việc cung cấp các hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của các hộ gia đình ở khu vực đô thị có mật độ cao sẽ trở thành thách thức ngày càng lớn nếu phải tiếp tục kéo dài hoặc mở rộng cách ly xã hội.
– Triển vọng trong thời gian tới, WB dự báo GDP Việt Nam 2020 tăng trưởng 6,5-7%. Đà phục hồi của nền kinh tế được kỳ vọng từ việc 70% dân số trưởng thành được tiêm vaccine Covid-19, ngăn chặn những đợt dịch mới và nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.

• Ngân hàng nhà nước nói gì về gói 30.000 tỉ đồng cứu hàng không?
– Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ chốt với các bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho ngành hàng không.
– Nội dung buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan tín dụng cho doanh nghiệp hàng không, hiệp hội hàng không đề xuất gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng với lãi suất thấp để cứu các hãng bay đang thua lỗ nặng nề, đối mặt nguy cơ phá sản.
– Thống kê của NHNN thì dư nợ tín dụng hiện nay đối với các hãng bay khoảng 24.000 tỉ đồng. Số này chiếm tỷ lệ nhỏ so với dư nợ 9,8 triệu tỉ đồng của toàn nền kinh tế, và so với khoảng 3,5 – 4 triệu tỉ đồng dư nợ các DN đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
– Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, ngành ngân hàng cũng là một ngành kinh tế, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và các ngân hàng cũng rất khó khăn. “Điều hành vĩ mô của Ngân hàng nhà nước thời điểm này rất lo lắng, không phải ngay hôm nay mà là trung hạn trong mấy năm tới, khi nền kinh tế 2009 – 2010 do khủng hoảng tài chính tác động một số lĩnh vực, rồi bong bóng bất động sản và chứng khoản để lại nợ xấu 11% tổng dư nợ, ngân hàng giải quyết đến bây giờ vẫn chưa xong. Lúc đó, quy mô nền kinh tế có 2,7 triệu tỉ đồng, giờ lên tới 9,8 triệu tỉ đồng. Nếu như không đảm bảo được ổn định vĩ mô, giữ được giá trị đồng tiền, lạm phát vượt lên 7-8% thì bao nhiêu nỗ lực thời gian qua đổ sông đổ biển”, ông Tú nói.
– Nhìn ở góc độ tích cực hơn, Phó thống đốc NHNN đánh giá hàng không là lĩnh vực vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan. Sau khi hết dịch, bay trở lại thì dòng tiền quay về bù đắp lại rất nhanh. Trong khi một số lĩnh vực kinh tế khác có khi 5 – 7 năm mới gượng dậy được, vì gần như kiệt quệ hết, toàn bộ vốn liếng tài sản đều là tiền vay.
– Kết luận phiên họp, ông Tú khẳng định hàng không là lĩnh vực đặc biệt liên quan tới an toàn bay, tới an ninh quốc gia… Do đó, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tạo điều kiện cho các hãng vay vốn NH. Ông Tú đề nghị các thương mại chủ động cho vay ưu tiên. Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30.6.2022 mà diễn biến còn khó khăn, thì sẽ tiếp tục điều chỉnh các thông tư để hỗ trợ tiếp.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Sau khi giảm sâu trong phiên trước, VN-Index bước vào phiên giao dịch ngày hôm nay với sự thận trọng nhất đinh. Chỉ số tiếp tục giảm hơn 5 điểm ngay đầu phiên với sắc đỏ chiếm ưu thế ở hầu hết các nhóm ngành. Sau đó, lực cầu bắt dần xuất hiện giúp chỉ số hồi phục và duy trì tín hiệu tích cực đến hết phiên. Kết thúc giao dịch, VN-Index tăng 14.32 điểm, đạt mức 1,339.31 điểm.
– GAS và HPG là hai cổ phiếu có tác động tích cực nhất khi góp gần 5 điểm tăng cho chỉ số này. Cùng với đó là sự đóng góp của các mã như VCB, BID và BVH. Trong khi đó, SAB, BCM và HVN là những mã có tác động tiêu cực nhất.
– Khối ngoại mua ròng trở lại với giá trị 480 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 96 tỷ đồng. VHM đứng sau với giá trị mua ròng là 87 tỷ đồng. HCM và KBC được mua ròng lần lượt 54 tỷ đồng và 36 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, GAS bị bán ròng mạnh nhất với 86 tỷ đồng. HDB và KDH bị bán ròng lần lượt 59 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
– Tâm điểm phiên giao dịch hôm nay phải kể đến nhóm Dầu khí trong bối cảnh giá Dầu thế giới có phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Các cổ phiếu GAS, PVD, PVS đều tăng giá mạnh và đóng vai trò tích cực, lan tỏa đến các nhóm ngành khác. Trong khi nhóm Bất động sản và Vật liệu Xây dựng cũng tăng ở mức khá cùng với nhịp tăng của VN-Index, thì nhóm Ngân hàng lại tỏ ra phân hóa với sự tăng giảm đan xen.
– Phiên giao dịch hôm nay là một tín hiệu hồi phục khá tích cực của thị trường chung, thể hiện qua sắc xanh lan tỏa trên diện rộng và tương quan giữa số mã tăng giá và giảm giá trên HoSE trong phiên hôm nay khá ấn tượng (265/118). Tuy nhiên, việc thanh khoản không biến động nhiều cho thấy chưa có sự xuất hiện của dòng tiền mới và cũng thể hiện phần nào tâm lý lo ngại kém lạc quan của nhà đầu tư sau nhiều lần chỉ số VN-Index thất bại trước ngưỡng 1,350-1,360 điểm.
– Thị trường hồi phục trong tâm lý nghi ngờ của nhà đầu tư khi thanh khoản xuống thấp, đáng chú ý là sự quay trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền vẫn chưa lan tỏa mạnh sang nhóm VN30 ngoại trừ các cổ phiếu như HPG, GAS. Giai đoạn biến động mạnh những phiên gần đây vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội, nhất là trong bối cảnh chưa xuất hiện một nhóm cổ phiếu nào thực sự mang vai trò dẫn dắt xu hướng đi lên của chỉ số chung. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên quan sát thêm diễn biến trong một vài phiên tới để xác định hướng đi tiếp theo của thị trường.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Mía đường Sơn La (SLS) chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 80%
– Ngày 11/10 tới đây CTCP Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm tài chính 2020-2021 bằng tiền tỷ lệ 80%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 8.000 đồng. Thời gian thanh toán 26/10/2021. Như vậy với gần 9,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Mía đường Sơn La sẽ chi khoảng 78 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.
– Mía đường Sơn La là một trong những doanh nghiệp thường xuyên vượt xa kế hoạch kinh doanh đề ra hàng năm. Năm tài chính 2020-2021 (năm tài chính của Mía đường Sơn la bắt đầu tư 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau) đạt 801 tỷ đồng doanh thu, giảm 23,6% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 164 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ và vượt xa so với chỉ tiêu lãi 26 tỷ đồng sau thuế công ty đặt ra hồi đầu năm. EPS đạt 16.729 đồng.

• Kinh Bắc chào bán cổ phiếu riêng lẻ giá hơn 34.000 đồng/cp, thấp hơn 23% thị giá
– HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) vừa thông qua giá phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá 34.096 đồng/cp, tương đương số tiền huy động dự kiến đạt 3.409,6 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày phát hành.
– HĐQT công ty trước đó thông báo giá bán được xác định bằng 85% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày UBCKNN có công văn xác nhận đầy đủ hồ sơ và không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu.
– Ngoài chào bán cổ phiếu, Kinh Bắc còn huy động vốn qua kênh trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã phát hành hơn 3.400 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 10,5-10,8%/năm và đáo hạn tại năm 2023.
– Mục đích phát hành nhằm thực hiện các dự án, cơ cấu nguồn vốn, tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty con như Công ty khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng và Công ty khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0