Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 28.01.2022 | Lợi nhuận Hòa Phát quý IV đạt 7.400 tỷ đồng, thấp nhất 3 quý

Nhận định Thị trường hàng ngày 28/01/2022    94440

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 28/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• FED giữ nguyên lãi suất – phát tín hiệu có thể bắt đầu tăng từ tháng 3/2022
– Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 1, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) phát đi thông báo giữ nguyên mức lãi suất từ 0 – 0,25% như dự đoán của thị trường.
– Thông báo của FOMC không nêu mốc thời gian cụ thể, nhưng dấu hiệu cho thấy Fed sẵn sàng sớm tăng lãi suất nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ. Đây sẽ lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018.
– Tuyên bố của FOMC phản ứng lại tình trạng lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua. Mặc dù động thái nâng lãi suất đã được thông báo rõ ràng trong vài tuần qua, nhưng thị trường trong những ngày gần đây đã biến động đáng kể khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Fed có thể thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến.
– Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, có khá nhiều dư địa để tăng lãi suất mà không đe dọa thị trường lao động.
– Tuy vậy, quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng động thái tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ của Fed có thể sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế ở khu vực châu Á, dù nhiều nước châu Á có mức thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ cao hơn nhiều so với năm 2013. Cụ thể, rủi ro đến từ khối nợ của các nước châu Á đã tăng lên khá nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào năm 2007, châu Á chiếm khoảng 27% tổng số nợ toàn cầu. Tới năm 2021, châu Á chiếm gần 40% nợ toàn cầu.
– Fed của Powell cho thấy sự linh hoạt hơn so với các thời kỳ trước đó. Mặc dù hệ lụy của chính sách tiền tệ nới lỏng gây ra lạm phát cao, kinh tế quý IV của Mỹ tăng trưởng 6.9%, vượt xa dự báo 5.8% và phản ánh sự hiệu quả từ sự hỗ trợ kịp thời của Fed trong thời Covid-19. Hơn nữa, việc Fed đẩy nhanh quy mô mua lại tài sản từ quý IV đã dọn đường cho việc sẵn sàng tăng lãi suất một khi Fed cảm thấy lạm phát trở nên nguy hiểm. Việc chưa tăng lãi suất đồng thời cũng sẽ là bước đệm hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tiếp tục hấp dẫn trong quý I năm 2022.

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu tôm sang Mỹ dự báo tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2022
– Năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bắt đầu từ nửa cuối tháng 10, hoạt động chế biến dần phục hồi, xuất khẩu tăng trở lại và cả năm 2021 vẫn đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.
– Điểm sáng của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2021 là giữ được tăng trưởng khá tốt ở thị trường Mỹ trong suốt cả năm, đưa giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này năm 2021 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.
– Năm 2021, thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ tăng lên 13% từ mức tăng 11% năm 2020. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh số bán lẻ tại Mỹ duy trì tăng, nhu cầu nhà hàng, dịch vụ thực phẩm tại Mỹ phục hồi nhờ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ và chiến lược mở cửa sẽ giúp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục kéo dài đến quý I/2022.
– Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi khi dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ kiểm soát tốt hơn.
– Có thể thấy, cầu lương thực, thực phẩm nói chung và thủy hải sản nói riêng tại hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đang hồi phục trở lại khi hoạt động kinh tế xã hội phục hồi. Với lợi thế về vùng nguyên liệu, giá thành và các hiệp định FTA, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản nói chung và xuất khẩu tôm Việt Nam nói riêng có triển vọng tích cực trong năm 2022.

• Xuất khập khẩu của Việt Nam năm 2022 được dự báo tăng 13% – 15%, vượt mức kỷ lục năm 2021
– Theo số liệu Tổng cục Hải quan công bố, trong nửa đầu tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 27,55 tỷ USD, giảm 20,7% so với nửa cuối tháng 12/2021. Đặc biệt, những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh, trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm giảm 43,5%; điện thoại và linh kiện giảm giảm 39,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 42,2%; hàng dệt may giảm 28,5%.
– Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt gần 14,6 tỷ USD, giảm 9,2%. Trong đó, nhập khẩu dược phẩm giảm gần 69%; điện thoại các loại và linh kiện giảm hơn 16%; dầu thô giảm 51,5%.
– Sau khi cán cân thương mại thặng dư liên tục trong 2 tháng cuối năm 2011, trong 15 ngày đầu tiên của năm 2022, cán cân thương mại đã thâm hụt 1,64 tỷ USD.
– Mặc dù vậy, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại cho rằng, việc sụt giảm hoạt động ngoại thương chỉ là nhất thời. Năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam có rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 nên hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vượt kỷ lục vừa được thiết lập trong năm qua.
– Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực dự báo xuất khẩu năm 2022 sẽ đạt 372 – 380 tỷ USD, tăng 13 – 15%; nhập khẩu đạt 366 – 372 tỷ USD, tăng 11 – 13% so với năm 2021.
– Bên cạnh đó, kết quả khảo sát doanh nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng, khi 83,3% số doanh nghiệp cho biết, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng hoặc giữ nguyên như quý IV/2021.
– Theo đó, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới, tăng 13% – 15% so với năm 2021, giúp các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tiếp tục có dư địa hồi phục và tăng trưởng sau một năm khó khăn vì dịch bệnh.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Lọc hóa dầu Bình Sơn – Lợi nhuận sau thuế 2021 đạt 6.673 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với kế hoạch
– Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (HOSE: BSR) công bố quý 4 đạt 34.491 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 2.675 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2020.
– Lũy kế cả năm 2021, BSR đạt 101.079 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 74% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 6.673 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 2.858 tỷ đồng.
– Ban lãnh đạo cho biết diễn biến giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong năm 2021 tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong quý 4 và cả năm 2021. Bên cạnh đó, việc chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm trong những tháng cuối năm 2021 cũng góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR.
– Năm 2021, BSR lên kế hoạch tổng doanh thu 70.898 tỷ đồng, 870 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, Công ty đã vượt 43% chỉ tiêu doanh thu của năm và gấp tới 7,6 lần chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
– Hơn nữa, với triển vọng đến từ việc giá dầu tiếp tục tăng cao và nền kết quả kinh doanh quý I/2021 thấp, BSR và các doanh nghiệp ngành dầu khí ở Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi.

• Lợi nhuận Hòa Phát quý IV đạt 7.400 tỷ đồng, thấp nhất 3 quý
– Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông báo doanh thu quý IV/2021 đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 73% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 7.400 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. So với 2 quý trước, lợi nhuận quý cuối năm 2021 giảm 25-29%.
– Lũy kế năm 2021, tập đoàn ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65%; lợi nhuận sau thuế lần đầu chạm 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 156% với năm trước.
– Doanh nghiệp cho biết các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất – Quảng Ngãi, Hưng Yên đã hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Tập đoàn cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với 2020.
– Hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021 với 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
– Hòa Phát tiếp tục giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong top 5 nhà sản xuất lớn nhất với 8%.
– Với lĩnh vực chăn nuôi, tập đoàn cho biết đang dẫn đầu về sản lượng bò Úc tại Việt Nam, trứng gà sạch thì dẫn đầu thị trường miền Bắc với sản lượng khoảng 800.000 quả/ngày. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo tiếp tục mở rộng hoạt động.
– Về lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp tập trung mở rộng các khu công nghiệp hiện có, đồng thời đang nghiên cứu đầu tư một số dự án nhà ở, khu đô thị dịch vụ.
– Ngoài ra, tập đoàn cũng đang tập trung triển khai nhiều dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Dung Quất, nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa – Vũng Tàu, và nhà máy sản xuất hàng điện máy gia dụng tại Hà Nam. Những dự án này được kỳ vọng hoàn thành sẽ nâng tầm quy mô và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn cho Hòa Phát.

• Nhựa Bình Minh lãi 2021 thấp nhất sau hơn thập kỷ
– Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 9% và 3% so với cùng kỳ 2021 lên lần lượt 1.420 tỷ và 114 tỷ đồng, cải thiện hơn kết quả trong 3 quý đầu năm.
– Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng 13% lên 1.138 tỷ đồng, tương đương 80% doanh thu thuần. Theo đó, lãi gộp còn gần 282 tỷ, giảm 3%. Chi phí bán hàng giảm 36% về 83 tỷ đồng, song chi phí quản lý tăng vọt từ 3,5 tỷ lên 28 tỷ.
– Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp nhựa giảm 3% xuống 4.553 tỷ đồng. Kết quả thấp của 9 tháng đầu năm trước ảnh hưởng của dịch bệnh (trong đó quý III lỗ gần 26 tỷ) đã khiến lãi sau thuế cả năm của công ty giảm 59% xuống còn 214 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả lợi nhuận thấp nhất sau hơn thập kỷ hoạt động.
– Với kế hoạch doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, Nhựa Bình Minh chỉ thực hiện được lần lượt 88% chỉ tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
– Tổng tài sản tại ngày 31/12/2021 giảm 6% sau một năm về 2.846 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho, phần lớn là thành phẩm tồn kho và nguyên vật liệu gấp rưỡi thời điểm đầu năm lên hơn 621 tỷ đồng.
– Do kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, đặc biệt là quý III, năm 2022 sẽ được kỳ vọng là năm phục hồi của BMP khi nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ tăng dần trong bối cảnh đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng bất động sản tăng trở lại sau dịch bệnh.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 27/01/2022 với sức ép từ sắc đỏ của thị trường thế giới. Chỉ số khởi đầu với mức giảm hơn 6 điểm song cũng nhanh chóng thu hẹp đà giảm và giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên sáng ảm đạm, áp lực bán xuất hiện rõ rệt hơn trong phiên chiều. Gần về cuối phiên chỉ số VN-Index chậm rãi phục hồi từ đáy và kết phiên giảm 10.82 điểm, dừng tại mức 1,470.76 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, MSN, HPG là ba mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index trong phiên hôm nay. Ở chiều ngược lại, VNM bất ngờ đóng góp 2 điểm tăng cho chỉ số. Với HNX-Index, chỉ số phụ thuộc lớn vào diễn biến của cổ phiếu KSF, khi cổ phiếu này được kéo tăng hơn 9% gần cuối phiên. Qua đó giúp HNX-Index thoát khỏi phiên giảm sâu.
– Về nhóm ngành, ngành ngân hàng đang tạm thời hạ nhiệt khi các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời ngắn hạn với nhóm cổ phiếu này. Các mã có nhịp tăng tốt trước đó như VCB, CTG, ACB, BID… giảm với thanh khoản tương đối thấp. Ngược lại, các mã NVB, TPB và PGB đều có mức tăng tích cực song nhìn chung vẫn đang trong vùng giằng co và chưa thoát ra khỏi nền tích lũy.
– Với nhóm cổ phiếu bất động sản, dòng tiền vẫn có xu hướng dịch chuyển khỏi nhóm này. Cả nhóm kết phiên với 55 mã giảm và 23 mã tăng, trong đó số mã sàn tiếp tục xuất hiện những cái tên đã rơi mạnh trong thời gian vừa qua như DIG, LDG, QCG.
– Sắc xanh đã quay trở lại với các cổ phiếu chứng khoán trong ngày hôm nay khi cả nhóm có 21 mã tăng và chỉ 1 mã giảm, đặc biệt với các mã FTS và BSI tăng trần.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 27/1 mua ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 288 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 44 tỷ đồng.
– Khối lượng giao dịch trên cả hai sàn HOSE và HNX ngày càng suy giảm do kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán đã gần kề. Sau phiên 25/1 tăng 40 điểm, thị trường bước vào giai đoạn giằng co khi chạm mức kháng cự 1,480 điểm, kèm theo sự nghi ngờ và dè chừng của nhà đầu tư khi hiện tượng cổ phiếu giảm sàn chưa kết thúc. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này là hoàn toàn bình thường, tạo cơ hội cho dòng tiền cơ cấu sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang hình thành xu hướng giảm giá. Nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng nếu các nhịp rung lắc xảy ra và VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1,420 – 1,440 trong thời gian tới.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall