Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 27.10.2020 – Kinh tế Mỹ – Âu diễn biến trái chiều mùa dịch

Nhận định Thị trường hàng ngày 27/10/2020    542

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/10/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Chi tiêu ngân sách giữa mùa dịch tăng vọt, nợ công thế giới tăng đến 125% GDP

Giữa lúc các nước trên thế giới tăng cường chi tiêu tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong mùa dịch Covid-19, nợ công trên thế giới cũng phình to lên mức cao chưa từng thấy. Tỷ lệ nợ trên tổng sản lượng trong nước (GDP) của các nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức kỷ lục 125% trong năm 2021.

Để cân đối ngân sách, việc đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ quan trọng hơn là tăng thuế hoặc ban hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Bởi lẽ, về lâu dài, tăng trưởng GDP sẽ ảnh hưởng đến các khoản thu thuế.

Trong năm năm qua, các nước có mức tăng trưởng GDP cao đạt được sự gia tăng cao hơn về doanh thu thuế. Vương quốc Anh, vốn có nền kinh tế tăng trưởng hơn 20% trong giai đoạn này, đã hạ mức thuế doanh nghiệp nhưng khoản thu thuế lại tăng 25%.Các ví dụ tương tự có thể tìm thấy ở các nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế Đức tăng 19%, nhưng tăng trưởng thu nhập thuế là 24%. Tại Nhật Bản, nền kinh tế tăng trưởng 10% nhưng thu nhập thuế tăng 23%.

Kinh tế Mỹ – Âu diễn biến trái chiều mùa dịch

Hoạt động kinh tế ở Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm rưỡi. Các doanh nghiệp dự đoán nhu cầu lớn hơn, nới lỏng những hạn chế liên quan đến đại dịch và ít bất ổn hơn sau cuộc bầu cử vào tháng 11, các cuộc khảo sát của nhà quản lý mua hàng vừa ghi nhận.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp ở Mỹ đã tăng lên 55,5 điểm trong tháng 10, từ mức 54,3 trong tháng 9, mức cao nhất trong 20 tháng. Ở mảng dịch vụ, chỉ số này tăng lên 56 từ 54,6 điểm. Trong khi, PMI sản xuất đứng ở mức 53,3, tăng nhẹ so với 53,2 trong tháng 9. Chỉ số trên 50 điểm cho thấy hoạt động đang tăng lên, trong khi dưới 50 phản ánh sự suy giảm.

Bức tranh lại khác hơn ở châu Âu, nơi có sự gia tăng các ca bệnh mới dẫn đến những hạn chế mới đối với hoạt động kinh doanh. PMI tổng hợp của khu vực đồng euro đã giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 10, từ mức 50,4 trong tháng 9. Chỉ số tháng 10 cho thấy hoạt động kinh doanh đã giảm trong tháng đầu tiên kể từ tháng 6. Mặc dù tăng trưởng có thể sẽ trở lại nếu dịch bệnh bắt đầu giảm và các hạn chế giảm bớt, nhưng vẫn chưa rõ gián đoạn có thể kéo dài bao lâu và mất bao lâu để châu Âu trở lại mức sản lượng trước đại dịch.

2. Vĩ mô Việt Nam

Xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 – 2020 vượt mục tiêu 10% chiến lược đề ra

Theo Bộ Công thương, đến hết năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015 – 2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội lần thứ XII đề ra. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các quốc gia trong khu vực đều giảm so với những năm trước thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với nhập khẩu, trong cùng giai đoạn, tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015 – 2019 ở mức 11,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%), đạt mục tiêu chiến lược đề ra.

Nhìn chung, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018), 10,87 tỷ USD (năm 2019). Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2020, xuất siêu đạt 16,5 tỷ USD.

23.5 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 10 tháng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn giải ngân ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hai dự án có vốn điều chỉnh lớn trong 10 tháng là Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Thái Lan) – dự án FDI lớn thứ hai từ đầu năm đến nay – điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây Hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD còn Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với 2,17 tỷ USD. Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng đầu với 528 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 294 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 226 dự án, Hồng Kông đứng thứ 4 với 164 dự án…

Các nước gia tăng phòng vệ thương mại với Việt Nam

Trong báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực công thương vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ Công thương cho biết Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều trên thế giới. Các hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như nhôm, thép, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng…

Theo báo cáo, tính đến hết tháng 9, Bộ Công thương đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Trong 9 tháng qua, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019. Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Úc. 62% các vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Tuy nhiên, gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra PVTM với Việt Nam, với tỷ lệ đã tăng lên con số 20%.

Ông Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương), cho biết kể từ vụ việc đầu tiên hồi năm 2003 đến nay, các vụ việc bị khởi xướng điều tra đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng khoảng 12 tỷ USD.

Gói 16,000 tỷ đồng đã dễ tiếp cận hơn

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 154 và Quyết định 32 nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) dễ tiếp cận gói vay ưu đãi 16.000 tỉ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ).

Cụ thể, đối với DN có doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm đề nghị xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ được vay không tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho NLĐ. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 12-2020 theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng (NH) Chính sách Xã hội.

Bên cạnh việc Chính phủ tháo gỡ điều kiện để DN tiếp cận các gói hỗ trợ, nhiều NH thương mại cũng đang đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay nhằm giúp DN sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị cho mùa làm ăn cuối năm. Đặc biệt, các NH đang tích cực triển khai những biện pháp hỗ trợ người dân, DN các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả do mưa lũ theo yêu cầu mới đây của NH Nhà nước.