Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 27.10.2021 | Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh vốn đầu tư công

Nhận định Thị trường hàng ngày 27/10/2021    70143

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung Quốc có kế hoạch đặt ra giới hạn mới đối với giá than để khắc phục khủng hoảng năng lượng
– Ngày 26/10, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho biết, cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu đang nghiên cứu các kế hoạch về một “cơ chế hình thành giá để hướng dẫn sự ổn định lâu dài của giá than trong một phạm vi hợp lý”. Các quan chức đã tiến hành công việc để đánh giá chi phí sản xuất trung bình và giúp thiết lập tỷ lệ chuẩn.
– Giá than vật chất và hợp đồng tương lai than đã tăng mạnh từ khoảng đầu tháng trước khi Trung Quốc bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu điện, tác động đến các ngành công nghiệp chủ chốt và có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng. Hành động của các nhà chức trách để hạn chế mức tăng của giá than và giúp các thợ đào tăng nguồn cung đã có tác động tới thị trường và hợp đồng tương lai giảm khoảng một phần ba trong tuần qua.
– Hợp đồng than nhiệt hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu giảm tới khoảng 7,6% vào sáng thứ Ba (26/10) xuống 1.207 nhân dân tệ (189 USD)/tấn, mức giá trong ngày thấp nhất trong gần một tháng. Mặc dù vậy, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý ngày 25/10 rằng, giá than có thể tiếp tục tăng trong suốt thời gian còn lại của năm với lượng tồn kho vẫn ở mức thấp và nhu cầu cao điểm vào mùa đông đang đến gần, trước khi điều chỉnh vào quý I/2022.
– Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong nhiều năm do thiếu than. Các nhà phân tích cho biết rằng, trong khi Úc có lượng than mà Bắc Kinh cần, Trung Quốc cũng khó có thể sớm đảo ngược lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức từ Australia. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng mua than từ Úc. Điều đó xảy ra khi căng thẳng thương mại giữa hai nước tăng cao sau khi chính phủ Úc ủng hộ lời kêu gọi quốc tế điều tra Bắc Kinh về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Trước đó, Úc là nhà cung cấp than lớn cho Trung Quốc và khoảng 38% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc từ Úc trong năm 2019.

2. Thông tin Việt Nam

• Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng
– Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4, kéo dài nhiều tháng tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam không cản trở việc Việt Nam duy trì vị thế ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%…
– Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2021 dù giảm 0,8% so với tháng 8/2021 và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều nhà máy phía Nam dừng sản xuất, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành hàng xuất khẩu nhiều chục tỷ USD như da giày, dệt may, điện tử, máy móc thiết bị… vẫn duy trì mức tăng trưởng dương nhờ nỗ lực sản xuất và hoàn thành đơn hàng.
– Ngành thép được đánh giá là bội thu đơn hàng, đưa doanh thu xuất khẩu sắt thép trong 3 tháng gần đây vượt trên 1 tỷ USD/tháng. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu của ngành này đạt 8,23 tỷ USD, tăng 125,4% (tương ứng mức tăng thêm 4,582 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
– Là ngành hàng xuất khẩu đạt giá trị lớn nhất của cả nước, 9 tháng qua, điện thoại, linh kiện đã ghi nhận con số ấn tượng 41,326 tỷ USD về doanh thu từ xuất khẩu, tăng 12,4% so với cùng kỳ (tương đương mức tăng thêm 4,546 tỷ USD).
– Đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã làm gián đoạn kế hoạch mở rộng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức 2 con số trong 9 tháng năm 2021. “Ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn, nền kinh tế phải đóng cửa vì Covid-19, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cung ứng nhiều hàng hóa cho các thị trường lớn, trong đó có Mỹ”, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), ông Adam Sitkoff cho hay.
– Nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục, sau khi tiêm vắc-xin trên diện rộng, cùng với nhu cầu tăng mạnh của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản của Việt Nam. Vượt qua những trở ngại, Việt Nam đã tự tạo ra một vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu những năm gần đây, đồng thời tận dụng nhanh nhạy cơ hội xuất khẩu thông qua một loạt FTA đã đi vào thực thi.

• Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh vốn đầu tư công
– Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 7776/CĐ-VPCP điện các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Công điện nêu rõ tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
– Theo Công điện, ước đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.
– Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021.
– Đồng thời, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại bộ, cơ quan, địa phương. Thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Áp lực điều chỉnh tiếp tục xuất hiện trong phiên sáng 26/10 và kéo Index trở về quanh mốc hỗ trợ 1.380 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền một lần nữa nhập cuộc khá mạnh tại vùng giá này, tập trung chính vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó đáng kể là nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép, bất động sản trước khi dần lan toả tới các cổ phiếu vốn hoá nhỏ hơn như thuỷ sản, phân bón và mía đường. Nhờ đó, chỉ số VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh và kết phiên với hơn 6 điểm tăng, đóng cửa ở mức 1.391,63 điểm.
– Mặc dù vậy, mức thanh khoản lại sụt giảm nhẹ, điều này ngầm phản ánh tâm lý thị trường chưa đồng thuận và xu hướng lình xình đi ngang sẽ còn tiếp diễn trong các phiên còn lại của tháng 10.
– Sắc xanh nổi bật nhất với VN-Index là HPG, riêng cổ phiếu này đã góp gần 1,5 điểm tăng cho chỉ số. Theo sau HPG là các mã GAS, FPT, MBB và DIG đều là những mã có đóng góp tích cực nhất với VN-Index. Ở chiều ngược lại, VNM, MSN, SAB là những mã có tác động tiêu cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng chỉ 62 tỷ đồng, giảm 95% so với phiên trước, và đây cũng là phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp của khối ngoại sàn HoSE với tổng giá trị 4.700 tỷ đồng. NLG bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất với 88,5 tỷ đồng. VNM và VRE bị bán ròng lần lượt 51 tỷ đồng và 46 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG được mua ròng mạnh nhất với 67 tỷ đồng. VHC đứng sau với giá trị mua ròng là 29 tỷ đồng.
– Nhóm thủy sản là ngành tăng mạnh nhất thị trường trong phiên 26/10/2021. Nổi bật nhất trong nhóm là ANV khi đóng cửa mức giá trần. Các mã khác như VHC tăng mạnh 5,83%, CMX tăng 2,27%.
– Nhóm vận tải kho bãi, các cổ phiếu cảng biển có phiên giao dịch hết sức tích cực. Cụ thể, SGP bật tăng mạnh 6,6%, VSC tăng 5,2%, HAH tăng 4,4%. Bên cạnh đó nhóm ngành Thép, Xây lắp điện cũng tăng khá mạnh trong phiên hôm nay.
– Vùng hỗ trợ quanh 1.375-1.380 điểm đã cho thấy phản ứng và tạo điểm đỡ giúp chỉ số hồi phục như kỳ vọng. Dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và kiểm định lại ngưỡng kháng cự 1.400 điểm do các nhóm vốn hóa lớn có tính dẫn dắt như thép và bất động sản vẫn đang nhận được sự chú ý của dòng tiền. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1.380 – 1.400 điểm trong ngắn hạn, đặc biệt dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Trong giai đoạn chỉ số có nhiều biến động và dòng tiền có tính phân hóa cao như hiện tại, nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu đang hút dòng tiền trong ngắn hạn.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• DCM: Đạm Cà Mau lãi quý III gấp 3,7 lần cùng kỳ nhờ giá bán ure tăng 64%
– Sản lượng tiêu thụ trong kỳ giảm khiến giá vốn giảm nhưng giá bán tăng 64% giúp biên lợi nhuận gộp tăng mạnh. Đạm Cà Mau đạt lãi sau thuế 823 tỷ đồng, tăng 78% và vượt 300% kế hoạch năm.
– Đạm Cà Mau công bố BCTC hợp nhất quý III với doanh thu giảm 10% xuống 1.812 tỷ đồng. Giá vốn giảm đến 30% nên lợi nhuận gộp đạt 583 tỷ đồng, tăng 127%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 13% lên 32%.
– Doanh nghiệp cho biết sản lượng tiêu thụ trong kỳ giảm khiến giá vốn giảm 30%. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm phân bón cùng tăng cao, giá ure tăng hơn 64% khiến biên lợi nhuận gộp cải thiện. Doanh thu tài chính tăng 22,5% lên 40 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 59% xuống 4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 51%, chi phí quản lý tăng 12%.
– Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 377 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 14% lên 6.048 tỷ đồng; lãi ròng 819 tỷ đồng, tăng 78%. Doanh nghiệp vượt 300% kế hoạch lợi nhuận năm.
– Tại thời điểm cuối quý III, công ty phân bón có 3.412 tỷ đồng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, tăng thêm 1.100 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng từ 834 tỷ lên 1.446 tỷ đồng, khoản phải thu tăng 23% lên 268 tỷ đồng. Đạm Cà Mau giảm phân nửa nợ vay ngắn hạn xuống 340 tỷ đồng và giảm vay dài hạn từ 137 tỷ xuống 36 tỷ đồng.

• Chi phí dự phòng gấp đôi cùng kỳ, lãi quý III MBB tăng 28%
– Theo BCTC hợp nhất quý III, MB (HoSE: MBB) ghi nhận thu nhập lãi thuần 6.515 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 16%, lên 926,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng lần lượt 100% lên 356,5 tỷ đồng.
– Lãi từ hoạt động chứng khoán đầu tư và kinh doanh lần lượt 162% và 14%, ở mức 408 tỷ đồng và 486,4 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ hơn 8.700 tỷ đồng, tăng 29%.
– Chi phí hoạt động tăng 6,6% lên 3.024 tỷ đồng. Ngân hàng lãi trước trích lập 5.676 tỷ đồng, tăng 46%. Chi phí dự phòng hơn 1.778 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước, khiến lãi trước thuế tăng 29% ở mức 3.898 tỷ đồng.
– Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế 11.884 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 90% kế hoạch năm. Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng đạt 555.595 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2020. Cho vay khách hàng tăng gần 13% lên hơn 336.426 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro khách hàng tăng 70,4% đạt 7.418 tỷ đồng. Nợ xấu giảm 2% về 3.186 tỷ đồng, đưa tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ từ 1,09% về 0,95%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 102% lên 150%
– Tiền gửi khách hàng 343.949 tỷ đồng, cao hơn 10% so với đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá ở mức 35.018 tỷ đồng, tăng hơn 33%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 14.684 tỷ đồng, bên cạnh quỹ tổ chức tín dụng 6.347 tỷ đồng.

• Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) lãi ròng gần 480 tỷ đồng quý III, tồn kho tăng 56% sau một quý
– Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR), doanh thu quý III của doanh nghiệp đạt 17.697 tỷ đồng, lãi ròng 476 tỷ đồng; tăng lần lượt 94% và 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng, BSR đạt 66.588 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 63% và lãi ròng gần 4.021 tỷ đồng trong khi cùng kì năm ngoái lỗ ròng 4.063 tỷ đồng.
– Năm 2021, BSR lên kế hoạch tổng doanh thu 70.898 tỷ đồng, 870 tỷ đồng lãi sau thuế với giả định giá dầu bình quân chỉ 45 USD/thùng. Với 3.998 tỷ đồng lãi sau thuế sau 9 tháng, BSR đã vượt 459% mục tiêu lợi nhuận năm và đạt 94% kế hoạch doanh thu năm.
– Trong 9 tháng đầu năm nay, giá dầu thô liên tục tăng mạnh. Giá dầu Brent liên tục tăng từ gần 50 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 74,6 USD/thùng bình quân tháng 9/2021 đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất của BSR.
– Bên cạnh đó, quý III/2021 sản lượng tiêu thụ của BSR là hơn 1,11 triệu tấn sản phẩm, bằng 77% lượng sản xuất (1,45 triệu tấn) và cao hơn 20% so với lượng tiêu thụ năm ngoái cũng góp phần tạo ra sự chênh lệch lớn trong kết quả kinh doanh.
– Trong quý IV, sản lượng tiêu thụ của công ty có thể hồi phục về mức 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ và tăng 44% so với quý III khi tình trạng giãn cách được nới lỏng.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0