Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 26.11.2021 | Chỉ số chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh nhất kể từ những năm 1990

Nhận định Thị trường hàng ngày 26/11/2021    80835

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Hàn Quốc nâng lãi suất để chống lạm phát
– BoK được dự báo tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với lãi suất có thể chạm mức 1.5% vào cuối năm 2022, qua đó gia tăng lo ngại về việc liệu các hộ gia đình có thể trả nợ hay không.
– Các chuyên viên phân tích kỳ vọng đợt nâng lãi suất kế tiếp có thể diễn ra ngay tháng 1/2022, trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 3/2022. Lee Jae-myung – ứng cử viên Tổng thống của đảng cầm quyền tại Hàn Quốc – đã cảnh báo về khả năng sụp đổ của thị trường nhà ở khi lãi suất tăng lên. Giá nhà tại Seoul đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua.
– BoK cũng nâng dự báo lạm phát từ 1.5% lên 2% trong năm 2022, qua đó cho thấy nhu cầu nâng lãi suất thêm trong năm tới, giữa lúc áp lực giá cả ngày càng tăng.
– Lạm phát tiêu dùng tăng mạnh nhất trong gần 10 năm trong tháng 10/2021. Nền kinh tế tăng trưởng 4% trong quý 3/2021, nhờ đẩy mạnh xuất khẩu chip, các sản phẩm hóa dầu và cũng nhờ so với mức nền thấp của năm 2020.
– BoK dự báo nền kinh tế tăng trưởng 4% trong năm 2021 và 3% trong năm 2022, ngang với dự báo của tháng 8/2021.
– Áp lực giá cả ngày càng tăng cùng với tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thôi thúc các chuyên gia nâng dự báo về lãi suất. Chuyên viên phân tích giờ dự báo lãi suất chuẩn của Hàn Quốc sẽ chạm mức 1.25% trong quý 1/2022 và 1.5% vào cuối năm 2022.
– Hồi tháng 8/2021, Hàn Quốc trở thành nước lớn đầu tiên tại châu Á bắt đầu nâng lãi suất kể từ khi dịch bệnh ập tới. Trước đó, New Zealand cũng nâng lãi suất lần thứ 2 trong 2 tháng qua và Fed được kỳ vọng sẽ chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm hãm áp lực giá cả.
• Chỉ số chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh nhất kể từ những năm 1990
– Bộ Thương mại Mỹ ngày 24/11 cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo đánh giá lạm phát được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) theo dõi sát sao, đã tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1990 do tình trạng “tắc nghẽn” chuỗi cung ứng. Theo bộ trên, chỉ số PCE trong tháng 10/2021 đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1990.
– Trong khi đó, chỉ số PCE cơ bản, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 4,1% so với tháng 10/2020, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/1991, cao hơn khá nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
– Tuan Nguyen, chuyên gia kinh tế Mỹ tại công ty tư vấn và kiểm toán RSM US LLP, cho biết chỉ số PCE cao kỷ lục sẽ làm gia tăng áp lực lên Fed trong bối cảnh thị trường đang được “ấn định” với các yếu tố chương trình giảm dần mua sắm tài sản với tốc độ nhanh hơn và bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới. Ông dự đoán việc đẩy nhanh chương trình giảm mua tài sản sẽ được nêu ra tại cuộc họp tháng 12 tới, điều sẽ mở ra khả năng về đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến vào khoảng tháng 12/2022, hoặc cũng có khả năng tăng lãi suất sớm nhất là vào tháng 9/2022.

2. Thông tin Việt Nam

• Kiều hối đổ về Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2021 bất chấp đại dịch
– Lượng kiều hồi về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.
– Tổng kiều hối về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tăng 7,3%, lên mức 589 tỷ USD trong năm 2021. Sự phục hồi này cao hơn mức ước tính trước đó và duy trì xu thế vững chắc của năm 2020, khi kiều hối chỉ giảm 1,7% dù đại dịch COVID-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái.
– Kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình (trừ Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ vượt tổng giá trị của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) cộng lại trong năm thứ hai liên tiếp.
– Các nhân tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối toàn cầu bao gồm quyết tâm giúp đỡ gia đình kịp thời của người di cư. Cùng với đó là sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa và chương trình hỗ trợ việc làm. Kiều hối tăng mạnh tại hầu hết các khu vực.
– Kiều hối được dự báo sẽ tăng 2,6% trong năm 2022. Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và kiều hối nói riêng ở quy mô toàn cầu là việc số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại và các biện pháp hạn chế đi lại được tái lập. Bên cạnh đó, việc chấm dứt các chương trình kích thích tài khóa và hỗ trợ việc làm khi nền kinh tế phục hồi cũng có thể làm giảm lượng kiều hối.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Tiếp nối đà tăng của VN-Index ở phiên giao dịch trước đó, thị trường mở cửa phiên ngày 25/11/2021 khá tích cực. Dù có lúc rơi xuống gần mức tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng, nhưng VN-Index nhanh chóng lấy lại những điểm tăng để sau đó vượt mốc 1.500 điểm. Chỉ số vẫn giữ được mức tăng này khi kết thúc phiên sáng với sự hỗ trợ từ nhóm bất động sản và chứng khoán. Bước sang phiên chiều, VN-Index đã có lúc đạt mốc 1.505 điểm nhưng chỉ số đã thu hẹp đà tăng về cuối phiên. Kết thúc giao dịch, VN-Index tăng 11.,94 điểm, đóng cửa phiên vượt qua ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, NVL, VPB và GEX là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Riêng VCB đã góp hơn 2 điểm tăng cho chỉ số này. Trong khi đó, BID, HDB và TCB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với 940 tỷ đồng, giảm 2,5% so với phiên trước. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh nhất mã VPB với giá trị 340 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG, MSN và TCH đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, STB được mua ròng mạnh nhất với 73 tỷ đồng. CTG và VCB đều được mua ròng trên 50 tỷ đồng.
– Chứng khoán là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường trong phiên 25/11/2021. Nổi bật trong nhóm là cổ phiếu BSI, khi kết phiên với sắc tím đầy ấn tượng. Các mã khác như CTS tăng hơn 5%, VCI, SHS cùng tiến trên mức 4%, SSI cũng có cho mình mức tăng trên 3%.
– Nhóm Ngân hàng nhìn chung có sự điều chỉnh trong phiên 25/11 sau phiên tăng mạnh liền trước với HDB (-3%), BID (-1,5%) là trụ cột giảm mạnh nhất trong nhóm trong khi VCB (+2,2%), VPB (+1,2%) ngược dòng tăng giá.
– Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn vẫn đang chiếm vai trò giữ nhịp quan trọng cho thị trường vượt đỉnh, khi nhóm ngân hàng yếu thì thép, chứng khoán và một số mã lớn trong nhóm này lại lên tiếng giúp VN30-Index thiết lập độ cao mới, từ đó giúp VN-Index tiếp tục lập đỉnh, và quan trọng hơn đã bước vượt ngưỡng cản tâm lý 1.500 điểm vào cuối phiên.
– Tổng thể thị trường đang có những diễn biến khá tích cực, mốc kỹ thuật tạo bước cản tiếp theo sẽ là khu vực 1.530-1.550 điểm. Điểm số liên tục thiết lập mức đỉnh mới, nhưng thanh khoản 3 phiên gần đây lại có mức sụt giảm đáng kể so với các phiên điều chỉnh trước đó. Đây là điểm trừ có thể trở thành tín hiệu lo ngại cho động lực tăng điểm, cho thấy thị trường rất có khả năng sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong các phiên giao dịch sắp tới.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• TCB: Techcombank sắp nhận 600 tỷ đồng cổ tức tiền mặt từ TCBS
– Đại hội đồng cổ đông CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 với tỷ lệ cổ tức lên tới 60,08% bằng tiền mặt, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 6.008 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.
– TCBS có tổng cộng 10 cổ đông, với số cổ phần 112,425 triệu đơn vị. Như vậy, số tiền cổ tức mà công ty chứng khoán này sẽ chi trả là khoảng 675 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là ngân hàng mẹ của TCBS sở hữu gần 89% cổ phần. Như vậy, Techcombank dự kiến nhận về khoảng 600 tỷ đồng cổ tức.
– TCBS chính là công ty chứng khoán có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam. Năm ngoái, TCBS lãi sau thuế 2.152 tỷ đồng. EPS 19.153 đồng/cổ phiếu. Phần lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2020 của TCBS ghi nhận 4.832 tỷ đồng. Năm nay, ngành chứng khoán nói chung có một năm thăng hoa. Sau 9 tháng, TCBS báo lãi sau thuế 2.277 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu ngành.
• NT2: Doanh thu bán điện tháng 10 gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 517 tỷ đồng
– Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm. Sản lượng điện giảm 20% so với cùng kỳ xuống 2.631 triệu kWh, tương đương 57% kế hoạch năm. Doanh thu bán điện tương đương cùng kỳ, đạt hơn 4.969 tỷ đồng, thực hiện 64% mục tiêu cả năm.
– Tính riêng tháng 10, sản lượng điện gấp đôi cùng kỳ lên 261 triệu kWH, ứng với 73% kế hoạch tháng. Giá khí bình quân tăng hơn 45% lên 8,09 USD/tr.BTU. Doanh thu bán điện vẫn đạt hơn 517 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, và bằng 84% chỉ tiêu tháng. Công ty cho biết sản lượng và doanh thu tháng 10/2020 thấp do trùng tu mở rộng nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2.
– Cuối tháng10 vừa qua, công ty đã chi trả cổ tức còn lại năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (1 cp nhận 1.000 đồng). Với gần 288 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính số tiền thành toán gần 288 tỷ đồng. Trước đó, NT2 đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 bằng tiền cho cổ đông theo tỷ lệ 10%. Như vậy, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ trả cổ tức năm 2020 bằng tiền tổng tỷ lệ 20%.
– Sang tháng 11, NT2 đặt kế hoạch sản lượng là 430 triệu kWh. Tính đến ngày 16/11, công ty đã sản xuất 103,68 triệu kWh. Sản lượng điện thực hiện trong tháng 11 thấp do công ty tiểu tu nhà máy (ngày 8/11 đã hoàn thành xong) và ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu phụ tải thấp, huy động điện khí bị ảnh hưởng.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall