Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 28.05.2021 Giá các Khu công nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng do thiếu nguồn cung mới

Nhận định Thị trường hàng ngày 28/05/2021    7948

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá mua nhà ở Mỹ liên tục tăng cao kỷ lục
– Cơn sốt mua nhà ở Mỹ trong bối cảnh nguồn cung có hạn đang đẩy giá mua nhà mới hay nhà qua sử dụng lên những mức cao kỷ lục. Chỉ số giá nhà Quốc gia của S&P cho thấy giá nhà trung bình ở các khu vực đô thị lớn tại Mỹ, đã tăng 13.2% trong tháng 3, tăng từ mức 12% của tháng 2 và là tốc độ tăng giá hàng năm cao nhất kể từ tháng 12/2005. Giá trung bình của một ngôi nhà mới được bán trong tháng 4 là 372,400 USD, tăng 20.1% so với cùng kỳ, trong khi giá bán trung bình cho những căn nhà hiện hữu đã tăng 19.1% trong tháng 4, lên mức 341,600 USD
– Nhu cầu mua nhà của người Mỹ vẫn lớn trong bối cảnh lãi suất cho vay đang ở mức thấp. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều lao động phải làm việc trực tuyến, dẫn đến nhu cầu tìm nhà có diện tích lớn hơn nhằm phục vụ môi trường sống và làm việc song song. Cùng với đó, tình trạng thiếu nhà để bán đã đẩy giá tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây, khi trong tháng 3, chỉ có 1.1 triệu căn nhà hiện hữu được chào bán trên thị trường, giảm 28.2% so với cùng kỳ.
– Tình trạng thiếu cung vẫn có thể tiếp tục xảy ra, khi giai đoạn tăng giá hàng hóa toàn cầu trong những tháng vừa qua dẫn đến áp lực chi phí vật liệu cho các công ty xây dựng. Ngoài ra, các công ty xây dựng còn đối mặt tình trạng thiếu đất xây dựng và lao động có tay nghề cao.
• Thách thức cho xuất khẩu của Trung Quốc: Đồng Nhân dân tệ đạt đỉnh 3 năm
– Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018, khi tỷ giá 1 USD tương đương với 6.4 Nhân dân tệ. Sự tăng giá này được thúc đẩy nhờ đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và ngoại tệ chảy vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.
– Mặc dù vậy, đà tăng mạnh của đồng Nhân dân tệ lại cho thấy rủi ro về bong bóng tài sản trong bối cảnh giá nguyên vật liệu cao kỷ lục và tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc. GDP quý I/2021 của TQ chỉ tăng 0.6% so với quý 4/2020, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
– Việc nội tệ tăng mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc đối phó tốt hơn với giá cả nguyên vật liệu thô toàn cầu hiện đang rất cao và hạn chế rủi ro lạm phát. Ở chiều ngược lại, nguy cơ bong bóng tài sản và rủi ro hàng hóa xuất nhập khẩu trở nên đắt đỏ lại là mối lo của chính phủ TQ khi xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế.
– Hiện nay, Bắc Kinh mới chỉ đưa ra cảnh báo xử lý nghiêm hiện tượng đầu cơ khiến giá nguyên vật liệu tăng mạnh. Các chính sách liên quan đến điều kiện tín dụng và lãi suất trong thời gian tới sẽ là các điểm cần chú ý để có thể phân tích được đánh giá của chính phủ TQ về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngành du lịch, lữ hành vẫn chưa thấy tín hiệu hồi phục khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4
– Sau khi đợt dịch tháng 1 năm nay được khống chế hiệu quả kèm theo thông tin vaccine sẽ sớm được triển khai, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành đã chuẩn bị sẵn chiến lược cho du lịch hè, vốn được kỳ vọng sẽ tạo điểm đảo chiều cho ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm chiến đấu với COVID-19.
– Tuy nhiên, COVID-19 quay trở lại lần thứ 4, khiến các doanh nghiệp quay về chế độ sinh tồn trong bối cảnh các hoạt động dịch vụ và xã hội phải tạm ngưng ở nhiều nơi trên cả nước. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 – 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè.
– Theo Sở Du lịch TPHCM, chỉ còn 567/1,049 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động cầm chừng sau 5 tháng đầu năm 2021, tức một nửa số công ty lữ hành đã đóng cửa. Tại Hà Nội, 95% đại lý lữ hành đã đóng cửa trong quý I, với số lượng lao động nghỉ việc lên tới 12,168 người.
– Khả năng hồi phục của ngành du lịch và lữ hành sẽ khó khăn nếu như không có các giải pháp từ cơ quan chính quyền để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và sớm hồi phục. Bên cạnh việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, du lịch Việt Nam cần có chiến lược sẵn sàng đón khách Quốc tế khi các nước phát triển trên thế giới đang triển khai tiêm vaccine rất tốt. Với du lịch nội địa, tốc độ hồi phục sẽ được quyết định bởi khả năng triển khai vaccine trong năm nay và năm 2022 của Việt Nam.
• Giá các Khu công nghiệp ở Việt Nam ngày càng tăng do thiếu nguồn cung mới
– Trong báo cáo ngành BĐS KCN quý I năm 2021, Công ty Tư vấn và Quản lý Bất động sản Colliers Việt Nam cho biết giá thuê BĐS KCN ở Việt Nam đang trong đà tăng nóng trong thời gian vừa qua, chủ yếu do nguồn cung khu công nghiệp tại 2 thị trường chính TPHCM và Hà Nội gần như không tăng. Tại thị trường TPHCM, giá thuê rơi vào khoảng 165 USD/m2 với tỷ lệ lấp đầy 85%, trong khi ở Hà Nội là 140 USD/m2 và tỷ lệ lấp đầy ấn tượng hơn 90%.
– Những ngành bị ảnh hưởng chính thường có biên lợi nhuận tương đối thấp như dệt may hay nội thất. Theo Colliers, nhằm tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành BĐS KCN ở Việt Nam, việc cần làm là phát triển các KCN mới ở các tỉnh thành lân cận TPHCM và Hà Nội, giúp kiềm chế đà tăng giá thuê KCN.
– Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng đã tìm đến các KCN có giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất lớn hơn, như Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh ở miền Bắc, hay Long An, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu ở miền Nam. Bên cạnh đó, mô hình KCN sinh thái – một dạng hợp tác và cam kết giữa các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và môi trường nhằm giảm thiểu khai thác thừa tài nguyên và ô nhiễm môi trường – cũng được nhắc đến như một giải pháp đổi mới mô hình phát triển KCN ở Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng thiếu diện tích đất tại các vùng KCN đã phát triển.
• Vốn FDI 5 tháng đầu năm đạt 14 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm ngoái
– Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa thông tin tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần đạt gần 14 tỷ USD tính đến 20/5, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm vừa qua.
– Trong đó, số dự án được cấp mới là 613 với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,8 tỷ USD, giảm gần 50% về số lượng nhưng tăng hơn 18% về giá trị so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư là 342 với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 3,9 tỷ USD, giảm hơn 21% về số lượng dự án nhưng tăng gần 12% về giá trị. Trong 5 tháng vừa qua, số lượt góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 1,3 tỷ USD, giảm lần lượt gần 60% và hơn 56% về số lượt góp vốn cũng như giá trị so với cùng kỳ 2020.
– Hiện dòng vốn FDI đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,1 tỷ USD, chiếm gần 44% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,4 tỷ USD. Tiếp đến là kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 1,05 tỷ USD.
– Singapore duy trì vị thế dẫn đầu dòng vốn FDI trong tổng số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 5,26 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm gần 38% tổng vốn đăng ký. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 2,6 tỷ USD, chiếm gần 19%. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ USD, chiếm hơn 13%.
– Long An tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động thu hút FDI trên cả nước với tổng vốn đăng ký 3,35 tỷ USD, chiếm gần 24% tổng vốn đăng ký của toàn quốc. Tiếp đến là TP HCM với vốn đăng ký đạt 1,34 tỷ USD. Cần Thơ xếp ở vị trí thứ 3 với hơn 1,32 tỷ USD.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Bitexco thoái vốn Idico sau hơn 3 năm làm cổ đông chiến lược
– CT TNHH Tập đoàn Bitexco – 1 trong 2 cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Idico – đã đăng ký bán toàn bộ 67.5 triệu cổ phiếu của Idico, tương đương tỷ lệ sở hữu 22.5% vốn điều lệ với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch được dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 28/5 đến 25/6/2021.
– Với thị giá hiện tại của Idico ở mức 35,600 đồng, Bitexco dự kiến có thể thu về hơn 2,400 tỷ đồng. Tổng Công ty Idico hiện là công ty niêm yết có vốn lớn thứ 9 trên sàn giao dịch HNX sau khi được cổ phần hóa vào năm 2017 với 2 cổ đông chiến lược là Bitexco và Tập đoàn SSG với tỷ lệ sở hữu đều là 22.5%. Trong giai đoạn niêm yết, các nhà đầu tư chiến lược tại Idico bị hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu trong 10 năm kể từ khi thành lập CTCP, nhưng trong lần ĐHCĐ gần nhất Idico đã thông qua việc bỏ quy định hạn chế chuyển nhượng trong 10 năm đối với cổ đông chiến lược, nên Bitexco có thể tự do chuyển nhượng cổ phiếu IDC.
– Trong năm 2020, Tổng Công ty Idico ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm lần lượt 8% và 10% so với năm 2019. Tuy nhiên, Idico đã hoàn thành thoái vốn nhà nước 100%. Ban lãnh đạo Idico đặt ra kế hoạch năm 2021 với lợi nhuận tăng trưởng 34% lên 990 tỷ đồng và sẽ tái cấu trúc lại toàn bộ bộ máy công ty với các mảng kinh doanh chính BĐS KCN, năng lượng, xây lắp và hạ tầng, dịch vụ KCN và BĐS dân dụng. Kế hoạch tham vọng này cho thấy kỳ vọng tích cực của ban lãnh đạo đối với lĩnh vực BĐS KCN nói chung và KCN của IDC nói riêng, trong bối cảnh giá thuê đất KCN ở Việt Nam đang có xu hướng tăng và các KCN Việt Nam là một trong những điểm đến trong việc dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu.
• Thương vụ niêm yết VinFast tại Mỹ có thể chậm hơn dự kiến
– Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “VinFast đang làm việc thêm với các nhà tư vấn gồm JPMorgan và Deutsche Bank để chuẩn bị cho thương vụ niêm yết tại Mỹ”. Hồi tháng 4, VinFast ra thông báo sẽ xem xét phương án IPO tại Mỹ hoặc sáp nhập với Công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC).
– Reuters đưa tin rằng giá trị VinFast có thể lên đến 60 tỷ USD, Credit Suisse đã được chỉ định dẫn đầu giao dịch. Đợt IPO VinFast có thể huy động ít nhất 2 tỷ USD trong một thỏa thuận đã được lên kế hoạch cho quý 2/2021.
– Kịch bản ưa thích của VinFast là hợp nhất với một SPAC để niêm yết tại Mỹ, Reuters dẫn nguồn tin. Nhưng các cuộc đàm phán với SPAC chưa đạt được nhiều tiến triển về việc đưa ra các đề xuất thỏa thuận, hoặc thời gian cụ thể cho việc niêm yết. Nguyên nhân đến từ sự không chắc chắn xung quanh các quy định về SPAC tại Mỹ

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ