Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 27.05.2021 Ngân hàng Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ Châu Á

Nhận định Thị trường hàng ngày 27/05/2021    7714

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế Trung Quốc mất dần đà phục hồi vì giá hàng hóa tăng
– Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc suy giảm phần nào trong tháng 5 do giá nguyên vật liệu thô tăng bóp nghẹt lợi nhuận, các doanh nghiệp thận trọng hơn và doanh số bán xe hơi, bất động sản hạ nhiệt. Đó là triển vọng của chỉ số tổng hợp được Bloomberg theo dõi. Chỉ số tổng hợp này giảm so với tháng 4 nhưng vẫn ở vùng tăng trưởng, chủ yếu nhờ lực cầu xuất khẩu.
– Chỉ số tổng hợp gồm 8 chỉ số thành phần về thị trường chứng khoán, doanh số nhà ở tại 4 thành phố cấp 1 (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến), tồn kho thanh cốt thép, giá đồng, xuất khẩu của Hàn Quốc, lạm phát nhà sản xuất, niềm tin của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh số xe hơi. Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đang giảm dần nhưng vẫn ở phía tăng.
– Sự tự tin trong nhóm SME giảm trong tháng 5 sau khi lên cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng trước, theo kết quả khảo sát 500 công ty do Standard Chartered thực hiện. Các SME lo ngại về lực cầu tương lai và biên lợi nhuận.
– Giá vật liệu thô tăng dường như là thách thức chính của SME”, kinh tế gia Lan Shen và Ding Shuang của Standard Chartered nhận định. “Các SME tập trung vào nội địa có vẻ dễ tổn thương hơn vì chi phí đầu vào tăng trong khi SME tập trung vào xuất khẩu vẫn có biên lợi nhuận không bị ảnh hưởng nhờ số đơn đặt hàng mới tăng và giá đầu ra tăng”.
– Giá hàng hóa tăng đẩy chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc lên cao kỷ lục trong tháng 5, theo Bloomberg Economics. Giá đồng và quặng sắt cũng lập đỉnh, dù đà tăng có phần chững lại hai tuần qua do Bắc Kinh tăng cường nỗ lực kiểm soát giá, ngăn lạm phát.
– Thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc, chỉ số CSI 300 trong tuần lên cao nhất kể từ tháng 3. Tuy nhiên, doanh số bán nhà tháng 5 giảm, dấu hiệu cho thấy nỗ lực kiểm soát rủi ro bất động sản từ nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu có tác động. Thước đo doanh số xe hơi cũng đi xuống.
– Covid-19 đã đem lại một cơ hội quý báu cho DN Việt Nam. Khi thế giới đã nhận thức ra về mối nguy hiểm về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất theo chuổi giá trị toàn cầu (global value chains), từ vật tư y tế và máy thở đến iPhone, người mua và nhà đầu tư trên khắp thế giới đang và sẽ tìm kiếm các địa điểm sản xuất ở ngoài Trung Quốc. Việt Nam có một cơ hội bằng vàng để chứng tỏ mình là một địa điểm sản xuất tốt nhất trong chuyện này.
• Các doanh nghiệp Trung Quốc giảm sản xuất thép vì lợi nhuận đi xuống
– Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) giảm sản lượng thép thô giữa tháng 5 vì giá thép hạ nhiệt và lợi nhuận đi xuống.
– Các thành viên thuộc CISA sản xuất trung bình 2,379 triệu tấn/ngày trong khoảng thời gian từ 11/5 đến 20/5, giảm 1,59% so với 2,418 triệu tấn/ngày trong khoảng thời gian từ 1/5 đến 10/5. Sản lượng 10 ngày giữa tháng 5 tuy thấp hơn so với 10 ngày sau nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái 14,4%.
– Sản lượng thép ở Trung Quốc giảm sau khi Bắc Kinh ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng này. Ngày 13/5, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về tình trạng giá thép tăng cao và cơ quan chức năng đã có cuộc gặp với các hiệp hội, tổ chức liên quan đến thép trong tuần này.
– Giá phôi thép xuất xưởng ở Đường Sơn, thủ phủ thép của Trung Quốc, giảm 14,7% xuống 4.920 nhân dân tệ/tấn (768 USD/tấn) vào ngày hôm qua từ mức cao kỷ lục 5.770 nhân dân tệ/tấn (900 USD/tấn) vào ngày 12/5. Giá thép cây xuất kho tại Thượng Hải giảm 18,6% xuống 4.900 nhân dân tệ/tấn (765 USD/tấn) so với cùng kỳ, thấp hơn giá phôi ở Đường Sơn. Biên lợi nhuận của một số nhà máy thép cây giảm xuống 0, một thương nhân ở miền đông Trung Quốc cho biết.
– Biên lợi nhuận của nhà máy phôi thép tại Đường Sơn giảm mạnh, từ mức 104 USD/tấn trong 10 ngày đầu của tháng 5 xuống còn 43 USD/tấn trong 10 ngày giữa tháng 5.
– Chiến dịch giảm sản lượng và tốc độ sản xuất của Trung Quốc được cho là sẽ góp phần hạ nhiệt thị trường quặng sắt, giúp giá thép bình ổn hơn. Ngoài ra, do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắt thép lớn nhất của Việt Nam nên xuất khẩu thép Việt sẽ hưởng lợi khá nhiều khi ngành thép nước này kiểm soát sản lượng. Tuy nhiên, nhu cầu thép trong nước của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2022 và tiếp tục giảm khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bớt phụ thuộc vào các ngành công nghiệp nặng và hướng tới phục hồi ngành dịch vụ. Khi đó, giá thép trong nước sẽ giảm ở Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung.

2. Thông tin Việt Nam

Ngân hàng Việt ở đâu trên bản đồ châu Á
– Hai năm trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Triển khai chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội thảo nhằm hiện thực hóa các mục tiêu được Thủ tướng phê duyệt của ngành ngân hàng, lấy năm 2020 và 2025 làm cột mốc.
– Một trong những chỉ tiêu được nêu là đến cuối năm 2020, ít nhất 1-2 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á và trong 5 năm tiếp theo nâng con số này lên 2-3 ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng đặt mục tiêu niêm yết 3-5 ngân hàng trên thị trường chứng khoán nước ngoài đến năm 2025.
– Cột mốc 2020 đã đi qua. Mục tiêu của cơ quan đầu ngành ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện, dù các chỉ tiêu tài chính của nhiều tổ chức tín dụng đã cải thiện. Theo bảng xếp hạng 500 ngân hàng lớn nhất châu Á của The Asian Banker, không có nhà băng nào của Việt Nam nằm trong top 100 về tổng tài sản, theo số liệu 30/6/2020. Trong khi đó, đơn vị xếp hạng cao nhất của ngân hàng Việt Nam là Agribank, dù tăng 6 bậc so với cuối 2019, vẫn đang dừng ở vị trí 136, với tổng tài sản 63,2 tỷ USD, tăng 8,5%. Vị trí tiếp theo là BIDV xếp thứ 138, giảm 1 bậc dù tổng tài sản 62,2 tỷ USD, tăng 3,3%. Hai vị trí tiếp theo đều đến từ các ngân hàng quốc doanh VietinBank và Vietcombank lần lượt xếp thứ 162 và 168, giảm 9 bậc và 2 bậc so với cuối năm 2019. Ở nhóm dưới, các ngân hàng thương mại tư nhân đều có bước tiến nhanh trong bảng xếp hạng. Đơn cử, Saigonbank tăng 44 bậc từ vị trí 295 lên 251 với tổng tài sản 25,8 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước. Sacombank cũng tăng 47 bậc lên vị trí 288 với tài sản 20,7 tỷ USD. MB tăng 40 bậc, VPBank tăng 57 bậc, ACB tăng 53 bậc…
– Dù trong nửa cuối 2020, tổng tài sản của các ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng nhưng mục tiêu lọt vào top 100 nhà băng có tổng tài sản lớn nhất châu Á vẫn xa.
– Với quy mô của các ngân hàng quốc doanh, những đơn vị này là nhóm trọng tâm nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu của NHNN. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của các đơn vị này lại chậm hơn so với nhóm ngân hàng tư nhân. Điều này khiến các ngân hàng không thể nâng vị trí trong bảng xếp hạng top 500 châu Á. Nguyên nhân chủ yếu do sự khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ tại nhóm Agribank, BIDV, VietinBank – 3 đơn vị dẫu đầu về tổng tài sản của Việt Nam. Trong khi nhóm tư nhân có nhiều “cửa” để tăng vốn điều lệ, nhóm quốc doanh lại bị hạn chế khi chia cổ tức bằng cổ phiếu và giới hạn về sở hữu tối thiểu của Nhà nước… Cuối năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015 ngày 13/10/2015 về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nhóm ngân hàng được thêm vào danh sách các lĩnh vực cho phép đầu tư bổ sung vốn Nhà nước, áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Điều chỉnh trên là cơ sở pháp lý để VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao hệ số an toàn vốn.
– Trong năm 2021, nhiều ngân hàng có kế hoạch nâng vốn điều lệ. Một số nhà băng dự kiến có vốn điều lệ tăng mạnh có thể điểm tới như ABBank tăng 65%, MB lên kế hoạch tăng 40%, VietinBank sẽ tăng chia cổ tức 2017-2019 tỷ lệ 28,8%, dự kiến chi cổ tức 2020 tỷ lệ 12% trong trường hợp đã tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017-2018 hoặc 17% trường hợp chưa hoàn thành. VPBank có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng năm 2022, từ mức 25.300 tỷ đồng hiện nay.
– Việc tăng vốn thành công sẽ là cơ sở để các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng trưởng tín dụng mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định của NHNN, từ đó nâng quy mô tổng tài sản.
• Cán cân thương mại thâm hụt gần 2 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5
– Tổng cục Hải quan vừa thông tin kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 5 đạt gần 12 tỷ USD, giảm hơn 14%, tương đương 1,9 tỷ USD so với kỳ hai tháng 4.
– Kim ngạch xuất khẩu giảm ghi nhận ở một số nhóm mặt hàng, trong đó máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm mạnh nhất, hơn 26%, tương đương giảm 416 triệu USD. Tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện, giảm 13%, tương đương giảm 260 triệu USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 9,4% tương đương 194 triệu USD.
– Tính từ đầu năm đến 15/5, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 117 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tăng gần 27,6 tỷ USD. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng gần 77%, tương đương 5,8 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng hơn 30%, tương đương hơn 4,1 tỷ USD. Điện thoại các loại & linh kiện tăng hơn 21%, tương đương hơn 3,5 tỷ USD so với cùng kỳ 2020.
– Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong nửa đầu tháng 5 đạt 8,7 tỷ USD, giảm hơn 14%, tương đương hơn 1,4 tỷ USD so với kỳ hai tháng trước. Tính đến hết ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt hơn 87 tỷ USD, tăng hơn 37%, tương đương gần 23,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 75% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
– Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hơn 13,8 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5, tăng 0,5%, tương đương 73 triệu USD so với nửa cuối tháng 4. Việc nhập khẩu tăng tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng gần 10%, tương đương 188 triệu USD. Vải tăng gần 8% tương đương 56 triệu USD. Trong khi đó, một số nhóm mặt hàng ghi nhận kim ngạch nhập khẩu giảm như hạt điều giảm gần 51%, tương đương 168 triệu USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm gần 5%, tương đương 137 triệu USD. Dầu thô giảm hơn 49%, tương đương 126 triệu USD.
– Tính từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 117,2 tỷ USD, tăng 34%, tương đương gần 39 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
– Kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI nửa đầu tháng 5 đạt gần 8,9 tỷ USD, giảm 1,1%, tương đương 103 triệu USD so với kỳ 2 tháng 4. Tổng kim ngạch nhập khẩu tính đến 15/5 của khu vực này đạt gần 76,5 tỷ USD, tăng gần 37%, tương đương gần 21 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
– Nhìn chung, cán cân thương mại thâm hụt 1,93 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5 và thâm hụt 353 triệu USD tính từ đầu năm đến 15/5.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Thế giới Di động (MWG): Lợi nhuận 4 tháng đầu năm tăng 26% lên 1.691 tỷ đồng, Điện Máy Xanh sẽ bán thêm xe đạp từ tháng 5/2021
– So với kế hoạch cả năm, 4 tháng Thế giới Di động (MWG) đã thực hiện được 32% chỉ tiêu doanh thu và 36% chỉ tiêu lợi nhuận.
– CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 4/2021 và 4 tháng đầu năm. Ghi nhận, doanh thu tháng 4 của MWG tăng trưởng 6%, lợi nhuận tương ứng tăng 4% so với tháng 3 liền trước, do bắt đầu vào mùa cao điểm bán hàng điện lạnh và tiêu thụ hàng tiêu dùng cũng tăng trở lại sau Tết.
– Lũy kế 4 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 40.449 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 1.691 tỷ đồng, tăng 26%. So với kế hoạch cả năm, 4 tháng Công ty đã thực hiện được 32% chỉ tiêu doanh thu và 36% chỉ tiêu lợi nhuận.
– Trong đó, doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) tăng trưởng 5% và 3% so với cùng kỳ năm trước, khởi sắc trở lại sau khi giảm nhẹ trong quý 1/2021. Chi tiết: Điện thoại ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 2 chữ số nhờ sự đóng góp lớn đến từ các sản phẩm Iphone; Nhóm điện lạnh và gia dụng duy trì đà tăng trưởng tích cực; Với hơn 850 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, ngành hàng này mang về cho Công ty hơn 670 tỷ đồng từ khoảng 540.000 sản phẩm bán ra, tương đương mức tăng trưởng 50% về doanh số và 100% về sản lương so với 4 tháng đầu năm 2020; Doanh thu máy tính xách tay giảm so với cùng kỳ do nền so sánh cao đột biến trong tháng 4/2020; Sản phẩm điện tử tiếp tục ghi nhận sức cầu yếu do các hoạt động thể thao lớn chưa được tổ chức.
– Đến cuối tháng 4 năm nay, ĐMX Supermini (ĐMS) có 473 cửa hàng, trong đó, 63 cửa hàng mở mới ngay trong tháng này. ĐMS đóng góp hơn 1.760 tỷ đồng doanh thu lũy kế sau 4 tháng, chiếm 8% doanh thu của chuỗi ĐMX.
– Trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu, MWG cho biết họ đang chủ động tăng tồn kho các sản phẩm công nghệ – điện máy để tránh rủi ro thiếu hàng. Từ tháng 5/2021, Công ty sẽ bắt đầu thử nghiệm kinh doanh thêm ngành hàng xe đạp tại một số cửa hàng ĐMX, cùng với đó là triển khai mô hình đại lý – cộng tác với các cửa hàng nhỏ lẻ để phát triển thị trường tại những địa bàn không đủ nhu cầu để mở TGDĐ và ĐMX (ngay cả mô hình siêu nhỏ ĐMS).
– Cuối cùng, mảng Bách Hoá Xanh (BHX), bức tăng trưởng doanh thu của MWG trong những tháng đầu năm được đóng góp chủ yếu bởi chuỗi này. 4 tháng đầu năm, BHX ghi nhận doanh thu hơn 8.000 tỷ, tăng 31% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 4, doanh thu BHX tăng 9% so tháng 3 liền trước và tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng 4 đạt xấp xỉ 1,2 tỷ đồng.
– Biên lợi nhuận gộp của BHX sau hủy hàng và mất mát tháng 4/2021 là 26%, tăng 0,5% so với mức trung bình quý 1 trước đó. BHX hướng đến mục tiêu biên lợi nhuận gộp 27% vào cuối năm nay thông qua việc thương thảo các điều khoản thương mại mới với các nhà cung cấp hàng FMCGs và đẩy mạnh đóng góp của nhóm nhãn hàng riêng, hàng nhập khẩu và độc quyền phân phối từ mức hơn 10% hiện tại lên khoảng 20% doanh thu FMCGs vào cuối năm.
– Bên cạnh đó, BHX cũng bắt đầu triển khai các giải pháp tăng năng suất lao động từ cuối quý 1 vừa qua. Thử nghiệm này đang tạo ra kết quả ban đầu giúp năng suất lao động của nhân viên tăng hơn 20% so với mức đầu năm.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ