Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 26.03.2021 – Huyết mạch thương mại thế giới tắc nghẽn ảnh hưởng thế nào đến thị trường hàng hóa

Nhận định Thị trường hàng ngày 26/03/2021    2635

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Huyết mạch thương mại thế giới tắc nghẽn ảnh hưởng thế nào đến thị trường hàng hóa

– Kênh đào Suez dài hơn 190 km, nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải, là tuyến đường thủy ngắn nhất nối châu Á và châu Âu. Đây còn là một tuyến đường quan trọng để các tàu chở dầu ra/vào Trung Đông.
Năm 2019, khoảng 19.000 tàu vận chuyển 1,2 tỷ tấn hàng hóa di chuyển qua kênh đào Suez, tương đương 1/8 tổng giá trị hàng hóa vận tải đường biển trên thế giới cùng năm. Các con số của năm 2020 lần lượt là gần 19.000 tàu và 1,17 tỷ tấn. Kênh đào Suez là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể của Ai Cập.
Suez hiện bị nghẽn bởi tàu Ever Given, tải trọng 220.000 tấn, mắc cạn gần cửa ra phía nam. Hàng loạt nỗ lực giải cứu đều chưa thành công. Nếu không được giải quyết sớm, tình hình này có thể gây ra rắc rối lớn, theo giới chuyên gia thương mại.
– “Một sự trì hoãn dù là nhỏ nhất trong lưu thông cũng có thể dẫn đến ùn ứ và gián đoạn vận tải hàng hóa theo cả hai chiều”, giới phân tích tại S&P Global Platts nhận định. Yếu tố quyết định mức độ nghiêm trọng là thời gian tàu Ever Given được giải cứu thành công.
– Ever Given mắc cạn đúng vào giai đoạn bận rộn của năm nay. Hoạt động thương mại gia tăng sau kỳ nghỉ tết Âm lịch – khi các nhà máy ở Trung Quốc tạm nghỉ.
– Các doanh nghiệp đang tranh thủ bổ sung hàng vào kho với hy vọng các hạn chế liên quan Covid-19 sẽ được nới lỏng trong những tháng tới. Trong khi đó, toàn cầu đang ghi nhận tình trạng thiếu container và quy trình an toàn Covid-19 khiến hoạt động tại các cảng gặp trở ngại.
– Tình trạng tắc đường xuất hiện chỉ vài giờ sau vụ việc. Bloomberg cho biết có 42 tàu hướng về phía bắc và 64 tàu hướng về phía nam đang chờ gần điểm nghẽn. Ever Given càng mắc cạn lâu, con số trên càng tăng. Khoảng 10 triệu thùng dầu và xăng đang trên tàu chờ ở lối vào kênh đào.

Reuters: Biden sắp công bố kế hoạch chi tiêu có thể lên đến 4.000 tỷ USD

– Tổng thống Joe Biden dự kiến đến thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, ngày 31/3, Nhà Trắng thông báo. Pittsburgh là thành phố lao động phổ thông, nơi có Công đoàn Công nhân Ngành thép – đồng minh lâu đời của ông chủ Nhà Trắng. Ông Biden dự kiến thúc đẩy kế hoạch “Build Back Better” (Xây dựng lại tốt hơn) có thể lên đến 4.000 tỷ USD nhằm đầu tư vào đường và cầu, đồng thời đối phó với biến đổi khí hậu, các vấn đề chính sách nội địa như bất bình đẳng thu nhập.
– Kế hoạch được cho là chia làm hai phần. Gói ban đầu để chi cho các dự án giao thông vận tải truyền thống. Gói thứ hai giải quyết các ưu tiên trong nước như chăm sóc sức khỏe trẻ em toàn quốc hay miễn học phí.
– Biden khi tranh cử cho biết ông dự kiến lấy nguồn tiền một phần từ việc bãi bỏ chính sách giảm thuế cho người có thu nhập cao của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump. Phe Cộng hòa tại Thượng viện ám chỉ họ sẽ có thể phản đối kế hoạch còn đảng Dân chủ đang tranh thủ nỗ lực này để thay đổi chính sách trên diện rộng.

2. Tin tức Việt Nam

EVN có thể tiếp tục cắt giảm công suất điện gió ở mức cao do thừa điện

– Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Bộ Công thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam năm 2021. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất đạt 6038 MW.
– Báo cáo của các chủ đầu tư nêu rõ, tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thương mại của các dự án điện gió cụ thể là: 12 dự án đã đưa vào vận hành thương mại, tổng công suất đạt 582MW; khoảng 87 dự án dự kiến tiếp tục vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với tổng công suất là 4.432MW; khoảng 14 dự án không thể vận hành thương mại trước 31/12/2021 với tổng công suất là 1.024MW.
– EVN cho hay, liên quan đến tình hình cắt giảm năng lượng tái tạo, thời gian tới, theo yêu cầu cắt điện đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh, để đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục cắt điện đường dây 500kV, 220kV nằm trong tổng thể cắt điện đấu nối mạch 3 đường dây 500kV, sẽ tiếp tục phải thực hiện tiết giảm các nguồn năng lượng tái tạo.
– Giai đoạn mùa lũ và cuối năm 2021, hiện tượng thừa nguồn sẽ tiếp tục xuất hiện khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn, nhất là vào các dịp lễ, tết. Từ tháng 10/12/2021, khi các nguồn điện gió vào vận hành đủ, cùng với giai đoạn mùa lũ miền Trung – Nam, lượng công suất thừa có thể lớn hơn, với thời gian dài hơn.
– Ngoài ra, EVN nhận xét giai đoạn tháng 7-9/2021 là thời kỳ lũ chính vụ miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiêu nhiệt điện than theo điều kiện kỹ thuật, hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung – Bắc duy trì ở mức thấp.
– Như vậy, nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống sẽ trở nên trầm trọng hơn. Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên đến 3000/6500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần. Dự kiến sản lượng năng lượng tái tạo cắt trong mỗi tháng là hơn 180 triệu kWh.
– EVN thông tin, giai đoạn tháng 10-12/2021 là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500kV cùng với thừa nguồn điện trên hệ thống trong ngày thường hoặc chủ nhật có thể đạt 6.800MW/10.800MW. Dự kiến sản lượng năng lượng tái tạo cắt trong mỗi tháng là 350-400 triệu kWh.
– Đặc biệt, trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành sớm hơn so với tiến độ dự kiến, hoặc các thủy điện đồng loạt xả, lượng năng lượng tái tạo bị cắt giảm còn có thể cao hơn.
– Trước đó, trong tháng 1/2021, loạt nhà đầu tư điện gió cho rằng điện gió đang “chịu thiệt đơn thiệt kép” khi giá bán không hấp dẫn bằng điện mặt trời. Ngoài ra, việc cắt giảm công suất dự án năng lượng tái tạo vừa qua khiến nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.
– Thêm vào đó, nhằm tránh quá tải lưới truyền tải điện, EVN cũng đã tính toán các kịch bản, đẩy nhanh kế hoạch xây dựng, đưa vào vận hành một số đường dây truyền tải như 220 kV Đông Hà – Lao Bảo, Bạc Liêu – Vĩnh Châu… trong quý III hoặc IV/2020. Đại diện EVN đề nghị các chủ đầu tư đã ký PPA phối hợp chặt chẽ với EVN, đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại (COD) trước tháng 11/2021

Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành gỗ giảm 36%

– Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2020, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ giảm cả về số lượng và vốn đầu tư ở cả ba hình thức đầu tư mới, tăng vốn và góp vốn mua cổ phần.
– Cụ thể, về đầu tư mới ngành gỗ tiếp nhận 63 dự án mới với 372,68 triệu USD, giảm 36% về số dự án và 49% về vốn đầu tư so với năm ngoái. Đây là kết quả nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định).
– Các dự án đầu tư vào ngành gỗ này đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu trong danh sách các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc… Quy mô vốn bình quân của mỗi dự án FDI khoảng 5,91 triệu USD/dự án, giảm 19% so với năm ngoái

3. Các kênh tài sản

Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá đối với nguyên liệu hàn có xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan

– Bộ Công Thương vừa quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống phá giá với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Trong đó, dây hàn thép không lõi thuốc từ Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan được đề xuất áp mức 69,24%; 3,37% và 39,81%. Tương tự, mức thuế chống bán phá giá với que hàn inox 308 được phủ chất trợ dung được đề xuất lần lượt ở mức 11,43%; 12,78% và 46,96%.
– Theo đó, những sản phẩm có mã HS (7217.10.10; 7217.30.19; 7217.90.10; 7229.20.00; 7229.90.20; 7229.90.99; 8311.10.10; 8311.10.90; 8311.3091) sẽ bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/3.
– Ngày 11/5/2020, Cục Phòng vệ Thương mại nhận được hồ sơ của CTCP Tập đoàn Kim Tín yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Sau đó, Cục Phòng vệ Thương mại đã thẩm định và có công văn yêu cầu bổ sung, làm rõ một số thông tin, nội dung về căn cứ xác định hành vi bán phá giá cũng như dấu hiệu thiệt hại nặng đáng kể của ngành sản xuất nguyên liệu hàn trong nước.
– Ngày 22/1, Cục Phòng vệ Thương mại nhận được hồ sơ hoàn thiện của bên yêu cầu, trong đó đã bổ sung đầy đủ các thông tin. Cũng theo Bộ Công Thương, thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá là 1/1-31/12/2020 và thời kỳ điều tra để xác định thiệt hại 1/12017-31/12/2020.

4. Câu chuyện đầu tư

MỘT SỐ MẪU SỐ CHUNG KHIẾN NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN THƯỜNG LẠC LỐI SAU MỘT THỜI GIAN ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Sau nhiều năm đầu tư chứng khoán, tôi nhận ra đa số nhà đầu tư sau giai đoạn khởi đầu hào hứng thường mau chóng rơi vào trạng thái lạc lối, mất phương hướng. Điều này thường đến sau khi chúng ta rơi vào trạng thái thua lỗ, dẫn tới tâm lý chán nản và thậm chí không còn muốn nhìn tới bảng giá.
Có một số “mẫu số chung” khiến nhà đầu tư cá nhân thường lạc lối sau một thời gian đầu tư chứng khoán:
1. Chưa chuẩn bị kỹ và chưa nắm các kiến thức cơ bản mà đã vội vàng tham gia giao dịch.
2. Sai thời điểm tham gia thị trường, mua sai cổ phiếu dẫn đến thua lỗ quá nhiều nhưng lại không biết cách xử lý những tình huống như vậy nên dễ dàng từ bỏ.
3. Bước vào chứng khoán với tâm lý “cờ bạc” và lựa chọn cổ phiếu “game” theo “đội lái” hoặc cổ phiếu rỗng ruột và sau đó “sập bẫy”, lỗ nặng. Từ đó, nhà đầu tư càng tin rằng chứng khoán đúng nghĩa cờ bạc và rơi vào trạng thái chán nản.
4. Bạn nghĩ rằng kiếm tiền từ chứng khoán quá dễ nên chủ quan, nhất là khi vào thị trường thuận lợi (Uptrend), ai cũng lãi sẽ dẫn tới mất cảnh giác. Tuy nhiên, khi hưng phấn cao nhất, full margin cổ phiếu và bạn bị những cú chỉnh mạnh cuốn bay sạch lãi và gốc dẫn đến những cú shock, khiến bạn thất vọng, thậm chí từ bỏ việc làm lại từ đầu.
5. Tham khảo thông tin từ quá nhiều nguồn, dẫn tới nhiễu loạn, không chắt lọc được thông tin chuẩn dẫn tới liên tục đưa ra quá nhiều quyết định đầu tư và ngày càng rời xa kế hoạch ban đầu lập ra.
Tôi nghĩ rằng để thành công trên thị trường chứng khoán có nhiều con đường. Tuy nhiên, mỗi con đường đều có những ưu, nhược điểm riêng. Con đường đúng sẽ được định nghĩa đơn giản là hàng năm sẽ tạo ra cho bạn khoản lợi nhuận như kỳ vọng từ đầu năm cùng với rủi ro phù hợp mà bạn chấp nhận được.
Đầu tư chứng khoán giống như bài toán cho 100 người làm và chỉ có 5-10 người giải đúng cách và tìm đúng kết quả cho bài toán đó. Được và mất trên thị trường chứng khoán phải trải qua thời gian lâu dài mới biết. Hãy chuẩn bị mọi kịch bản và bạn sẽ luôn có cách xử lý phù hợp. Bạn sẽ nhận thấy chứng khoán là một kênh đầu tư tốt nếu chọn đúng doanh nghiệp và nắm giữ lâu dài.
Dù vậy, cơ hội và rủi ro luôn song hành. Hãy chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trước khi bước lên đấu trường với rất nhiều trí tuệ đỉnh cao. Dễ mà khó – khó mà dễ!
Hãy bước đi trải nghiệm và sẵn sàng đón nhận thất bại nếu đi sai đường thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng! Thành công sẽ chỉ đến khi bạn trải nghiệm đủ mọi va đập của thị trường thì đó sẽ là thành công bền vững nhất.
Biết giới hạn lòng tham vừa đủ thì ta đã cảm thấy tự do và hạnh phúc đong đầy rồi!

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.