Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 28.10.2021 | Kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế, VN-Index tiệm cận đỉnh lịch sử

Nhận định Thị trường hàng ngày 28/10/2021    71195

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung Quốc có thể sắp áp thuế sở hữu bất động sản
– Sau gần 2 thập kỷ bắt đầu ý tưởng áp thuế sở hữu bất động sản, Trung Quốc đang cận kề áp thuế sở hữu bất động sản. Cụ thể, ngày 23/10, Quốc vụ Viện Trung Quốc được ủy quyền thực hiện thử nghiệm thuế bất động sản trong 5 năm tại một số khu vực.
– Trước đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh cam kết của nhà chức trách Trung Quốc trong việc mang lại “thịnh vượng chung” – tức sự giàu có cho tất cả, thay vì chỉ số ít.
– Nguồn gốc của ý tưởng này đến từ việc tư nhân hóa thị trường nhà ở tại Trung Quốc năm 1998 cho phép một thế hệ lớn tuổi mua nhà với chi phí thấp, giúp họ nắm giữ thị phần bất động sản lớn mất cân đối so với thế hệ trẻ sau này.
– Đến thời điểm hiện tại Bất động sản chiếm 70 – 80% tài sản hộ gia đình Trung Quốc, khoảng 10% thu nhập hộ gia đình.
– Với tư tưởng lớn là tái tạo một tầng lớp trung lưu, mới, hạnh phúc – những người có thể tiếp cận nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục sẽ đòi hỏi Trung Quốc hạn chế thu nhập “vượt mức” và khuyến khích người giàu trả lại cho xã hội.
– Và để đạt được điều này, người sở hữu bất động sản cần đảm bảo nhà là để ở – không phải đầu cơ hay đầu tư
– Chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ quyết tâm triển khai thuế bất động sản nhưng sẽ theo một cách thận trọng, từ từ. Và việc kỳ vọng giá nhà tăng mãi sẽ bị hạn chế đáng kể, doanh số bán nhà khắp Trung Quốc có thể chững lại, Bắc Kinh có thể chứng kiến nhiều thách thức trên con đường hướng đến thuế bất động sản toàn quốc và những ảnh hưởng ngắn hạn là không thể tránh khỏi.

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu thủy sản từng bước khôi phục nhờ nới lỏng giãn cách
– Trong ngành thủy sản Việt Nam, có 3 nhóm sản phẩm chủ lực luôn tạo ra giá trị xuất khẩu cao nhất, gồm: tôm, cá tra, hải sản.
– Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm 9 tháng đạt 2,76 tỷ USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ). Và xuất khẩu hải sản đạt 2,4 tỷ USD (tăng 2,8% so với cùng kỳ)
– Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8% đạt 97,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu Covid và các dịp lễ cuối năm đang tới gần.
– Về thị trường EU, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2021 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 48,8 triệu USD. Dù vẫn giảm nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
– VASEP nhận định, lượng tôm dự trữ của EU đang ở mức thấp, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, cùng với Hiệp định thương mại tự do với châu Âu sẽ là cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.
– Tuy nhiên trong ngắn hạn, VASEP cho rằng sản xuất và xuất khẩu hải sản của Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm trong tháng 10/2021 do tình trạng dịch Covid chưa thể được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp từng bước mở cửa trở lại vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân công, nguồn vốn, chi phí tăng, cộng với chi phí phòng chống dịch để sản xuất an toàn.
• Nhiều doanh nghiệp thép, xi măng trong nước đồng loạt tăng giá từ đầu tháng 10 đến nay
– Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép và xi măng đã điều chỉnh mức tăng giá bán. Cụ thể:
– Giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg.
– Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg.
– Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg.
– Đối với mặt hàng xi măng, các doanh nghiệp cũng thông báo điều chỉnh giá các sản phẩm đồng loạt tăng 5 – 7% tùy từng khu vực và chủng loại. Cụ thể:
– Công ty Cổ phần Ximăng Hoàng Long điều chỉnh tăng giá bán các loại ximăng bao PCB30, PCB40 từ ngày 20/10 thêm 80.000 đồng/tấn.
– Công ty Cổ phần Ximăng Vicem Bút Sơn điều chỉnh tăng 80.000 đồng/tấn. Công ty Ximăng Long Sơn cũng áp dụng điều chỉnh tăng 90.000 đồng/tấn so với đơn giá đang áp dụng đối với sản phẩm Ximăng bao Hà Trung (PCB30, PCB40). Nhiều loại Ximăng Duyên Hà, Ximăng Nghi Sơn hay Ximăng Vicem Hoàng Mai cũng đều thông báo tăng giá.
– Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ vì việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng diễn ra vào đầu năm, thì vào thời điểm này thì giá thép và các vật liệu khác lại bước vào đợt tăng mới sau một thời gian hạ nhiệt diễn ra chỉ trong vài tháng.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế, VN-Index tiệm cận đỉnh lịch sử
– Sự kỳ vọng vào gói kích thích tổng thể cho phục hồi kinh tế đã khiến thị trường chứng khoán có ngày tăng điểm tích cực nhất sau hơn 3 tháng, không những vượt qua được ngưỡng tâm lý 1.400 điểm mà còn kết phiên ở mục tiêu tiếp theo là vùng kháng cự 1.420 – 1.425 điểm (đỉnh tháng 7/2021). Thanh khoản trong phiên 27/10 cũng ủng hộ đà tăng này với việc tiếp tục gia tăng và cao hơn mức trung bình 20 phiên. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã quay trở lại với vai trò dẫn dắt và là yếu tố quan trọng kéo thị trường tăng mạnh trong phiên.
– Xét theo mức đóng góp vào thị trường chung, cổ phiếu GAS dẫn đầu với hơn 4 điểm tăng. Cổ phiếu VIC, VHM, MSN, VCB và HPG tổng cộng góp hơn 12 điểm tăng cho VN-Index.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng đột biến 1.021 tỷ đồng và chấm dứt chuỗi 7 phiên bán ròng liên tiếp. Đây cũng là phiên mua ròng mạnh nhất của khối ngoại sàn này kể từ tháng 8/2021. HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 258 tỷ đồng. KBC đứng sau với giá trị mua ròng là 210 tỷ đồng. STB và GAS cũng đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, NLG bị bán ròng mạnh nhất với 179 tỷ đồng.
– Trên góc nhìn kỹ thuật, sau 2 tuần đi ngang, thị trường có phiên bứt phá mạnh mẽ cả về chỉ số, độ rộng và thanh khoản cao, điều này cho thấy tín hiệu khả năng về nhịp tăng mở rộng sắp tới. Dự báo, trong phiên giao dịch 28/10, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc trong vùng giá 1.420 – 1.425 điểm. Trong kịch bản tích cực, nếu VN-Index có thể vượt qua vùng kháng cự này trong phiên tiếp theo thì chỉ số này có thể hướng đến ngưỡng tâm lý 1.500 điểm trong thời gian tới.
– Nhà đầu tư cần quan sát thêm diễn biến thị trường tại vùng kháng cự 1.420-1.425 điểm và có thể mở mua mới các vị thế ngắn hạn nếu thị trường tiếp tục vượt đỉnh với động lượng tích cực, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang dẫn sóng thị trường.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• VietinBank lãi trước thuế 13.910 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước
– Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của ngân hàng đạt 3.060 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước.
– Thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 9.872 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập hoạt động (lũy kế tại 30/9/2021 chiếm 80%) và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước nhờ ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chi phí vốn.
– Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan, riêng quý 3 đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ tăng 17% so với cùng kỳ năm trước nhờ việc triển khai thúc đẩy bán sản phẩm có thế mạnh như tài trợ thương mại, chuyển tiền, dịch vụ thẻ… đồng thời kiểm soát các khoản chi dịch vụ để tối ưu hóa hiệu quả quản trị chi phí.
– Tại 30/9/2021, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 71%) so với đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay trích lập trong 9 tháng năm 2021 là 14 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5 nghìn tỷ (tương đương tăng 22%) so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý 3/2021, ngân hàng trích lập 5,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến ngày 30/9/2021 là 119%.

• Vicostone (VCS): Quý 3/2021 lãi kỷ lục 485 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ
– CTCP Vicostone (mã chứng khoán VCS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu thuần đạt 1.862 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; Chi phí giá vốn có mức tăng tương đương là 22% nên lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 679 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
– Trong quý 3, Vicostone ghi nhận doanh thu tài chính tăng lên hơn 12 tỷ đồng, còn chi phí tài chính đạt 31 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, trong đó hơn 14 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
– Khấu trừ đi các khoản chi phí liên quan, Vicostone báo lãi sau thuế quý 3 đạt 485 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với quý 3 năm ngoái. Như vậy, số lãi này đã vượt qua mức 465 tỷ đồng trong quý 4/2020, xác lập kỷ lục lợi nhuận ròng theo quý trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
– Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 5.206 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng 35% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 1.304 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, doanh nghiệp đã hoàn thành 77% mục tiêu doanh thu và hơn 80% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

• Đông Hải Bến Tre (DHC): Giảm sâu so với 2 quý đầu năm, lợi nhuận quý 3/2021 vẫn tăng 28% so với cùng kỳ
– Đông Hải Bến Tre (DHC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu 949 tỷ đồng, tăng 35% so với quý 3/2020. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty tăng từ 106 tỷ lên 132 tỷ đồng.
– Về hoạt động tài chính, doanh thu tăng đột biến từ mức 1,8 tỷ lên 6 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí lãi vay giảm mạnh. Khấu trừ các chi phí, DHC lãi sau thuế 87,6 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
– Luỹ kế 9 tháng đầu năm, DHC ghi nhận doanh thu 3.046 tỷ đồng, tăng 51% và lợi nhuận sau thuế 389 tỷ đồng, tăng 64% so với 9 tháng đầu năm ngoái. So với kế hoạch 3.500 tỷ đồng doanh thu và 399 tỷ lợi nhuận sau thuế, 9 tháng Công ty đã lần lượt thực hiện được 87% chỉ tiêu doanh thu và 97,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
– DHC là công ty sản xuất giấy bao bì quy mô trung bình tại Việt Nam với thị phần ~5% trong năm 2020. DHC sở hữu 2 nhà máy sản xuất giấy tái chế và 1 nhà máy sản xuất bao bì tại tỉnh Bến Tre ở miền Nam. Các sản phẩm chính của DHC bao gồm giấy bao bì và thùng cacton.
– Từ đầu năm, nhu cầu giấy bao bì tăng mạnh, thúc đẩy cả sản lượng bán và giá bán trung bình (ASP). Ban lãnh đạo kỳ vọng giá bán trung bình và biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2021 khi nhu cầu giấy bao bì đi lên, bù đắp cho đà tăng của giá đầu vào là thùng carton cũ.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0