Podcast ngày 27.08.2021 | Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất
Nhận định Thị trường hàng ngày 27/08/2021 43325
Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/08/2021
1. Thông tin vĩ mô thế giới
• Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất
– Trong một tuyên bố đưa ra sau quyết định nâng lãi suất 0.25 điểm phần trăm lên 0.75%, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết sẽ “dần dần điều chỉnh” mức độ hỗ trợ cho nền kinh tế, trong đó xét tới diễn biến dịch bệnh Covid-19, sự mất cân bằng tài chính và các yếu tố khác. BOK giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhưng nâng dự báo lạm phát lên 2.1%, vượt mục tiêu đã đưa ra trước đó.
– Động thái này cho thấy trọng tâm của chính sách tiền tệ tại Hàn Quốc đã chuyển dịch từ hỗ trợ kinh tế sang kìm hãm bong bóng tài sản – được thổi phồng nhờ nợ – có nguy cơ rơi vào tình thế mất kiểm soát. Tác động từ động thái thắt chặt của BoK tới tăng trưởng và thị trường sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi các NHTW khác cũng đang dự định rút dần các gói kích thích.
– BoK dự báo kinh tế tăng trưởng 4% trong năm nay. Điều này thể hiện họ không mấy lo ngại về tác động từ đợt bùng phát dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch gần đây.
– Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc phần lớn vẫn đứng vững giữa đợt bùng phát của biến chủng Delta trong và ngoài nước. Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng cho tới nay, niềm tin doanh nghiệp cải thiện và người tiêu dùng lạc quan. BoK kỳ vọng lượng tiêu thụ sẽ cải thiện khi quá trình tiêm chủng được đẩy nhanh và có thêm sự hỗ trợ về ngân sách, trích từ tuyên bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc.
– Trong khi đó, các nhà quyết sách ngày càng cảm thấy lo ngại về khả năng sự mất cân bằng tài chính gây rối loạn nền kinh tế. Nợ hộ gia đình tăng trưởng nhanh chưa từng thấy, qua đó thúc đẩy thị trường nhà ở vốn đã quá nhiệt và các tài sản khác.
– Hàn Quốc là nước đi đầu tại châu Á trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2017, sau hàng loạt đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
• Reuters: Lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu có thể giảm trong quý 3
– Theo ước tính của Reuters, lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu trong quý 3/2021 có khả năng giảm lần đầu tiên trong 18 tháng sau mức lợi nhuận cao kỷ lục trong quý trước đó. Điều này là do biến chủng Delta làm chuỗi cung ứng bị siết chặt lại và chi phí lao động siết chặt.
– Các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ và việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong quý 2/2021, và các công ty đang phải đối mặt với vấn đề nguồn cung bị gián đoạn và lượng hàng dự trữ giảm buộc các công ty phải đẩy giá tăng lên để bù đắp cho chi phí đầu vào tăng.
– Theo phân tích của Reuters trên dữ liệu của Refinitiv, điều này đã giúp thúc đẩy tổng lãi ròng của 2,542 công ty có giá trị vốn hóa thị trường ít nhất một tỷ USD trên toàn cầu lên mức kỷ lục 734 tỷ USD trong quý kết thúc vào tháng 6/2021. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này ước tính sẽ giảm 8% xuống mức 678.2 tỷ USD trong quý 3/2021.
– Sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 7/2021, do dịch Covid-19 bùng phát và lũ lụt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, tăng trưởng hoạt động kinh doanh của Mỹ chậm lại trong tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 8/2021.
– Bên cạnh đó, tình trạng thiếu chip kéo dài nhiều tháng qua khiến các nhà sản xuất ôtô phải cắt giảm sản lượng và các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải tiết kiệm chip cho các mẫu điện thoại được ưa chuộng. Tuy nhiên, tình trạng này đang từng bước trở thành cuộc khủng hoảng mới khi số ca mắc Covid-19 gia tăng ở các nước châu Á, vốn là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.
2. Thông tin Việt Nam
• 8 tháng đầu năm, hơn 19 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam
– Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020.
– Trong đó, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (giảm 36,8% về số dự án) với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD (tăng 16,3% so với cùng kỳ về số vốn đăng ký). Ngoài ra, 639 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 11%) nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm vẫn tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ (đạt gần 5 tỷ USD). Trong khi đó, có 2.720 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 43,4%), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (cũng giảm 43,4% so với cùng kỳ).
– Trong 8 tháng đầu năm 2021, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong 7 tháng (tăng 2,3%). Vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2020 và đạt mức tăng mạnh hơn so với 7 tháng đầu năm (tăng 16,3%).
– Tuy số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng 36,8% và 11%) song mức độ giảm cũng đang được cải thiện dần. Trong đó, việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 8 tháng năm 2021.
– Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD và trên 734 triệu USD.
– Về địa bàn thu hút vốn FDI, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 85,8% tổng vốn đầu tư của Long An). TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 3 với gần 1,7 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội.
– Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án mới (34%), trong đó số lượt dự án điều chỉnh (18,3%) và góp vốn mua cổ phần (59,8%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút FDI trong 8 tháng, song xếp thứ 2 về số dự án mới (21,5%), số lượt dự án điều chỉnh (14,2%) và góp vốn mua cổ phần (12,1%).
• World Bank: Việt Nam vẫn duy trì vị thế tích cực nhờ tăng dự trữ ngoại hối nhưng cán cân thương mại đang xấu đi trong tháng 7
– Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các chuyên gia đánh giá về khu vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên trong nửa đầu năm.
– Cụ thể, Việt Nam tích lũy được 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 do cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư. Đồng thời, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) vẫn tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2021, sau khi giảm 7,3% từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021.
– Tuy nhiên, World Bank cũng lưu ý cán cân vãng lai đã chuyển từ thặng dư 0,6 tỷ USD trong quý I xuống thâm hụt khoảng 4,6 tỷ USD trong quý II. Mức giảm trên chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh. Cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ tiếp tục tác động tiêu cực đến tài khoản vãng lai do đóng cửa biên giới với hầu hết du khách quốc tế.
– Đáng chú ý, cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang thâm hụt trong nửa đầu năm 2021 và xấu đi trong tháng 7 sau khi ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục vào năm 2020.
– Cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận thâm hụt khoảng 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, sau đó tụt sâu xuống 2,4 tỷ USD trong tháng 7. Trong nửa đầu năm, xu hướng xấu đi này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhập khẩu (tăng 36,3%), cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (29%).
– World Bank cho biết Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ban hành các gói hỗ trợ trong nửa đầu năm 2021. Khi các động lực tăng trưởng đã được củng cố, chính sách tiền tệ sẽ trở lại vị thế trung lập từ năm 2022.
– Mới đây, ngày 19/7, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề tiền tệ. Việt Nam cam kết không phá giá tiền đồng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế, cũng như minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.
3. Nhịp đập thị trường chứng khoán
• Thị trường hồi phục trong sự thận trọng
– Hiện tượng “đầu xanh, đuôi đỏ” xuất hiện khi VN-Index tăng điểm từ đầu phiên 26/08/2021, tuy nhiên dưới áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu Blue-chips khiến chỉ số VN-Index giảm hơn 8 điểm khi kết thúc giao dịch tại ngưỡng 1.301 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục xu hướng giảm, phiên 26/8 giá trị khớp lệnh trên sàn HSX chỉ còn hơn 16,710 tỷ đồng từ mức hơn 24,700 tỷ đồng ở phiên đầu tuần.
– Lực bán quay lại trong phiên chiều đặc biệt là nhóm Ngân hàng là tác nhân khiến chỉ số sàn HOSE điều chỉnh mạnh, cụ thể CTG (-3%), BID (-2.2%), TPB (-2.3%), ACB (-1.5%). Ngược lại, GVR, MWG, POW, SAB, VNM, VRE có sắc xanh tăng nhẹ.
– Điểm sáng trong phiên 26/8 là nhóm cổ phiếu Phân bón (DPM, DCM, LAS, BFC) và Cảng biển (GMD, HAH) đi ngược thị trường với biên độ tăng mạnh.
– Khối ngoại bán ròng gần 375 tỷ đồng toàn thị trường trong đó tập trung ở các cổ phiếu như VHM (208 tỷ), CTG (85 tỷ), HPG (48 tỷ). Ở chiều ngược lại, họ mua ròng tại MBB (83 tỷ), VNM (43 tỷ), E1VFVN30 (22 tỷ).
– Nhịp phục hồi yếu hơn dự kiến khá nhiều. Sự thận trọng quá mức từ phía mua và không có cổ phiếu Blue-chips làm nền tảng giữ nhịp khiến thị trường bị bán trở lại trong phiên chiều. Đặc biệt là nhiều cổ phiếu Ngân hàng đều đang giao dịch khá yếu và gần các vùng đáy ngắn hạn quan trọng. Việc suy yếu nhanh của nhóm Blue-chips cho thấy xu hướng giảm sẽ chưa kết thúc. Phiên giao dịch 26/8 cho thấy phiên 25/8 thuần túy chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong xu thế giảm giá. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số VN-Index nằm quanh 1290-1295 điểm. Nhà đầu tư vẫn đang nắm tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng và chưa vội mua mới cổ phiếu ở thời điểm này.
4. Tin doanh nghiệp niêm yết
• Hòa Phát và Hoa Sen chiếm quá nửa thị phần ống thép
– Tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tiêu thụ 143.500 tấn ống thép, giảm khoảng 10.000 tấn so với tháng 6. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp sản lượng bán hàng ống thép đi xuống và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ tháng 7 giảm 41%.
– Bán hàng nội địa đạt gần 124.000 tấn, chiếm 86% tổng tiêu thụ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và nhiều địa phương tăng cường giãn cách, nhu cầu ống thép cho xây dựng trong nước sụt giảm, kéo theo tổng tiêu thụ liên tiếp đi xuống.
– Lũy kế 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nước ta đã bán ra gần 1,39 triệu tấn ống thép, nhích lên 2,2% so với cùng kỳ 2020 chủ yếu nhờ kết quả tích cực của các tháng 3 và 4 khi dịch COVID-19 đợt 3 đã được kiểm soát còn đợt 4 chưa lan rộng.
– Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiếp tục dẫn đầu với thị phần hơn 30%, tương đương với sản lượng 419.300 tấn. Theo sau là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) với thị phần 21,3%, tương ứng gần 296.000 tấn, theo sau là Minh Ngọc và Nam Kim.
– Trong năm 2021, Hòa Phát dự kiến đạt sản lượng khoảng 920.000 tấn ống thép, tăng trưởng 9% so với năm ngoái; doanh thu phấn đấu xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tăng 25%. Sau 7 tháng, công ty đã thực hiện 45,6% kế hoạch sản lượng cả năm.
– Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát hiện nay có 6 nhà máy ở ba miền với các dòng sản phẩm chính gồm ống thép đen hàn có đường kính tối đa 325 mm độ dày 12 mm, ống thép tôn mạ kẽm, ống thép mạ nhúng nóng, tôn cuộn mạ kẽm.
– Trong 7 tháng đầu năm, Hòa Phát đã xuất khẩu 18.560 tấn ống thép và 104.368 tấn tôn mạ. Các con số tương ứng của Hoa Sen là 27.468 tấn và 737.392 tấn.
Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia
———–
Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY
———–
- DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
- Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0
- Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0