Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 26.06.2020 – Nhà đầu tư cá nhân thúc đẩy đà tăng của VN-Index nhưng tiềm ẩn rủi ro

Nhận định Thị trường hàng ngày 26/06/2020    1816

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Nhà đầu tư cá nhân thúc đẩy đà tăng của VN-Index nhưng tiềm ẩn rủi ro”

1. Tin vĩ mô quốc tế

Hướng đến chính sách thuế bền vững cho ASEAN

Nghiên cứu “Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN cho thấy các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên hầu hết lại ghi nhận mức thu ngân sách tương đối thấp.

Tỷ lệ thu ngân sách trung bình là 19,1% GDP năm 2018, chưa bằng một nửa so với mức trung bình ở các nước trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thấp hơn khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Điều này là do nguồn thu ngân sách chủ yếu của các quốc gia thành viên ASEAN phụ thuộc vào thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng đang dần mất đi bởi việc cung cấp ưu đãi thuế lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR, những ưu đãi thuế này mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn lớn mà bỏ qua phúc lợi của người dân châu Á. Việc làm này cần phải được chấm dứt.

ASEAN cần đưa ra một danh sách đen về các loại hình ưu đãi thuế không được phép sử dụng; đồng thời tạo một ranh giới rõ ràng và nói không với những thực hành thuế có hại đang gây xói mòn ngân sách quốc gia. Nếu cần thiết, chỉ cho phép áp dụng ưu đãi thuế cho các đầu tư mang lại lợi ích cho người dân và không được áp dụng cho một ngoại lệ nào khác.

Các chuyên gia đều đồng ý, việc tăng thu ngân sách của các chính phủ là rất quan trọng, vì vậy khu vực ASEAN cần sớm có sự điều chỉnh về chính sách thuế để vượt qua các thách thức như tỉ lệ đói nghèo cao, gia tăng bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu, đặc biệt phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19

2. Tin vĩ mô trong nước

Moody’s dự báo nguy cơ tín dụng gia tăng với 5 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 25/6 công bố báo cáo cho biết các biện pháp chính sách của 5 nền kinh tế Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, sẽ làm giảm một số tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng sẽ không thể đẩy lùi những nguy cơ tín dụng và nguy cơ gây suy thoái đang ngày càng gia tăng đối với hầu hết các lĩnh vực.

Cả năm quốc gia này đều hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng sản xuất của khu vực và đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong các dòng thương mại quốc tế, trong khi các lệnh hạn chế đi lại đang đè nặng lên nguồn thu liên quan đến du lịch và lợi nhuận từ xuất khẩu. Cùng lúc đó, giá hàng hóa không tăng đang gây áp lực lên doanh thu của các nhà xuất khẩu. Sự bất ổn của thị trường tài chính đã tạo ra tình trạng thoái vốn trong tháng Ba và tháng Tư, dù việc chính phủ các nước không còn quá phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ sẽ phần nào bảo vệ họ khỏi nguy cơ mất giá tiền tệ.

Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ bắt đầu từ 1/7

Nhằm kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sáng 25/6, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức họp giới thiệu “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 – Vietnam Grand Sale 2020”.

Điểm mới của Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 là các doanh nghiệp có thể cung cấp mức khuyến mãi cho khách hàng lên tới 100% thay vì tối đa chỉ là 50% như theo quy định.

Đặc biệt, nếu không có chương trình Tháng khuyến mại, doanh nghiệp muốn thực hiện chương trình khuyến mãi thì phải đăng ký với Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Xúc tiến thương mại), nhưng thông qua chương trình năm nay, các doanh nghiệp chỉ cần thông báo trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, chỉ mất khoảng 5 phút rất tiết kiệm thời gian, chi phí.

3. Các kênh đầu tư

Nhà đầu tư cá nhân thúc đẩy đà tăng của VN-Index nhưng tiềm ẩn rủi ro

Câu chuyện về kiểm soát dịch bệnh thành công, làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, chính sách thúc đẩy đầu tư công vẫn tạo nên sức hấp dẫn với thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Sau dịch bệnh, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá tốt. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, yếu tố rủi ro đang ở mức khá cao bởi thị trường tăng dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong thời gian vừa qua, có thể vào nhanh nhưng cũng rút rất nhanh khi có biến động mạnh.

Các nhà đầu tư cá nhân là động lực chính cho sự hồi phục mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán thế giới. Bất chấp các công bố tăng trưởng GDP âm trong quý I và triển vọng tồi tệ hơn trong quý II, chỉ số chứng khoán thị trường Mỹ tăng trên 40% từ vùng đáy tháng 3, MSCI châu Âu và Nhật tăng trên dưới 25%, MSCI các thị trường mới nổi tăng hơn 30%. Số tài khoản Robinhood (Mỹ)- ứng dụng giao dịch cổ phiếu dành cho nhà đầu tư cá nhân đã tăng từ 1 triệu (2016) lên 10 triệu tài khoản, trong đó hơn 50% là những người lần đầu tiên tham gia vào TTCK với tuổi đời bình quân chỉ 31 tuổi.

Trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tăng trưởng lành mạnh

Báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy đại dịch COVID-19 tiếp tục kìm hãm các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại khu vực Đông Á mới nổi, khi tâm lý đầu tư trên toàn cầu và trong khu vực xuống thấp còn các biện pháp ngăn chặn gây hạn chế hoạt động kinh tế.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng đi xuống tại hầu hết các thị trường khu vực trong giai đoạn từ ngày 28/2-29/5/2020 trong khi các thị trường vốn cổ phần ở khu vực Đông Á mới nổi bị thua lỗ và các đồng nội tệ bị mất giá so với đồng USD.

Chuyên gia của ADB phân tích hiện chênh lệch tín dụng đã mở rộng đối với hầu hết các thị trường ở khu vực khi các nhà đầu tư theo đuổi cách tiếp cận e ngại rủi ro, với tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại giảm tại phần lớn các thị trường chứng khoán bằng đồng nội tệ của Đông Á mới nổi.

Trong khi một số nước do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã kìm hãm các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ thì tại thị trường Việt Nam trái phiếu bằng đồng nội tệ vẫn tăng trưởng lành mạnh so với quý trước, lên tới 9,5% trong quý 1 và đạt 57,6 tỷ USD vào cuối tháng Ba. Điều này chủ yếu là nhờ tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm trái phiếu Chính phủ, với mức tăng 10,5% trong quý 1 so với quý trước, đạt giá trị 53,3 tỷ USD và chiếm 92,6% tổng thị trường trái phiếu quốc gia.