Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 28.07.2021 | Trích dự phòng gấp 3,2 lần, ACB vẫn báo lãi trước thuế tăng 71% trong quý 2

Nhận định Thị trường hàng ngày 28/07/2021    27257

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Cuộc đấu ‘bồ câu – diều hâu’ ở Fed
– Jerome Powell, chủ tịch Fed, đang đối mặt sự rạn nứt ngày càng tăng giữa các quan chức hàng đầu tại ngân hàng trung ương Mỹ về việc khi nào bắt đầu siết chương trình bơm tiền khổng lồ được triển khai để ứng phó ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế.
– Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đồng thuận về sự cần thiết phải ngăn đà suy giảm kinh tế bằng cách giữ lãi suất thấp, đồng thời mua 120 tỷ USD tài sản mỗi tháng. Tuy nhiên, với nền kinh tế đang dần phục hồi sau khi các hạn chế xã hội được dỡ bỏ – dẫn đến lạm phát tăng mạnh – cuộc tranh luận về thời điểm phù hợp để bắt đầu siết chương trình mua tài sản ngày càng căng thẳng.
– Powell sẽ phải tìm ra điểm chung giữa những quan chức thúc đẩy siết hỗ trợ sớm hơn, mạnh tay hơn (phe diều hâu) và nhóm thận trọng trước sự thay đổi chính sách quá nhanh (phe bồ câu). Nếu Fed chọn cách tiếp cận thận trọng, việc giảm quy mô mua tài sản sẽ không xảy ra trước đầu năm 2022. Ngược lại, Fed có thể hành động từ mùa thu năm nay.
– Phe bồ câu tại Fed giữ quan điểm còn quá sớm để cân nhắc siết chính sách hỗ trợ, bởi vẫn còn gần 7 triệu người thất nghiệp so với tháng 2. Họ tin rằng áp lực lạm phát hiện tại sẽ giảm dần theo thời gian và lo ngại liên quan nền kinh tế, trong bối cảnh biến chủng Delta đang lây lan đáng báo động cùng tỷ lệ tiêm chủng thấp tại một số bang ủng hộ đảng Cộng hòa cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
– Phe diều hâu tại Fed thận trọng trước việc phớt lờ số liệu lạm phát cao quá sớm, đặc biệt là sau khi số liệu gần đây không chỉ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 mà áp lực còn vượt ra ngoài những yếu tố tạm thời như giá xe hơi đã qua sử dụng. Nhóm này dự báo lạm phát – phản ánh qua thông qua thước đo ưa thích của Fed là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – sẽ vượt xa mục tiêu dài hạn 2% trong năm nay và năm sau, đồng nghĩa ngân hàng trung ương Mỹ cần thắt chặt chinh sách tiền tệ sớm hơn so với phe bồ câu muốn. Họ lo ngại Fed có thể bị bất ngờ nếu xu hướng giá tăng kéo dài, sẽ buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải can thiệp đột xuất hơn, mạnh tay hơn để thắt chặt chính sách – một động thái gây gián đoạn nhiều hơn cho nền kinh tế và thị trường tài chính.
– Phe trung lập tại Fed đều hiểu sức mạnh đà phục hồi kinh tế và lạm phát tăng, cũng như sự bất ổn của triển vọng và nguy cơ một đợt bùng phát Covid-19 nữa làm suy giảm hoạt động. Họ cũng nhấn mạnh sẽ linh hoạt tùy theo số liệu trong những tháng tới do có những rủi ro đang phát triển ở cả hai phe. Họ cảm thấy ít thuyết phục về nhu cầu phải lập tức siết chính sách hỗ trợ nhưng chấp nhận rằng các điều kiện để bắt đầu điều chỉnh sẽ sớm xuất hiện, với tốc độ rất từ từ và được báo trước.
– Các lãnh đạo tại Fed gần như đón nhận hoàn toàn quan điểm này. Powell nghiêng về phe bồ câu hơn trong khi phó chủ tịch Fed Richard Clarida, phó chủ tịch phụ trách giám sát Randal Quarles có thể muốn sớm thắt chặt hơn, theo giới quan sát Fed.

2. Thông tin Việt Nam

• Rủi ro tín dụng được dự báo tăng trở lại trong nửa cuối năm 2021
– Báo cáo một số kết quả chính của Cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 6/2021 vừa được Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định đã đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của khách hàng đủ điều kiện đạt tỷ lệ cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây (38 tổ chức tín dụng, tương đương 44,9%). Còn tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định đáp ứng từ “75 – 100%” nhu cầu vay vốn của khách hàng tiếp tục duy trì ở mức cao hơn 90%.
– Các tổ chức tín dụng nhận định, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục “tăng” trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực. Chỉ duy nhất nhu cầu tín dụng cho đầu tư, kinh doanh du lịch ghi nhận “giảm” trong 6 tháng đầu năm 2021 và được dự báo phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.
– Kết quả điều tra cũng cho biết, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh thu hẹp bớt mức kỳ vọng về xu hướng “gia tăng” nhu cầu tín dụng năm 2021 qua các kỳ điều tra, trong đó, thu hẹp đáng kể đối với kỳ vọng về sự “gia tăng” nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực: xây dựng; du lịch; vận tải, kho bãi; xuất nhập khẩu; sản xuất phân phối điện; vay mua nhà để ở; công nghiệp hỗ trợ; đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
– Đáng chú ý, về rủi ro tín dụng, các đơn vị được tham gia khảo sát cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, rủi ro tín dụng “tăng” với tốc độ chậm hơn 6 tháng cuối năm 2020 ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, các khoản vay từ kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh chứng khoán; kinh doanh du lịch được đánh giá rủi ro “tăng” mạnh hơn.
– Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, rủi ro tín dụng được dự báo “tăng” mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021. Rủi ro tín dụng tổng thể năm 2022 được kỳ vọng “giảm nhẹ” so với năm 2021. Mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2021, nhóm 17 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết có xu hướng “nới lỏng” hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và giữ “không đổi” đối với khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2021.
– Kết quả điều tra cũng cho biết, giống như 6 tháng cuối năm 2020, 3 lĩnh vực gồm: Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống – tiếp tục là 3 lĩnh vực được nhiều tổ chức tín dụng lựa chọn là động lực chính tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm, cả năm 2021 và năm 2022. Năm 2021, ‘dệt may’ là lĩnh vực xếp thứ 4, thay lĩnh vực ‘xây dựng’ được đánh giá tại kỳ điều tra trước và tiếp tục được thay thể bởi lĩnh vực ‘sản xuất đồ ăn, thức uống’ trong năm 2022.
– Việc rủi ro tín dụng được dự báo tăng vào 6 tháng cuối năm 2021 một phần cũng do ảnh hưởng của dịc bênh covid 19 lần thứ 4 đang diễn biến khác phức tạp. Chính vì vậy chúng tôi đánh giá, nếu rủi ro tín dụng 6 tháng cuối năm của ngân hàng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Các ngân hàng cần có những biện pháp thích hợp để giảm thiểu rủi ro

• Vốn FDI đăng ký 7 tháng giảm hơn 11%
– Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.
– Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021 tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Trước đó, vốn FDI đăng ký 6 tháng giảm 2,6%, trong khi 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
– Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới thu hút FDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào trung tuần tháng 7/2021 cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4.
– Mặc dù, nguồn vốn FDI đăng ký giảm mạnh song điểm tích cực trong bức tranh thu hút FDI 7 tháng là vốn FDI giải ngân vẫn tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ 2020, với mức 10,5 tỷ USD.
– Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
– Về đối tác đầu tư, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD.
– Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó, Long An tiếp tục là địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,78 tỷ USD và Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỷ USD.
– Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, song mức độ tăng giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm 2021. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14,9 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 14,1 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 17,4 tỷ USD.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Tập đoàn Cao su lãi ròng 6 tháng tăng 165%, nợ vay giảm
– Theo BCTC hợp nhất quý II, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (HoSE: GVR) ghi nhận doanh thu tăng 72% lên 5.688 tỷ đồng. Giá vốn tăng thấp hơn nên lãi gộp đạt 1.629 tỷ đồng, tăng 129%. Biên lãi gộp tăng từ 21,4% cùng kỳ năm trước lên 28,6% quý này.
– Doanh nghiệp cho biết giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng; giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su cũng tăng. Điều này giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đại đa số các đơn vị có vốn góp tập đoàn đều cải thiện so với cùng kỳ năm trước.
– Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu sản xuất và kinh doanh mủ cao su chiếm tỷ trọng lớn nhất 58% với 3.297 tỷ đồng, tăng 94% cùng kỳ năm trước. Doanh thu chế biến gỗ lớn thứ 2 với 1.084 tỷ đồng, tăng 69%; doanh thu các sản phẩm từ cao su cũng tăng 86% lên 880 tỷ đồng.
– Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tập đoàn cao su tăng 86% so với cùng kỳ năm trước lên 846 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 10.537 tỷ đồng, tăng 77%; lãi sau thuế 1.664 tỷ đồng, tăng 165%. Doanh nghiệp đã thực hiện 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

• Vicostone: Quý 2 lãi 448 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ 2020
– Quý 2, Vicostone ghi nhận 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 59% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt gần 606 tỷ đồng, tăng 68,8% so với quý 2/2020. Kết quả Vicostone lãi sau thuế 448 tỷ đồng, tăng 74% so với quý 2/2020. EPS quý 2 đạt 2.516 đồng.
– Tính chung 6 tháng đầu năm, Vicostone đạt 3.344 tỷ đồng doanh thu, tăng 34% so với cùng kỳ qua đó hoàn thành 49% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 965 tỷ đồng, tăng 46% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 50% mục tiêu cả năm.
– Vicostone hiện đang sở hữu 6 dây chuyền sản xuất đá thạch anh cao cấp (công suất 3 triệu m3/năm), trong đó 1 dây chuyền mới chính thức đi vào hoạt động năm ngoái.

• Trích dự phòng gấp 3.2 lần, ACB vẫn báo lãi trước thuế tăng 71% trong quý 2
– Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) vừa công bố BCTC quý 2/2021 với lãi trước thuế trong quý tăng 71% so với cùng kỳ, đạt hơn 3,248 tỷ đồng, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này gấp 3.2 lần. Nhìn chung trong quý 2, hoạt động kinh doanh của ACB đều cho kết quả khả quan hơn cùng kỳ. Nguồn thu chính đem về khoản lãi tăng 60%, thu về hơn 4,990 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
– Một số nguồn thu ngoài lãi cũng tăng mạnh như lãi từ hoạt động dịch vụ gấp đôi cùng kỳ đạt 886 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 51% tương ứng 232 tỷ đồng.
– Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB thu về khoản lãi trước và sau thuế cùng tăng 66% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 6,353 tỷ đồng và gần 5,072 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch 10,602 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2021, ACB đã thực hiện được 60% chỉ tiêu sau 6 tháng.
– Tổng tài sản của ACB tính đến cuối quý 2 tăng 6% so với đầu năm, lên mức hơn 471,275 tỷ đồng. Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng xấp xỉ đầu năm ở mức 358,474 tỷ đồng. Tiền gửi của TCTD khác tăng 54% tương đương 23,163 tỷ đồng.
– Tổng nợ xấu của ACB tính đến cuối quý 2 tăng 27% so với đầu năm, lên mức gần 2,330 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất (gấp 2.6 lần). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay nhích nhẹ từ 0.6% hồi đầu năm lên 0.69%.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0