Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 27.04.2021 – Thị trường cần một nhịp nghỉ trong quý II

Nhận định Thị trường hàng ngày 27/04/2021    723

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 27/04/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

• Khủng hoảng chip có thể kéo lùi tăng trưởng, đẩy cao lạm phát ở Mỹ

Tăng trưởng kinh tế có thể giảm tốc và lạm phát có thể tăng lên ở Mỹ do tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện bán dẫn (con chip) đang diễn ra trên toàn cầu – một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng chip này, bao gồm nhu cầu tăng vọt và các nút thắt cổ chai về nguồn cung các sản phẩm chip dùng cho mọi mặt hàng từ ô tô cho tới TV và màn hình máy tính. Chưa kể, các nhà sản xuất sử dụng con chip cho sản phẩm của mình còn phải tích trữ lượng chip đủ dùng trong vài tháng, phong trường hợp nguồn cung gián đoạn.

Với vai trò của con chip trong các hoạt động kinh tế Mỹ, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chip có thể gây ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo cáo trên, trong phần lớn thời gian của năm 2021, khan hiếm con chip sẽ trở thành một loại “thuế lạm phát”, kéo theo giá cả tăng tới 3% ở những mặt hàng bị ảnh hưởng. Vì vậy, lạm phát ở Mỹ có thể tăng thêm tới 0,4 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm. Các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng thiếu chip có thể khiến các hoạt động kinh tế Mỹ giảm 0,5-1%.

Đánh giá: Chúng tôi nhận thấy tình trạng thiếu cung chip có ảnh hưởng tương đối khiêm tốn đến tăng trưởng GDP và lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng này là một lý do nữa để tin rằng lạm phát lõi ở Mỹ sẽ ở mức khá cao trong năm nay. Khủng hoảng chip khó có thể khiến kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo tăng bùng nổ trong năm nay.

• Nguồn cung thế giới thắt chặt, giá hàng loạt nông sản lập đỉnh 7 – 8 năm

Giá ngô tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago hôm nay tăng 1,5% lên 6,42 USD/bushel vào 2h51 GMT (9h51 giờ Hà Nội), có lúc chạm 6,49 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2013. Giá lúa mỳ có lúc chạm 7,32 USD/bushel, cao nhất kể từ  tháng 5/2014. Giá đậu tương tăng 0,6% lên 15,24 USD/bushel sau khi chạm 15,4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2013.

“Giá ngô đang dẫn dắt thị trường bởi có lo ngại về nguồn cung trong khi lực cầu mạnh”, một nhà giao dịch ngũ cốc chăn nuôi tại Singapore nói. “Giá ngô kéo giá lúa mỳ và đậu tương tăng theo”. Tình trạng khô hạn ở Brazil và thời tiết lạnh tại Mỹ làm gia tăng lo ngại về nguồn cung tại hai nền kinh tế xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, tồn kho từ vụ thu hoạch năm 2020 giảm dần còn lực cầu từ Trung Quốc gia tăng.

Ước tính 85% lúa mỳ tại Pháp vẫn trong điều kiện tốt hoặc rất tốt trong tuần kết thúc ngày 19/4, giảm so với tỷ lệ 86% và 87% của hai tuần trước đó, số liệu từ văn phòng nông nghiệp FranceAgriMer ngày 23/4. Trong khi đó, nhà chức trách Argentina – nước xuất khẩu ngô số 3 thế giới, hàng đầu về thức ăn chăn nuôi – đang cân nhắc tăng thuế nhập khẩu ngũ cốc.

Đánh giá: Giá của rất nhiều loại hàng hóa tăng liên tiếp, báo hiệu một siêu chu kỳ hàng hóa đang tới gần

2. Tin Việt Nam

• Bộ trưởng Y tế: ‘Đợt dịch sau thường tàn khốc hơn lần trước’

Điều lo lắng khi dịch xâm nhập là các biến chủng kép nCoV tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia. Đây là những biến chủng được cho là mang ít nhất hai đột biến (còn gọi là đột biến kép) có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, tử vong nhiều hơn so với các biến chủng trước. Do đó khi lây nhiễm cộng đồng, từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn rất nhanh chóng.

“Tình hình lây nhiễm hiện nay trên thế giới cho thấy tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước”, ông Long đánh giá. Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Nguy cơ lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam hiện hữu, cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác. “Ngành y tế đã chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam bộ”, Bộ trưởng nói.

Đánh giá; Sắp tới là một kỳ nghỉ lễ lớn của Việt Nam, sự dịch chuyển diễn ra khá lớn đến từ nhu cầu du lịch lịch nghỉ dưỡng, đây là một yếu tốt khiến tình hình dịch có nguy cơ lây nhiếm cao, và khó kiểm soát. Vì vậy chúng ta cần có sự cảnh giác đề phòng cao độ

 

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

Techcombank báo lãi trước thuế hơn 5.500 tỷ đồng trong quý 1/2021, tăng 77% so với cùng kỳ

Thu nhập lãi thuần quý 1/2021 của Techcombank tăng 45,5% chủ yếu nhờ chi phí vốn giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tiếp tục xuống thấp kỷ lục. Quý đầu năm 2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.518 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mảng kinh doanh của Techcombank có lãi tăng mạnh trong quý 1 năm nay. Trong đó mảng thu nhập lãi thuần tăng 45,5% so với cùng kỳ, đạt 6.123 tỷ đồng. Mức tăng trưởng ấn tượng này có được chủ yếu nhờ chi phí vốn giảm mạnh.

Tiền gửi khách hàng của Techcombank tăng 3,6% trong 3 tháng đầu năm. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sụt giảm nhẹ so với đầu năm (46%), nhưng vẫn ở mức cao nhất toàn ngành, đạt 44%. Với lợi thế tỷ lệ CASA cao giúp TCB có chi phí huy động vốn thấp giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Nợ xấu tại ngày 31/3/2021 của Techcombank là 1.135 tỷ đồng, giảm 12,4% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Techcombank chỉ còn 0,38%, giảm so với mức 0,47% hồi đầu năm. Điều này giúp TCB trở thành một trong những ngân hang có chất lượng tài sản tốt nhất toàn hệ thống tại thời điểm hiện tại.

Theo chúng tôi, TCB là một ngân hàng có lợi thế cạnh tranh vượt trội không chỉ so với các ngân hàng trong hệ thống Việt Nam mà còn so với khu vực. Chúng tôi cho rằng TCB có nhiều khả năng chiếm lĩnh vị trí số 2 của CTG trong 1-2 năm tới và vị trí số 1 của VCB trong 5 năm tới. Với điều kiện như vậy, khả năng TCB sẽ được định giá lại là ngân hàng hàng đầu Việt Nam.

 

Lợi nhuận quý I của Vinamilk giảm, kỳ vọng các tháng cuối năm khả quan hơn

Sáng ngày 26/4, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk (HoSE: VNM) đã tiết lộ kết quả kinh doanh quý I. Tổng doanh thu đạt 13.241 tỷ đồng, giảm 7% và thực hiện 21,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 2.597 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 23% kế hoạch năm.

 

Nguyên nhân lợi nhuận giảm được lãnh đạo Vinamilk lý giải là sức mua trong tháng 1 tốt nhưng qua tháng 2 dịch bệnh tái bùng khiến sức mua giảm. Trong đó, tiêu thụ nội địa không tăng trưởng và xuất khẩu tăng 8%. Vinamilk kỳ vọng diễn biến thị trường từ tháng 4 đến cuối năm sẽ tốt hơn và bù lại vào doanh số, lợi nhuận để hoàn thành kế hoạch.

 

Năm 2021, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 62.160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 11.240 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và đi ngang so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 11.120 tỷ đồng.

 

CEO Vinamilk cho biết công ty gặp nhiều khó khăn trong năm 2021, ban điều hành trình kế hoạch kinh doanh thận trọng. Chỉ khi Việt Nam có miễn dịch công đồng thì Vinamilk mới vững tâm để thúc đẩy tăng trưởng. Do dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều nơi như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Lào… gây ảnh hưởng đến sức mua, giá cả nguyên vật liệu…

Ban điều hành Vinamilk xác định chiến lược 2021 ngoài việc tập trung vào sản phảm cốt lõi là sữa, củng cố vị thế dẫn đầu còn sẵn sàng cho các hoạt động M&A, ưu tiên tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác với mục đích mở rộng thị phần và tăng doanh số. Công ty tiếp tục thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới với chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang các hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới.

4. Các kênh tài sản đầu tư

Thị trường cần một nhịp nghỉ trong quý 2

Áp lực bán phiên đầu tuần khiến chỉ số VN-Index mất gần 33 điểm, xuống 1.215 điểm – mức thấp nhất từ sau khi lập đỉnh vào đầu tháng 4. Đà giảm lan rộng trên toàn thị trường với thanh khoản duy trì ở mức thấp so với các phiên giao dịch trước đó.

Dư địa tăng trưởng của thị trường trong năm nay vẫn còn, tuy nhiên, rủi ro cũng đang tăng lên. Hiện định giá thị trường cũng không còn rẻ như giai đoạn cuối năm 2020, do đó, để kỳ vọng vào một đợt tăng giá mạnh của thị trường trong những tháng tới là khó xảy ra. Sau đà tăng kéo dài vừa qua, thị trường cần một nhịp nghỉ cũng như chờ đợi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện để kéo mặt bằng định giá về mức hấp dẫn hơn.

Thị trường có sự tăng trưởng mạnh trong một năm trở lại đây, tuy nhiên, tiềm năng thu hút vốn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với dòng tiền nội trong những năm tới còn rất lớn. Điều này thể hiện qua số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tăng vọt lũy kế đạt gần 3 triệu tài khoản -cao nhất trong lịch sử thị trường. Hiện tỷ lệ tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trên số người dân còn thấp mới đạt tỷ lệ 3% dân số.

Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong dân cư, dòng tiền nội tham gia vào thị trường trong thời gian tới, được hỗ trợ bởi những yếu tố sau: triển vọng phục hồi nhanh hơn của kinh tế Việt Nam trong những quý tới; xu hướng tăng trưởng lợi nhuận rõ nét hơn của các doanh nghiệp niêm yết trong những quý tới, từ đó kéo mặt bằng định giá thị trường về mức hấp dẫn hơn; mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp trong lịch sử; các kênh đầu tư truyền thống như vàng ngoại tệ gặp khó khăn, trong khi Chính phủ kiểm soát chặt đà tăng nóng của thị trường bất động sản.

 

———–

DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư

Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn

Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO

Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO

————

Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website: https://www.vndirect.com.vn/

Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ